Tiếp theo bà Angela
Merkel thì Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông John Kerry là người quan trọng thứ hai của
Phương Tây đến Nga vào ngay sau dịp nước Nga tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 70 Ngày
Chiến thắng vĩ đại trước chủ nghĩa phát-xít – có thể nói lần kỷ niệm lớn nhất
và hoành tráng nhất trong lịch sử nước Nga hậu Xô-viết.
Điều đáng chú
ý là chuyến thăm của hai nhân vật phương Tây này tới Nga trong bối cảnh các
nguyên thủ phương Tây, không có ai nhận lời tới Mátxcơva để tham dự Lễ kỷ niệm
Chiến thắng – điều đó cho thấy quan hệ của Nga với thế giới Phương Tây xuống thấp
nhất trong thời kỳ hậu Xô-viết và nhất là trong giai đoạn cầm quyền của V.
Putin. Bà Merkel lần này sang Nga đã đến viếng Ngọn lửa chiến sỹ vô danh, những
người lính Xô-viết đã ngã xuống cho hòa bình của nhân loại rồi mới hội đàm với
Putin. Theo truyền thông quốc tế thì nội dung bàn thảo của hai người đứng đầu
Nhà nước vẫn xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Chuyến viếng thăm của bà thủ
tướng Đức tới Nga trong hoàn cảnh này được coi là hợp lý, vì nước Anh thì đang
bận bịu với cuộc bầu cử của mình còn nước Pháp lại có cái nhìn mới sang Mỹ
La-tinh… Duy trì quá lâu một cuộc trừng phạt cấm vận từ phía Phương Tây đối với
Nga, thì người bị ảnh hưởng trực tiếp, vẫn là các nước EU. Trong cuộc hội đàm lần
này, Putin vẫn tỏ ra cất cương quyết lập trường của mình rằng “Phương Tây đã áp
dụng tiêu chuẩn kép, những sự kiện ở Yemen năm nay không khác gì những sự kiện ở
Ukraine năm ngoái, nhưng thái độ của họ đối với hai khu vực này là khác nhau.” Ngay
trong phát biểu tại Lễ Kỷ niệm Chiến thắng, tổng thống Putin mặc dù không nói
rõ là nước nào, nhưng đã thể hiện rõ một ý, rằng “người ta đang cố gắng xây dựng
một thế giới đơn cực.” Với lập trường đó, liệu chuyến viếng thăm của ông John
Kerry tới Nga lần này liệu có đạt được kết quả gì chăng?
Xung quanh cuộc
khủng hoảng Ukraine hiện đang tồn tại “Thỏa thuận ngừng bắn Minsk tháng Hai
2015” nhưng đến nay thỏa thuận này thường xuyên bị vi phạm từ cả hai phía. Hoa
Kỳ tiếp tục cáo buộc Nga đứng sau các phiến quân li khai ở vùng Đông Ukraine,
còn Nga thì cáo buộc Hoa Kỳ đã không chỉ cho các chuyên gia quân sự huấn luyện
quân đội Ukraine ở phía Tây nước này “cách xa vùng chiến sự” mà các chuyên gia
này đã có mặt ở ngay trong vùng giao tranh.
Ông Kerry đã
được người đồng cấp đưa đến đặt vòng hoa tưởng niệm các chiến sỹ Hồng quân đã
hi sinh trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, đây đã trở thành một lý do để kết
nối cuộc đối thoại giữa hai nước vào thời điểm này – dù sao thì Nga, người kế
thừa lớn nhất của Liên bang Xô-viết và Hoa Kỳ, vẫn là hai nước chủ chốt trong
cuộc chiến chống chủ nghĩa phát-xít. Chính vì thế mà hai ông Kerry và Lavrov đã
thông báo về quan hệ truyền thống sẵn có của hai nước sẽ làm tiền đề cho việc
tiếp tục hợp tác giữa hai bên để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của an
ninh thế giới. Ông Lavrov cho biết tại cuộc họp báo chung rằng các cuộc đàm
phán đã giúp Moscow và Washington tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Trước đó, ông
nói rằng Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ nhưng chỉ trên “cơ sở bình đẳng” và không
bị ép buộc. Một tuyên bố của ông Lavrov trên trang web của Bộ ngoại giao Nga
nói rằng những nỗ lực để gây sức ép với Nga thông qua các lệnh trừng phạt sẽ chỉ
dẫn đến một “ngõ cụt.”
Nhìn từ phía
Hoa Kỳ, thì rõ ràng đây là một động thái tích cực khi tổng thống Obama đã cử
người đại diện ngoại giao cao nhất của mình tới Nga – đây là chuyến thăm Nga đầu
tiên của ông Kerry tới Nga kể từ cuối năm 2013 là thời điểm những sự kiện của
“khủng hoảng Ukraine” diễn ra. Động thái này cũng nhận được sự hoan nghênh từ
chính các lãnh đạo Nga. Trên truyền thông quốc tế thì dư luận được biết ông
Kerry ngoài gặp người đồng cấp là ngoại trưởng Nga S. Lavrov, còn gặp tổng thống
V.Putin. Không có bất cứ đột phá nào quan trọng, vì giữa hai bên còn tồn tại
quá nhiều điểm bất đồng, nhưng ông Kerry đã mang tới Sochi một thông điệp rằng
những lệnh trừng phạt của Phương Tây có thể bắt đầu được dỡ bỏ nếu “Thỏa thuận
ngừng bắn” có những tiến bộ trong việc thực thi và có những hi vọng cho hòa
bình ở Đông Ukraine. Với những bế tắc hiện nay, điều này đã là quá đủ cho một
hy vọng hòa bình. Khi được hỏi bởi một phóng viên về một tuyên bố gần đây của Tổng
thống Ukraine ông Petro Poroshenko rằng quân đội Chính phủ Ukraine sẽ cố gắng
chiếm lại sân bay Donetsk “một vị trí quan trọng,” ông Kerry trả lời mình chưa
nhận được thông tin, báo cáo gì, nhưng nếu điều này có thật thì ông sẽ cố gắng
khuyên tổng thống Ukraine cân nhắc trước những hành động có thể đe dọa cho “Thỏa
thuận ngừng bắn.”
Bình luận quốc
tế cho thấy có sự thay đổi rõ rệt trong cách phát ngôn của ông Kerry từ thời điểm
“Thỏa thuận ngừng bắn Minsk tháng Hai 2015.” Hồi đó, Người phát ngôn Bộ ngoại
giao Hoa Kỳ Jen Psaki đã nói: “Chúng ta thấy rõ được triển vọng của Thỏa thuận
ngừng bắn, nhưng chính Nga đã cho thấy trong vài tháng gần đây, họ đã nói một đằng
mà làm một nẻo” – theo nguồn Wall Street Journal. Trong cuộc họp báo ông Kerry
còn cảm ơn Tổng thống Putin về thời gian giành cho ông và “về sự thẳng thắn của
Tổng thống Putin quanh vị thế của nước Nga.”
Những vấn đề
bàn thảo chủ yếu là về khủng hoảng Ukraine và lệnh trừng phạt, nhưng những vấn
đề Iran, Syria, Libya và Yemen cũng được bàn luận – nhất là về việc Nga dỡ bỏ lệnh
cấm bán hệ thống tên lửa S-300 cho Iran. Mặc dù Nga vẫn đang thuyết phục rằng hệ
thống này chỉ là hệ thống tên lửa phòng không mà không hề có mối đe dọa nào tới
các nước láng giềng của Iran (Israel chẳng hạn.) Đối với “vấn đề Syria” thì giới
chức Hoa Kỳ đang hy vọng khi mà hoàn toàn chưa có hy vọng gì về những biến chuyển
có tính đột phá về “khủng hoảng Ukraine;” những thất thế gần đây trong giao
tranh của lực lượng Assad sẽ làm thay đổi quan điểm của Nga trong quan hệ được
coi là “khăng khít” giữa nước này với giới cầm quyền Syria.
Như vậy chưa
thể coi là chuyến thăm Nga của ông Kerry có ý nghĩa đáng kể trong việc “bình
thường hóa” quan hệ hai nước (vì chính ngày ông này tới Nga thì các lực lượng đối
lập Nga đã công bố điều tra của Boris Nemsov – người mới bị hạ sát ở Mátxcơva –
về can dự của Nga vào tình hình Đông Ukraine trong khi Kremli vẫn phủ nhận điều
này) nhưng rõ ràng đây là một tín hiệu tích cực, và những nội dung được bàn luận
giữa hai bên cho thấy Hoa Kỳ vẫn coi Nga là một nước quan trọng – thành viên Hội
đồng bảo an Liên hiệp quốc và mọi hành động của Nga đều có ảnh hưởng rất lớn đến
an ninh khu vực và thế giới.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment