Tháng Năm năm
ngoái, Nga và Trung Quốc đã ký một hợp đồng khí đốt hàng “khủng” cả về thời
gian lẫn giá trị - kéo dài đến 30 năm và 400 tỷ đô-la Mỹ. Hợp đồng được giao
cho hai tập đoàn lớn của hai bên ký kết và thực hiện; Gazprom của Nga và Tập
đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) mà nội dung chính của nó là hai bên sẽ
hợp tác xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tới vùng Đông Siberia của nước Nga để
cung cấp cho Trung Quốc.
Khi hợp đồng
này được ký, nó đã gây nhiều chú ý của dư luận quốc tế, cả về việc hai nước này
đã bắt đầu bàn thảo khá lâu (khoảng 3, 4 năm) và đến thời điểm ký kết, thì lại
đúng vào lúc nước Nga bị cho là can dự vào những sự kiện ở Đông Ukraine và nhất
là sáp nhập bán đảo Crimea đã dẫn đến việc các nước Phương Tây áp đặt lên nước
này những lệnh trừng phạt tạo nên tình thế bị cô lập đáng kể. Hợp đồng khí đốt
5/2014 làm người ta đặt câu hỏi, phải chăng nước Nga đã tìm thấy một đồng minh
khăng khít hơn “hơn cả kinh tế” tiến tới thành lập một liên minh mang tính chiến
lược làm cực đối trọng với cực kia của Phương Tây?
Nhìn lại thời
gian năm 2011 là năm mà dự án đường ống dẫn dầu Đông Siberia – Thái Bình Dương (East
Siberia –Pacific Ocean hay ESPO) vốn được bàn thảo từ trước đó, đã bị gác lại
không biết đến bao giờ tiếp tục được đưa lên bàn đàm phán. Những khó khăn của dự
án như nhu cầu cần vốn vay ứng trước từ người mua hàng là Trung Quốc; nhưng sự
độc quyền của Gazprom vốn là tập đoàn khá nổi tiếng về độ trì trệ đã không có
được sự hăng hái cần thiết đã làm cho hợp đồng này gần như không có cơ hội tiến
triển. Một mặt là nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc với nền kinh tế khát
năng lượng, nhưng mặt kia là một nước tập trung vào nền kinh tế khai thác – mà
đại diện là Gazprom độc quyền ở cả hai đầu, khai thác và phân phối đã trở thành
một mâu thuẫn lớn về thị trường năng lượng khu vực. Cư xử theo kiểu một mình một
chợ, Gazprom nhiều lần tìm cách ngăn cản các đối thủ như BP hay công ty con của
nó là TNK-BP để xuất khẩu khí đốt từ những mỏ của mình tại Kovykta (ở bắc vùng
Irkutsk) đến thị trường Đông Á, với lý do là khí đốt được bán chỉ được người
mua sử dụng vào mục đích dân sinh. Tương tự như vậy năm 2007, khi ExxonMobil bày
tỏ sẵn sàng bán cho Trung Quốc khí đốt từ mỏ Sakhalin-1 (một trong những mỏ hình
thành sau khi khí đốt được phát hiện trên đảo Sakhalin), Gazprom đã ra lệnh áp
đặt giá bán theo đúng thị trường, do đó gián tiếp bác bỏ thỏa thuận này. Trong
khi Gazprom yên ấm với vị thế độc quyền, Trung Quốc đã ngấm ngầm xây dựng chiến
lược dự trữ khí đốt từ năm 2003, bắt đầu đàm phán những giao dịch lớn với
Australia, Saudi Arabia, Kazakhstan và Iran. Có thể kể một hợp đồng Trung Quốc
thỏa thuận với một Tập đoàn quốc tế để xây dựng một hệ thống ba đường ống dẫn
khí đốt lớn từ Tân Cương về Thượng Hải gọi là “Đường ống Tây – Đông”. Hệ thống
này có thể vận chuyển 17 tỷ mét khối khí đốt một năm, qua 10 tỉnh (hoặc khu tự
trị, thành phố) của Trung Quốc là Tân Cương, Cam Túc, Ninh Hạ, Thiểm Tây, Sơn
Tây, Hà Nam, An Huy, Giang Tô, Thượng Hải và Triết Giang. Theo hợp đồng này,
Trung Quốc có được quyền sở hữu thêm cổ phần trong những mỏ sẽ được phát hiện
thêm ở vùng lãnh thổ thuộc Trung Á của nước này ngoài những cổ phần hiện có.
Như vậy, đã được hơn một thập niên, Trung Quốc tìm cách “bỏ qua” nước Nga mà
tìm đường sang Phương Tây trong chiến lược năng lượng của mình.
Cho đến năm
2006, đường ống khí đốt sang phía Đông để bán cho thị trường này – Trung Quốc,
Nhật Bản và cả “khách hàng cấp thấp hơn” là Hàn Quốc đã trở thành mối quan tâm
lớn của chính sách đối ngoại thương mại Nga. Những nhu cầu về kinh tế trên thực
tế đương nhiên là sẽ có những ảnh hưởng lớn đến quyết sách chính trị. Vùng Đông
Siberia của Nga vốn được dự báo là giàu có về tài nguyên dầu khí chưa được thăm
dò đầy đủ, nhưng với những mỏ dầu khí đã được phát hiện, thì chúng quá phân tán
và nhu cầu dân sinh về năng lượng trong khu vực lại rất hạn chế. Việc phát triển
dầu khí của khu vực này do đó còn rất nhiều khó khăn không dễ khắc phục chủ yếu
là từ hạ tầng kỹ thuật có thể nói chưa có gì. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng
tăng lên, được ghi nhận vào giai đoạn 2003 – 2008 khi mà hai đối tác Trung Quốc
và Nhật Bản đều cạnh tranh với nhau trong việc bàn luận với Nga để xây dựng được
đường ống khí đốt về Viễn Đông theo đúng như nhu cầu của mình. Đây là giai đoạn
nước Nga đang hưởng lợi về dầu khí, nên khá thận trọng trước những thỏa thận nhận
vốn đầu tư xây dựng đường ống bán khí cho hai nước này. Từ 2008 trở đi, quan hệ
Nga – Nhật Bản trở nên căng thẳng hơn, từ việc Nga tước bỏ quyền sở hữu của các
công ty dầu khí Nhật ở Sakhalin-2, quan hệ Nga – Nhật vẫn chưa được tháo gỡ những
bất đồng xung quanh quần đảo Kuril và việc Tokyo thắt chặt liên minh với
Washington… và đối tác chính của Nga chỉ còn lại Trung Quốc. (Hợp đồng năng lượng
lớn nhất của Nga với Nhật Bản đến nay chỉ là hợp đồng giữa Sakhalin Energy ký với
Công ty Khí đốt Osaka và các công ty Nhật Bản luôn coi các đối tác Nga là kém
tin cậy với một môi trường đầu tư ít hấp dẫn.)
Về lĩnh vực dầu
thô, năm 2009 từ Bắc Kinh, đã có một khoản vay trị giá tới 25 tỷ đô-la Mỹ cho
hai công ty Nga là Rosneft và Transneft, hai công ty sẽ tiếp tục thăm dò, vận
chuyển dầu khí bán cho Trung Quốc, và sau đó sẽ là dự án xây dựng đường ống dẫn
dầu và khí. Được thiết lập vào năm 2011, ESPO dự kiến sẽ cung cấp cho Trung Quốc
theo kế hoạch đến 2031 là 15 triệu tấn dầu thô một năm với một giá rất hời.
Về khí tự
nhiên, tình hình không được thuận lợi như vậy. Đến năm 2007 các công ty Nga như
Gazprom, Rosneft và Transneft đã thành công trong việc đẩy các công ty dầu khí
nước ngoài ra khỏi vùng lãnh thổ Châu Á của nước Nga và xây dựng một kế hoạch
chi tiết cho việc độc quyền của các công ty Nga trong thăm dò, khai thác và bán
khí đốt từ vùng này. Tuy nhiên kế hoạch này đã không được thực hiện đúng tiến độ
và cả nội dung, do đó Nga đã đánh mất phần nào lòng tin của hai đối tác Nhật Bản
và Trung Quốc. Trung Quốc vì con đường vận tải dầu khí của mình vẫn đi qua eo
biển Malacca, vốn có thể bị phong tỏa bất cứ lúc nào bởi lực lượng Hải quân một
nước khác như Hoa Kỳ nếu có xung đột quân sự; thì luôn phải giải bài toán năng
lượng riêng cho mình. Chính vì thế mà đến năm 2010, Trung Quốc đã hoàn thành được
đường ống dẫn khí đốt từ Turmenistan và thậm chí còn đạt được kết quả là từ
2012 họ sẽ được cung cấp từ Turmenistan 40 tỷ mét khối khí một ăm và có thể đạt
mức từ 60 đến 65 tỷ mét khối một năm trong tương lai.
Từ năm 2009
Nga và Trung Quốc đã công bố về một thỏa thuận việc cung cấp khí đốt cho Trung
Quốc từ hai vùng của Nga: Tây Siberia khoảng 30 tỷ mét khối và Đông Siberia khoảng
38 tỷ mét khối một năm. Nga tính toán việc cung cấp có thể thực hiện được từ
khoảng năm 2014 – 2015 nhưng hai bên còn tồn tại bất đồng, chủ yếu là về giá cả.
Trong khi Nga thì muốn bán cho Trung Quốc khí đốt giá tương đương giá bán sang
Châu Âu, thì Trung Quốc lại mặc cả một giá bán thấp hơn khá nhiều. Không chỉ
mua được khí đốt từ các nguồn Trung Á và Australia, Trung Quốc còn bắt đầu tính
toán đến dự trữ dầu khí đá phiến trong nước của mình. Hơn nữa, để đảm bảo sẽ
không bị phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nước ngoài trong tương lai, nhất là
nguồn Nga, trong năm này Trung Quốc đã mua 30% cổ phần khai thác và kinh doanh
dầu khí của Công ty Gaz de France Suez.
Trong quan hệ
với Nga, điều quan tâm chính của Trung Quốc chính là những vùng dầu khí
Sakhalin và Đông Siberia, còn Tây Siberia và những vùng cận Trung Á khác, thì họ
dành cho sự quan tâm thấp hơn. Tuy nhiên, để phát triển dầu khí vùng Đông Siberia
của nước Nga cần rất nhiều vốn đầu tư, và Trung Quốc như một “tay chơi” sẵn
sàng đặt tiền và thậm chí sau đó có được cổ phần trong các dự án, nhưng Nga thì
không dễ để Trung Quốc “thò chân” vào như vậy. Không chỉ quan tâm đến dầu khí
Sakhalin, Trung Quốc còn muốn độc quyền mua dầu khí vùng này của Nga, gạt Nhật
Bản và Hàn Quốc ra khỏi cuộc chơi. Lợi dụng quan hệ Nga Nhật xấu đi, Trung Quốc
không nhượng bộ Nga về khoản vay ứng trước và nhất là về giá mua khí đốt. Nếu dầu
khí Sakhalin-2 được bán cho Trung Quốc thay vì cho Nhật và Hàn Quốc, cũng đồng
nghĩa với việc sản phẩm dầu khí của vùng này không sang được với Châu Âu. Trong
khi đó “Dự án Phương Đông” của Gazprom được lập năm 2007, khai thác dầu Đông Siberia
thì chẳng thực hiện được là bao. Chiến lược của nước Nga là đến năm 2020 dầu
khí vùng Viễn Đông hướng tới thị trường Châu Á – Thái Bình Dương có thể tăng
trưởng được từ 3 đến 10%; nhưng những khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu vốn và
công nghệ.
Năm 2008 do
cung không đủ cầu, đơn cử sản phẩm của Sakhalin-1 cũng không thể đủ đáp ứng cho
thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, thị trường trong nước cũng như Châu Âu đều
“khát,” Gazprom đã “hy sinh” Trung Quốc. Với vị thế là người cần mua hàng,
Trung Quốc tiếp tục “cầu cạnh” Nga để mua được khí đốt. Tháng Năm năm 2011 Chủ
tịch Trung Quốc lúc đó là ông Hồ Cẩm Đào đã sang thăm Nga mà một trong những nội
dung làm việc của ông, là thỏa thuận mua khí đốt. Tưởng chừng Trung Quốc đã nhượng
bộ Nga, chủ yếu là về giá (tháng Tám 2011, giá bán chênh lệch đàm phán là khoảng
100 đô-la Mỹ cho 1000 mét khối, Nga muốn bán với giá 352 đô-la – tương đương
giá bán sang Châu Âu còn Trung Quốc thì đề nghị được mua với giá 235 đô-la),
nhưng cuối cùng thì thỏa thuận vẫn không đạt được. Không chỉ về giá, hai bên
còn không thống nhất được với nhau về nguồn khí đốt: Nga thì muốn bán cho Trung
Quốc khí đốt từ Tây Siberia, còn Trung Quốc thì muốn Nga bán cho mình khí đốt từ
Đông Siberia và cung cấp vào vùng Đông Bắc công nghiệp phát triển của mình.
Hết phần 1
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment