Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, December 31, 2015

“Anh Ngẫn”


Buổi chiều, hai ba con tập chạy từ khi hết mùa bơi đã được một tháng, Bôn Ba Nhi Bá giảm được mấy cân, người thon thả hẳn. Khởi động xong, là hai ba con chạy vòng quanh ao làng, con thì mười vòng, còn ba thì bốn mươi vòng.

Hôm nay không hiểu sao Nhi Bá cứ chạy sát vào ba, luẩn quẩn rất vướng. Lúc đầu mình không để ý, nhưng sau phát hiện ra đằng sau có người chạy theo nữa, tiếng thở phì phò, phì phò rất nặng nhọc. Nhưng anh ta vẫn kiên trì bám sát, không rời. Đột ngột dừng lại, ông con cũng dừng và cái anh chàng kia cũng dừng. Quay lại nhìn kỹ, hoá ra chú thanh niên vẫn thường ngồi tha thẩn chơi với mấy bà cụ, đánh bài rất khá. Chú ta khoảng 20 tuổi, có vẻ thiểu năng, cao to và béo, mái tóc dày cờm cợp, bù xù… Cái xương vành mày nhô cao với bộ lông mày rậm, phủ xuống, làm cho cậu ta do thường xuyên cúi xuống, mà vẫn cố nhìn thằng nên có một cái nhìn gườm gườm rất dữ. Bộ ria lún phún đã hoàn thiện vẻ bề ngoài dữ tướng và hoang dã, đủ để doạ bất cứ người thiếu bóng vía nào.

“Con sao cứ chạy sát vào ba thế, vướng quá!” “Anh ấy cứ chạy theo ba ạ” – Nhi Bá thì thào, nhìn cái anh kia một cách sợ sệt. “Không sao đâu con ạ, anh ấy không làm gì đâu, con cứ chạy bình thường cạnh ba là được rồi.” Hai ba con chạy tiếp, hết bài, Nhi Bá nói: “Con về nhà trước ba nhé!” “Ừ, con về tắm, ăn nhẹ cái gì rồi đi học bài sớm đi.” “Vâng!”

Mình nói thế thôi, nghĩ thể nào cũng có chuyện. Y như rằng con trai vừa đi, thì cái anh chàng kia đuổi theo. Nhi Bá sợ quá, chạy ba chân bốn cẳng, nhưng càng chạy thì anh ta càng đuổi gấp. Mình đành phải “nước rút” để bắt kịp hai người đó. Tất nhiên với thời gian rèn luyện khá lâu thì hai cái anh bạn kia không thể chạy được xa quá 100, 150 mét. Bắt kịp chàng thanh niên trước, mình túm vai, thấy như túm được một con trâu mộng vậy, nó tuột ra, rất khoẻ. Mình đành đập mạnh một cái, và cậu ta dừng lại tức khắc.

“Nhi Bá, dừng lại đây đã!” sau khi gọi con, mình quay sang cậu kia. “Cháu đuổi theo em để làm gì?” “Dạ cháu đuổi theo em để trêu em ạ.” Cậu ta lí nhí. Mình nói lớn tiếng, như quát: “Không được trêu em, rõ chưa?” “Vâng ạ.” Nhi Bá đứng ngẩn tò te nghe… “Con đi về đi, đi từ từ thôi.” Thế là ba người chia ba đường, chẳng ai đi cùng đường của ai cả. Mình quay lại ao, chạy tiếp.

Nhi Bá như thường lệ, không bao giờ để cho đầu óc được yên. Lúc hai ba con ngồi với nhau trong phòng học, cậu ta nhịn không nổi, hỏi: “Anh ấy là người thế nào hả ba? Có xấu không?” “Không con ạ, anh ấy chỉ là người không bình thường thôi.” “Không bình thường là sao ạ?” “Có lẽ là thiểu năng. Người ta gọi thông tục là bị “ngẫn.” Cái “anh Ngẫn” ấy cũng bị như thế.” “Thế anh ấy tại sao lại thích đuổi theo con ạ?” “Vì anh ấy buồn, không có ai chơi. Con thấy buổi chiều anh ấy thường ra chơi với các bà cụ không? Là anh ấy không có bạn. Con tưởng tượng xem, các bạn bằng tuổi anh ấy có khi lấy vợ lấy chồng được rồi ấy chứ, còn anh ấy thì đến bé như con còn chẳng chơi được. Anh ấy buồn, nên muốn trêu con thôi. Do con thấy sợ anh ấy từ đầu, nên anh ấy lại càng muốn trêu. Nếu con không sợ anh ấy, thì anh ấy không có lý do gì để trêu nữa cả. Con thấy không, lúc ba đuổi theo túm được anh ấy, anh ấy sợ ba ngay, mặc dù cao, to hơn ba khá nhiều. Thường những người bị thiểu năng như thế, thì cơ thể lại rất phát triển.” “Hôm đó sao ba lại quát anh ấy?” “Vì khó giải thích được cho một người như anh ấy trong lúc không có thời gian, nên quát thì sẽ dễ hơn. Tuy nhiên ba không ghét gì anh ấy, còn thấy thương là khác. Ba nhắc lại, hôm đó là do con sợ, nên anh ấy thích trêu, càng sợ càng chạy, anh ấy càng đuổi. Từ mai trở đi, nếu con gặp con không sợ nữa, thì anh ấy sẽ không làm gì cả.”

Từ hôm sau, mỗi lần Nhi Bá tập chạy gặp anh chàng kia, cậu ta không sợ nữa, chỉ nhìn và vẫn… thì thào: “Anh Ngẫn kìa ba kìa!” “Ừ, anh ấy hiền nhỉ?” “Vâng, hiền ba ạ.” “Con thấy không, vấn đề không phải là ở sức mạnh cơ bắp của cơ thể, mà trong cuộc sống người ta cần sức mạnh khác, sức mạnh của tinh thần. Anh Ngẫn to khoẻ thế, mà lại sợ một người còi dí dị như ba. Đấy là nói so sánh vậy thôi, ai lại đi so với người thiểu năng bao giờ… nhưng ba đã từng đối mặt với những trường hợp nguy hiểm hơn nhiều, nhưng ba vững vàng lắm, không sợ, và đều vượt qua cả.” “Làm như thế nào hả ba?” “Trước đây, ba thường dùng cách ôn tồn, thuyết phục… nhưng sau này ba nhận ra một điều, đó mới chỉ là bề ngoài, còn gốc rễ của phương pháp thì mình chưa nắm được. Gốc rễ phải là lòng yêu thương, khi mình yêu quý mọi người thì không ai có thể làm hại mình được, và mình đem cái yêu thương đó đối xử với người thì sao mà nguy hiểm được? Mọi việc chỉ có tốt hơn thôi.”

Nhi Bá lại ngẫm nghĩ.

“Anh Ngẫn, ba đang dạy con bước đầu không sợ anh ấy, thực ra chúng ta thương anh ấy, một người thiệt thòi từ lúc sinh ra. Tất cả những người như thế rất cần tình thương con ạ.” “Vâng.”

Chiều nào, anh Ngẫn cũng ra bờ ao chơi. Bây giờ Ngẫn không trêu Nhi Bá nữa, và Nhi Bá, cũng không sợ Ngẫn nữa.


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment