Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, May 8, 2015

Vụn vặt 48 – “Khai hồn” bạt vía “Hương hồn”

Một. Người Pháp để lại cho Hà Nội khá nhiều vườn hoa hình tam giác, như một cái đảo phân tuyến và tạo ra ngay một nút giao thông rất dễ chịu mà từ xưa đến nay, những nút giao thông đó vẫn đang ngày ngày hứng chịu những dòng chảy cuộc sống từ xe đạp thời bao cấp đến xe máy thời mở cửa. Cũng tắc đường vì quá tải, nhưng đều có thể giải quyết được trong thời gian ngắn.

Thợ Nhuộm – Hai Bà Trưng, Nguyễn Huy Tự – Lê Quý Đôn, Lý Thường Kiệt – Lê Thánh Tông… khác hẳn thời quy hoạch cắt xẻo, “cong mềm mại” mới đây, mà chỗ nào cũng ùn tắc nhanh thì vài tiếng lâu có đến cả buổi như chơi.

Hai. Có một cái vườn hoa tam giác như thế ở Lý Nam Đế – Đường Thành – Cửa Đông (ảnh 1) mà nếu bạn đi đến đó, nên chuẩn bị sẵn cái mặt nạ phòng độc. Cả bức tường sau trạm biến áp Hàng Bát vốn tọa lạc trên một cạnh vườn hoa, là chỗ đi tiểu bậy nhưng rất công khai của những người sống bám vỉa hè toàn khu vực. Mùi khai lộng óc vì nước tiểu chảy thành suối, xuống tận rãnh nước bên mé cạnh Đường Thành của vườn hoa.

Ba. Không chỉ thế, cả một quệt vỉa hè đối diện nhà tang lễ 125 Phùng Hưng là chỗ công ty gì đó của Sở Giao thông Hà Nội tổ chức trông giữ ô tô, cũng khai ngấy vì người ta “bắn” vào chân của cái đường tàu hỏa trên cao nổi tiếng của thủ đô (cũng do người Pháp làm nốt.) Mùi khai khủng khiếp mà nếu đứng ở vỉa hè bên này gặp hôm bên kia là đầu gió thì chắc chết. (Ảnh 2)

Bốn. Người Hà Nội vốn chỉ có một số chỗ chết công cộng, mà nổi tiếng nhất là 125 Phùng Hưng, gần đây nổi lên một số nhà tang lễ đính kèm theo nhà xác của các bệnh viện và mới nhất là nhà tang lễ Thanh Trì bên hông Đài hóa thân Hoàn Vũ – còn thì ai có nhà thuận tiện thì nên tổ chức viếng ở nhà. Nghĩ bụng cực chẳng đã, chứ đưa ra Phùng Hưng thì “hương hồn của người đã khuất” chắc chắn cũng bạt vía trước “khai hồn” của người còn sống.


Năm. Mà kỳ lạ, ngay bên kia đường Phùng Hưng, đối diện trạm biến áp Hàng Bát là một nhà vệ sinh công cộng của Nhà nước đầu tư và quản lý, lại vắng như chùa bà Banh. Chẳng ai vào, chỉ thấy có người canh cửa, cũng ăn mặc như cán bộ trông giữ xe ô tô, áo trắng, quần tít-suy xám… và một hai anh taxi ngồi tán chuyện chờ khách. Mình đoán là cái nhà vệ sinh công cộng này người ta thu tiền, nên mới vắng như thế và đối diện sẵn có cái “vệ sinh thiên nhiên” thuận tiện cỡ đó, thì bao nhiêu “khách nam” có mà dạt hết sang bên kia đường. May ra vợt được các “khách nữ.”

Sáu. Gần nhất là Trung Quốc, đi lang thang bên đó không thấy có nhà vệ sinh công cộng nào thu tiền cả, chỉ bán giấy vệ sinh thôi. Ta thì cứ phải tiền, kỳ lạ thế. Ông cụ nhà mình năm nay 80, cũng thắc mắc: “Thời Pháp tao ở Hà Nội, đổ rác có mất tiền đâu, mà bây giờ nó vào tận nhà nó thu tiền thuê nó đổ rác…”

Bảy. Phát hiện ra cái khu vực này thuộc Hoàn Kiếm, là trung tâm kinh tế của thủ đô, mà thủ đô là trái tim của cả nước. Toàn trung ương đầu não mà khai ngấy lên như thế thì chẳng hiểu chính quyền quản lý cái kiểu gì… chẳng ai nghĩ đến chuyện rằng cái nhà vệ sinh thu tiền không hiệu quả – để người ta “xả thiên nhiên” chỉ cách đó chục mét ô nhiễm môi trường kinh khủng; đã không thể tồn tại được nữa; ấy thế mà người ta vẫn cứ để nó tồn tại. Đến cái sự đái ỉa của con người cũng thu tiền, và đến cái sự đái ỉa của con người không quản lý được, thì chẳng hiểu người ta quản lý được cái gì?

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment