Đợt rét kỷ lục hiếm khi thấy
(từ 1977 đến nay mới có nhiệt độ thấp thế này ở Việt Nam) ảnh hưởng cả một vùng
rộng lớn, từ nước Mỹ đến nước Nga, từ Trung Quốc sang Nhật Bản Hàn Quốc đến Việt
Nam... Cả trên mạng xã hội lẫn trên các báo mạng đều tràn ngập những hình ảnh
người người nhà nhà, lũ lượt lên các vùng núi cao như Mẫu Sơn (Lạng Sơn) Sapa
(Lào Cai)… để xem hay “chơi” tuyết. Tất nhiên thời bùng nổ thông tin, cũng sẽ
kéo theo rất nhiều ý kiến trái chiều về chuyện này.
Chia sẻ niềm vui được đi chơi
dịp cuối tuần với cảm giác như dạo chơi trời Âu, không khó, nhưng “ném đá” niềm
vui của người khác thì còn dễ hơn. Không ít ý kiến cho rằng những du khách miền
xuôi đó đang nô cười một cách vô cảm, trong khi chỉ cách đó vài cây số, hoặc thậm
chí ngay sau núi là hàng hectar rau hoa màu của bà con đang chết vì giá lạnh và
sương muối, hay những con trâu “đầu cơ nghiệp” đang lăn ra chết vì không chịu nổi
rét…
Tôi là người làm việc trên
vùng cao Miền Bắc trong suốt mấy năm, hiểu rõ nỗi vất vả của bà con mỗi khi giá
rét mùa đông, hay những cơn mưa mùa hạ… đều khổ và nguy hiểm như nhau. Có lần
làm việc với lãnh đạo của một tỉnh, thấy trời đổ mưa to và đài báo trời sẽ mưa
lâu trong mấy ngày, tôi buột mồm “Mưa cho mát, mấy hôm nóng quá” và vô tâm
không nhận thấy ánh mắt lo lắng của vị chủ tịch tỉnh. Lúc sau anh ấy thở dài:
“Trên này mưa là lo lắm, rất dễ có lũ bất thường, chết dân, chết gia súc, mất
hoa màu… đều khổ cả.” Nhớ đến ánh mắt lo lắng của anh, tôi lại thấy hoàn toàn
có thể thông cảm được với những ý kiến đang trách móc sự “vui đùa cười cợt”
trên những luống rau chết cóng kia – vì cái nỗi lo của người dân vùng cao nó lớn
quá. Trên đó, máy móc ít phát huy được tác dụng, thì con trâu là sức kéo chính,
bây nhiều nếu chết mất thì mua lại được con khác cũng là khoản tiền từ 50 đến
60 triệu đồng, một mảnh ruộng thất thu có thể là một tháng tiền gạo của gia
đình.
Cũng do làm việc trên vùng
cao, không ít lần tôi hỗ trợ về thông tin hay kết nối quan hệ cho các chương
trình từ thiện (chủ yếu do các nhóm thanh niên hay đi “phượt” tổ chức) và một lần
còn hỗ trợ cho một phong trào thuộc loại mạnh nhất nước ta hiện nay; cũng như tự
tổ chức được một vài chương trình. Từ đó tôi hiểu, các bạn trẻ đi “phượt” họ thường
kết hợp làm từ thiện, cũng là một cách sống có ý nghĩa – vừa thăm thú được
thiên nhiên, con người các vùng của Tổ quốc, vừa đóng góp công sức nhỏ bé của
mình cho các hoạt động xã hội. Nhiều nhóm (có thể nói là phần lớn) có khẩu hiệu
“Không bao giờ đi không” nghĩa là bao giờ cũng kết hợp làm từ thiện. Tôi tin các
hội nhóm “phượt,” sẽ không bỏ lỡ cơ hội để làm công tác xã hội. Tuy nhiên chúng
ta cần mở rộng câu chuyện đến các du khách nói chung – vì chắc chắn rất nhiều
người đi theo gia đình, hoặc nhóm bạn không liên quan gì đến “phượt” cả. Cái
nhìn thiếu thiện cảm của cộng đồng sẽ dành cho họ, vì đã là du khách “thông thường”
tranh thủ nghỉ cuối tuần đi “trượt tuyết Sapa” thì mấy ai nghĩ đến làm từ thiện.
Nói đi thì cũng phải nói lại,
xin đừng vội dành cho họ cái nhìn thiếu thiện cảm, chỉ vì họ đang vui chơi
trong tuyết. Chính họ đang mang đến cho vùng cao những nguồn thu cho du lịch địa
phương, khi mà cũng phải ăn, phải ngủ… Về tổng thể, ngân sách của địa phương sẽ
tăng thêm một khoản và một cách gián tiếp (nhiều hay ít ta không bàn ở đây) thì
bà con cũng sẽ được hưởng.
Chuyện làm từ thiện hay thiện
nguyện ở vùng cao
Trừ cái Quỹ từ thiện “tốt nhất
Việt Nam” trên đây tôi đã đề cập, hầu hết những chương trình từ thiện từ xuôi
lên miền ngược, đều đang tản mạn, thiếu tổ chức và đáng tiếc, đang thể hiện một
sự thiếu lòng tin. Do đặc thù công việc, tôi thường xuyên tiếp xúc với các cấp
chính quyền, và không loại trừ chỗ này, chỗ khác, còn có chuyện này chuyện khác
– đâu chẳng có người nọ người kia, đến như chúng ta còn đầy thói hư tật xấu, nữa
là những vùng còn khó khăn. Dư luận về những sự hà lạm, thiếu công bằng ở một số
địa phương, cũng đã làm ảnh hưởng đến chính tâm lý của những người làm các
chương trình từ thiện. Xin dẫn lời một cán bộ xã vùng cao: “Các anh nghèo thì
cũng nghèo thật, nhưng cũng có nguồn này nguồn khác, không đến nỗi phải ngó
nghiêng vào những đồ từ thiện của các cô các chú ấy, nhưng bây giờ hầu hết họ
không có niềm tin vào các anh, do đó họ có thái độ thiếu thiện cảm.”
“Đi dân nhớ, ở dân thương” –
phẩm chất bộ đội Cụ Hồ không còn mấy trong các chương trình từ thiện, thay vào
đó là cái gì cũng muốn tự làm, tự tìm kiếm khu vực, đối tượng, tự mua đồ, tự chở
lên, tự khuân vác, tự chia phát… và chính quyền thì đứng ngoài nhìn và được chia
sẻ cái nhìn thiếu thiện cảm. Cán bộ, trước hết họ là dân – nếu như chúng ta
chưa đến với họ đã có nhãn quan rất tiêu cực vậy, liệu chúng ta làm tốt được
công việc hay không?
Cũng chính vì vậy mà hiện nay
đang có tình trạng “người ăn không hết kẻ lần không ra” sẽ có những thôn bản mà
các bạn đến liên tục, và có những chỗ thì cả năm không được một lần. Tình trạng
này hiện nay đã đỡ vì “bước chân phượt” ngày càng chịu khó… Cũng như tình trạng
quần áo mang lên, bà con không chê nhưng không mặc được vì không phù hợp với tập
quán, đã giảm nhiều – nay là các chương trình rất thiết thực như khăn ấm, áo
len, ủng… cho các em học sinh.
Rất cần một phong trào thống
nhất cho các nhóm “phượt” để chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau… rồi tích tiểu
thành đại, chương trình không chỉ là áo hay gạo nữa, mà đã là cầu hay đường…
thì ích lợi sẽ tăng lên gấp bội.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment