Mới chỉ cách
đây 10 năm thôi, mình còn sẵn sàng ngồi viết không chỉ một bài mà hàng chục bài
về một điều mình yêu quý: người lính Hồng quân đã giải phóng cả Châu Âu, gián
tiếp cứu cả loài người khỏi thảm họa phát-xít. Có thể nói chuyện này có một xúc
tác – đó là CD của nhạc sỹ Trần Tiến tổ chức hát lại, ghi âm những bài hát Nga,
trong đó nhạc sỹ bằng chất giọng truyền cảm của mình ca ngợi sự hi sinh của những
người lính, ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng loài người.
Nghe mà xúc động.
Ai nghe cũng sẽ rất xúc động. Mấy chục năm nay chúng ta quen xúc động như vậy rồi,
vì tuyên truyền đã thành hệ thống. Đến hẹn lại lên, cứ đến lễ lạt kỷ niệm là vẫn
những thông tin đó, chúng ta được nghe, được xem lại. Còn ngược lại thì ngay từ
thời đói khát thông tin giải trí từ Phương Tây, chúng ta đã “xem trộm” những
băng video của người hùng John Rambo hay James Bond, mà phần lớn chúng ta khi
xem rất ghét những người hùng đó – những bộ phim cũng tuyên truyền nốt, của
Phương Tây làm để bôi xấu Liên Xô và Việt Nam. Đối lập chan chát của văn học
nghệ thuật, thể hiện sự đối đầu chan chát của hai phe…
Cũng lại mấy
chục năm nay, chúng ta quen nghe về việc Phương Tây vẫn tìm mọi cách “Viết lại
lịch sử” cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, hạ thấp vai trò của Liên Xô
trong Chiến thắng vĩ đại năm 1945 và chúng ta rất yên tâm rằng còn đó, người
lính Nga kế thừa giữ vững truyền thống, không để cho người ta viết lại lịch sử.
Nhưng từ cái mốc kỷ niệm 60 năm Chiến thắng phát-xít, mình đã nghiên cứu nhiều
vấn đề về lịch sử thế giới từ sau cuộc Thế chiến thứ nhất, đến sau cuộc Thế chiến
hai và hình thành cục diện hai phe.
Mình vỡ ra điều
thứ nhất, là Phương Tây chẳng thèm viết lại lịch sử, họ viết lịch sử theo kiểu
của họ. Chuyện họ hạ thấp vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến, là bình thường.
Đơn cử, trận Stalingrad lớn nhất trong lịch sử quân sự thế giới thì chìm nghỉm ở
đâu đó trong hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, có khi còn không bằng cuộc đổ bộ của
quân Đồng minh lên Normandie. Với chúng ta, quen được học lịch sử rằng,
Stalingrad là đỉnh cao của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nó chấm dứt giai đoạn
rút lui và Hồng quân chuyển sang phòng ngự. Sau đó là trận Kursk, Hồng quân
chuyển sang tấn công và cứ thế đi đến chiến thắng – thì kiểu “dìm hàng” đó của Phương
Tây là không thể chấp nhận được. Họ vẫn khăng khăng, các ông đánh nhau ở đằng
đó, còn chúng tôi ở đằng này cũng phải đánh nhau, quy mô các trận đánh không bằng
của các ông vì binh lực của Đức nó cũng vừa phải thôi, còn các ông chết nhiều
chúng tôi chết ít, ngoài việc Đức nó dồn cả sang đó, còn bởi vì chúng tôi không
có đánh nhau bằng sức người…
Khi lịch sử cùng
có nhiều người chiến thắng, thì nó sẽ viết theo nhiều kiểu khác nhau và những
người chiến thắng sẽ cãi nhau hết đời.
Cần nói rằng,
cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai ảnh hưởng cực kỳ trực tiếp đến cuộc sống
của chúng ta. Không phải mấy chục năm nay chúng ta vẫn quen học lịch sử rằng “Chiến
thắng của Liên Xô trong chiến tranh đã góp phần thúc đẩy Cách mạng tháng Tám”
đó sao? Đến đây nếu sa đà, chắc chắn rồi chúng ta lại cãi nhau, nhưng sau đó với
người Việt Nam chúng ta, là hai cuộc chiến tranh. Cuộc chiến tranh 9 năm giành
độc lập và cuộc chiến tranh 20 năm chống “đế quốc Mỹ.” Đánh nhau vì cái gì, xin
sẽ để lịch sử trả lời, “bạch hóa” nhiều chuyện sau vài chục năm nữa, nhưng rõ
ràng, chiến tranh đã diễn ra rồi, và đau thương mất mát đã xảy ra, và nay đầy
những nỗi đau vẫn còn đó.
Bởi vì chúng
ta ở cõi Ta Bà, là cõi khổ, là địa ngục nơi trần thế chứ không có phải là thiên
đường. Cái “cộng nghiệp” của dân tộc, có kinh khủng lắm. Có những dân tộc khốn
khổ từ hàng nghìn năm nay cho đến tận thế kỷ 20 còn bị thiêu trong những lò
thiêu xác Trại tập trung của phát-xít Đức – người Do Thái. Có dân tộc cứ loay
hoay chiếm đất của các dân tộc nhỏ yếu xung quanh và đồng hóa họ, rồi loay hoay
chém giết lẫn nhau – đến tận thế kỷ 20 họ còn làm Cách mạng văn hóa mất mạng
vài chục triệu người. Có dân tộc tưởng chừng tình ngộ sau một cuộc chiến thất bại,
lại bị một ông binh nhì người Áo cha căng chú kiết nào đó, kích động tinh thần
chủng tộc Arien thượng đẳng mà dựng nên chủ nghĩa phát-xít. Có dân tộc thì hết
bạo chúa bên trong đến phát-xít bên ngoài, chết mất 20 triệu người… Dân tộc Việt
Nam cũng vậy, chiến tranh liên miên, dai dẳng, đến bây giờ sau 40 năm vẫn chưa
hòa bình.
Tai họa còn đến
với các dân tộc từ những hướng khác: dân khổ sẵn đã đành, vẫn dính trận động đất
chết mất mấy nghìn, lại có những dân sung sướng đang yên đang lành, sóng thần một
trận chết hẳn mấy trăm nghìn…
Thôi ta gác lại
chuyện “nghiệp” – “karma,” hay số phận hay định mệnh gì đó, sau nói tiếp.
Vậy chuyện nước
Nga ngày hôm nay thì sao? Mình vẫn thích cái đất nước này, những con người của
dân tộc này và văn hóa của họ. Chính vì thế, khi ông tổng thống nát rượu
Yeltsin tiếp quản nó là mảnh vỡ lớn nhất từ Liên bang Xô-viết nhưng không làm
gì được cho nó mà còn tàn phá nó dữ hơn – chuyển giao được chính quyền cho “bàn
tay sắt” Putin, thực lòng mình thấy phấn chấn.
Ngày 1 tháng
5 năm 2001 Putin nói: “Nước Nga đã tự đặt mình ra bên lề của tiến hoá nhân loại”
mình nghe câu đó từ đài nước ngoài bằng tiếng Anh, tuy không hiểu rành rọt đến
như thế, nhưng cũng đã thấy phấn chấn. Một đất nước mình yêu thích, nay “rũ bùn
đứng dậy sáng lòa” thật há chẳng sướng sao?
Nhưng khi ông
ta sửa Hiến pháp để quay lại ghế tổng thống, và nếu đúng lộ trình thì chắc chắn
hai nhiệm kỳ nữa (mà kỳ này 6 năm, tổng cộng ông ta sẽ có tròn trĩnh 20 năm làm
Sa hoàng) thì mình thấy nản. Khi mà người ta có quyền lực đủ lâu, chắc chắn người
ta sẽ trở thành độc tài.
Đầu năm 2014,
Nga chiếm Crimea. Chỉ sau đó đôi tháng, Trung Quốc kéo dàn khoan HD-981 vào
vùng biển họ cưỡng chiếm của Việt Nam từ 1974. Hai sự kiện có liên hệ mật thiết
với nhau, tranh thủ đầu kia “nó” (Obama) đang vướng bận, mày hành động thì tao
cũng ra tay. Đến nay dàn khoan vẫn đi lung tung còn sân bay thì nó xây thêm ở
Trường Sa…
Chúng ta sẽ gặp
câu hỏi là tại sao Nga và Việt Nam nghĩa tình đến vậy, nhẽ ra Putin phải “bảo”
Tập Cận Bình lấy một câu bênh nhau lấy một tiếng chứ, đây lại về hùa đi gân hấn
xung quanh như vậy?
Quay lại chuyện
“nghiệp” – nay ta nói chuyện “biệt nghiệp,” tức là nghiệp riêng của mỗi người.
Chúng ta vẫn quen nghe, nhờ có Nhà nước tài “quan hệ” chúng ta được đi học Liên
Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc… và chúng ta chịu ơn cả họ nữa. Lâu lâu rồi đương nhiên đất
hóa tâm hồn, chúng ta yêu và nay về nhà rồi chúng ta nhớ quay nhớ quắt… điều đó
đúng, phù hợp với đạo đức và tâm lý con người, ai đề xuất theo hướng ngược lại,
là vô ơn. Có bác viết chỉ cách đây vài ngày trên Facebook: “Có ngày hôm nay nhờ
Nhà nước, nhờ Liên Xô, tôi hưởng sung sướng…” Thực tế, thì tất cả là số phận của
mỗi chúng ta hết, cái mà ta được hưởng hay cái mà ta đang phải gánh chịu, đều
do cả một quá trình tích lũy “thiện ác” “phúc đức” hàng bao đời kiếp; trên đường
đời nếu không gặp phải cái này, thì chúng ta sẽ gặp phải cái khác, không hưởng
cái này, thì hưởng cái khác. Đã bao giờ chúng ta đặt câu hỏi tại sao chúng ta
sinh ra là người Việt Nam mà không phải là người nước khác chưa?
Mình đã chứng
kiến hai người bạn cùng nói một câu. Một người học ở Mỹ và nói, tao không bao
giờ muốn sống ở đó, ở Mỹ tao là công dân hạng hai. Người kia thề không bao giờ
quay lại nước Nga, vì ở đó anh ta là công dân hạng bét, “người Nga mới” bây giờ
coi anh ta đại loại như một loại giống vật gì đó. Điểm chung duy nhất, chúng ta
là người Việt Nam.
Vì chúng ta sẽ
gặp tiếp câu hỏi nữa, rằng chính những người Việt Nam được Liên Xô cho ăn học,
nay thành đạt lại chỉ có tỷ lệ rất ít người chọn cho con một nước Phương Tây để
đi du học và bao nhiêu người chọn các nước “đế quốc sài lang” đó để định cư?
Mình không đề xuất phải quay lưng lại với quá khứ và tình cảm, cũng như lòng biết
ơn là cần thiết – nhưng cũng không nên quá cực đoan để cho những mưu đồ lợi dụng
tình yêu của chúng ta để tuyên truyền cho những mục đích xấu.
Chỉ lên
Facebook mấy hôm rồi thôi, thấy người ta cãi cọ sứt đầu mẻ trán, ném nhau hàng
xe đá chỉ vì mấy cái xe tăng tàu bò chạy trên Quảng trường Đỏ, có thêm 100 ông
lính Bát Nhất đi sau. Putin đọc diễn văn, báo Việt Nam đăng lại, đọc đi đọc lại
chẳng thấy nhắc đến Ucraina ở chỗ nào, mặc dù họ đóng góp 6, 7 triệu sinh mạng
gì đó trong con số 27 triệu người Liên Xô hi sinh. Lượng huân chương và anh
hùng, họ chiếm khoảng 1/3. Chính đất nước của họ cùng với Belarus là hai vùng đệm
bảo vệ nước Nga trước đòn tấn công của kẻ thù. Cũng bài diễn văn này, Putin nói
đến công lao của Trung Quốc chống Nhật Bản, mà không nhắc đến Hồng quân đã chiến
thắng Đạo quan Quan Đông; vì sau chiến thắng đó, là sự sắp xếp lại biên giới
lãnh thổ, gây căng thẳng tranh chấp, bất đồng Nga Trung mấy chục năm nay chưa
giải quyết được. Ông ta “cảm ơn Mỹ Anh Pháp” – cứ như cảm ơn những người ngoài
cuộc đã hỗ trợ Nga đánh nhau, chứ không phải với tư cách các nước Đồng Minh.
Ngoài Phương
Tây có “truyền thống viết lại lịch sử,” nay có thêm Putin. Đầu năm 2015 đọc Đèn
Cù của Trần Đĩnh, thầm cảm ơn ông ấy đã nhắc, ngày 1 tháng 5 năm 2001 đã có ông
Putin từng nói: “Nước Nga đã tự đặt mình ra bên lề của tiến hoá nhân loại” –
nay Putin đang làm gì để nước Nga của ông ta tham gia vào tiến trình tiến hóa của
nhân loại?
Vai kề vai,
Putin Tập Cận Bình ngồi trên lễ đài, thấy lạnh gáy vì có khi chỉ vài hôm nữa,
giàn khoan sân bay… lôi ra quậy tiếp, chưa biết chừng còn có trò gì đó kinh
hơn. Ngoài kia thì giá xăng giá điện lên ầm ầm, ngồi đó mà cãi nhau.
Bởi vì chúng
ta là chúng sinh, mà đã là chúng sinh là u mê. Thấy đòn trừng phạt của Phương
Tây, giá dầu xuống… làm cho kinh tế Nga lao đao, chúng ta phấn chấn. Thấy xe tăng
máy bay chạy rầm rập trên Quảng trường Đỏ, chúng ta cũng hưng phấn. Và chúng ta
tiếp tục cãi nhau, làm cho cái “biệt nghiệp” của mỗi người, càng nặng thêm.
Chẳng nhẽ
chúng ta cứ cam chịu số phận mãi vậy chăng? Không, chúng ta không cam chịu, mà
số phận có thể thay đổi được. Điều đầu tiên cần làm để thay đổi số phận của mỗi
người chúng ta, là việc giữ cho tâm hồn mình bình yên. Ai đó nói, không thể có
hòa bình ngự trị trên trái đất, nếu không có bình yên trong mỗi con người.
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment