Cô hiệu phó trường Lương Thế Vinh Văn Thùy Dương trả lời phỏng vấn |
Hai vấn đề nổi cộm lại dính đến
hai trường dân lập đã thu hút được quá nhiều sự quan tâm của dư luận thời gian
qua, đặc biệt trên các mạng xã hội. Một trường gây ồn ào vì chuyện tăng học
phí, không phải là điều tôi quan tâm, nhưng sau khi nghe một câu cảm thán của một
phụ huynh thì tôi tìm thấy có điểm chung với câu chuyện của trường thứ hai…
Đó là vấn đề “kỷ luật hay
không kỷ luật” trong nhà trường, khi mà bà mẹ kia thổ lộ: “Em quyết định cho
con em lên lớp 6 không học trường V nữa, vì một phần học sinh trường đó vô kỷ
luật quá. Em không rõ nhà trường quản lý ra sao, thày cô bị dọa đuổi việc nhiều
hay do quan điểm giáo dục mà sinh ra sợ học sinh, học sinh nhờn và rất hư. Nay
con em học trường khác rồi lại xảy ra chuyện tăng học phí này, thật may mắn
quá.” Còn chuyện trường thứ hai, đang “nóng rẫy” các diễn đàn làm cha mẹ chuyện
“chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt,” và tranh cãi cũng chỉ xoay quanh chuyện có
nên áp dụng phương pháp giáo dục kỷ luật sắt, thậm chí đến mức hà khắc vào cho
con em chúng ta hay không?
Bản thân tôi trải qua cả cuộc
đời đi học phổ thông 11 năm (hệ cũ) chỉ có vài năm đầu cấp, và một năm lớp 5 được
thày chủ nhiệm tâm lý, yêu học trò; còn thì các năm khác năm nào cũng là chủ một
bộ sưu tập “bản kiểm điểm,” hầu hết là những lỗi vặt vãnh, nhỏ nhặt. Bản kiểm
điểm nhiều đến mức, mẹ tôi cũng là cô giáo phải than lên rằng “Làm thày cô mà
hơi tí hành học sinh và bố mẹ học sinh bằng bản kiểm điểm như thế, thì là bất lực.
Những lỗi bé tí như thế này thì có gì mà đáng phải kiểm điểm đâu…”
Sau khi ra trường (trung học)
vài chục năm, gặp lại thày giáo cũ, tôi cũng đã thẳng thắn nói với thày về cách
giáo dục hà khắc thày đã áp dụng với chúng tôi, hiện nay không còn phù hợp nữa
và “cách đó học sinh hiện nay chúng nó không chịu đâu…” Nhưng chính thày giáo của
tôi vẫn giữ nguyên quan điểm cũ, và cho rằng “tôi không áp dụng như thế làm sao
các anh các chị thành đạt như bây giờ?” Nghe như vậy, tôi hiểu và tiếc, vì thày
vẫn không hướng được học sinh của mình có được một cuộc sống hạnh phúc, vì thày
vẫn đang nhìn vào địa vị xã hội và số tiền mà học sinh mình kiếm được. Chính vì
vậy mà bản thân thày, không hạnh phúc cũng như rất nhiều học sinh của thày dù
“thành đạt,” vẫn không hạnh phúc.
Tôi muốn kết luận cho bài viết
của mình ở ngay đầu bài viết, rằng dù chọn phương pháp giáo dục nào, điều chúng
ta mong muốn vẫn là con cái chúng ta được hạnh phúc. Chúng cần được hạnh phúc từ
ngay còn ở tuổi thơ, sống trong gia đình, học trong nhà trường, và sau này ra đời
cũng sẽ vẫn được hạnh phúc. Mà để đạt được như thế, bọn trẻ của chúng ta phải
được trang bị đầy đủ cả đạo đức, sức khỏe lẫn tri thức.
Tôi có hai con, cháu đầu khả
năng tập trung kém, nên nếu “căng” một chút, gây sức ép một chút… thì cháu tập
trung hơn, hiệu quả học tập cao hơn. Cháu thứ hai ngược lại, tự có khả năng gây
sức ép cho mình, do đó lại phải giúp cháu tự giảm căng thẳng. Gần đây do tham
gia vào một số nhóm giáo dục cho trẻ, tôi nhận thấy mỗi hình mẫu đều có ưu và
nhược điểm riêng. Cháu thì được chiều quá, sinh ra vô kỷ luật, luôn luôn đặt
mình ra ngoài một cách… vô tổ chức, và cũng không được tập thể chấp nhận. Cháu
khác thì lại bị áp dụng một chế độ hà khắc quá, biến thành rô-bốt và không thể
thể hiện được bản thân, không chủ động, sáng tạo trong bất cứ việc gì.
Quay lại với câu chuyện thày
giáo cũ của tôi, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là ở thời của “thế giới phẳng”
và bùng nổ truyền thông, mạng xã hội len lỏi vào mọi ngóc ngách, chắc chắn
phương pháp giáo dục áp đặt, đến mức hà khắc không thể còn phù hợp. Sẽ đến lúc
chúng ta nhận ra rằng, “dỗ dành ngọt ngào nó còn chưa chắc đã nghe nữa là áp đặt
hà khắc.” Bất cứ chuyện gì, học sinh cũng có thể tìm sự đồng cảm trên mạng xã hội,
mà điều đó thì hại nhiều hơn là lợi, vì bản thân chúng ta là người lớn mà còn
chưa thống nhất được ý kiến, đồng thời còn đầy nghiêng ngả,t thành kiến và nóng
giận, làm sao tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” có cư xử khôn ngoan cho được.
Lại nói chuyện “bản kiểm điểm
như bươm bướm,” cũng thật tình cờ trong câu chuyện với cô chủ nhiệm con trai lớn
của tôi hiện nay, cô nói về đúng chuyện này: có những cháu có thiên hướng năng
động hơn các cháu khác, “tinh hoa phát tiết ra ngoài,” nên sẽ có những biểu hiện
kiểu hiếu động, nghịch ngợm, hay nói tự do (không phải là tăng động, giảm chú ý
đâu nhé!) Cô cho rằng như thế không phải là điều xấu, thậm chí là tốt. Trong cuộc
đời đi dạy của cô, những học sinh như thế sau này dễ thành công hơn trên đường
đời hơn, đặc biệt ở những nghề cần sử dụng ngôn ngữ như dẫn chương trình, phóng
viên…
Có một điều tôi đồng quan điểm
với cô giáo: tôi cũng vậy, chưa bao giờ đánh con, không phải là vì hiền lành
gì, mà cố gắng để dành chuyện đó cho… dịp quan trọng nhất. Điều đó có nghĩa là,
khi bạn áp dụng biện pháp kỷ luật lên học sinh, đặc biệt với những cháu có xu
hướng “năng động” hơn các cháu khác, bạn cũng sẽ phải chuẩn bị tinh thần để áp
dụng cho cháu một bản kiểm điểm khác… và cứ thế, cứ thế… Nếu như ở trường dân lập,
đến khi bản kiểm điểm quá nhiều, có thể sẽ phải đến nước từ chối hợp đồng đào tạo
với gia đình, đồng nghĩa với đuổi học.
Còn thày giáo chủ nhiệm tôi
năm lớp Năm thì mỗi câu nói tự do trong giờ học của học sinh, mỗi trò nghịch ngợm…
thày đều biến thành một… chuyện đùa to hơn, làm cả lớp đều cười vui, và kết quả
là giờ học bao giờ cũng như một buổi sinh hoạt ngoại khóa vui vẻ tuyệt vời.
Mẹ tôi đã tỏ ra là đúng, “làm
căng lên với học sinh như thế, cũng đồng nghĩa với bất lực.” Nhìn lại năm năm học
tiểu học của con trai mình, tôi nhận ra một điều năm nào cô giáo hiền lành, thậm
chí quá hiền, các con rất vui vẻ; nhưng thường cô cũng khó xử lý được những vấn
đề nghiêm trọng xảy ra. Năm nào cô quá nghiêm khắc, đồng nghĩa với những vấn đề
nghiêm trọng xảy ra nhiều hơn nhiều và do nghiêm quá thì cô cũng cứng nhắc, việc
xử lý vấn đề chẳng phải lúc nào cũng ổn thỏa. Chỉ cô nào kết hợp được hợp lý giữa
mềm dẻo và nghiêm khắc, thì kết quả chung của lớp mới thực sự ổn thỏa.
Đến đây tôi nhớ tới trường hợp
“Mẹ hổ” (người Mỹ gốc Hoa) năm ngoái, bằng phương pháp giáo dục hà khắc mà đạt
kết quả, “được cho rằng” là con cái thành đạt hay thành công trong cuộc sống. Từ
góc độ cá nhân, tôi không cho đây là cách nhìn nhận đúng đắn: cuộc sống, xã hội
đâu phải lúc nào cũng phải tranh đấu, chà đạp lên người khác để vượt lên, mà có
biết bao điều tốt đẹp, để sống, để yêu thương. Dạy con biết yêu thương, để có
cuộc sống an vui, hạnh phúc tốt hơn là cố sống cố chết vượt lên đầy thắng thua
như thế.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải
nói lại, trường học là phải có kỷ luật, chứ không phải là cái chợ, mà đến chợ
cũng phải có nội quy của chợ chứ không phải muốn làm gì cũng được. Đây cũng là
điểm gây khó cho cả những người đang “làm giáo dục” lẫn các vị phụ huynh học
sinh. Ít ai có thể hình dung ra ranh giới giữa “hà khắc” và “nhu nhơ” thậm chí
ngay cả những người được gọi là “làm giáo dục” tức mở trường dân lập, cũng khó
thực hiện được rạch ròi. Hay nhất là học sinh tự nguyện chấp hành kỷ luật của
trường một cách vui vẻ - điều này chẳng cứ gì nước ta, mà tôi cho rằng ở đâu
cũng sẽ khó như thế. Tuy nhiên việc xây dựng nếp nghĩ, nếp sống văn minh một
cách vững chắc cho học sinh, thì kỷ luật nhà trường với các cháu sẽ dễ được chấp
nhận hơn.
Tưởng khó, nhưng có một điều
chắc chắn chúng ta làm được, và là điều phải làm là thiết lập sự công bằng. Nếu
như từ góc độ những người “làm giáo dục” mà công bằng, thì dù có hà khắc vẫn cứ
làm cho người khác tâm phục khẩu phục được, còn nếu đã không công bằng thì sẽ
còn gây tranh cãi.
Chúng ta quên hẳn một điều rằng
việc nuôi dạy con, không chỉ đòi hỏi và trông chờ ở nhà trường, mà vai trò chủ yếu
thực ra chủ yếu thuộc về gia đình, và việc giáo dục diễn ra ngoài nhà trường
thì ở nhà và ngoài xã hội, cả hai trường hợp sau thì gia đình đóng vai trò rất
quan trọng. Chính vì vậy, việc thiết lập công bằng còn là điều cần thiết cho mỗi
chúng ta, là các bậc phụ huynh nữa. Chẳng hạn, chúng ta sẽ không thể yêu cầu
con cái không được hút thuốc, khi chính chúng ta cũng hút thuốc… Mấy ngày qua,
theo dõi các diễn đàn, các cuộc tranh luận xung quanh hai trường dân lập, dù
hai vấn đề là khác nhau, nhưng có một điểm chung rất đáng sợ, là quá nhiều vị
phụ huynh phản ứng với “câu chuyện giáo dục” bằng cách chửi bới rất bậy bạ và
có thể nói là tục tằn. Tôi cứ băn khoăn, không hiểu chúng ta mong ước gì ở con
cái, khi chính chúng ta cũng không làm chủ được bản thân. Chắc chắn chúng ta
không mong nhìn thấy chúng cũng tục tằn, thô lỗ như thế. Thường thì chúng ta
hay tự biện hộ là “xã hội nhiều tiêu cực quá,” hoặc cách khác là “khuất mắt
con” chúng có biết đâu mà sợ. Điều này sai – ta đã nghĩ được, nói được, viết được
trên mạng xã hội, thì một ngày sẽ “biểu diễn” trước mắt con cái. Có thể chúng sẽ
ngạc nhiên một chút, nhưng rồi mau chóng “sao chép…” Cách hành xử như vậy là
không công bằng: yêu cầu người khác trong sạch, trong khi chính chúng ta lại
làm bậy.
Mỗi người, phải tìm được cho
chính mình, gia đình, con cái… một con đường phù hợp nhất để đi, còn giải pháp
hoàn hảo thì chắc sẽ không bao giờ có.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment