Ngày 30/9 ông V.Putin mở “mặt
trận thứ hai” bằng những cuộc không kích vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở
Syria. Ở thời điểm đó, tôi nhận xét hành động này của Putin nhằm tạo một thế cờ
mới.
Khi cuộc khủng hoảng Ukraine
còn chưa ngã ngũ, nhân những bế tắc của Hoa Kỳ và liên quân trong không kích IS
ở Syria và Iraq… việc tham chiến của không quân Nga đã làm cho điểm nóng dịch
chuyển từ sát biên giới nước mình sang Trung Đông. Giá dầu mỏ có thể nhích lên,
đồng thời vũ khí Nga cũng thể hiện được những ưu việt của mình và có thể mở rộng
được thị trường. Mục tiêu lớn hơn nữa của nước cờ này là việc hình thành nên một
liên minh mới chống khủng bố, trong đó Nga sẽ đóng một vai trò đáng kể, đặc biệt
sau những cuộc không kích có kết quả vào những vị trí của IS.
Con tạo xoay vần đưa đẩy mà
hai vụ khủng bố - chiếc máy bay A-321 của Nga rơi trên bán đảo Sinai và série mấy
vụ tấn công ở Paris chỉ cách nhau non hai tuần đã giúp cho Nga và Pháp, hai nước
“nạn nhân” trực tiếp xích lại gần nhau. Pháp đã có vai trò như “sứ giả” để kết
nối Nga với những đồng minh Phương Tây, liên minh “mở rộng” chống khủng bố bắt
đầu hình thành. Nhưng có một điều rõ ràng, là Phương Tây đã bị chia rẽ, giữa một
bên là nước Nga, đối tượng bị trừng phạt sau khủng hoảng Ukraine và sáp nhập
Crimea và bên kia, vẫn nước Nga ấy đang tích cực tham gia chống khủng bố với
cùng một kẻ thù với họ. Phương Tây (trong đó chủ yếu là một Châu Âu lúng túng
trước làn sóng người di cư từ Syria) còn chưa biết phải cư xử ra sao, thì một
thành viên NATO, nước có vị trí cực kỳ quan trọng ở Trung Đông – Địa Trung Hải,
cái cầu nối hai châu lục Âu – Á là Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều lần cảnh báo, đã bắn hạ
máy bay chiến đấu Nga vì lý do “xâm phạm không phận.” Thổ Nhĩ Kỳ bước lên vũ
đài “thi đấu” với Nga trước hết bằng các phát ngôn qua lại và một số biện pháp
trừng phạt, cấm vận… về kinh tế đã làm cho Phương Tây “dễ quyết định” hơn nhiều.
Trong tất cả các cân nhắc thiệt hơn, tất nhiên họ sẽ chọn tiếp tục đẩy Nga về
phía đối đầu. Lệnh trừng phạt được gia hạn thêm 6 tháng [1], không có một lý do
gì để được rút lại.
Chỉ sau vài tuần không kích,
nước Nga của Putin đã nhanh chóng nhận ra rằng, nếu chỉ với 30 chiếc máy bay được
sử dụng trong giai đoạn đầu của chiến dịch, chẳng thể đem lại chiến thắng chung
cuộc trong cả hai mục tiêu: tiêu diệt IS và chiếm lại cho Chính phủ của ông
Assad toàn bộ lãnh thổ. Bắn tên lửa hành trình từ tàu chiến hạm đội biển
Caspian, rồi các dàn tên lửa phòng không S-300/400 được đưa vào Syria… sự tham
gia của các máy bay ném bom chiến lược TU-95/160 và mới đây nhất (9/12) là các
tàu ngầm ở Địa Trung Hải cũng phóng tên lửa vào các mục tiêu trên bộ. Dường như
càng ngày các quân bài được Putin đặt vào ván bài Syria càng nhiều lên.
Vụ không kích vào thị trấn Deir
al-Zour ngày 7/12 mà phía chính phủ Syria cáo buộc là do liên quân tiến hành,
trong khi liên quân thì thông báo chỉ tấn công một giếng dầu của “khủng bố,” mặc
dù chưa rõ ràng nhưng chúng ta đã thấy “lờ mờ” khả năng cuộc nội chiến Syria
không thể có kết cục dễ dàng cho tất cả các bên. Tâm điểm vẫn là tổng thống
Assad: Nga thì vẫn muốn bảo vệ ông này còn Phương Tây thì khăng khăng “Assad phải
ra đi!” Với Phương Tây, không khó khăn để tiếp tục chính sách của mình ở Syria
nói chung, Trung Đông nói riêng, vì họ đã đứng chân ở đây khá lâu rồi, thậm chí
đến mức… sa lầy. Còn Nga thì ở xa, vị thế đang cực khó khăn về kinh tế, “chân ướt
chân ráo,” nên với Putin vụ “sa lầy” mới chỉ bắt đầu. Cho đến nay, chiến dịch
quân sự của Nga ở Syria mới có được hiệu quả rõ nhất là sự ủng hộ của dân chúng
trong nước (70% dân Nga ủng hộ những hoạt động quân sự của nước này tại Syria)
còn sau những thắng lợi bước đầu của quân chính phủ Assad, bước sang tháng thứ
ba chiến dịch chỉ cho thấy Nga sẽ cần phải đầu tư thêm nhiều nữa.
Nếu nhìn lại tổng thể những sự
kiện đến với nước Nga trong hai năm 2014/15, còn cần chú ý chính sách “hướng
Đông” của nước này, đặc biệt là quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên cho đến thời
điểm hiện tại, các dự án dầu – khí đốt giữa hai nước vẫn không có thông tin gì
mới về tiến độ, đặc biệt là hợp đồng khí đốt “khủng” 400 tỉ dollar trong 30 năm
và gắn với nó là việc xây dựng đường ống khí đốt “Sức mạnh Siberia.” Lúc quan hệ
Nga – Thổ không có lối thoát, thì Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, với sự hỗ trợ của
Azerbaijan, Georgia và Kazakhstan đã đạt được thỏa thuận về việc vận chuyển
hàng hóa từ châu Á sang châu Âu mà không cần đi qua lãnh thổ Nga. “Con đường tơ
lụa” sẽ bỏ qua nước Nga chăng?
Người ta tính ra rằng, lệnh trừng
phạt của Phương Tây áp đặt lên Nga, chỉ có ảnh hưởng đến kinh tế nước này khoảng
10%, còn 90% là do giá dầu mỏ thế giới hạ thấp. Có nhiều cách lý giải cho khó
khăn của nước Nga, vì giá dầu thấp cũng gây khó khăn chung cho các nước xuất khẩu
dầu mỏ, chứ không riêng ai – nhưng nước Nga với dầu mỏ chất lượng vừa phải, lại
có công nghệ lạc hậu, chi phí sản xuất cao… nền tài chính dễ bị tổn thương
(không dựa được vào một nền sản xuất có giá trị thặng dư vào công nghệ cao, bị
thao túng mạnh mẽ của các tổ chức tài phiệt nước ngoài…) do lệnh trừng phạt khó
đáo hạn các khoản nợ và tiếp cận các nguồn vốn mới… nước Nga sẽ khó khăn hơn ai
hết. Ngân sách được xây dựng kế hoạch trên cơ sở giá dầu mỏ trên 100 dollar một
thùng, sẽ chỉ cân bằng ở mức giá 60 dollar và nếu như giá dầu tiếp tục ở ngưỡng
như hiện nay một thời gian đủ dài (khoảng 1 năm) nữa, thì khó khăn sẽ tăng lên
gấp bội.
Phiên họp ngày 4/12 của Tổ chức
các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ không đạt được sự đồng thuận để cắt giảm sản lượng dầu,
và liền sau đó giá dầu thế giới giảm xuống dưới 40 dollar một thùng. Dự báo của
các chuyên gia, căn cứ trên những triển vọng lệnh cấm vận đối với Iran được
tháo gỡ, tình hình bầu cử Venezuela sẽ làm nền kinh tế nước này đi vào ổn định…
thì giá dầu còn tiếp tục bị “ghì” ở mức thấp ít nhất trong một năm 2016. Một
năm, đủ để ông Putin “cháy túi.” Hy vọng duy nhất để giá dầu thế giới tăng lên,
là Hoa Kỳ bỏ bớt những ưu đãi, bù lỗ cho ngành khai thác dầu từ đá phiến sét,
giảm sản lượng dẫn đến mối lo mất thị phần của các nước OPEC cũng giảm theo,
lúc đó thì giá dầu mới có thể tăng trở lại được.
Hiện nay các biện pháp trừng
phạt từ Nga áp đặt lên Thổ vẫn chỉ là những đòn nhẹ nhàng, chưa phải “cú
knock-out.” Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một bạn
hàng lớn của Nga, nước trong NATO nhưng không áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga
cùng Phương Tây, lại là nước nhập khẩu đến trên 60% nhu cầu khí đốt từ Nga và
nhu cầu sẽ còn tăng nữa. Vốn đã còn lại rất ít bạn bè, Putin sẽ không thể tiếp
tục “đánh bạc” nốt những cơ hội cuối cùng – nhất là mùa đông ấm áp đang thực sự
diễn ra, Châu Âu ngày càng ghẻ lạnh với khí đốt Nga. Mất quan hệ này, vòng vây
sẽ càng xiết chặt. Chúng ta không được quên tuần trước trước động thái của NATO
kết nạp Montenegro, Nga chỉ giận dữ phản đối nhưng không thể có được hành động
nào cụ thể. Vòng vây sẽ còn xiết chặt hơn nữa nếu Ukraine kiên trì mục tiêu gia
nhập Liên minh châu Âu và sau đó là vào NATO của mình.
Bây giờ chắc ông Putin và bộ
tham mưu đã nhận thấy tham chiến ở Syria không làm cho giá dầu tăng lên được
ngay, cũng như Phương Tây sẽ không mở rộng vòng tay đón ông Putin vào thành chủ
lực trong liên minh chống khủng bố. Việc tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt vừa
qua cho thấy, họ (Phương Tây) chỉ có thể thay đổi thái độ nếu lệnh ngừng bắn ở
vùng li khai Đông Ukraine thực sự có hiệu lực, trả lại sự bình yên cho vùng đất
này.
“Mặt trận thứ hai” đã không
cho thấy hiệu quả đích thực, thì nhiều khả năng ông Putin sẽ lại phải quay lại
với những giải pháp cho “mặt trận thứ nhất” ở Ukraine, lúc đó lối thoát cho
Putin mới có thể mở ra.
Một năm 2015 đang khép lại với
sự cô độc của ông chủ Điện Kremli.
[1] Tại cuộc họp thượng đỉnh
G-20 ngày 21/11/2015
Bài trên Soha tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment