Thế giới gần đây xuất hiện một
số vụ mưu sát hoặc mưu sát không thành theo kiểu đầu độc, như trường hợp đối với
cựu điệp viên FSB Litvinenko hoặc với ông Victor Yuschenko (cựu chính trị gia
Ukraine)… Nhưng vụ giết ông Kim Jong-nam, con trai của cố chủ tịch Triều Tiên
Kim Jong-il lại có rất nhiều điều kỳ lạ.
Tất nhiên đây là một vụ có dự
mưu, chứ không thể là một vụ án mạng vãng lai. Để thực hiện một vụ như thế này
đòi hỏi phải có sự chuẩn bị trước, đặc biệt cần thông tin tình báo chi tiết về
hoạt động của mục tiêu. Tấn công một mục tiêu xác định, có bảo vệ nghiêm ngặt
(không chỉ là ám sát, mà có thể nhiều mục đích khác) thì tấn công vào nơi ở hay
làm việc là hạ sách và khi đối tượng, mục tiêu di chuyển là cơ hội trời cho để
lên kế hoạch.
Một mục tiêu di chuyển bảo vệ
khó trăm lần so với mục tiêu cố định, đặc biệt khi mục tiêu đó đang ở “trong
hang.” Đây chính là trường hợp của ông Kim Jong-nam. Không khó để nhận ra rằng
kế hoạch này dựa trên những thông tin tình báo chính xác, vì bản thân ông Kim
Jong-nam khi di chuyển cũng dùng hộ chiếu tên người khác, và chắc chắn ông cũng
quen với một cuộc sống mà sự nguy hiểm đe dọa là thường xuyên.
Nghi vấn nổi lên là, tại sao một
người như ông Kim luôn luôn có hai vệ sĩ đi kèm, mà lần này lại bị tấn công một
cách dễ dàng, có thể nói là đơn giản đến thế? Theo thông tin của tờ New Straits
Times (Malaysia) thì hành động tấn công được thực hiện khi ông Kim đứng ở quầy
check-in, một người đứng phía trước phân tán chú ý của ông ta, người đứng đằng
sau xiết cổ và sau đó ông bị tác động bằng một loại chất độc vào mặt. Ông Kim
chết trên đường đến bệnh viện, trước đó có những biểu hiện khó thở khi tìm được
quầy cấp cứu của sân bay.
Hành động tấn công rõ ràng là
của những sát thủ chuyên nghiệp, vì để hạ sát một người như ông Kim Jong-nam
trong hoàn cảnh như thế, với cách họ chọn là xiết cổ và xịt thuốc, người bình
thường không làm được. Tuy nhiên, vụ tấn công đã được thực hiện khá… suôn sẻ,
có thể nói là dễ dàng.
Không chỉ thực hiện một cách dễ
dàng, đơn giản đến khó tin, vụ tấn công còn để lại nhiều dấu vết đến mức ngờ
nghệch, như tại sao những người chủ mưu ngoài sử dụng những sát thủ chuyên nghiệp
mà lại có thêm vai trò của hai phụ nữ, một Malaysia và một người đang được thông
báo là mang hộ chiếu Việt Nam; đến nay được biết là có vẻ như được thuê để thực
hiện một… trò đùa? Không những thế, một trong hai người đó lại còn mặc một chiếc
áo trắng nổi bật có in dòng chữ cũng cực kỳ dễ nhận dạng (LOL) và chắc chắn
không thể thoát sau khi vụ đó được thực hiện xong.
Phải chăng những chi tiết này
chính nằm trong kế hoạch của những người dự mưu, và thông tin rằng những người
phụ nữ đó tham gia vụ tấn công với lòng tin tưởng họ đang tham gia vào một trò
đùa là có căn cứ?
Nếu đúng là như vậy, phải
chăng một tổ chức tình báo sừng sỏ đứng sau đang muốn đánh lạc hướng dư luận
sang một hướng khác, chẳng hạn những nghi vấn sẽ tập trung vào các chi tiết đời
tư của ông Kim Jong-nam.
Ngay từ thời cố chủ tịch Triều
Tiên Kim Jong-il còn sống, người ta đôi lúc cũng nói đến người con trai lớn của
Chủ tịch, được biết như một thanh niên thông minh, có học nhưng cũng rất được
nuông chiều. Tuy nhiên chỉ từ thời kỳ nắm quyền của người em trai cùng cha khác
mẹ của ông, Kim Jong-un thì thực sự hình ảnh của ông Kim Jong-nam mới trở thành
“con cừu đen” của gia đình.
Một mặt, Kim Jong-nam được biết
đến như một tay cờ bạc sành sỏi, mà từ năm 2001 đến nay chủ yếu ông sống ở
Macao thủ phủ cờ bạc của Châu Á. Điều đó cho thấy ông đã thoát khỏi vòng ảnh hưởng
của không chỉ em trai ông, mà từ trước đó, đã thoát khỏi người cha của mình. Cả
hai anh em đều du học, nhưng rõ ràng Kim Jong-nam đã có những mối quan hệ rộng
mở hơn so với em trai của mình (ông học ở Geneve và Moscow), và với đam mê đỏ
đen thì nếu cho rằng ông có những mối quan hệ xã hội phức tạp thì cũng không có
gì là khó hiểu.
Mặt khác, Kim Jong-nam là con
trai lớn trong gia đình, anh em trai không lạ gì nhau thì nếu ông có thái độ
xem thường hay thách thức em trai cũng không phải khó xảy ra, đặc biệt với một
người từng trải, va chạm với bên ngoài nhiều như ông, đối lập với người em trai
Kim Jong-un khép kín của mình.
Hơn nữa, là con trai lớn trong
một gia đình quyền lực kiểu châu Á, nơi mà việc “phế con trưởng lập con thứ” vẫn
là hành động tiềm tàng gây họa, dẫn đến việc anh em tàn sát lẫn nhau.
Từ những lập luận đó, Hàn Quốc
cho rằng chính Triều Tiên đứng đằng sau âm mưu ám sát ông Kim Jong-nam (theo
phát biểu của người phát ngôn Bộ Thống nhất hai miền của Hàn Quốc.) Nếu đúng
như vậy thì tại sao lại vào thời điểm này?
Xin đưa ra lập luận theo kiểu
giả thuyết – nếu cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il là một vị hoàng đế, thì
cũng không tàn nhẫn đến mức xuống tay với con đẻ của mình, trừ phi thái tử tham
gia âm mưu tạo phản. Trường hợp của Kim Jong-nam đã bị phế truất khỏi địa vị
Đông Cung Thái tử. Từ đó trở đi, ông có vẻ lặng lẽ, để tình hình yên ổn với lối
sống đầy đam mê của mình nhưng ít ảnh hưởng đến gia đình và chính trị trong nước.
Với thời của Kim Jong-un thì
khác, một con bài như anh trai của ông tiềm tàng nhiều nguy hiểm, như một âm
mưu “phế vua này lập vua khác” từ trong nước, hoặc như trên đã nói ông Kim
Jong-nam có vị trí rất dễ để đe dọa uy tín của Chủ tịch hiện nay của nước
CHDCND Triều Tiên…
Đó là một giả thuyết, vậy còn
ai là những “nghi can” tiềm tàng của vụ tấn công này? Nhiều lắm, như cơ quan
tình báo Hàn Quốc (NIS mà tiền thân của nó là KCIA) hay thậm chí… CIA. Tất
nhiên với những giả thuyết theo hướng này, người ta sẽ đặt câu hỏi rằng “Tại
sao lại là Kim Jong-nam?”
Một thái tử đã bị thất sủng, một
quân bài ít giá trị và chỉ quan tâm đến đỏ đen, về logic mà nói đối với những
thế lực muốn lật đổ hoặc phá hoại Nhà nước Triều Tiên, Kim Jong-nam sống có lợi
hơn là chết. Tật xấu đỏ đen, chỗ yếu của ông ta lại trở nên điểm mạnh dễ khai
thác của các cơ quan đặc biệt nước ngoài.
Không loại trừ kể cả với phía
Trung Quốc, lâu nay có trong tay quân bài Kim Jong-nam đồng thời cũng luôn luôn
là một kế hoạch lâu dài đối với Triều Tiên.
Nếu như với mạch logic như vậy
thì việc quay lại với giả thuyết ban đầu, tức là việc “giải quyết mâu thuẫn anh
em” trở nên hợp lý hơn bao giờ hết. Đến đây thì sự hoàn hảo của kế hoạch đã đặt
ra cho chúng ta một sự nghi ngờ khó dập tắt, vì bao giờ một kế hoạch hoàn hảo đến
từng chi tiết, đặc biệt là về tính logic của nó nếu nó có chủ đích muốn hướng
dư luận đến một kết luận hiển nhiên.
Điều đó có nghĩa là “CHDCND
Triều Tiên đứng sau vụ ám sát ông Kim Jong-nam” là điều dễ nghĩ tới nhất. Phải
chăng tính logic hiển nhiên cỡ đó đã dẫn tới việc Hàn Quốc nhanh chóng phát biểu
ý kiến theo chính hướng này?
“Điều hợp lý nhất chính là điều
đáng nghi ngờ nhất” – nếu như có một cơ quan đặc biệt, tình báo nước ngoài
ngoài Triều Tiên đứng sau vụ này, thì đây lại trở thành một vụ hoàn hảo để làm
mất uy tín của Chủ tịch Triều Tiên hiện nay, ông Kim Jong-un. Từ khi lên nắm
quyền, ông Kim Jong-un dù trẻ tuổi, nhưng đã tỏ ra là người sắt đá đến mức tàn
nhẫn. Việc ông ra lệnh xử tử chồng của cô ruột mình đủ thấy ông đủ tàn nhẫn
trên con đường củng cố quyền lực.
Ngược lại những gì ông làm
cũng sẽ làm tăng thêm tính hà khắc (nếu có) trong tổ chức Nhà nước nói riêng và
toàn xã hội Triều Tiên nói chung. Có rất nhiều giả thuyết phụ phát sinh, như có
những âm mưu chống lại lãnh tụ trong nội bộ, nhưng nếu theo hướng này thì phải
loại trừ kế hoạch “phế vua này lập vua khác” (cần Kim Jong-nam còn sống) mà sẽ
phải theo hướng đảo chính hoặc lật đổ.
Về phần mình, CHDCND Triều
Tiên vẫn yêu cầu Malaysia trả xác ông Kim Jong-nam để tự mình khám nghiệm tử
thi. Việc này cũng có thể được giải thích theo hai hướng: hoặc là để che giấu sự
thật về một kế hoạch đứng sau, hoặc là để cố gắng tìm ra sự thật mà nếu để cơ
quan điều tra của một nước khác tiến hành, khó có thể thực hiện được.
Tất nhiên từ góc độ luật quốc
tế, thì yêu cầu đó của CHDCND Triều Tiên là khó có thể được chấp nhận. Malaysia
không dễ gì từ bỏ chủ quyền quốc gia của mình trong một vụ như thế này; ở đây
là quyền tài phán, thụ lý vụ án hình sự xảy ra trên lãnh thổ nước mình.
Chúng ta cũng không nên quên
chỉ trước đây một tuần, Triều Tiên bắn thử tên lửa ngay sau cuộc gặp gỡ của Tổng
thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Mỹ, và cũng tuần vừa
qua có sự kiện sinh nhật cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il (16/2.) Nhưng nếu
cho rằng ám sát anh của Chủ tịch Triều Tiên để nước này dừng những hành động được
gọi là “ngoại giao tên lửa” thì buồn cười quá, câu chuyện không đơn giản như vậy.
Một hành động ám sát chỉ đổ thêm dầu vào lửa, nhất là trong những chuyện liên
quan đến an ninh thế giới, ám sát một cá nhân ít ảnh hưởng không phải là mục
tiêu ưu tiên. Giả thuyết theo hướng này chỉ có tính thuyết phục nếu ông Kim
Jong-nam là người quan trọng trong chương trình tên lửa của Triều Tiên chẳng hạn…
Tất cả chỉ là những giả thuyết,
nhưng cũng không thể ngờ là ở thời đại của bùng nổ công nghệ thông tin và sự tranh
giành ảnh hưởng địa chính trị, vẫn còn chỗ cho những hành động ám sát cá nhân.
Dù là ai đứng sau chăng nữa, chúng ta cần tin là nó vẫn sẽ không ảnh hưởng quá
nhiều đến cục diện an ninh khu vực và thế giới.
Còn ai là thủ phạm thực sự, chắc
câu trả lời cũng còn lâu mới có.
Bài đăng trên An ninh thế giới
cuối tháng (2/2017)
Bản điện tử tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook
tại đây
No comments:
Post a Comment