Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, February 27, 2017

Không đái dầm...

Mình có ông bạn kiểu “một ông em” trong Sài Gòn mấy hôm nay sôi lên sùng sục vì vụ hai cô bé nào đó, chạy xe máy gần như một mạch từ Sài Gòn ra Hà Nội chỉ trong 40 giờ.

Nếu có ai đó hỏi mình tin chuyện này không, mình sẽ trả lời rằng: “Tin chứ, tại sao không?” Hai bạn ấy còn trẻ mà, mà khi người ta còn trẻ người ta làm được nhiều điều phi thường lắm.

Từ chuyện xe máy… Mình ngồi lên yên xe từ năm 14 tuổi, chiếc SIMSON của ông cậu ruột. Trước đó 2 năm, có lần ổng “lên cốt” chiếc xe phải chạy rà trơn (en rodage,) mình ngồi lên và bắt chước, bóp côn, vào số, nhả ra từ từ thấy cái bánh sau nó quay. Thế là ổng giảng cho mình về xe máy, về động cơ, các nguyên lý của nó. Khi ổng bổ máy, mình học lớp 7 ổng đã nhờ phụ giúp nên đã biết rất nhiều đặc điểm của máy SIMSON 2 kỳ.

“Xe máy luận” đọc tại đây

Mình còn phát hiện ra, bộ cùm công tắc bên trái của nó ngoài núm còi thường thấy như của xe Honda, lại còn có một nút nữa. Hỏi ông cậu, ổng bảo đèn xin đường, bấm vào nó thì đèn pha sẽ sáng. Tò mò, tìm đọc luật giao thông thì mình hiểu tại sao lại phải xin đường bằng đèn. Mình sẽ quay lại chuyện này sau.

Tốt nghiệp phổ thông, nhà nghèo nhưng lại ở khu buôn bán của thành phố, mình phải đi làm rất sớm. Bất cứ nhà ai thuê mướn mình đều làm, kể cả “buôn hàng địa chỉ” đến chạy hàng, thu tiền… ở các tỉnh xa. Thanh niên có sức khỏe, đêm thường đua với chúng bạn đi đua xe máy mà đi xe rất giỏi, gì chứ những trò dựng đầu, quay compa mình thạo cả. Ham máy, mình học “phẫu” xe ra sửa, càng ngày càng mò mẫm làm được nhiều và hiểu về nguyên lý xe, lại càng đua xe giỏi. Thậm chí có một ông chủ thuê chở ổng vào Nghệ An để trả tiền hàng, lấy hàng ra… Ông có chiếc MZ-150 mới cứng, đi cực kỳ sướng. Mình chở ổng đi được 1 chuyến, sau toàn tự đi vì ổng có tuổi, đi mệt sinh ngại. Mình cầm tiền của ổng, không tơ hào một xu, nên ổng yên tâm mà giao. Sau này mới biết hàng của ổng quốc cấm, hồi đó mà nhỡ nhàng một cái thì cũng vĩnh biệt trường Đại học.

Cả thời sinh viên, bạn bè đến nhà thường ngỡ ngàng thấy nhà mình là cái công xưởng, sửa xe máy suốt ngày. Mình sẵn sàng sửa xe cho các bạn, miễn phí nhưng lại được giao cho cái xe làm chuột bạch…

Hầu hết người lớn trong gia đình, những người quen… đều không ai khinh thường bọn thanh niên chúng mình cả. Mười bảy mười tám, đã được tin tưởng giao xe máy cho là cả một gia tài, đi hàng trăm cây số giao hàng, nhận tiền… Trong người lúc nào cũng có dao với côn nhị khúc để phòng thân. Hai thanh niên lên đường, mặc quần áo bộ đội Trung Quốc, mũ cối và kính bảo hộ có chun chống bụi… Mãi về sau mới mua được bũ bảo hiểm của Thái Lan đội, tốc độ di chuyển cao hơn hẳn.

Thời đó với mình đi xe máy đường trường là công việc kiếm cơm, chứ không phải đi chơi, đặc biệt không phải để thể hiện mình là cái gì ghê gớm. Vội thì phải đi nhanh, chứ ai thích thú gì. Bây giờ nghĩ lại, chắc hai ông lái xe tải thời đó có khi phải khiếp lắm vì cả hai đang chạy nhanh mà vượt nhau, thì mình phi ở giữa, vượt cả hai xe một lúc, tốc độ của chiếc Win 100 (năm 1992) lúc đó chắc đạt 100km/h. Bây giờ cho tiền cũng không bao giờ dám làm.

Nhanh chóng, mình nhận ra đi đường trường, dù có phóng hộc tốc mấy chăng nữa thì có đến đích cũng không nhanh hơn được bao nhiêu, mà sức khỏe thì nhanh chóng xuống và đặc biệt nguy cơ tai nạn thì tăng lên nhiều lần. Người đi đường trường nhanh phải là người đi được đều nhất ở một tốc độ hợp lý nhất và nhanh nhất có thể. Tốc độ này thường được lựa chọn ở trong ngưỡng “economic” của xe, như xe 70cc chắc khoảng 45-50km/h gì đó. Động cơ lớn hơn thì ngưỡng này được nâng cao lên.

Điều quan trọng là nhận ra, không phải là đi nhanh là tài, mà làm sao tới được đích an toàn và về được đến nhà. Do đó với những quãng đường càng xa, chúng ta càng cần phải tiết kiệm sức. Sức ở đây cả về thể xác, lẫn thần kinh. Mình lấy một ví dụ, có lần chạy chiếc Jupiter về quê trong Hà Đông lúc sáng sớm để đi đám cải táng họ hàng, đường sáng sớm đông lắm toàn xe thồ chở rau cỏ thịt cá đi chợ bán… mình trổ tài “tay lái lụa” chạy 28km mất 45 phút, bình thường phải đi hết hơn 1 tiếng. Tính ra như vậy chỉ đạt trung bình ba mấy km/h thôi. Đến nơi thần kinh căng hết cả lên! Chạy đường trường mà như vậy, chỉ một sơ sẩy có thể chui gầm xe tải mà nằm được rồi.

Đến một lúc nào đó chúng ta sẽ thấy cơ hội để mà sống cũng hiếm lắm, phải biết chắt chiu từng cơ hội đó chứ đừng nên phung phí. Tuổi trẻ của mình nhiều lần đứng cạnh cái chết, nay nghĩ lại thấy sợ, đó là sự phung phí.

Vậy đấy, ngày đó mình đã nhận ra người đi xa phải là người biết tính toán, và cần cù, kiên gan bền chí. Sự nỗ lực đều đặn trên một quãng đường dài sẽ dẫn bạn đến đích, chứ không phải hùng hục. Phóng thục mạng có thể hôm nay bạn đạt kỷ lục, nhưng nếu mai, kia lại lặp lại thì chắc chắn sẽ có ngày Thần Chết tìm đến bạn, đó là quy luật.

Thời thanh niên đua xe máy của mình cũng đã tiễn nhiều bạn đồng lứa xuống suối vàng. Một anh bạn cùng tuổi cưỡi chiếc Suzuki FB-100 mới cứng, chạy từ Hoàng Hoa Thám xuống Phan Đình Phùng đến đúng dốc Ngọc Hà đoạn đường cong, lao thẳng vào gốc cây và đi luôn. Nhắc chuyện này nhiều bạn “tổ lái” thời đó còn nhớ. Đoạn đường cong Đinh Tiên Hoàng trước đền Bà Kiệu cũng là một chỗ như vậy, đã được gắn nhiều “bát hương” cho anh em xế…

Mình không sợ chết, nhưng không muốn chết nằm thẳng cẳng, thảm thương không toàn thây như thế. Cái chết đó vô nghĩa và phi lý quá. Cuộc đời kiếm sống trên yên xe không cho phép mình đánh bạc với số phận.

Giữa những năm 1990, ra trường đi làm mình được tiếp xúc với rất nhiều xe “phân khối nhớn” của cơ quan, và tài năng lại càng nở rộ. Xe công nát nhiều, mình tiến hành “dồn đồ” phục hồi được khối xe. Có chút tiền, tiến tới được mơ ước mua máy ảnh và thực sự, mình đi “phượt” từ lúc đó, khi chưa có từ “phượt.” Đi từ khi bà con còn lạ lẫm với một thanh niên từ xuôi lên, còn cực tự nhiên hoặc không tự nhiên tí nào khi cho chụp ảnh chứ không có ngửa tay đòi tiền như bây giờ. Nhưng phong cách đã định hình, mình đi phượt với tư duy đi là phải tận hưởng, và đặc biệt phải an toàn.

Sau này do nhu cầu công việc, mình phải “đánh bóng mặt đường” cứ 6 ngày một tuần, mình cùng bạn lái xe chạy khoảng 2000km trên chiếc bán tải 2 cầu, toàn đường rừng núi. Tuy thế, mình chưa bao giờ đánh bạc với bất cứ một rủi ro nào có thể xảy ra. Nếu điểm mỏ khoáng sản cách chân dốc 2, 3 km, mình sẵn sàng mượn xe Minsk đi vào, hoặc đi bộ nếu đường quá xấu, chứ không có ý định thử tài tay lái hai cầu. Vì mình sẽ còn phải đi về nhà – cả ngàn cây số nữa chứ đâu có ít. Trèo đèo lội suối… không có khảo sát trước không lội… chờ lái xe địa phương đi qua hỏi thăm kỹ hẵng lội. Vì thế nên khi có các câu lạc bộ off-road, nhiều bạn hỏi mình có tham gia không, mình cười mà rằng, với mình off-road là công việc, là miếng cơm… những ngày các bạn đi dầm bùn ở Hòa Lạc thì mình muốn được nghỉ, bế con ở nhà.

Con đường rừng núi đã cho mình gặp rất nhiều đoàn phượt, hầu hết các thanh niên đều không phải đi để xem cuộc sống quanh ta tươi đẹp như thế nào, mà để đi tìm cái chết. Có lần mình phanh gấp chiếc Santa Fe trên đèo, suýt đâm vào phía sau một phượt thủ chạy chiếc Sirius chỉ vì anh bạn tháo miếng nhựa đỏ ở trong của đèn hậu ra, vượt lên tạt đầu và nhớm phanh. Trời nhá nhem tối, bất ngờ chói mắt người lái xe nào cũng có thể gây tai nạn được cả.

Thanh niên thì thích thể hiện, nhưng những thể hiện chỉ thuần túy hình thức, không thiết thực và thậm chí là ngu ngốc, thì chẳng có gì hay ho. Các bạn đi phượt nhưng hầu hết không học luật giao thông, vượt ô tô thường vượt bên phải mà không biết người lái xe sợ cứng người vì chỉ cần bị xe ngược chiều ép một chút thôi, họ phải lựa chọn giữa cho bạn vào gầm xe, hoặc đâm vào xe ngược chiều đó. Bây giờ chắc các bạn đã hiểu tại sao cái công tắc đèn “passing” (xin đường) là cần thiết. Nó cần để bạn xin đường xe ngược chiều, đặc biệt hữu ích khi bạn vượt xe khác. Nếu bạn chú ý, khi vượt xe chỉ cần nháy pha một cái thôi là xe ngược chiều họ ngớt ga một chút thôi, bạn vượt dễ dàng hơn nhiều và cũng an toàn hơn nhiều. Mà hầu hết lái xe đường trường có công việc là ôm tay lái, họ rất có trách nhiệm cả với mình và người khác, chứ không phải chạy xe tài tử kiểu phượt thủ đâu.

Đó là kinh nghiệm, nhưng cũng là luật – nó nằm trong thực tiễn và trong sách vở, cả trong luật pháp nữa. Hầu hết những người phi thẳng lên bàn thờ là coi thường pháp luật, thật vậy.

Công việc làm cho mình phải giao du cả với kiểm lâm lẫn… anh em phá rừng. Anh em đều nói, bây giờ thanh niên dưới xuôi đi phượt hay có mốt mặc quần áo rằn ri, nói dại nếu chạy xe ngã xuống vực, không biết đằng nào mà tìm. Mình thể hiện lòng ái quốc bằng cái áo cờ đỏ sao vàng, nhưng thực sự mặc áo này thuận lợi cho cứu hộ hơn nhiều so với mặc đồ rằn ri. Gần đây các phượt thủ hay mặc đồ phản quang là một ý tưởng rất tốt để đi đường an toàn và cũng dễ tìm khi chúng ta nằm trong bụi rậm.

Vậy đấy, tuổi trẻ là tuổi làm được nhiều việc, không đặt niềm tin vào các bạn thì còn biết đặt vào ai chứ? “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già…” Trước mình hay chém gió ầm ầm trên mạng, càng ngày càng có nhu cầu im lặng. Tuổi mình chưa nhiều, nhưng dần dần đã cảm thấy mình tiến tới cái ngưỡng “nhi nhĩ thuận,” nghĩa là điều gì cũng có thể xảy ra và cái gì cũng có nguyên nhân và điều kiện xảy ra của nó.

Đặt niềm tin vào tuổi trẻ là đúng, cũng như trước đây những người lớn tuổi hơn đặt niềm tin vào thế hệ chúng mình.

Ở tuổi lên một lên hai, thành công đầu đời của người ta là “không đái dầm,” thì đến một lúc nào đó cũng chỉ mong sáng mai thức dậy mà “không đái dầm” cũng là tốt lắm rồi, các bạn nhỉ?


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment