Những tranh luận sôi nổi mấy
ngày qua xung quanh chuyện “thủ khoa chăn lợn” gợi lên trong chúng ta không ít
suy nghĩ.
Trong đó một vấn đề mà hẳn ai
cũng sẽ phải thêm một lần xem xét lại: giỏi kiến thức có đồng nghĩa với “giỏi”,
và nó có phải sự đảm bảo cho thành công trong đường đời? Suy nghĩ này thực ra
không phải chỉ đặt ra ở bậc đại học, mà nó theo suốt các bậc phụ huynh và các
em học sinh bắt đầu từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Ai cũng vậy, có con còn ngồi
trên ghế nhà trường đều có biết bao mối lo – trong đó mối lo lớn nhất là chất
lượng giáo dục. Thực ra thì chất lượng giáo dục dù có thế nào chăng nữa, gốc rễ
của cái lo lắng này nó là việc làm sao cho con mình trở thành “con giỏi con
ngoan” chứ mấy ai quan tâm đến cháu khác học hành như thế nào.
Tất nhiên khi đề nghị một điều
gì đó liên quan đến “cái chung” thì mỗi phụ huynh cũng sẽ hiểu, và tiếp cận vấn
đề từ góc độ, điều này nếu tốt cho con tôi thì cũng sẽ tốt cho tất cả các cháu
khác trong lớp, nhưng đồng thời chính đây lại là nguyên nhân phát sinh xung đột
về quan điểm giữa các phụ huynh với nhau…
Đó chính là câu chuyện mà tất
cả những phụ huynh chúng ta gặp phải trong suốt thời gian nuôi dạy con, cho con
đến trường. Chẳng phải cứ đến buổi họp phụ huynh mới gặp chuyện, mà bất cứ lúc
nào trong năm học chúng ta đều có thể phải gặp chuyện này chuyện khác, nào là
“đề nghị đổi cô giáo” (đặc biệt với các trường dân lập,) nào là đề nghị các cô
dạy thế này, dạy thế kia…
Qua quan sát, tôi nhận thấy một
điều rằng kha khá phụ huynh, trong khi quan tâm đến “chất lượng giáo dục” hay
mong mỏi con mình học giỏi, thậm chí còn hơn cả giỏi, tức là xuất sắc hoặc
thiên tài… thì hầu như không hình dung ra được thực sự, con mình cần được học
điều gì ở trường, ở nhà và ra ngoài xã hội. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm
nay ở lớp con tôi mới ở cấp tiểu học (lớp 3,) các vị phụ huynh đã đặt vấn đề là
các cháu phải được học thế này, thế kia… để chuẩn bị đủ kiến thức cho… vào lớp
10 và thi đại học. Cụ thể hơn, có vị khác còn đề nghị cô giao thật nhiều bài tập
để về nhà các cháu kín thời gian, không có thời gian nghịch lăng nhăng, khó kiểm
soát và đồng thời, học nhiều các cháu sẽ giỏi hơn.
Những năm gần đây, xã hội quan
tâm nhiều đến giáo dục, do đó cũng xuất hiện những sách vở, bài báo… về các nền
giáo dục tiên tiến khác của thế giới. Đặc biệt những mô hình kiểu như thế này
thì rất hút khách: “Mẹ Do Thái dạy con” “Xem trẻ em Đức học hành như thế nào”
“Trẻ em Nhật Bản giỏi…” Nhưng rõ ràng nếu đọc những bài báo, cuốn sách đó…
chúng ta sẽ khó tìm thấy có chỗ nào đó người ta liệt kê xem trẻ em Đức, Do Thái
hay Nhật Bản được bao nhiêu điểm xuất sắc, điểm giỏi… mà có chăng, chỉ có thành
quả là cháu này, cháu kia nhận được một xuất học bổng ở trường đại học danh tiếng
nào đó… Và chúng ta sẽ tưởng như thế là “học xuất sắc” toàn điểm ưu, nhưng lại
quên hoặc không biết một điều là ngoài kết quả học tập trong trường phổ thông,
hầu hết các trường đại học của thế giới đã tuyển sinh bằng một cách rất khác xa
chúng ta.
Đó là đến nay, cùng với toàn bộ
nền giáo dục, chúng ta vẫn tiếp tục hiểu rằng con chúng ta giỏi được đánh giá bằng
kiến thức. Chính vì thế mới có những vị phụ huynh đặt vấn đề là cần chuẩn bị kiến
thức cho các con từ bé để sau này các cháu có nền tảng vững chắc, và chính tôi
mấy năm trước cũng hiểu như thế. Chính do sự hiểu sai này, mà tất cả chúng ta
và cả nền giáo dục trở nên sai lầm và luẩn quẩn.
Hãy cùng nhau nhìn vào trẻ em
các nước tiên tiến về giáo dục kia, qua ngay các bài báo và các cuốn sách chúng
ta có thể tiếp cận được – thì hóa ra là không có chuyện là “Mẹ Do Thái dạy con
lớp 5 học tích phân” hoặc chúng ta sẽ thấy những câu chuyện về nếp sống kỷ luật,
ngăn nắp… đến mức khoa học của học sinh Đức và Nhật Bản. Ai trong số chúng ta
đi ra nước ngoài, gần gần như Singapore thôi, cũng thán phục về cách thức tổ chức
xã hội một cách ngăn nắp và khoa học – liệu đó có phải là kết quả của một nền
giáo dục chú trọng sản xuất ra các thiên tài không?
Ngẫm nghĩ thật kỹ, chúng ta sẽ
thấy “cái đinh” của vấn đề nằm ở chỗ, những nền giáo dục đó chú trọng giáo dục
kỹ năng, đẩy việc đánh giá kiến thức xuống hàng thứ yếu. Trẻ em Nhật Bản kỷ luật
trong xếp hàng lấy bữa sáng, bữa trưa… biết nhường nhịn, biết sắp xếp khoa học
và hợp lý công việc… đó là kỹ năng, không phải là thiên tài gì hết. Con chúng
ta cũng vậy, đặc biệt ở cấp tiểu học, các cháu được học kỹ năng, chứ không phải
mục đích nhồi kiến thức. Cộng trừ nhân chia, vở sạch chữ đẹp, đọc diễn cảm, học
thuộc lòng thơ văn, bảng cửu chương, bảng chia… đều là kỹ năng. Sau này các
cháu lớn hơn, thì mức độ khó của học hành cũng khó hơn, nhưng chủ yếu vẫn là học
các kỹ năng, như kỹ năng giải toán… Nếu cháu nào gặp dạng bài mới, khó… mà tìm
ra được cách giải thì đó là trí thông minh, nhưng sau khi được học dạng bài đó
rồi thì việc giải dạng bài đó sẽ trở thành kỹ năng cho tất cả các cháu.
Cũng không nên hiểu rằng chúng
ta sẽ thủ tiêu việc dạy kiến thức, hay các cháu không cần kiến thức hoặc không
có kiến thức sau quá trình học tập… Người viết bài này không có nguyện vọng gì
trong việc thay đổi chương trình học tập chung, vì thực tế thì ngoài các cháu
có hoàn cảnh quá khó khăn không được đi học, còn thì không cháu nào thất học cả,
và những gì các cháu học theo chương trình chính thức được Bộ Giáo dục ban
hành, đã đầy đủ cả. Điều đó có nghĩa, các con của chúng ta sẽ được trang bị đầy
đủ (nếu như không muốn nói là thừa!) kiến thức về tự nhiên và xã hội. Có điều
là những kiến thức đó là kiến thức sống hay chết, có áp dụng được vào thực tiễn
hay không, lại là chuyện khác.
Đó chính là những câu chuyện
lâu nay chúng ta vẫn nghe, rằng cử nhân thất nghiệp thì quá nhiều, và học đại học
xong ra trường thì “lơ ngơ như bò đội nón,” không biết làm việc. Kiến thức sách
vở chưa đánh giá được giỏi dở, nhưng chắc chắn không áp dụng được bao nhiêu vào
công việc thực tế.
Bởi vì các cháu được dẫn hướng
sai từ các ông bố bà mẹ là chúng ta đang hiểu sai vấn đề, điều các cháu cần
ngoài kiến thức, chính là việc rèn luyện, được giáo dục kỹ năng. Thông qua giáo
dục kỹ năng qua cả một quá trình học tập mười hai năm, rồi đại học… các cháu tự
khắc sẽ có kiến thức. Mà nếu kiến thức nào chưa có, thì các cháu cũng sẽ biết
nhanh chóng tự bổ sung, tự biết phải tìm kiếm ở đâu, ai mà nắm hết được tất cả
những điều có trong thiên hạ bao giờ!
Tôi là người đi làm bao giờ
cũng được đánh giá là giỏi, nhưng nghẫm kỹ, không ai đánh giá kiến thức của tôi
cả, vì có cơ man những điều tôi chưa biết. Nhưng mọi người đánh giá tôi ở khả năng
tìm kiếm thông tin về điều chưa biết, biết cách lục lọi và suy nghĩ tìm phương
án giải quyết vấn đề… và ngay cả những điều đơn giản nhất như khả năng đánh máy
rất nhanh, đủ 10 ngón như một nhân viên văn thư đích thực… Hơn hết thảy, đó là
khả năng sắp xếp công việc khoa học, không bị chồng chéo, không mất công và thời
gian đi lại, đã đi đến chỗ này là phải làm được vài việc ở chỗ đó, mặc dù chúng
thuộc vài đầu việc khác nhau… Đó không phải là thiên tài, mà là kết quả của một
quá trình rèn luyện đến mức khổ luyện.
Cần gạt ra một bên thành quả của
những thiên tài, nhưng hầu hết các nhà khoa học, những nhà phát minh xuất sắc…
cũng đều thành công dựa trên sự khổ luyện và đặc biệt là khả năng sắp xếp công
việc khoa học, chu đáo, ngăn nắp.
Quay lại với cô bé “thủ khoa
chăn lợn”. Ở góc độ kiến thức, với tấm bằng thủ khoa, em được công nhận là giỏi.
Nhưng dường như em chưa được trang bị những kỹ năng vô cùng quan trọng để bước
vào đời, mà trước hết là “đánh giá phân tích thị trường đầu vào, đầu ra…” để
tìm việc, sau đó là kỹ năng phân tích lợi hại, để đưa ra lựa chọn, biết chọn
cái tốt nhất trong hoàn cảnh và hi sinh đi một số thứ khác… Có lẽ do vẫn bám
vào lối mòn “phải vào biên chế” nên em rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ít ra từ góc
độ “học nghề mà không được làm nghề”.
Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến
cô giáo chủ nhiệm của con tôi ở trường tư. Đã có không ít phụ huynh hoài nghi
vì cô còn rất trẻ, mới ra trường chưa bao lâu. Nhưng qua những lần tiếp xúc,
chúng tôi đã thay đổi suy nghĩ.
Trong 3 cô giáo mới được tuyển
về, cô là người duy nhất được đứng lớp ngay năm đầu tiên, không chỉ do tốt nghiệp
loại giỏi, mà còn do tự tin, các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội được trang bị đầy
đủ và phong phú. Hơn nữa việc dám bỏ lại mong ước "biên chế" từ thời
cha mẹ, dám bước chân vào môi trường cạnh tranh của trường dân lập ở Thủ đô xa
nhà, cũng đã là một lựa chọn dũng cảm, độc lập với một cô gái trẻ còn đầy bỡ ngỡ.
Trong một nền giáo dục còn thiếu hụt quá lớn về đào tạo kỹ năng, hẳn những phẩm
chất này chủ yếu do cô tự rèn luyện mà có.
Vậy mới thấy, “thủ khoa chăn lợn”
không chỉ là câu chuyện của riêng ai, riêng trường hợp nào, mà là một dịp để mỗi
chúng ta nhìn lại nền giáo dục cũng như quan điểm về giáo dục của chính mình.
Vì vậy, điều mà con chúng ta cần,
là việc rèn kỹ năng, và điều này không chỉ nằm trong học, hay cần phải học thật
nhiều – mà nó nằm trong việc các bạn nhỏ phải được hướng dẫn học như thế nào.
Các yêu cầu như cẩn thận, thận trọng, tránh sai sót, làm đến đâu chắc đến đó… rất
quan trọng, chứ không hẳn là phải làm được những bài thật khó. Cẩn thận thành
quen, khi đã chắc tay, các bạn nhỏ sẽ đạt được tốc độ làm bài, cũng là một yêu
cầu quan trọng khi bước chân vào phòng thi… Và cũng không chỉ nằm trong học
hành, kỹ năng còn có cả ở khi chơi, và lao động. Rèn các con yêu lao động cũng
sẽ là một bước chắc chắn để đảm bảo thành công của cháu trong tương lai.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
No comments:
Post a Comment