Tạ Bích Loan trong chương trình "60 phút mở" |
12.000 người bấm “thích nội
dung này” và 1.500 lượt chia sẻ tiếp theo, là một “chia sẻ” hay “trạng thái” do
một MC nổi tiếng viết trên mạng xã hội Facebook. Điều đáng nói là “trạng thái”
đó khi được viết gây ra một cơn dông, thì mấy hôm nay khi một chương trình truyền
hình tương tác đưa nó lên làm chủ đề chính, lại gây ra một “cơn bão.”
Có thể nói chưa có thời nào mạng
xã hội Facebook lại phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống chúng
ta như thế: rất nhiều người trong số chúng ta “ăn Facebook, ngủ Facebook…”
Chính vì vậy bất cứ một câu chuyện nào được viết lên, được chia sẻ trên mạng xã
hội đều có thể gây nên một ảnh hưởng rộng rãi trong cộng đồng. Đã đến lúc không
thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội, dần dần nó không chỉ là một phương tiện
giữ liên lạc giữa những người quen cũ, mà đã là một kênh giao tiếp giữa cá nhân
với xã hội và dần dần trở thành kênh thông tin hiệu quả không kém gì những kênh
chính thống. Không thể đứng ngoài cuộc, rất nhiều cơ quan truyền thông chính thống
cũng phải “vào cuộc,” bằng cách lập nên những trang “Fanpage” của mình.
Tham gia mạng xã hội, mỗi cá
nhân cảm thấy mình như được đối xử bình đẳng hơn – vì mỗi người được “cấp” cho
một cái “tường” riêng. “Tường nhà tôi, tôi giữ sạch hay bôi bẩn là quyền của
tôi,” điều này đúng. Cũng chính vì thế mà chúng ta ngày ngày “lướt Phây” được
tiếp xúc với không biết bao nhiêu điều hay lẽ phải, và một lượng khổng lồ những
thứ cần phải đề phòng, thậm chí chỉ đáng bỏ vào sọt rác.
Điều quan trọng là ngày hôm
nay chúng ta cảm thấy như thế nào, chúng ta đang quan tâm điều gì… chúng ta có
quyền chia sẻ lên mạng xã hội. Bất cứ một sự kiện “nóng” nào đang diễn ra ở
xung quanh chúng ta, thì không chỉ một người mà có hàng nghìn, hàng vạn người
cùng quan tâm đến nó. Nếu như trước đây chúng ta đi tìm người cùng chia sẻ nhãn
quan về vấn đề thật khó khăn, thì nay bằng mạng xã hội, có thể kết nối những
con người ở tận hai nửa bán cầu.
Ngày hôm nay bạn có chia sẻ điều
gì trên mạng xã hội không, nếu như bạn là một cư dân mạng? Ai cũng có lúc chia
sẻ điều này, điều khác, không có ai là không cả. Vậy thì tại sao chúng ta lại
phải coi một MC như một người nào đó quá đặc biệt, mà không với tư cách là một
cư dân mạng bình thường? Anh ta cũng có quyền “chơi Phây” như tất cả chúng ta,
sống đúng với bản chất thật của con người mình. Đúng như anh nói: “Ai trong số
chúng ta cũng cần được lắng nghe và cần được tôn trọng.”
Vì thế tôi không thấy có bất kỳ
một ý tưởng nào về việc anh chàng MC nổi tiếng và điển trai này, có một cái động
cơ nào đó kiểu muốn tìm kiếm một “quyền lực ảo” [1] trên mạng xã hội. Thực tế,
nếu nói về “quyền lực ảo” thì anh MC đã có rồi, và không cần phải thêm nữa vì
có cái gì để cân đo đong đếm cái quyền lực ấy được đâu? Có lẽ người tham gia
chương trình, một chuyên gia đã quá lời, “chụp mũ” hay “nâng cao quan điểm” với
anh bạn MC đó rồi.
Nhìn nhận từ góc độ “bất cứ cư
dân mạng xã hội nào cũng bình đẳng,” từ người không ai biết đến, tới người nổi
tiếng thì việc chia sẻ đó hoàn toàn bình thường, vì anh chia sẻ tin bài từ
trang điện tử của một Đài truyền hình chính thống. Điều đó cũng có nghĩa, là
tin bài đó đối với bất cứ một độc giả, khán thính giả nào trong số chúng ta,
cũng là đáng tin cậy. Nhưng một khi nó đã bị đưa lên thành chủ đề chính trong
chương trình truyền hình tương tác lần này tức là nó đã bị nhìn nhận là đưa ra
thông tin sai lầm từ cách thực hiện đến kết luận. Đáng tiếc là, anh chàng MC chứ
không phải là nhà khoa học. Anh bạn chỉ quan tâm đến những vấn đề nóng hổi của
thời sự, còn trách nhiệm kiểm chứng tính xác thực của thông tin, thuộc về nhà
đài.
Khá là vô lý khi quy kết trách
nhiệm cho một người chỉ vì người đó nổi tiếng “có nhiều người theo dõi,” khi mà
chính anh ấy cũng đang tin vào một nơi rất đáng tin.
Vậy thì anh chàng MC có lỗi gì
không? Tôi không muốn nói anh có lỗi hay không, vì những gì anh đã làm, chính
tôi cũng làm, và đa số chúng ta cũng làm khi tham gia mạng xã hội. Điều tôi muốn
nói là về “vòng ảnh hưởng” của mỗi cá nhân chúng ta. Ai cũng có một “vòng ảnh
hưởng” nhất định, tùy mức độ quan hệ và giao tiếp xã hội của người đó như thế
nào thì vòng ảnh hưởng đó sẽ rộng hay bó hẹp. Người thì trong gia đình, một
nhóm nhỏ bạn bè… người thì thêm môi trường công việc. Từ khi có mạng xã hội thì
tính chất của “vòng ảnh hưởng” đó giữ nguyên, nhưng về quy mô thì nó phát triển
đến mức đáng sợ ở một số người.
Những “người của công chúng”
là có “vòng ảnh hưởng” lớn nhất. Nhất cử nhất động của người nổi tiếng, đều có
tác động rất mạnh, sâu sắc tới một cộng đồng, như trên mạng xã hội là các bạn,
những người theo dõi… Do tính năng của Facebook là “cái gì cũng báo,” bạn của bạn
“thích” cái gì cũng báo, càng nhiều “thích” càng báo nhiều; và nếu hàng nghìn
người “chia sẻ lại” thì tốc độ lan tỏa của nó có thể nói là vũ bão.
Ảnh hưởng đó là tích cực cũng
có, tiêu cực cũng có… và vì có tương tác bằng các “bình luận,” thì nhiều việc ảnh
hưởng trở lại đến chủ nhân của một ý kiến, bài viết… ban đầu là chắc chắn có.
Nhưng, chúng ta lại không chắc chắn được điều chúng ta viết, chia sẻ… sẽ có tác
động tích cực hay tiêu cực đến người khác, mặc dù chúng ta tin tưởng điều được
chia sẻ là đúng đắn. Tại sao vậy? Vì mỗi người cảm nhận vấn đề một khác, chỉ cần
đối lập về quan điểm thì cũng đủ làm cái “điều đúng đắn” ấy tác động tiêu cực đến
người đọc rồi.
Do đó, việc chia sẻ bất cứ một
điều gì trên mạng xã hội, dù “vòng ảnh hưởng” của chúng ta nhỏ hay lớn, cũng
đòi hỏi một thái độ trách nhiệm đối với xã hội.
MC Phan Anh và khách mời
chương trình “60 phút mở”, ông Hồng Thanh Quang
|
Facebook yêu cầu người tham
gia với tên thật, thân phận thật của mình, đồng thời cho phép chúng ta khai báo
các quan hệ xã hội, từ vợ chồng, gia đình, đến con cái, họ hàng, đồng học đồng
nghiệp… Liệu một lần chia sẻ lỡ lời trên mạng xã hội ảnh hưởng tới quan hệ vợ chồng
của chúng ta, hoặc con cái chúng ta đọc được, chúng sẽ nghĩ gì? Đến cái “vòng
bé tí” ấy còn phải có trách nhiệm, thì với “vòng lớn” của “người nổi tiếng” lại
càng phải thận trọng đến đâu.
Không ai bắt buộc anh phải biết
tất cả các thứ, đặc biệt về những kiến thức chuyên ngành, nhưng cũng không ai cấm
anh đi tìm hỏi những người bạn của anh (có khi cũng chính trên mạng xã hội) ngọn
ngành về vấn đề đó. Rất nên đặt vấn đề bằng một mệnh đề mở, như một câu hỏi, một
chủ đề cần được thảo luận… thì với “vòng ảnh hưởng” của mình, “người của công
chúng” sẽ đóng góp cho xã hội rất nhiều bằng việc cùng nhau đi tìm được nhận thức
đúng đắn.
Tương tự như vậy với những người
làm chương trình truyền hình tương tác kia, nếu như chỉ cần có một cách đặt vấn
đề khác đi một chút thôi, thì “cơn bão” đã không có mà ngược lại, ảnh hưởng
tích cực của nó cũng sẽ là rất nhiều. Ranh giới giữa chủ quan thiên lệch và
khách quan tỉnh táo, giữa vội vàng và thận trọng, giữa vô trách nhiệm với trách
nhiệm… rất mong manh là vậy.
[1] Tham gia chương trình, ông Phạm Mạnh Hà,
chuyên gia tâm lý hành vi trích lý thuyết của David McClelland phân tích việc tham gia chia
sẻ trên mạng xã hội có các “Động cơ tồn tại, liên kết hay giao tiếp, nhu cầu
quyền lực.”
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
No comments:
Post a Comment