Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, January 17, 2012

Phóng sinh

Lồng nhốt chim phóng sinh
Ảnh chụp ở Hoàng Hoa Thám – Chợ Bưởi
Ngày 13 tháng Giêng năm 2012
Đức Phật dạy rằng phải sám hối. Sám hối những tội lỗi đã làm trong kiếp này, và cả trong kiếp trước. Để sám hối, có nhiều cách. Một trong những hoạt động quan trọng là phóng sinh để sám hối.

Nhiều nhà chùa xây hai bên sân những cái ao, hoặc bể rất to, dùng để cho các Phật tử thả cá, tôm hay rùa phóng sinh. Nếu đi ra những chợ cây, chim cá cảnh to to như chợ Bưởi, chợ Đồng Xuân ở Hà Nội… đều thấy những lồng chim to, nhốt đầy chặt chim kêu nhảy nháo nhác.

Nhìn từ một góc độ khác, việc phóng sinh mà mua những con chim bị bắt về nuôi nhốt để bán cho người ta mua về thả như vậy – liệu còn có tốt hay không?

Người bắt chim và cả người bán chim, vì miếng cơm manh áo mà khoác vào mình cái nghiệp đó. Chữ nghiệp này ở đây có hai nghĩa: nghề nghiệp và nghiệp trong Đạo Phật. Con chim đang tự do, bị bác bắt về, nó không còn tự do nữa. Đó là gây tội lỗi. Và đó là gây nghiệp.

Nhiều con chim khi được phóng sinh đã sã cánh, không còn bay được. Chẳng bao lâu, chắc chắn nó sẽ làm mồi cho mèo hoặc nằm chết ở một góc sân thượng nào đó.

Vì thế nếu đi mua chim phóng sinh ngoài hàng, là đã tiếp tay tạo nghiệp cho người bắt chim và người bán chim. Và nếu vậy, vì chúng ta đã tạo nghiệp cho người khác, thì cũng rước thêm tội lỗi vào người, và cũng rước thêm cả nghiệp chướng cho mình.

Đức Phật cũng dạy, việc phóng sinh, từ thiện cũng phải tùy duyên. Gặp hoàn cảnh, đừng nên từ chối việc thiện mà không làm, từ chối cũng là tội lỗi. Làm việc thiện đừng để tâm, đừng suy nghĩ về nó ấy mới thực sự là làm điều thiện.

Một con vật bị bán ngoài chợ để người ta mua về chén, thì có thể mua nó để phóng sinh, nhưng hãy chắn chắn rằng nó phải sống được khi được phóng thích, chứ nếu không được bao lâu nó chết, thì lại làm hại cho môi trường. Có lần đi qua đèo Giàng thuộc Bắc Kạn, có hai vợ chồng đứng bán mấy con dúi cho người đi đường. Tôi định mua để thả nó ra. Một anh ngồi cùng xe nêu ý kiến là nếu thả, nó chẳng chạy được xa và có thể lại bị bắt lại. Nhưng trường hợp này, mua nó để phóng sinh, vẫn là điều nên làm.

Lần khác, tôi gặp một anh đi bẫy chim để bán cho nhà hàng phục vụ món chim nướng. Tôi mua tổng cộng của anh ấy 36 con, và thả hết. Anh ta bán còn được giá hơn bán cho nhà hàng, nhưng rầu rầu: Thế là tôi sẽ không làm ăn gì được trên cánh đồng này nữa. Đặt bẫy ở đây chim nó sẽ không vào nữa đâu. Anh ta không thiếu gì những cánh đồng khác để làm ăn tiếp, tôi nghĩ vậy.


Đi chợ mua được mớ ốc, hay mớ cua, cá nhỏ nhỏ, phóng sinh là tốt. 

Vnexpress có lần phát giác, người ta còn thuốc cả con chim để nó yếu, không bay được xa và bay một đoạn sẽ bị bắt lại. Dưới đây tôi sẽ dẫn bài của Chim Én trên Vnexpress, nhưng bạn ấy không nói rõ, xin đừng phóng sinh là đừng như thế nào. Cho tôi giải thích rõ hơn tôi hiểu thế nào nhé!

Thế nhé các bạn, việc thiện, nên tùy duyên, nhưng nó đến, thì cũng đừng từ chối.

Rằm tháng 7 và tội ác chim phóng sinh

Người ta còn cho thuốc vào để chim yếu, chỉ bay được một ít trong khuôn viên chùa, và 5 phút nữa thôi, sẽ lại bị bắt về, để bán cho một người khác...

Tôi không phải là người mộ đạo, tôi chỉ sống theo đạo tâm và hướng thiện. Nhưng mỗi năm, tết và rằm tháng 7 tôi đều đi chùa, và mỗi năm, tôi đều đứng trước những lồng chim và cầu nguyện và cảm nhận nỗi đau... nỗi đau của chim sa lưới, chim trong lồng. 
Chú chim cuối cùng này không còn đủ sức để bò ra khỏi lồng, nói chi bay. Người phóng sinh chờ lâu quá đành treo lồng lên cành cây. Ảnh: Thai Dao
Không biết có phải kiếp trước tôi là chim, hay vì tôi quá mẫn cảm mà tôi luôn có thể cảm nhận và nghe nỗi đau của từng con chim trong lồng ấy.

Hôm nay cũng thế, tôi lại đứng trước lũ chim, chúng khóc, chúng van xin tôi, đừng thả chúng ra. Chúng đau, chúng đè lên nhau, đứa gãy cánh, đứa què giò, có một con ứa nước mắt, nói với tôi rằng: "Xin bạn đừng nhìn tôi, xin bạn đừng mua tôi, đừng thả tôi, cứ để tôi chết trong lồng này, hôm nay tôi đã được thả ra và bắt vào 4 lần rồi, tôi đau, mệt, tôi không thể bay, xin đừng cho tôi hy vọng".

Một con chim khác lại nói: "Nếu không ai mua, họ sẽ không làm vậy, họ đã cho chúng tôi uống nước thuốc, chúng tôi không thể bay xa, cho dù bạn thả ra, chúng tôi cũng sẽ bị bắt về và lại bán, và lại bị bắt. Nếu bạn không mua, họ sẽ chẳng bao giờ cần bắt chúng tôi, sẽ không bao giờ cần cho tôi uống thứ nước thuốc khủng khiếp đó, làm ơn, làm ơn để chúng tôi hy sinh và những con chim khác sẽ không bao giờ chịu chung số phận. Làm ơn!"...

Rồi một người phụ nữ đến mua, người đàn bà bán chim nhẫn tâm quơ tay vào cái lồng đặc nghẹt, hốt từng nắm, lũ chim bị bóp chặt, mỏ con này chọc vào mắt con kia, trong cơn quơ quào móng con này cấu vào đầu con kia, chúng la hét, giẫy dụa, rỉ máu, chúng đau đớn, chúng la “Đừng đừng … hãy để chúng tôi yên, hãy để chúng tôi yên”.
Chú chim này rời lồng được khoảng nửa mét, phải nằm bẹp khoảng 10 phút mới loạng choạng bay được thêm một đoạn ngắn, chắc chắn lại bị bắt nhốt tiếp! Ảnh: Thai Dao
Tôi đứng im, bất lực, tôi là kẻ hèn nhát, tôi khinh khi bản thân mình, tôi đã không dám đứng ra ngăn cản người phụ nữ đó, như ngăn cản số người còn lại trên cái thế giới này xin đừng thả chim phóng sinh.
Ngày xưa, đức Tam Tạng thấy bọn trẻ câu cá đã mua cá và thả cá về sông để làm phúc. Người ta bẫy chim để ăn vì mưu cầu cuộc sống, rồi người làm phúc vô tình nhìn thấy đã mua chim ấy để thả. Đó gọi là làm phúc.
Ngày nay, những người bẫy chim không còn phải để ăn mà để bạn mua và thả. Vậy khi bạn mua có nghĩa là bạn tạo ra cầu thì sẽ có cung, do đó, việc bạn đang làm là ác, vì bạn đang xúi giục họ bắt, hành hạ những con chim ấy và bạn sẽ cho họ tiền, vậy việc làm đó có thiện, có phúc hay không?
Có thể bạn nói rằng, ngày nay họ cũng vì kế sinh nhai nên làm vậy, cũng đâu khác gì ngày xưa. Thật ra nó khác, rất khác, vì ngày xưa những con chim bị bắt để ăn sẽ to khỏe và mập mạp, và khi bạn thả, là nó sẽ được tung cánh bay xa, được về với gia đình của nó. Còn ngày nay, nếu bạn để ý kỹ, những con chim phóng sinh là những con se sẻ nhỏ, hoặc loài chim én, hoặc chim yến, những con chim bé nhỏ, vô tội chỉ bị bắt vì một lý do duy nhất, bắt để bán cho những người phóng sinh.
Người ta còn cho thuốc vào để chim yếu, chỉ bay được một ít trong khuôn viên chùa, và 5 phút nữa thôi, sẽ lại bị bắt về, để bán cho một người khác.
Tôi đứng đó, ứa nước mắt, và tự sỉ vả mình hèn hạ vì đã không dám lên tiếng. Lũ chim được người đàn bà giơ cao đưa ra trước đức phật, cầu nguyện và mở nắp, lũ chim đứng yên, không hề muốn bay ra. Người đàn bà phóng sinh thò bàn tay mập mạp, bắt từng con thả ra, chúng bay uể oải và đậu trên một nhánh cây gần đó.
Tôi biết lũ chim kia quá bé để ăn thịt, thật sự nếu không ai mua, thì vài ngày sau họ cũng sẽ phải thả nó về trời, đằng này, cứ hết người này, đến người khác tới mua, nên họ cứ bắt đi bắt lại, hành hạ chúng đến khi chúng mệt lử và chết, thì khi đó họ sẽ mua vài con thế vào. Một lồng chim trăm con có thể bán đi bán lại hàng chục lần.
Truyền thống chim phóng sinh giờ đây là một việc làm độc ác cần xóa bỏ. Nếu những người kia cần tiền, họ có thể bán nhang, bán vé số, có thể bán kinh, bán hoa. Xin đừng hành hạ những sinh vật bé nhỏ và vô tội. Những người phóng sinh xin đừng đưa tiền, đừng tiếp tay cho hành động độc ác nọ, xin thương lấy lũ chim, đó cũng là một sinh mạng.
Làm ơn, xin đừng phóng sinh!

Chim Én

No comments:

Post a Comment