Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, February 4, 2013

Tháng củ mật


Ngày xưa hồi bé, thường có những vụ trộm vào tháng giáp Tết. Hồi đó quần áo là quý, nhiều khi thấy nắng lên quần áo đèm đẹp đem giặt giũ, phơi phóng. Đêm quên không cất, nhà cửa cổng ngõ thong thống, là mất. Chưa kịp khô, đem vào nhà phơi trong nhà để mai phơi tiếp, cũng mất. Trộm dùng cây sào dài, có cái móc, thò vào trong nhà móc lấy quần áo ra. Nhà mà không có đàn ông, các bà các cô nằm trong giường thấy bóng trộm ở ngoài cửa sổ thò gậy vào khua khoắng, cứ sợ run như cầy sấy mà không dám kêu.

Ngày nay thì trộm ít khoắng quần áo. Và chúng nó có vẻ cũng ít “nhập nha”, “đột” vào nhà dân hơn. Mình có cái xe máy cũ 20 năm tuổi, đi thì còn tốt, nhưng trông hình thức thì dung dúc, tầu tầu, lại có cái ổ khóa chống trộm rõ là chắc. Đi đâu cũng vứt ngoài đường, chẳng thấy thằng trộm nào đoái hoài. Đã thế nếu dựng cạnh cái xe nào khác, phải chọn cái đẹp hơn và dễ lấy hơn, để cho trộm nó chọn cái xe kia mà tha cái xe của mình. Tầm cách đây mười mấy năm, cái xe của mình là đối tượng, nay là những cái dễ bán hơn và giá trị hơn.

Ngày nay thì trộm cắp cũng nhiều hơn trước nhiều, đặc biệt không ai có thể phân biệt được giữa trộm và người ngay, chứ thời bao cấp ngày xưa, nhìn mấy ông “quân khu” là nghi ngay được rồi.

Ngày nay thì chẳng cứ tháng nào, ngày nào cũng là ngày của trộm đạo hết. Nhưng, tháng Chạp âm lịch, “tháng củ mật” – ai chẳng muốn có tiền tiêu Tết? Vì thế nên trộm đương nhiên cũng muốn tiêu pha sắm sửa, cũng cần phải hoạt động mạnh.

Tìm trên mạng thì thấy có người giải thích “tháng củ mật” như thế này:

Xưa các cụ gọi tháng Chạp là "tháng củ mật" bởi tháng ấy nhiều trộm đạo. "Củ" là củ soát, kiểm soát, còn "mật" là cẩn mật, nghĩa là kiểm soát cẩn mật. Đến tháng Chạp này, các quan phủ thường hay nhắc nhở những người dân cần cẩn mật, các tuần đinh phải tăng cương kiểm soát cẩn mật để phòng ngừa đạo chích.

Còn đây là giải thích của Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hòa Bình: 

Cho đến nay, tháng Chạp vẫn được coi là "tháng củ mật". Đây là tháng làm ăn không chỉ của người lương thiện mà của cả người không lương thiện vì cuối năm ai cũng có nhu cầu Tết. Do đó, đạo chích tăng cường tăm tia để có món nọ món kia…

Vụ “Củ soát” và “Cẩn mật” nghe không sướng lắm – tuy nhiên nghe nó có vẻ thuần Việt ra phết! Thôi cũng tạm bằng lòng để nói chuyện “củ mật” đã.

Mình có ông bạn kiêm đệ tử người Trung Quốc, nhà ở Bằng Tường, Quảng Tây. Hàng năm cứ mấy tháng trước Tết nó vào vụ nút, chai, nhãn… toàn Johnie Walker các màu, rồi J&B, rồi Chivas… ấy thế mà giàu. Các loại “phụ kiện” đó bán sang Việt Nam để người ta pha chế thành rượu ngoại bán cho chính đồng bào sính ngoại, mê rượu sang nhà mình. Chưa hết, ngay bên kia biên giới có hàng xưởng pha chế rượu quy mô khá lớn để “sản xuất” rượu ngoại “xuất khẩu” sang Việt Nam. Mấy năm nay, biên giới phía Bắc các lực lượng hải quan biên phòng và quản lý thị trường làm chặt, những xưởng này di chuyển, sang “đầu tư” ở gần các cửa khẩu biên giới Việt – Lào; vẫn của những ông chủ Trung Quốc đó thôi: cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên), Cầu Treo (đường 8 Hà Tĩnh), Cha Lo (đèo Mụ Giạ Quảng Bình). Chú “cán bộ đường lối” của mình có gia đình mẹ nuôi trong Hương Sơn Hà Tĩnh, trước Tết năm nào cũng lượn vào một vòng, và năm nào cũng hỏi “Anh có nhu cầu đi biếu Tết ai không? Em “múc” cho anh một thùng Giôn nhé? Màu nào cũng được, cứ 70 nghìn một chai” (Giá đó là Tết Nhâm Thìn 2012).

Điểm mặt xong bọn móc túi đầu tiên – bọn rượu ngoại giả.

Lượn một vòng chợ hoa Hàng Lược, rồi quanh ra phố bánh kẹo Hàng Buồm, ngang qua mấy hàng mứt Hàng Đường… vẫn nhẵn mặt mấy con mụ móc túi mặt tai tái, mồm miệng thâm xì. Càng gần Tết, càng hoạt động dữ dội. Mà chẳng hiểu sao, công an dân phòng biết cả, mà cứ làm ngơ cho bọn họ hoành hành. Khổ nhất là mấy ông Tây bà Tây sang Việt Nam xem Tết, nó móc sạch giấy tờ, mặt méo xệch.

Những năm trước, Tết cũng là “vụ” của dân rờ-tút-sê: xe máy, tivi, giàn âm thanh… và sau là cả ô tô, điện thoại di động đắt tiền. Ai cũng có nhu cầu sắm sửa diện Tết, và thế là tháng Chạp “củ mật” cũng là tháng kiếm ăn của giới mông má.

Có một nghề mà thời bố mẹ mình bé tí, thời Pháp thuộc, người ta gọi là nghề “hút máu”: cầm đồ, cho vay nặng lãi. Tháng “củ mật” cũng là tháng mà những người làm cái nghề này kiếm chác ác luôn. Người không kiếm được tiền, thương vợ thương con vẫn muốn cho gia đình có cái Tết, lại phải lục lọi xem có món đồ gì đáng tiền, đem ra tiệm. Ra Giêng, có được món nào thì đi chuộc về.

Ôi cái khổ, muôn đời vẫn thế - như dòng đời vẫn cuồn cuộn chảy mà chẳng mấy khi mang theo đi được nỗi khổ của con người.

Có một nghề, càng gần Tết, càng ế. Đó là nghề của mấy cô gái bán hoa. Cạnh nhà có mấy dãy nhà trọ mà khách phần đông là các nàng ca-ve thuê ở. Mình lúc đầu thì e ngại, nhưng sau thì quen dần, nói chuyện thấy họ cũng chẳng đến nỗi nào – cô nào cũng có tâm sự uẩn khúc riêng cả, và khá thật lòng, nhìn thẳng vào sự thật: bọn em lười đi làm, nên nghề này “dễ chịu” hơn… Hầu hết đều có gia đình phải lo, hoặc bố, mẹ, có khi cả con nhỏ. Hầu hết phàn nàn, tháng “củ mật” là tháng ế, đói hơn các tháng khác. “Anh tưởng là tháng cuối năm người ta “giải đen” nhiều hơn?” “Không anh ơi, người kiếm được tiền người ta càng tham, càng mải kiếm, mà đang son giải đen làm gì? Còn người không kiếm được thì tiền đâu ra mà “giải” ?” - Ờ, cũng có lý! Lại nhớ chuyện “Ngựa người người ngựa” cô bán hoa với anh xe tay đêm Giao thừa.

Hôm trước đi tắc-xi. Cậu lái tắc-xi rón ra rón rén – “Hôm trước em vừa bị “dính” một phát đè vạch anh ạ, khiếp, “tháng củ mật” CSGT ra đường đông thế, “vặt” bọn em như điên! Em vẫn còn bị giữ bằng đấy. Cứ dính hai ba phát như thế thì mất Tết à!”. Nghe mà hoảng.

Sang nay từ văn phòng, cô bé quản lý ở đó mách ngay: “Có hội chữ thập đỏ Quận đến xin tiền anh ạ. Mà sao họ thính thế, trước mình ở chỗ khác họ biết đã đành, nay vừa đến đây chưa được một tháng đã biết mà đến!” Lúc sau kể thêm “Anh ơi, đoàn này, đoàn kia đến kiểm tra!”.

Chẳng nhẽ lại chửi đổng?

Gần trưa mới sực nhớ ra điện thoại vẫn chưa bật. Bật lên thấy tổng đài báo một đống các cuộc gọi nhỡ. Tra danh bạ ra thì thấy nào là của Đồn CA xã, nào là của CA Huyện… à, mình có cái căn hộ chung cư cho anh Hàn xẻng thuê, “đến hẹn lại lên”, tới tháng “củ mật” lại xin tiền đây mà – đã thế ông mày tắt điện thoại tiếp cho khỏi gọi. Ra Giêng tính!

Suy cho cùng, ăn trộm móc túi, còn là muỗi. Ăn trộm ăn cắp thì đúng là ăn trộm ăn cắp, còn bằng tỉ lần những cái kẻ ăn cướp trắng trợn mà vẫn rao giảng tô hồng tự ca ngợi.

Kinh hoàng hơn nữa là những thằng “ăn cắp theo nghĩa bóng” như thế, chúng ăn cắp càng ngày càng to! 

No comments:

Post a Comment