Đã từ lâu thịnh hành cái câu đó. Tôi cũng chưa có thời gian để tra cứu xem nguồn gốc câu này là từ bao giờ, nhưng có vẻ cũng khá lâu rồi, và là của các cụ nhà ta.
Tạm gác lại hệ quả của nó – tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè; tôi không nghĩ cái đoạn này đúng là của các cụ, mà nhiều khả năng nó mới được phát sinh cách đây không lâu lắm. Ở đây tôi chỉ bàn lăng nhăng đôi chút về cái câu đầu mà thôi.
Đó là một câu đậm chất… nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, vì thời điểm ra Tết là thời điểm nông nhàn, nông dân chẳng có việc gì mà làm ngoài hưởng nốt cái dư vị của mấy ngày Tết. Cũng vì lẽ đó mà tháng Giêng cũng là tháng có nhiều lễ hội nhất, khắp các Chùa chiền, đình đền miếu mạo ở Miền Bắc, làng nào nổi nổi một tí cũng đều có hội. Đổ hết cho Tháng Giêng kể cũng oan, thật ra, lễ hội rải khá đều khắp mùa xuân.
Gần nhà tôi có lễ hội Chùa Vua (thờ vua cờ tướng Đế Thích), được phục hồi hơn chục năm nay – nhằm ngày mùng 9 Tết chính hội. Đây là một lễ hội khá văn hóa vì nó tập trung vào môn thể thao rất trí tuệ đó. Năm nào rỗi, tôi cũng hay la cà, hết xem cờ bỏi lại cờ người, không thì tham gia vài ván ngoài mấy cái bàn ngoài sân với bọn thanh niên và cả mấy ông già quanh phố. Chùa Vua nay đã được trùng tu, khá mới, nằm trên phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hồi thanh niên tôi cũng hay a dua cùng chúng bạn đi lễ này hội nọ. Có năm đi lễ hộiCổ Loa, bên Đông Anh. Năm thì đi Chùa Hương, năm thì Đền Hùng… thôi thì đủ cả. Sao mà nhiều người thế, người khắp các tỉnh chen nhau về lễ hội. Gần xa nô nức yến anh, lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh… nhưng mà đông cỡ đó thì không thể gọi là vãn cảnh được, mà là hành xác, là cực hình. Chen nhau lên đò ở Chùa Hương. Cái dòng suối Yến nông toèn toẽn mà có năm chìm đò, chết cả người. Vui chưa thấy đâu, chỉ thấy buồn. Lại nhớ cô bé của Nguyễn Nhược Pháp lên Chùa thấy hơn một trăm ăn mày – bây giờ nếu gộp chung ăn mày, bọn ăn cắp ăn trộm, cờ bạc bịp… rải khắp khu vực có mà đến… hàng vạn.
Tôi quê Hà Tây, nhưng mà sao vẫn thấy dân Hà Tây vùng Chùa Hương họ chán thế. Năm nào cũng bắt chẹt khách, rồi đủ các thứ trò cò quay… dưới cái lẽ ngụy biện một năm chỉ có một lần. Cái một lần đó là ba, bốn tháng, họ khéo bắt chẹt đủ ăn cả năm đấy ạ. Ngẫm mà buồn cho quê hương.
Có lần đi Yên Tử, cũng cuối hội rồi, tầm tháng Ba âm lịch, nhưng nhằm ngày rằm hay mùng một, lại ngày nghỉ, thứ Bảy hay Chủ nhật gì đó, thì cũng gần chết mới chen lên được đến Hoa Yên. Chen chúc nhau, năm nào chẳng có người tai nạn ngã xuống núi. Khiếp nhất là vài gia đình, người ta kén được một cái ông thanh niên bê mâm cao to khỏe mạnh mặt mũi bặm trợn, để chen bật được những người khác ra, bê nguyên cái mâm trên có xôi có gà, cả cái thủ lợn luộc phát hãi… lễ hậu đến thế, người ta chắc là mong lắm cái chuyện Trời Phật phù hộ cho mua may bán đắt, khách hàng có mắt cũng như mù…
Trộm nghĩ, nếu tầm đầu xuân năm mới, chen chúc nhau lễ lạt như thế này, có cầu xin được thì Trời Phật chắc cũng âu-vờ lốt, chẳng thể xử lý được đề xuất của chúng ta.
Nhưng nhiều người không nghĩ thế. Đầu năm là khởi đầu cho khoảng một chục tháng vừa bươn chải buôn bán, vừa cầu may. Đi lễ muộn, cơ hội nó chạy mất, dở hơi à? Bà mày cứ chen đấy, thằng nào hâm, thằng nào dát đứng ngoài mà ngó nhé!
Mấy năm nay còn có cái món chen chúc bẹp cả ruột để kiếm được cái ấn đền Trần. Hồi ra Giêng năm Ất Hợi (1995) đi cùng ông bạn quê đúng ở làng đó, thấy người ta phát không, ai xin được cũng vui vẻ, nhưng không quá hy vọng gì vào chuyện đó. Coi như cũng là một chuyện vui đầu năm, thế thôi. Các bạn giúi lại, tôi cầm về một tập gần chục cái, cũng chẳng thấy may mắn gì hơn. Hay là dạo này, cái kinh tế thị trường nó biến thái sang chụp giựt chứng khoán, bất động sản… người ta bắt đầu cần cả những cái món bùa ngải đó để nhanh tay tranh cướp hơn?
Hôm nay ghê rợn nhất là đọc được tin về cái Lễ hội Chém Lợn ở Ném Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh. Bên Dân Trí họ còn đăng cả cái ảnh xả đôi con lợn theo chiều ngang. Trên Vnexpress người ta bảo là con lợn đó là hàng tuyển – được tuyển chọn rất cẩn thận – y như là tuyển cho lễ tế thần. Điều đáng ngại là thanh niên đến dự hội còn chen vào xem bằng được, rồ dại hò hét như một lũ khát máu thực sự… chẳng hiểu vai trò của ngành văn hóa để ở đâu trong việc vẫn duy trì cái lễ hội mang màu sắc trung cổ này? Hội Đâm trâu ở Tây Nguyên thì còn giải thích được là bà con đồng bào dân tộc thiểu số họ duy trì cái phong tục truyền thống như vậy, sao mà ở giữa đồng bằng một tỉnh phát triển nhanh về đầu tư, về kinh tế của miền Bắc, vẫn còn lạc hậu đến vậy?
Làm gì mà chẳng nhiều Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa…
Tại sao không phải là, người ta cứ lễ hội đầu năm, nuôi một con lợn đất thật to, tất cả bà con gần xa đến dự lễ hội nuôi nó, rồi cả năm chăm sóc nó trong… đình làng chẳng hạn (ai đến lễ lạt đều nuôi nó, có nhiều cho ăn nhiều, có ít cho ăn ít, của ít lòng nhiều…), đầu năm sau làm lễ mổ con lợn đất đó, giành thịt của nó cho những hoạt động xã hội có ích như Quỹ khuyến học, Quỹ tu bổ đền, chùa… và lại nuôi một con mới?
Đến đốt pháo còn cấm được, thay bằng bắn pháo hoa, chẳng phải khó khăn gì khi thay con lợn thật bằng con lợn đất!
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment