Những ngày này dù muốn hay
không, thì đi đâu chúng ta cũng có thể nghe thấy những râm ran về một vụ án khá
kỳ lạ, có thể nói thuộc loại hiếm có… Đó là vụ án hình sự truy cố một cựu hoa hậu
và quan hệ từ trước đó của cô với “người bị hại” vốn là một “đại gia.” Thậm chí
người ta còn đưa ra con số, một số tiền như người bình thường chúng ta không biết
bao giờ kiếm ra được: 16,5 tỷ đồng.
Đến mức mà cứ lên mạng xã hội,
nói đến “mười sáu tỷ rưỡi” là biết ngay, à, nói về vụ “xung đột hoa hậu – đại
gia” đây mà. Nếu sa đà theo dõi các phân tích của “cộng đồng mạng” thì mất rất
nhiều thời gian và chắc chắn chúng ta không thể biết được sẽ cần phải đứng về
phía ai. Nào là “đại gia đã cho gái tiền mà còn đòi” “đại gia mà còn ngọng ngô
đến mức phải nhờ hoa hậu mua nhà…” và từ chiều ngược lại cũng biết bao ý kiến,
tôi cũng không muốn kể ra ở đây vì dù sao thì cô hoa hậu cũng đã vướng vòng lao
lý…
Đây không phải lần đầu tiên dư
luận được khuấy lên đến mức sục sôi vì mối quan hệ “chân dài – đại gia.” Dường
như cái câu “Gái tham tài, trai tham sắc” người đời đúc kết, bao đời nay vẫn
đúng. Từ khi đất nước chuyển mình vào cuộc đổi mới, tính từ năm 1988 đến nay đã
có biết bao cuộc thi hoa hậu, thi sắc đẹp ở đủ các địa phương, ngành nghề, đủ
các “cớ.” Và các hoa hậu, á hậu sau khi nhận vương miện, cũng đã dần biết tận dụng
cái danh hiệu có được đó, để nắm lấy những lợi ích về kinh tế. Đây là một điều
tất yếu và chính đáng, khổ cái nhiều khi nó không thuần túy chuyện làm ăn, mà lại
dây dưa cả “yếu tố tình cảm” vào đó nữa. Và lại “khổ cái” thêm lần nữa, cái gọi
là “yếu tố tình cảm” đó thường không thể loại trừ được “yếu tố tiền bạc” đứng
sau.
Tôi chưa bao giờ thấy hoa hậu
“cặp” với anh công nhân hay anh bộ đội xuất ngũ, mà người đẹp là phải “cặp” với
anh nào có mác đại gia - kể cả đại gia có số nợ khổng lồ nhưng tiêu tiền chỉ bằng
đôla và chủ của dàn siêu xe thì mọi chuyện vẫn ô-kê, sự gắn kết vẫn tha hồ lấy
đi bao giấy mực của giới truyền thông.
Trên đây tôi đã nhắc đến thời
điểm “đất nước chuyển mình,” chúng ta có một thời “ức thương” trong suốt thời kỳ
duy trì nền kinh tế tập trung bao cấp, đến khi mở cửa, đổi mới, thì lại “bung
ra” làm ăn, giới kinh doanh thương nghiệp không còn bị coi rẻ và o ép như trước
mà còn được trọng vọng. Sự trọng vọng quá mức được đến chủ yếu từ sự đánh giá
thành công của con người thông qua số tiền anh ta kiếm được, mà không nghĩ đến
cách thức anh ta có được nó và đặc biệt ít quan tâm đến những đóng góp của anh
ta cho xã hội.
Quan hệ “chân dài – đại gia”
chỉ là một góc nhỏ trong lối sống coi trọng kim tiền, thực dụng lan tràn trong
xã hội, khi mà người ta đang lóa mắt bởi những thứ dễ đong đếm được như nhà cửa,
xe cộ, số vốn trên sàn chứng khoán… và ngoài sự trọng vọng, tung hô các giá trị
đó của những người thành công, là khao khát được như họ trong một thời gian ngắn
nhất có thể và cuối cùng là sự ghen tị với “những người có nhiều tiền.”
Tận dụng lợi thế của mình là sắc
đẹp trời cho, các “chân dài” không đứng ngoài cuộc. Thậm chí, hầu hết họ tận dụng
rất tốt những lợi thế này… tôi không muốn “vơ đũa cả nắm (không phải “chân dài”
nào cũng thế, tất nhiên!), nhưng hầu hết những lùm xùm quanh chuyện “chân dài –
đại gia” cũng đều xuất phát từ chuyện “tận dụng” này cả.
Thế mới có chuyện kỳ quái, là
trong vụ “mười sáu tỷ rưỡi” lần này xuất hiện yếu tố “hợp đồng tình ái” – nghe
phong thanh là cô cựu hoa hậu khai nó là có, còn đại gia thì cãi đó là chuyện
khác, chứ làm gì có cái hợp đồng đó. Về nguyên tắc khi đương sự đã khai trước
tòa, người ta sẽ tin điều đó dù có thể nó bị chứng minh là… không có thật. Trớ
trêu thay, ở đây điều “bị” tin lại ở góc độ, đúng, cô hoa hậu khai là có hợp đồng
tình ái vậy thì với cô đạo đức sẽ ở đâu? Những giá trị khác như tình yêu, hôn
nhân, gia đình ở chỗ nào khi cô tham gia vào giao kết một hợp đồng như vậy, thậm
chí khi người ta đã có vợ?
Câu hỏi “đạo đức ở đâu” đương
nhiên bị đặt ra không biết bao lần đối với vị đại gia kia – nhưng đáng tiếc là
các triết lý của anh ta lại luôn luôn đúng. “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần,” ở đây
anh đại gia cặp được cả hoa hậu, như cư dân mạng bình luận là vừa được tình (lại
còn có cả cách nói là “vừa được “chén””, ý là quan hệ tình dục) lại vừa được tiếng.
Từ cái “tiếng” vô cùng “ảo” đến giời ơi đất hỡi nhưng than ôi lại dọa được khối
đối tác làm ăn, những mối lợi lại ùn ùn kéo đến.
Cái “đáng tiếc” đó đang thể hiện
chúng ta có một nền kinh tế mà sự chụp giựt được tôn vinh đến như thế nào, khi
mà một mặt những ngành kinh tế sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội không
còn được ủng hộ và coi trọng mà những ngành “ăn xổi ở thì” mang tính bong bóng
cực độ, thu hút con người lao vào như những con bạc khát nước; mặt khác người
ta không cần biết tài năng kinh doanh hay uy tín của anh ra sao, chỉ cần biết
anh thể hiện ra hào nhoáng như thế nào (bằng những giá trị ảo) là đủ.
Dư luận đương nhiên là bức xúc
vì cho rằng có căn cứ để tin vào điều vị đại gia biết cách sử dụng những lợi thế
nào đó để “đòi lại” được những gì đã trao cho cô hoa hậu và chứng minh câu “Bắc
thang lên hỏi ông Giời…” rằng “tiền đem cho gái hoàn toàn có thể đòi được.” Đến
đây chúng ta sẽ không bàn luận điều mà “cộng đồng mạng” cũng như một số bài báo
đã bàn: đòi thì đòi được nhưng mất thì nhiều, và cô hoa hậu thì mất đi quá nhiều.
Chúng ta chỉ băn khoăn rằng, tại
sao lại có ngày những chuyện như vậy, vẫn có thể xảy ra? Không biết ai lừa ai
trong câu chuyện, ai là “kẻ cắp” và ai là “bà già” nhưng tôi ngờ rằng trong một
câu chuyện như vậy khó nói có ai đó là hoàn toàn trong sạch. Vẫn nghe câu
“không bao giờ có thể lừa được một người lương thiện” – nếu như chúng ta không
có sẵn máu tham trong mình và thấm nhuần cái lẽ “không tham cái không phải của
mình” thì chẳng bao giờ chúng ta lại tham gia vào một mối quan hệ như vậy.
Nếu như những giá trị đạo đức
được bảo tồn và gìn giữ, thì dù chúng ta có sinh ra với một nhan sắc “chim sa
cá lặn” hay tài năng kinh bang tế thế, chúng ta vẫn đủ dũng khí để nói “không”
với bất kỳ cơ hội làm giàu nào mà lại chà đạp lên những chuẩn mực đạo đức. Từ
góc độ xã hội, chúng ta có thể đổ lỗi cho một thể chế kinh tế – xã hội đã bị bỏ
quên, bị mai một, bị gạt bỏ đi các giá trị đạo đức nhẽ ra phải được đặt lên
trên hết làm nền tảng…
… nhưng từ góc độ mỗi cá nhân,
hãy đừng vội đứng về phía bên nào của vụ án. Thật cần thiết, mỗi người chúng ta
phải dành cho mình một khoảng lặng để ngẫm nghĩ và đặt thêm vài câu hỏi, rằng
chính mình đã bao giờ quên đi những giá trị đạo đức đó và để bị cuốn đi bởi chủ
nghĩa kim tiền? Hãy tự giúp mình và con cái, người thân của mình tránh được những
cạm bẫy đó của cuộc đời đi đã.
Đó chính là những câu hỏi về
“phẩm giá” của con người mà trả lời được chúng, chúng ta sẽ tìm được sự bình
an.
Bài trên Sức khỏe và Đời sống
tại đây
No comments:
Post a Comment