Không lên Facebook thì thôi,
đã lên thì càng càng càng dễ bị “ong thủ” do quá nhiều chuyện lễ lạt, tranh
giành… nơi cửa Phật. Cũng không hiếm các Thày bị dính vào chuyện thị phi này
khác thành ra làm hại cả danh tiếng của Đạo.
Vậy chúng ta cần phải có cái
nhìn đúng đắn như thế nào về Đạo Phật trong giai đoạn hiện nay, thời mở cửa “bung
ra” làm ăn, thời của kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa?”
Nhìn lại lịch sử, Đạo Phật vào
Việt Nam có một bề dày hàng nghìn năm – nhiều thuyết sử cho rằng còn trước cả
thời gian vào Trung Quốc. Đến thời kỳ Việt Nam giành độc lập từ ách thống trị
ngàn năm phương Bắc, Đạo Phật phát triển cực thịnh như vua Lý Thánh Tông đồng
thời là thiền sư, các vị “quốc sư” đều là bậc thiền sư lỗi lạc cả: Sư Vạn Hạnh,
Không Lộ, Khô Đầu, Thông Biện, Viên Chiếu… Thời nhà Trần cũng vậy, sự phát triển
của Đạo Phật rất mạnh. Có thể nói đây là thời kỳ vàng son của Đạo Phật ở Việt
Nam.
Tất nhiên, cái gì cực thịnh
thì cũng đến lúc suy. Được sủng ái, thì tất trong giới tăng lữ sẽ phát sinh nhiều
tệ lậu. Giới tăng lữ Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần không nằm ngoài quy luật
này. Đạo Phật Việt Nam suy từ đó, cùng với lịch sử thăng trầm của dân tộc và có
lẽ nó suy cho đến tận ngày nay.
Thời kỳ sau năm 1954, do du nhập
học thuyết Mác – Lênin vào đất nước mà Đạo Phật cùng với nhiều Đạo, Tôn giáo
khác bị coi là mê tín. Rất nhiều chùa chiền bị phá hủy, chỉ thiếu có nước diệt
đạo (truy sát các nhà tu hành) mà thôi. Điều này dẫn đến một sai lầm, là bản
thân tư tưởng Mác – Lênin là một học thuyết về sự phát triển xã hội gắn liền với
đấu tranh giai cấp, do đó nó yếu về sự giáo dục con người theo những chuẩn mực
truyền thống hàng ngàn năm mà các Đạo, Tôn giáo vẫn làm, đồng thời vì đấu tranh
giai cấp mà nó phủ nhận các giá trị truyền thống về gia đình, họ tộc, dân tộc…
mà chỉ là sự gắn kết của những người cùng chí hướng xây dựng xã hội. Nguy hại
hơn, triết học Mác – Lênin là duy vật, nên phủ nhận mọi yếu tố tâm linh, và đến
nay thì chính sự phát triển của khoa học đã thừa nhận những yếu tố tâm linh đó
là hiện hữu, chỉ có điều con người bằng các phương tiện hiện nay của mình chưa
tiếp cận được mà thôi.
Phải thừa nhận rằng, nhu cầu về
tâm linh của con người là có và thực sự rất mạnh mẽ. Đáp ứng điều đó, một xã hội
cần phải có sự tồn tại và phát triển của các Đạo, Tôn giáo để hướng dẫn con người
suy nghĩ, ứng xử… phù hợp với quy luật tự nhiên, kể cả những quy luật của thế
giới “tự nhiên nhưng siêu hình.”
Nhu cầu này không chỉ có ở đại
đa số dân chúng, mà còn có, thậm chí rất mạnh ở các tầng lớp cán bộ, đến cả cấp
cao trong bộ máy cầm quyền ở đất nước chúng ta. Bằng chứng là mấy năm nay báo
chí, mạng xã hội đưa nhiều tin về “xe biển xanh” đi lễ lạt đầu năm, chùa chiền
cứ là đầy các bà vợ quan đi lễ ra… Mấy năm trước còn có câu chuyện không biết thật
hay hư cấu, về một bác còn định “thi đấu” lên chức vụ cao nhất của đất nước,
xài bùa ngải âm binh để hại các đối thủ chính trị…
Không phải là sự phát triển
vàng son của Đạo (nói chung,) Đạo Phật (nói riêng) mà phải là sự phát triển cực
thịnh của mê tín.
Vậy Đạo Phật ở đâu trong giai
đoạn này?
Tất cả những gì tiêu cực đang
diễn ra, về những thói hư tật xấu của giới tu hành, cũng như mê muội đến mức
điên loạn của dân chúng… cho thấy ở Việt Nam hiện nay không có Đạo Phật.
Chúng ta có một thời gian quá
dài phủ nhận sạch bách những yếu tố tâm linh, thì nay được cởi mở tất cả các yếu
tố đó cùng bung ra “trăm hoa đua nở,” thày chân chính như cái kim trong biển cả,
còn lại đủ các thứ tà ma. Người ta gạ gẫm nhau xem phong thủy, xin bùa ngải, viết
sớ khóc lóc xin xỏ thánh thần, xóc thẻ xin xăm, bày vẽ lễ vật cầu tài cầu lộc…
hết thảy những gạ gẫm đó, đều là hành động của tà ma.
Cũng là vào thời của vật chất
thừa mứa, thế giới bước vào cuộc Đại cách mạng công nghệ nên sản phẩm làm ra
giá thành ngày càng rẻ, đồng tiền có vẻ dễ kiếm nên thực sự ở thời chúng ta, có
quá nhiều cám dỗ.
Dân chúng u mê dễ kiếm tiền, lại
mong kiếm được nhiều hơn. Họ đem tiền của cung phụng chăm bẵm các nhà tu hành,
làm cho chính các nhà tu hành cũng sinh hư. Thực sự ở thời chúng ta, đặc biệt
các nhà sư miền Bắc cực kỳ sướng, vì được cung phụng chăm bẵm quá nhiều.
Như Cụ Tịnh Không nói, “giàu
có thì khó học đạo,” ngoài các vị tà sư, thì còn có nhiều nhà tu hành bị người
đời làm hỏng. Chúng ta đã từng nghe về bộ sưu tập máy ảnh Leica của một vị trụ
trì, chắc chắn không dưới tiền tỉ, và hình như vị này còn có bộ sưu tập đồng hồ
đeo tay cũng khủng không kém. Hay có thày vẫn đam mê điện thoại đẹp đời mới ở Hải
Dương…
Ở cõi đời này đã sướng thế,
thì các thày còn muốn tu đi đâu nữa?
Xin nhắc lại, ở thời của chúng
ta không có Đạo Phật. Các nhà tu hành chân chính vẫn có, nhưng không nhiều. Chỉ
có Phật giáo, với tư cách là một Tôn giáo, chứ không phải là Đạo, con đường
sáng dẫn con người tới giác ngộ và giải thoát. Thời Lý – Trần, chính quyền muốn
dựa vào Phật giáo để dẫn dắt con người về tư tưởng. Thời nay chính quyền muốn
cho sống thì được sống, bắt chết thì phải chết… Phật giáo “phát triển” (có ngoặc
kép) mạnh như ngày hôm nay là do có sự ủng hộ của chính quyền. Bằng chứng là
chùa to tượng lớn, tháp nọ điện kia cứ là xây cất lung tung…
Đó cũng không phải là sự phát
triển về chất, mà chỉ là về lượng. Chừng nào chúng sinh bớt u mê bớt bị lợi dụng,
thì mới là sự phát triển của Đạo. Còn như hiện nay, chỉ là sự hào nhoáng bề
ngoài. Tuy nhiên, mình vẫn ủng hộ xây chùa chiền – vì cái gì cũng vậy, qua mê
thì đến tỉnh…
… Vậy thái độ đúng đắn của người
học Phật phải ra sao?
Không có người xấu, chỉ có người
làm việc xấu. Khi họ nhận ra và không làm việc xấu nữa, thì họ có khi còn tốt
hơn chúng ta. Ngay cả các Thày, trước khi trở thành nhà sư, họ cũng là người,
và hiện nay thì cũng vẫn là… người. Chúng sinh là bình đẳng, nhận thức chưa
đúng hôm nay thì ngày mai đúng.
Lúc đó chùa to điện lớn sẽ còn
lại cho Đạo, Đạo suy mãi rồi cũng có lúc đi lên, dù còn lâu mới đến cực thịnh
vàng son, nhưng có cái gì mãi ở dưới đáy đâu. Cái cực thịnh thì đi xuống ắt phải
có cái dưới đáy đi lên, vậy thôi.
Thái độ của người Phật tử còn
thấy chướng tai gai mắt bởi những chuyện như vậy, thì còn chưa thông, chưa
sáng. Đó là những chuyện đời, chuyện thế tục. Người học Phật không chỉ phải
nhìn ra những điều chưa đúng đắn, mà còn phải nhìn thấy được hết và có cách
đánh giá trí tuệ về những điều đó. Phật tử có cái u mê của Phật tử, chúng sinh
có u mê của chúng sinh và các nhà tu hành có những sai lầm của nhà tu hành.
Thái độ đúng đắn là thấy, hiểu được và biết tránh, tùy duyên tùy hoàn cảnh mà
nói, tuyệt đối không sinh tâm thù ghét, tỏ thái độ thù địch hay ghê tởm… Làm
như vậy không giác ngộ, giáo hóa được ai mà chỉ gây thù chuốc oán.
Điều này dễ làm người học Phật
bị hiểu lầm rằng họ yếm thế, mũ ni che tai không muốn đấu tranh với những thói
hư tật xấu của xã hội. Không phải, vì học Phật được trang bị một nhãn quan rất
logic, rất khoa học nên người học Phật không vững tâm sẽ rất khổ vì xung quanh
có rất nhiều điều chưa vừa ý. Người viết có nhiều bạn Phật tử như vậy, họ nhìn
thấy được hết, nhưng chưa đủ tâm từ, chưa đủ suy xét trí tuệ nên còn động tâm,
phản ứng không đúng cách lại sinh sân hận.
Điều quan trọng với người học
Phật vẫn là phải nhìn thấy được những điều đó, nhưng quán chiếu được tâm của
mình, không vọng động và trước những hoàn cảnh đó thì “tùy duyên mà giáo hóa.”
Ví dụ khi mình viết những dòng này, sẽ có rất nhiều bạn đọc và hiểu được cách
hành xử cần có của người học Phật, thì đó là mình đã đạt được một chút kết quả
rồi, dù ít nhưng vẫn là có.
Khía cạnh này, vẫn có những nhà
tu hành, nhà chùa làm tốt mà không phải ai cũng hiểu được. Ví dụ như lễ “Dâng
sao giải hạn” – giáo lý nhà Phật không có chuyện này nhưng nếu chúng sinh Phật
tử vẫn tin, nhà chùa không thể phủ nhận ngay. Một mặt nhà chùa vẫn giúp làm lễ,
nhưng trong đó là việc đọc những bài kinh cầu an… và hướng dẫn dần Phật tử, đầu
tiên là làm những lễ giản dị, tiết kiệm… sau này khi đã hiểu và tin giáo lý của
Phật thì những lễ đó không cần nữa.
Vì thế nên nếu thấy tấm ảnh biển
người “Dâng sao giải hạn” đứng chật cầu vượt trước cửa chùa Phúc Khánh, thì hãy
khởi tâm từ bi mà thương lấy chúng sinh, mong cho từng người trong số họ dần dần
hiểu ra được, mà không mê nữa. Không phải chửi họ là ngu là dốt, làm như thế
thì tâm chúng ta đã bị vẩn đục rồi.
Có một câu chuyện vừa xảy ra
thế này: Vụ phóng sinh 10 tấn cá. Chúng ta hãy gác những thông tin về nhân thân
của vị tăng vừa làm lễ cho đại gia nào đó đi, cũng gác luôn ra một bên chuyện
thày này phát biểu thế nào đó về Lý Thường Kiệt đi, và hãy nhìn một cách khách
quan xem nhé. Nếu như người mời thày chỉ cung cấp thông tin là làm lễ phóng
sinh, mà không nói là cá gì và số lượng bao nhiêu, thì lúc đến nơi thày thấy 10
tấn lại phải bảo gia chủ “Thôi đem bán lại đi, thả lấy mười cân thôi!” à? Còn nếu
gia chủ xin ý kiến từ trước, làm nhà sư cũng như thày người ta, phải biết cách
hướng dẫn Phật tử để làm được một lễ giản dị, tiết kiệm và thiết thực. Việc
phóng sinh là tùy duyên, không nhất thiết phải làm và đã làm không nhất thiết
phải nhiều. Để số tiền tiết kiệm được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tốt
hơn. Còn việc phải chịu búa rìu “dư luận Phây búc” là do “nghiệp” của thày nó
thế, có gì phải nói nhiều đâu. Chúng ta hãy tâm niệm, “cái gì không biết, không
nói!” Chuyện có biết bao uẩn khúc bên trong, sao ta biết mà phán như đúng rồi
được, lại sa vào vọng động.
Người viết bài này đã từng bị
nhiều chỉ trích là theo Phật thì tiêu cực, bịt tai không nghe bịt mồm không nói…
Có người bạn chỉ trích xong rồi, lại nói nếu tao theo Tôn giáo nào đó, tao sẽ
theo Công Giáo, bên đó kỷ luật tốt, tính đấu tranh cũng cao hơn…
Nhìn chung những điều đó không
có gì sai, có thể chưa đúng thôi. “Bịt tai không nghe bịt mồm không nói” mình
đã nói ở trên rồi, nghe vẫn nghe nhưng thực sự rất biết, chứ không phải không
biết. Chỉ có điều nói như thế nào, vào lúc nào. Còn Đạo Phật đấu tranh bằng
cách giáo dục, chỉ ra sai trái, động viên người còn làm việc xấu dừng lại, chứ
không coi người ta là người xấu cần phải tiêu diệt.
Đạo Phật không chỉ tin vào
nhân quả, mà còn tin vào luân hồi, kết hợp với mục đích của Đạo Phật là giáo dục
con người, mà giáo dục thì không phải ngay lập tức mà có kết quả, thậm chí có
người sẽ cười vì kết quả có thể đến vào… kiếp sau.
Những người không tin vào điều
đó cũng một phần do bị ảnh hưởng bởi giáo dục xã hội chủ nghĩa mấy chục năm,
không muốn tin vào những yếu tố tâm linh.
Do đó, các nhà “cách mạng
Facebook” thường hay sa vào một số sai lầm:
- Muốn
cải tạo xã hội ngay lập tức. Cuộc cách mạng long trời lở đất có thể diễn ra,
nhưng nhận thức của con người thì không dễ như vậy. Sự thay đổi xã hội là cần
thiết và có thể là tất yếu, nhưng cũng cần phải có một lý thuyết đúng đắn cho
quá trình thay đổi nhận thức con người.
- Chĩa
mũi dùi thù hằn vào những con người mà hiện nay họ cho là “những người xấu.”
Như thế họ lại sa vào sai lầm của chính những gì họ đang lên án, là giải quyết
vấn đề bằng thù hằn vào bạo lực.
Đến đây, các bạn có thể hiểu
được rằng mình vẫn viết về những thói hư tật xấu trong xã hội, nhưng thái độ và
cách tiếp cận của mình rất khác. Chúng ta hãy nhìn, thấy, biết và hiểu; xem có
mình trong những điều chưa tốt đẹp đó không, có làm được gì để thay đổi chính
mình tốt đẹp hơn không? Như Phật dạy, hãy nói lời ái ngữ, thương yêu tất cả những
vật, những người xung quanh… do đó cách phản ánh thực trạng xã hội của mình
cũng sẽ khác. Các bài báo mình viết cũng theo cách như vậy.
Để làm sao ai không đọc thì
thôi, đã đọc những gì mình viết thì người đọc phải cảm thấy có điều gì đó bình
an, không phải sự thù hận hay vọng động, loạn tâm. Kiếp người này quý giá lắm,
chưa biết sau cuộc đời này chúng ta có còn được làm người nữa không, hãy cố mà
chăm sóc cho mình được một cái tâm thanh thản, tốt đẹp và trong sáng…
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment