Biết ngay mà – câu chuyện về
cái bác “Chí Phèo” đi làm thợ sơn, chưa thể dừng được. Chuyện nói hôm kia, thì
chiều hôm qua sau khi hai ba con tập thể dục ở ao làng xong, Nhi Bá hỏi ba: “Ba
ơi, như thế là chúng ta luôn luôn phải cảnh giác ạ?”
“Sao con lại hỏi thế?” “Vì ba
mẹ dặn con là không được mở cửa cho người lạ, rồi khi ra ngoài gặp người lạ bắt
chuyện thì phải cẩn thận…” “À đúng rồi…”
“Thế này con nhé. Đầu tiên ba
nhắc lại là ông bà, ba mẹ vẫn luôn luôn dạy các con rằng không có người xấu, chỉ
có chỉ có việc làm xấu, và như thế có những người thường xuyên làm những việc
làm xấu. Chúng ta tâm niệm như vậy, là để chúng ta không trang bị sẵn tâm lý
thù địch với người khác. Việc nghĩ người khác là người xấu, ta không làm. Vậy
nhưng trong cuộc sống chắc chắn vẫn sẽ có những người định làm và làm những việc
xấu với người khác, điều đó là không tránh khỏi. Các con còn nhỏ, khó nhận ra
được đâu là người “bình thường” và người định làm việc xấu…”
“Bắt cóc trẻ con phải không
ba?” – Nhi Bá láu táu hỏi.
“Đúng rồi, cả bắt cóc, hoặc lừa
lấy tiền… hay như con đi học bằng xe đạp, thì lừa lấy xe đạp chẳng hạn. Họ thường
nói chú là người quen của ba, mẹ, ông, bà… để chiếm lòng tin của con, và con
chưa biết họ thì cũng là bình thường, thậm chí trước đây đã có chuyện anh Định cháu
họ của bà, hồi ở quê anh ấy rất ngoan, rồi từ ngoan trở thành hư, đi lừa tiền
khắp họ hàng rồi cuối cùng giết người cướp của đấy còn gì [1]. Họ có thể là bất
cứ ai, người lạ, người đã quen… Nhưng con vẫn cần tỏ ra thân thiện, ngoan
ngoãn, không thù địch.” “Tại sao lại thế hả ba?” “Như hôm trước ba con mình nói
chuyện bác thợ có cái sọ lõm ấy – mình không đánh giá người khác bằng vẻ bề
ngoài, và thân thiện thì hơn là thù địch – nhỡ người nào đầu gấu người ta gây sự
đánh mình thì nguy hiểm lắm.”
“Thế là người ta định lừa mình
nhỉ ba nhỉ…” “Đúng con ạ, có nhiều trường hợp như thế chứ. Như hôm trước nói
chuyện bác thợ giống “Chí Phèo” ấy, ba đã chuẩn bị sẵn việc giải thích cho con
về việc nhận biết trường hợp nào thì cần đề phòng, không bị lừa.” “Làm thế nào ạ?”
“Khó lắm con ạ, người ta muốn lừa được người khác thì phải nghĩ ra đủ trò, nên
chẳng bao giờ có thể thống kê được hết những chiêu trò đó. Nhưng có một cách có
thể tự bảo vệ chống lại được tất cả.” “Cách gì hả ba?”
“Ông nội con hồi ba còn trẻ,
có nói: người ta không thể lừa được người lương thiện và không tham lam. Có một
ví dụ, trò đi bán kính đeo mắt, hoặc nhặt được cái nhẫn… Bán kính thì gạ bán một
cái kính xịn đắt tiền với giá rẻ hơn rất nhiều so với cửa hàng, bảo là nhặt được
hoặc có khi… ăn trộm được. Mình tham rẻ mình mua, thực ra đó là hàng giả giá trị
thấp hơn nhiều so với giá trị thực của nó. Trò nhặt được nhẫn vàng thì người ta
cố tình làm ảo thuật, giả vờ nhặt được cái nhẫn trước mặt người kia, và gạ người
kia là coi như cả hai cùng nhặt được, thôi thì cái nhẫn này đáng 1 triệu đồng
thì bác đưa cho em 400 nghìn đồng, còn bác được cái nhẫn 1 triệu. Thực tế cái
nhẫn là đồ giả, chẳng đáng bao nhiêu tiền. Cả hai ví dụ, người bị lừa đều bị
kích thích bởi lòng tham, tham rẻ, hám lợi mà lao vào bẫy. Như thế đã mất đi sự
lương thiện rồi.”
“Thế nếu người ta mời mua kính
thật thì sao?” “Thì thôi, chưa có thì chưa dùng, khi nào có đủ tiền mua hẳn đồ
đàng hoàng trong cửa hàng, có cả bảo hành mà dùng chứ sao nữa con. Còn có một
kiểu “lừa” nữa – người ta hay gọi thế nhưng thực tề không hẳn là lừa, mặc dù có
yếu tố dối trá trong đó. Sẽ có những người thường xuyên đi vay tiền hết người
quen này đến người quen khác và đương nhiên không bao giờ trả. Họ bịa ra những
lý do bố ốm con đau… Lại có những người thì đi xin ở nơi công cộng với những
người qua đường không quen biết, bây giờ gặp họ bố ốm và tháng sau vẫn có thể gặp
họ. Lần đầu có thể mình thương người mình giúp đỡ, lần sau gặp mà vẫn thế, thì
thôi. Giúp họ khi mình biết họ làm việc xấu, dối trá như thế là không tốt con ạ.”
Cậu cả ngẫm nghĩ, rồi nói với
giọng trầm hẳn lại (con tôi lớn từng ngày, thực sự đấy mọi người ạ):
“Có lần có một ông sư vào ngõ
nhà mình, chia bánh kẹo cho trẻ con rồi đi xin tiền các nhà…” “Ở nước mình hiện
nay, đã là sư thật thì không đi xin tiền, còn đã đi xin tiền, thì không phải là
sư thật. Họ mặc giả sư, rồi đi xin vì lợi dụng lòng tin của mọi người, của Phật
tử vào Đạo Phật và các sư. Làm như thế cũng rất không tốt. Hơn thế nữa, con
không nên ăn những bánh kẹo… của người lạ cho như vậy, vì cũng có trường hợp
dùng bánh kẹo tẩm thuốc mê rồi làm việc này việc khác rất xấu…”
Càng trầm ngâm tợn, cậu ta
nghĩ tiếp.
“Con đúng đấy, cần phải cảnh
giác, nhưng cái gì cũng có hai mặt – vì có thể đó là người quen thật của ba mẹ,
do đó con cần phải giữ được thái độ thân thiện, không đề phòng, thù địch. Điều
quan trọng cần nhớ là: cảnh giác là cảnh giác để họ không có cơ hội làm việc xấu
với mình, và như thế bớt đi một cơ hội làm việc xấu với người khác, với xã hội.
Ai cũng có cơ hội để dừng những việc xấu và làm lại cuộc đời, trở thành người tốt.”
“Nhưng mà đi tù rồi thì làm gì
còn cơ hội…” Nhi Bá thắc mắc. “Đi tù thì sẽ có ngày ra tù chứ con.” “Sao lại bỏ
tù người ta ba nhỉ?” “Vì xã hội cần được quản lý để trật tự, và quản lý thì bằng
pháp luật. Theo pháp luật thì người làm việc xấu phải bị trừng trị, như thế người
ta mới sợ mà không làm việc xấu, chứ nếu không có pháp luật thì xã hội loạn hết
cả lên ấy chứ. Chỉ khi nào tội quá nặng, hơn cả đi tù là tử hình thì mới không
còn cơ hội làm lại nữa thôi con ạ.” “Tử hình là thế nào ba?” “Là xử bắn, bắn
đòm một cái là chết. Thôi, chuyện này ba nợ con hôm nào mình nói chuyện kỹ
nhé!”
“Vâng ạ.”
Cảnh giác để họ không có cơ hội làm việc xấu
cũng là một việc tốt con nhỉ!
[1] Truyện “Con trai rất cần có bố”
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment