Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, January 13, 2012

Đồng quà tấm bánh

Trẻ con, người ta thường ví việc chúng nó mong mẹ về chợ như là một sự mong mỏi, khắc khoải không gì bằng.

Ngày xưa, cái chuyện ăn uống, quà cáp nó… sướng lắm, chứ không như bây giờ, thừa mứa, ê hề, chẳng ai coi trọng nữa. Có chăng chỉ là lũ trẻ ở tận vùng sâu, vùng xa còn mê mẩn chuyện bánh chuyện kẹo.

Mẹ hoặc bà đi chợ, hay mua cho con, cho cháu khi thì cái kẹo bột, khi thì kẹo vừng. Cái kẹo bột cứng cứng, nhúng trong bột. Nó là mật và có vị gừng, thơm thơm, ăn ngọt và khá dính răng. Kẹo vừng thì nặn tgiòn, thuôn dài, bọc vừng, mật trắng chứ không đỏ như kẹo bột. Ăn cũng ngon, nhưng không thích bằng kẹo bột.

Có cái món kẹo dồi, như cái ống, đúng y như mẩu dồi lợn, nhưng hai đầu vát chéo như cái cọng dọc mùng trong nồi bún bung. Đường trắng và bột làm vỏ bánh, cứng giòn, còn ruột kẹo là lạc và mật đỏ trộn lẫn. Món này là sự hòa quyện giữa vỏ kẹo giòn, ngọt một kiểu nhè nhẹ, và ruột kẹo ngọt sắc cả hai anh đó đi với chị ngầy ngậy, bùi bùi của lạc. Ngon phải biết!

Trong bài Những ánh đèn qua ô cửa sổ tôi có nhắc đến bà bánh đa kê ở Hưng Yên lên Hà Nội bán hàng. Miếng bánh đa vừng nướng giòn tan, được bà dùng một miếng tre vạt mỏng trát lên một lượt kê bà đã rang, giã, bỏ vỏ và quấy còn một thứ vữa sền sệt, mầu vàng thẫm gần như ngả nâu. Cái thứ kê này nó cũng có vị rất lạ, bùi bùi, khó tả lắm. Vì nó nhạt, nên bà ấy rắc thêm một lượt đường kính trắng, thứ tốn kém nhất trong món quà. Bánh đa cộng kê đi với đường, cả ba thứ ấy cũng làm cho cái lưỡi hồi đó, và cảm xúc bây giờ vẫn còn đọng lại những kỷ niệm khó tả.

Hồi đó, mẹ tôi là cô giáo, hòa vào cái sự khó khăn chung của cả nước trong thời bao cấp, ngành giáo dục còn khó khăn hơn. Ngày 20.11 hàng năm, người ta nói trại thành Hiến cam các nhà giáo – tầm đó cam sẵn, rẻ, nên học sinh thường mua hàng cân vác đến nhà cô. Ngày đó cũng là ngày rất vui, vì học sinh của mẹ thường đến nhà, chơi cả ngày, ăn cơm ở nhà cô luôn. Đương nhiên nếu so cân cam với bữa cơm, thì cô lỗ, nhưng cô luôn luôn vui. Có năm, hai anh rất lớn đến nhà vào buổi tối, nói chuyện rồi ngồi lặng đi với cô giáo một lúc. Họ kể về người lớp trưởng đẹp trai, thông minh, có duyên nào đó đã hy sinh tận biên giới Tây Nam. Mẹ và hai anh ngồi lặng đi một lúc. Chỉ thoáng thấy mắt mẹ anh ánh nước.

Nhà cô giáo nghèo, buổi sáng thường ăn sáng bằng cơm rang, chứ không mấy khi được ăn sáng quà đi mua như các bạn nhà buôn bán khác. Một tí hành khô phi với mỡ lợn (không có dầu ăn như bây giờ), cơm được đổ vào chảo, nó vẫn còn lẫn với những sợi mì ăn độn – đương nhiên. Cơm reo rì rào nho nhỏ trong chảo, được ấn ẹp xuống để lớp cơm sát mặt chảo thêm giòn.

Ở cổng trường có ông bánh mì ba tê. Cái bánh mì to hơn cái chuôi dao một chút, ba tê thì không hiểu sao lại hồng hồng, chứ không nâu nhạt như hàng Việt Nam chất lượng cao bây giờ. Về sau mới biết nó là ruột bánh mì, ông ấy pha trộn thêm gan lợn rồi nhuộm thế nào đó, ra màu như vậy. Xúc xích của ông ấy thì vỏ của nó giống bằng nilông, ăn vào chắc không tiêu được. Chúng nó toàn trêu ông bánh mì: ông ơi, ba tê thịt chuột hả ông? Ông ấy cười: tao mà có thời gian đi bắt được chuột cho chúng mày ăn.

Một ông khác là ông kẹo kéo. Ông ấy có cái máy bay bằng nhựa, đục thủng hai đầu xuyên vào đó một thanh dây thép cứng, buộc sợi dây chun. Thằng bé đưa ông ấy 2 xu, 5 xu… rồi được kéo căng thanh dây thép. Ông kẹo kéo quay tít một cái bánh xe để thằng bé bắn vào khe giữa những cái đinh đóng trên bánh xe, y như chơi rulét vậy. 2 xu, được bắn 2 lần. 5 xu, đương nhiên là nhiều hơn, 5 hay 6 lần gì đó. Nếu tổng cộng được số kẹo kéo nhiều vừa vừa, ông ấy vỗ vai: Thằng cháu, hôm nay mày là "sỹ quan tùy tùng"! Còn nếu được rất nhiều, ông ấy phong chức: Hôm nay bác phong mày làm "sỹ quan Âu Lạc"! Chả hiểu sao lại có hai cái thứ quân hàm lạ thế, nhưng thằng nào được phong hàm cũng phổng hết cả mũi. Đương nhiên, sỹ quan chẳng thể ăn được hết kẹo kéo, không phải vì nó nhiều, mà vì nó cứ nằm dính trong miệng, ăn rõ lâu. Chia cho bạn, đỡ phải cầm vào lớp.

Về sau ông ấy bán thêm món Chín tầng mây, bằng bột mềm mềm, lớp đỏ, lớp nâu nâu, trông sợ sợ thế nào. Ăn cũng không ngon lắm. Ông ấy rao: Chín tầng mây, mười tầng gió đê… nhưng bọn tôi gọi là Chín tầng mây, mười tầng… ghét – cái tầng màu nâu trông nó cứ bẩn bẩn. Cứ nhớ cái mũ phớt đen sì, cùng cái áo khoác ngoài tay ra-gờ-lăng (raglan), bộ ria lởm chởm cưỡi xe đạp tòng tọc đèo cái thùng… về sau cứ tưởng tượng ra ông này chắc là Nguyễn Thành Luân sa cơ. Nguyễn Thành Luân bán kẹo kéo này so với cái chú trong phim bẩn hơn nhiều.

Nhớ lại những ngón tay đen sì của ông ấy kéo cái đoạn kẹo kéo mà ghê, hồi đó vẫn thấy ngon, chén đều.

Thỉnh thoảng, năm thì mười họa, được ăn một gói xôi. Ở chợ Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) có hai bác hàng xôi.

Bác thứ nhất, nước da rất trắng và do đó, trông rất trẻ. Bác ấy bán xôi ngô, xôi xéo. Cả hai loại xôi của bác ấy đều rất ngon. Hạt ngô mềm, ăn bùi bùi, càng nhai kỹ càng thấy ngon. Hạt xôi cũng dẻo quánh, nhuộm nghệ vàng hườm, béo béo, ngầy ngậy. Cái nắm đỗ xanh được bác ấy giã sẵn, dùng con dao bài thái thoăn thoắt phủ lên nắm xôi, từng lớp, từng lớp, nó cứ úp lên trên nhau từng miếng cong cong, trông cực kỳ thích mắt. Một nhúm hành phi vẫn còn nóng, vì bác ấy chỉ phi trong đêm và cuối cùng là một thìa nước mỡ lên trên cùng, hoàn tất tác phẩm nghệ thuật thuộc vào hàng kinh điển. Một món ăn ngon bao giờ cũng là sự kết hợp của một vài yếu tố hương – vị nào đó. Ấy thế mà, nhiều khi chỉ là sự kết hợp hết sức dân dã, đời thường nhưng nó lại đem lại một hiệu quả mà sơn hào hải vị chưa chắc đã đem lại được. Mà hình như, cái món xôi xéo bác ấy gói trong miếng lá sen nó cũng làm tăng cái hương vị của xôi thì phải. “Tác phẩm” được hoàn thiện bằng một sợi lạt – một sợi rơm vàng nhạt. Hình như cũng vì thế mà món xôi vò người ta còn gọi là xôi lúa.

Bác thứ hai, tóc bạc búi tó củ hành, ăn trầu cánh chỉ, răng nhuộm đen, rõ là nhiều tuổi hơn bác kia. Bác ấy bán các loại xôi như xôi lạc (ăn với vừng, sau này thêm ruốc), xôi dừa ngọt, xôi gấc. Những ngày rằm, mùng một là xôi gấc của bác ấy đắt hàng. Xôi lạc ăn với vừng mà nhai kỹ, càng nhai, vị càng ngọt trong miệng, nó cứ tan ra, đê mê lắm. Xôi của bác ấy thường ít hơn của bác kia với cùng mệnh giá, nên mẹ tôi ít mua cho ăn lắm, sợ không đủ no. Xôi dừa, hầu như không bao giờ tôi được ăn, vì nó còn ít nữa, đâu như chỉ một, hai lần trong suốt cuộc đời đi học. Xôi nhuộm thế nào mà nó màu nâu, ngọt dịu, có vị của vừng và béo quay của dừa, vừa nhai vừa nhớ cái lần thử nếm vị xà phòng 72 của Liên Xô.

Về sau, hết bao cấp, kinh tế đỡ khó khăn hơn, hàng xôi trở thành món quà bình dân. Dù đi đâu xa chăng nữa, về nhà là hôm sau lại ra mua xôi. Ăn chán xôi này, lại sang đến xôi kia, chán bác này, chuyển bác kia, mai lại ngược lại, cứ thế. Ăn mãi phở, lại quay lại xôi, dù sao nó cũng chắc dạ hơn, chứ bát phở làm đánh vèo cái là hết, 10 giờ sáng đã đói meo. Thanh niên mà.

Tầm cách đây hơn chục năm, bác xôi xéo biến mất một thời gian. Sau đó, thay vào chỗ bác ấy là một chị con gái, cũng trắng và khá giống. Sáng sáng lại lóc cóc đạp xe từ mạn Mai Động hay Vĩnh Tuy gì đó, chở thúng xôi lên chợ bán. Về sau hỏi ra, mẹ chị ấy đã mất, và chị ấy thay mẹ giữ cho món xôi xéo chợ Nguyễn Công Trứ không bị mai một. Chị ấy còn bán thêm món bánh rán tăng thu nhập.

Mấy năm nay ở trên Bưởi, thỉnh thoảng cũng mua xôi xéo của chị hàng xôi gần chợ, nhưng nó cứ nhạt nhẽo, không bằng xôi ngày xưa. Chị ta cho cả ruốc vào, chẳng đúng như nguyên bản của nó nữa. Tôi thường phản đối kịch liệt, thì chị ấy bảo: Ở trên này vẫn là chợ quê, người ta thích ăn kèm với ruốc. Chịu rồi! Chị ta gói xôi bằng giấy báo, thêm miếng nilông trong suốt, trông công nghiệp hơn hẳn, và cũng chẳng còn cảm xúc gì.

Phố Nguyễn Hữu Huân Hà Nội có hàng Xôi Yến. Xôi vò ở đó ăn cũng tàm tạm, nhưng người ta thường cho khách ăn kèm thêm với thịt gà, mà như vậy cũng đã mất đi cái chất đồng nội của món xôi lúa nguyên bản rồi.

Bây giờ nếu có làm xôi xéo bán, chắc người ta dùng hành phi công nghiệp phi sẵn cho nhanh. Kinh tế thị trường, cái gì cũng thích nhanh, và quên dần những món quà giản dị của thời xưa, khi mà người làm ra chúng ngoài miếng cơm manh áo, còn gửi vào trong đó biết bao tình cảm trân trọng với sản phẩm của mình.

No comments:

Post a Comment