Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, May 29, 2013

Cái gì cần từ bỏ và cái gì cần giữ lại?

Mình có một anh bạn đã chơi từ lâu, và cũng là bạn trên Facebook. Chính vì thế mà thỉnh thoảng có đọc được một vài suy tư của anh bạn ấy. Có lần đọc một cái status của người anh em: “Trong cuộc đời có ba cái không thể từ bỏ được: bố mẹ, con cái và sức khỏe”.

Mỗi người một cách nhìn nhận cuộc sống, nên mình không có ý định phản bác người anh em trong khía cạnh nọ khía cạnh kia. Nhưng một câu “châm ngôn” như thế, không thể không gây một suy nghĩ gì đó. Vậy thì, trong cuộc đời, cái gì cần phải từ bỏ, cái gì cần phải giữ lại?

Nhớ hồi ở Mátxcơva, có lần mình viết bài “Những ánh mắt” – về những điều mà nước Nga ngày nay đang gặp phải – những trăn trở của nước Nga về quá khứ Xô-viết vừa hùng cường, vừa trì trệ và những nhu cầu phát triển của thời đại mới. Sự giằng xé giữa thế hệ cũ và những thế hệ người Nga mới trước sự phát triển như vũ bão của thế giới, và mình chọn được một câu kết luận: “Cũng như Việt Nam ta, nước Nga ngày nay còn chất chứa những cái cũ cần phải bỏ, những cái cũ cần giữ lại, những cái mới cần du nhập và những cái mới cần phải từ chối…”

Đã năm năm từ khi ngồi viết bài đó ở Mátxcơva. Đã có quá nhiều cái thay đổi, mà cái thay đổi nhiều nhất chính là sự làm đầy thêm những kiến thức về Phật pháp. Một ngày ta bỗng nhận ra, cũng như ông bà đã từ biệt bố mẹ và chúng ta, rồi cũng đến lượt bố mẹ bỏ chúng ta để ra đi mãi mãi. Hơn ai hết, với những người đã từng chịu mất mát khi mất người thân trong đó có mình, hiểu rất rõ sự chia tay đó là tất yếu. Anh bạn kia viết “không thể từ bỏ bố mẹ” đơn thuần với ý nghĩa hiếu đễ, con cái phải báo hiếu cha mẹ - quá tốt, hoàn toàn đúng với tinh thần của Đạo Phật: Công đức sinh thành là cực kỳ to lớn. Báo hiếu lúc cha mẹ còn sống còn khỏe mạnh, và báo hiếu cho đến khi cha mẹ già yếu, còn báo hiếu cả khi cha mẹ lâm chung để được siêu thoát… 

Còn con cái thì sao nhỉ? Rơi vào một gia đình yên ấm như gia đình ta, hẳn nó đã có một cái phúc nào đó, đã tu từ đời kiếp trước rồi. Ai chẳng hiểu, bổn phận làm cha mẹ là phải chăm sóc con cái, hướng dẫn đến lúc nó trưởng thành. Nhưng rồi cũng đến lúc ta phải rời xa chúng nó, và chúng nó phải đi con đường của chúng nó. Ta làm hết sức cho chúng nó, nhưng nếu chúng nó vẫn chọn con đường riêng, thì cũng phải đồng ý mà thôi, chẳng làm thế nào khác được. Anh bạn vẫn tỏ ra là đúng, nhưng chưa đủ. Ta chẳng thể ôm chúng nó được hết đời.

Điều thứ ba, “sức khỏe” – ta không bỏ nó, thì nó cũng bỏ ta. Sinh lão bệnh tử, là lẽ tự nhiên và thuận theo tự nhiên, là người “biết”. Cố gắng để khỏe mạnh về thể xác và tinh thần, còn khi nào phải rời bỏ cái “xác thối” (*) này, thì ta giũ bỏ nó đi thôi, chẳng có gì phải nghĩ ngợi.

Những điều ta cố gắng làm được cho cuộc đời, chẳng cần cố giữ, nó vẫn ở lại với ta. Còn những cái ta tưởng ta đang có, tiền tài, vật chất, những người ta yêu thương… tất cả đều hư ảo, cố giữ cũng không được mà người ta cố giữ ta cũng không được. Ta không bỏ họ, thì họ cũng bỏ ta, họ không bỏ ta, thì ta cũng bỏ họ.

Vì thế, người anh em ạ, hãy học buông xả hết đi, đừng ôm ấp làm gì…


(*) Bài kệ Đức Phật đọc cho một vị Tỳ kheo đau ốm, sau khi Người chăm sóc ông ta:

Acira.m vata-ya.m kaayo pa.thavi.m adhisessati
Chuddho apetavi~n~naa.no nirattha.m-va kali'ngara.m.

Không bao lâu thân này sẽ nằm dài trên đất


Bị vất bỏ vô thức như khúc gỗ vô dụng

Thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment