Hồi đó con trai mới gần bốn tuổi. Bạn ấy rất thích được mua một cái ô tô to đùng, ngồi vào lái đi, như các bạn vẫn có, thỉnh thoảng thấy chạy ngoài vỉa hè, công viên.
Nhớ ở nước ngoài, nhất là Châu Âu, người ta có bán loại ô tô chạy bằng động cơ điện đó, nhưng rất ít, mà lại thịnh hành loại đạp bằng chân. Có nhiều lý do: nào là chạy bằng điện đắt tiền, để rẻ tiền được thì phải giảm chất lượng, mà giảm chất lượng thì trẻ con chơi chẳng được mấy nả… rồi là trẻ con, cần chơi những đồ chơi hỗ trợ phát triển thể lực; và là trẻ con, chúng nó chóng chán, nên không cần thiết mua cho chúng nó đồ chơi quá đắt tiền. Chơi chán cất đi, sau lôi ra lại như mới. Một lý luận nữa của Tây là với trẻ con, những cái đơn giản mới kích thích trí tưởng tượng của chúng, vì thế, những đồ chơi Trung Quốc rườm rà ở Lương Văn Can, thường bị đánh giá rất thấp về phát triển trí tuệ trẻ em, chưa muốn nói đến pháo, tên lửa, nhạc nhẽo phèng phèng, có khi còn kéo lùi trí tuệ của chúng nó lại ấy chứ.
Hôm đi mua ô tô đạp chân, tìm mãi mới có một hàng ở Lương Văn Can bán cái thứ đó. Họ nhập về từ Chợ Lớn, tận trong kia chở ra. Có một gia đình xịch đỗ cái ô tô đẹp (chạy bằng xăng, tất nhiên) ngoài cửa. Hai vợ chồng người lủng liểng vàng bước vào cùng một cậu ấm cỡ bằng anh cu nhà mình. Thấy mình đang mua cái ô tô đạp chân, ông chồng khinh khỉnh, sau khi liếc thấy con Dream chiến treo lỉnh kỉnh mũ bảo hiểm, dây chằng cho con… ở ngoài cửa, lớn tiếng hô nhà hàng nhấc ra cho ông ấy một cái ô tô chạy điện có cả điều khiển từ xa, phía trước có hai khẩu pháo, có cả tên lửa, nhạc nhẽo, rồi tiếng súng nổ đạn bắn phát ra ầm ầm. Nó đắt gấp 7 lần cái đạp chân của con nhà mình.
Về đến nhà, chú bé nhà mình đem ra ngõ đạp văng tê, trẻ con ngõ chạy theo òa òa, reo hò vui đáo để. Chơi chán được nửa buổi, đùng cái, anh Quý về. Anh Quý lúc đó học lớp Một. Lúc đầu, anh ấy xán vào, nhưng lũ trẻ đông quá, anh ấy chán, không muốn tham gia nữa, đánh sượt một câu “Xì, cái đồ ô tô rẻ tiền…” rồi bỏ vào nhà…
- Ba ơi, tại sao anh Quý lại gọi cái ô tô của con là đồ rẻ tiền hả ba? Rẻ tiền là thế nào? Thế ngược lại với rẻ tiền là gì? – Là đắt tiền con ạ. Như cái ô tô chạy điện lúc nãy nhà bác kia mua cho cái bạn ấy, là đắt tiền. Một cái đó có thể mua được 6, 7 cái ô tô như của con ấy chứ! – Tại sao ba mẹ không mua cho con cái đó hả ba? – Vì là không cần thiết con ạ. Cái đó, con chẳng phải làm gì cả, mà nó tự chạy, còn chẳng cần phải lái vì đã có điều khiển từ xa, bố cái bạn ấy lái hộ luôn rồi. Mà cả con và bạn ấy có phải là trẻ con nữa đâu, thanh niên cả rồi. Con cần phải tự lái, tự đạp đi cho nó chạy, như thế mới giỏi lên và cả khỏe lên nữa. Con đã hiểu cái ô tô có điều khiển nó không tốt ở chỗ nào rồi chứ? – Vâng ba ạ. Nhưng mà anh Quý anh ấy bảo của con là rẻ tiền, như thế là tốt hay không hả ba? – Con có thích cái xe của con không? – Có ba ạ - Đấy, con thích nó này, nó lại tốt cho sức khỏe của con, lại rèn cho con biết lái xe khéo léo hơn này, thế là nó tốt chứ? Không phải cái gì đắt tiền cũng là tốt đâu con ạ, nhiều cái rẻ tiền mà phù hợp còn tốt hơn nhiều với cái đắt tiền mà không phù hợp đấy.
Cu cậu yên tâm chơi tiếp. Có điều về sau, cái rẻ tiền đó nó cũng hỏng vài lần, nhưng bố cậu ta vốn tài xoay xở, nên chữa chạy không quá khó khăn. Mấy bạn hàng xóm, từ sau cái ô tô của cu cậu nhà mình, cũng được mua vài chiếc có điều khiển, chỉ được ít lâu, đồ Tàu đểu rất chóng hỏng, và không thể sửa được.
Nói thêm, anh Quý là em họ emTi. Bố anh ấy bị nghiện, đi cai ở đâu đó, mẹ anh bỏ ra nước ngoài lao động học tập. Rồi bố anh ấy chữa xong, lấy vợ mới và ở đâu đó rất xa. Anh ấy bây giờ ở với bà nội, bác (bố em Ti). Nhìn hai chị em họ nhà đó côi côi cút cút, thương lắm.
Nhìn lại đống đồ chơi của ông con, hóa ra không có một cái nào chạy điện, chạy pin, có điều khiển… mà đồ tháo lắp rất nhiều.
No comments:
Post a Comment