Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, September 8, 2014

Có thể chúng ta chưa để ý… thì bây giờ để ý! – 5

Một. “Toán loạn” hay “tán loạn”? Trên diễn đàn của “gacsach chấm gì đó” có tranh luận “Toán loạn” hay “tán loạn”? – nhìn chung là một bạn Facebook của mình là người điều hành diễn đàn đó, cho rằng “toán loạn” dù nhiều người dùng, nhưng sai chính tả. Mình cho rằng, nó không sai chính tả, mà là sai, sai hẳn hoi, sai từ cách viết lẫn cách đọc, và là nhầm lẫn về âm.

Đầu tiên giở “bửu bối lâu năm” ra tra – thì ở trang 701, cột đầu tiên bên trái, mục từ thứ sáu từ trên xuống, “tán loạn” có nghĩa là “tan tác lộn xộn”; còn “toán loạn” thì không có trong từ điển. (Từ điển tiếng Việt, - nhà xuất bản Khoa học xã hội 1977) Nhưng mà ngờ ngợ, hình dư thằng cha “tán loạn” này là từ Hán Việt. Nào thì tra tiếp từ điển Hán Việt, thì “tán loạn” – không có; ơ hay nhỉ? Hóa ra, nó có một từ là “tạp loạn” [紮乱 záluàn] nghĩa là “lộn xộn, bừa bãi”. Chắc hắn là gốc của “tán loạn” Hán Việt đây! (Từ điển Hán Việt của Trương Văn Giới và Lê Khắc Kiều Lục, nhà xuất bản Khoa học xã hội  2004, trang 1099, cột thứ hai, mục từ thứ mười từ trên xuống thuộc [] nghĩa là “tạp, hỗn tạp, lộn xộn”, mục nghĩa thứ hai).

“Tán loạn” sang tiếng Việt ngoài nghĩa Hán gốc còn có nghĩa là “tan tác” nữa, hay ra phết. Theo Phan Văn Các thì “tán loạn” có nghĩa là “tan tác, lộn xộn” (Từ điển Từ Hán Việt, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh 2003, trang 354).

Hai. Còn có một từ nữa có nghĩa gần gần như “tán loạn”, đó là “linh tinh”. Chữ “linh” ([ - líng]), như ta hay nói “một trăm linh mấy” (nghĩa là lẻ, số lẻ) cũng chính là nó đấy; cũng có nghĩa là lộn xộn, rối bời, “linh tinh”. Mục từ “linh tinh” [零星língxing] có nghĩa gốc là “vụn vặt, số ít còn lại” (Từ điển Hán Việt đã dẫn, trang 548 cột hai, mục từ trên cùng).

Ta thì hay nói: “Linh ta linh tinh”, hì hì… Theo Phan Văn Các thì “linh tinh” có nghĩa là “vụn vặt” (Từ điển Từ Hán Việt, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh 2003, trang 249).

Ba.Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan” (Chị tôi – Trần Tiến). Hôm trước có bạn viết status về cô giáo cũ rất cảm động, nhưng có một câu “Về cuộc sống riêng, cô đa đoan lắm.” Băn khoăn quá, tìm tra trong từ điển… “Đa đoan” nghĩa là “lôi thôi, rắc rối” (“Cơ trời dâu bể đa đoan” – Kiều) - (Từ điển tiếng Việt, - nhà xuất bản Khoa học xã hội 1977, trang 257 cột giữa, mục từ thứ ba từ trên xuống). Tra từ điển Hán Việt đã dẫn thì có “đa” [duo] nghĩa là “nhiều”; có “đoan” [ - duan] nghĩa là “đầu mút, bắt đầu, hạng mục” (còn có nghĩa “đoan trang, đoan chính” nhưng chúng ta không đề cập ở đây). Trong cuốn từ điển hạn chế của mình cả Hán Việt lẫn Việt Hán, không có “đa đoan”, như vậy gốc từng từ có thể là Hán Việt, nhưng “đa đoan” có thể là một từ “sáng tạo Việt”. Vậy thì ở đây cần hiểu “đa đoan” là “lắm mối, phức tạp, rắc rối”, rất dễ dẫn đến “gian truân, vất vả”. “Đa đoan” thường được dùng cho phụ nữ, không dùng cho đàn ông. Theo Phan Văn Các thì “đa đoan” có nghĩa là “lôi thôi, rắc rối” (Từ điển Từ Hán Việt, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh 2003, trang 130).

Chữ “đoan” này còn trong từ “dị đoan” [异端 - yìduan], Từ điển tiếng Việt giải nghĩa là “điều mê tín quái gở” (sách đã dẫn, trang 245, cột 3 mục từ 8 từ trên xuống). (Còn theo Theo Phan Văn Các thì “dị đoan” có nghĩa là “điều mê tín quái gở” (Từ điển Từ Hán Việt, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh 2003, trang 119).

Do đó mình sẽ đề xuất với bạn kia nên sửa câu viết về cô giáo của mình là “Cuộc sống của cô đa truân lắm” – vì sau đó có thông tin là chồng của cô vẫn giúp đỡ cô bán hàng, nghĩa là về quan hệ cuộc sống gia đình của cô, hoàn toàn bình thường.

Bốn. “Tiền là trước, hậu là sau”, bậc cha chú đi trước, thì là “tiền bối”, trong đó chữ “bối” [ - bèi] có nghĩa là “vai, lứa, lớp, thế hệ”. Tiền bối, là thế hệ đi trước. Đối nghĩa với nó, “thế hệ đi sau” Việt Nam ta thường dùng từ “hậu bị” [hòubèi], nhưng từ này trong từ điển Hán Việt đã dẫn có nghĩa là “dự bị, dự trữ”, còn từ “hậu bối” (đồng âm) [ hòubèi] thì có nghĩa là “con cháu đời sau, thế hệ sau, thế hệ trẻ, lớp dự bị”. Xem lại chữ “bối” trong chữ Hán còn có chữ “bối” [ bèi], nghĩa là “lưng, mặt sau”. Nếu hỏi các bác sỹ (Việt Nam) thì hầu như tất cả đều nhớ khi học trong trường Y, “hậu bối” là một bệnh nhiễm trùng ở lưng, còn thày giáo dạy văn cấp ba của mình thì giảng “hậu bối” là cái nhọt sau lưng… Tra “Từ điển tiếng Việt” (NXB KHXH Hà Nội 1977) thì “Hậu bị” (mục 8 từ trên xuống, cột giữa) có nghĩa là “Để dùng về sau, để bổ sung” còn dưới đó 2 mục, ở mục 10, “hậu bối” có nghĩa là “Nhọt bọc nổi lên ở lưng theo đường xương sống” (trang 372). (Phan Văn Các đưa ra định nghĩa giống hệt “Nhọt bọc nổi lên ở lưng theo đường xương sống”, sách đã dẫn trang 184, dẫn chữ “bối - “bối” [ bèi], nghĩa là “lưng, mặt sau”; ngoài ra ông còn đưa nghĩa nữa là “lớp người đi sau (từ dùng khiêm tốn)” đó là chữ “bối” [ bèi] ta đã đề cập đầu tiên trên đây). Trước đó, Phan Văn Các liệt kê “hậu bị” [hòubèi], nghĩa là “Để bổ sung, để dùng về sau” (sách đã dẫn trang 184).

Như thế, trong tiếng Việt nếu nói “Đoàn thanh niên là đội hậu bị của Đảng” thì đúng, nhưng nếu dùng từ “hậu bối” (kiểu Đảng là “tiền bối” của Đoàn) thì nhiều khả năng bị hiểu thành “Đoàn thanh niên là cái ung nhọt sau lưng của Đảng” he he… Đôi lời ba lăng nhăng với các bạn lều… í lộn, nhà báo chú ý khi dùng từ.

P.S.1 Cuốn “Từ điển Từ Hán Việt”, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh 2003 của Phó giáo sư Phan Văn Các, nguyên viện trưởng Viện Hán Nôm có các nghĩa từ giống y như trong cuốn “Từ điển tiếng Việt” - nhà xuất bản Khoa học xã hội 1977, nhưng phía sau có thêm phần tra chữ Hán (giản thể) theo âm Hán Việt khá tiện. Nghĩa là nếu như mình mà soạn cuốn này, cũng sẽ lên phương án một cách “khoa học” của thày Các, là đem cuốn “Từ điển tiếng Việt”, bỏ sạch bách các từ thuần Việt đi, chỉ giữ lại các từ Hán Việt thôi và bổ sung phần tra cứu chữ Hán đằng sau là xong, ngon như ăn ớt! hì hì… Trước mắt vẫn phải giữ dùng cả hai cuốn, tra cuốn của cụ Các nhanh hơn với việc tra mặt chữ Hán.

P.S.2 Chắc là phải mua cuốn “Từ điển Hán Việt” của Thiều Chửu chứ cứ nho nhoe như thế này chắc mấy cuốn bé tí đang dùng không đủ từ, đủ nghĩa, nhất là với trường hợp “đồng âm khác nghĩa”.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment