Nhà bà ngoại trồng hai cây cau, sai chĩu chịt những buồng là buồng. Ngoài hàng rào, bà còn trồng cả một cây trầu không, cũng xanh tốt, mướt mát. Lễ, Tết, bà thường cắt cau, trầu để vào từng túi, rồi gửi biếu các nhà để thắp hương, cây nhà lá vườn, đỡ phải mua.
Bà con lối xóm thường đến xin lá trầu không về để chữa nọ chữa kia, ví dụ như chữa nước ăn chân khá tốt. Mỗi lần thấy người trong nhà, mọi người thường gọi to, cho cô, cho bà xin mấy lá trầu không nhé… Cậu cả nhà mình thường chào và nói vâng ạ. Cậu ta nghe người lớn trong nhà chào hỏi và vui vẻ đồng ý cho lá trầu, cậu cũng bắt chước thế.
Gần đây, cây trầu không cứ ít lá dần đi. Trước thì nó thò hết ra ngoài hàng rào, nay tất cả những lá thò ra ngoài đó, đã biến mất hết. Được một thời gian, phát hiện ra có mấy bác phụ nữ dáng vẻ tỉnh lẻ, vào bứt lá trầu. Mỗi lần các bác ấy vào, thường ghé ghé, thấy không có ai mới bứt. Về sau để ý, hóa ra các bác ấy bán hàng trầu cau ngoài chợ. Một hai lần, rồi nhiều nhiều lần. Các bác ấy ngại xin, nên cứ chờ trong nhà, ngoài ngõ không có ai mới hái.
Ông ngoại thường ngồi đọc sách ở trong nhà, qua cửa kính các bác ấy không thấy. Ông biết cũng không nói gì.
Có lần, ngồi nói chuyện cả nhà, xoay sang vấn đề cây trầu còn rất ít lá. Mình sực nhớ ra, và nhắc cậu cả. À con này. Nếu như con đi ra ngoài, mà nhìn thấy các bác ấy hái lá trầu, thì con tránh chờ bác ấy đi rồi hẵng ra nhé! – Tại sao lại thế hả ba? – Tại vì các bác ấy hái để bán, mà đã hái để bán thì ngại xin con ạ. Thường thì hàng xóm khi nào cần xin một hai lá, đây hái cả rổ, ngại lắm chứ. – Thế mình có cho không hả ba? – Con thấy không, ông biết nhưng vẫn không nói gì, là ông đồng ý cho chứ. Ông không ra vì sợ các bác ấy ngại, không dám hái nữa. Nhà mình có để lá trầu không đó, cũng chỉ có giá trị là làm cho mát thôi. Các bác ấy hái để bán, thì anh, chị con các bác ấy có thêm tiền mua sách vở, có ích hơn con ạ. Con hiểu chứ? – Vâng ba ạ.
Mình nghĩ là mình hiểu đúng tâm tư của ông bà. Và mình hy vọng câu chuyện này là một viên gạch đầu tiên trong cái bài học lớn: Sự tế nhị.
No comments:
Post a Comment