Một.
Nếu bạn cầm một hòn đá lên,
thì thấy nó khá xù xì, có nhiều mặt “đa diện”. Dù nó có được mài nhẵn đến mấy,
nhưng nếu phóng đại nó lên thì lại thấy nhiều gập ghềnh mấp mô. Đập nó ra, lại
thấy có nhiều mặt như thế, cứ thế, cứ thế. Đó là về “hình tướng” của hòn đá. Về
bản chất thì chúng ta học hóa mãi rồi, chia nhỏ ra, nó là phân tử, nguyên tử
các nguyên tố vật chất, đều có hình tướng nhất định và muôn màu, muôn vẻ. Một
con đường con người làm có nhẵn đến mấy, thì với con kiến cũng là một vùng đồi
gò lên xuống chứ không hề phẳng lì tí nào.
Con người cũng vậy. Mỗi người
đều có những mặt, những góc riêng của mình mà để đo được độ phẳng nhẵn của những
bề mặt ấy, có biết bao nhiêu những hệ quy chiếu khác nhau. Những người đang đi
biểu tình chống Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thì yêu nước kiểu của họ,
còn Nhà nước thì yêu nước kiểu… Nhà nước – như rõ ràng là đang có sự không tôn
trọng lẫn nhau. Bên “dân chủ” thì bẩu sao các ông hèn thế, thằng Tàu nó lộng
hành vậy mà chỉ dám “cực lực phản đối”. Bên Nhà nước thì bảo, “không phải việc
của chúng mày, để bọn tao lo”. Nôm na thế, mỗi cá nhân, tổ chức đều có những hệ
quy chiếu riêng và ai cũng cho rằng mình đúng.
Chỉ có Phật mới bảo là “những
gì nhìn thấy chưa chắc đã đúng, những gì nghe thấy chưa chắc đã sai”. Đừng có
hoạnh họe nhau đúng sai cho mệt. Bác Hồ nhà ta trông thế mà “hơi bị hay”, mình
nghi ổng có đọc sách Phật ngoài thánh hiền đương nhiên cụ thấm nhuần: “Những gì
có ích có lợi cho dân thì nên làm”. Nếu để ý, cụ ít lên gân lên cốt, đúng sai
giai cấp. Khẳng định luôn, lãnh đạo của ta nửa chữ “Tư tưởng Hồ Chí Minh” cũng
cóc hiểu, đừng nói cả quyển giáo trình đang nhồi vào đầu sinh viên.
Hai.
Hôm qua Nick Vujicic đến Việt
Nam và có buổi thuyết trình đầu tiên. Anh chàng đến cùng một trận truyền thông PR
khá mạnh, bà con nháo nhác. Phản ứng thông thường, là “Đấy, người ta tàn tật
như thế mà còn được như thế, trong khi ti tỉ thằng thanh niên ta khỏe mạnh đầy
đủ thì lại vật vờ, nghiện ngập”. (Thành viên Facebook Tiên Ông viết: “xem thấy
bao nhiêu thanh niên ta nên đem chân tay đi nấu bún hết”). Đơn giản theo hệ quy
chiếu thông thường, thì những thanh niên đủ chân tay nhưng nghiện ngập, sống
không biết tương lai, không biết ngày mai, không nghị lực phấn đấu, họ què quặt
về tâm hồn và tư tưởng.
Nick và rất nhiều người có số
phận tương tự như vậy đương nhiên họ quá giỏi và đang dạy cho những người đầy đủ
như chúng ta nhiều bài học. Nhưng lại cần phải nhìn thấy một cái “mặt” nho nhỏ
của vấn đề: những số phận bất hạnh như vậy, họ khi có điều kiện thực hiện và tập
trung vào một mục tiêu, thì rõ ràng, dễ hơn những người đầy đủ vì những người đầy
đủ bình thường, lại có quá nhiều điều phải quan tâm. Bài học quan trọng là xác
định được mục tiêu chính, mục tiêu cơ bản, và biết bỏ qua những cái bản thân
chúng ta tự có thể cho rằng không cần thiết. Mình thích nghe nhạc, nhưng không
có ý định học chơi nhạc – học nhạc lý để thưởng thức, chứ không phải để làm nhạc
công. Không thể dành hết sức lực cho mọi thứ được – nhưng nhiều ông bố bà mẹ của
ta, dường như “phú quý sinh lễ nghĩa”, bắt con học cả cầm kỳ thi họa, học thêm
thục mạng, về bắt con chơi thể thao quần quật hết cả sức, mà vẫn phải nhồi thêm
bài ở trường mới được đi ngủ… như một cỗ máy. Làm thế làm gì nhỉ? Họ không biết
rằng trong cả vạn cháu mới được có một cháu có thể học được tất cả những cái đó
với kết quả tầm tầm từ trung bình đến khá, và chẳng có cái gì xuất sắc cả.
Ba.
Mình chưa hề tìm hiểu về anh bạn
Nick Vujicic, ngoài một cái pa-nô cỡ lớn trên đường cao tốc từ Nội Bài về cầu
Thăng Long và một ít thông tin trên Facebook từ mấy hôm trước, và hai ba cái
status tối qua sáng nay. Sáng sớm, thấy rất tâm huyết với một status của một bạn
quen: “Tinh thần và nghị lực của anh gì đó trên TV tối qua thật đáng khâm phục.
Nhưng nếu ko có sự trợ giúp của chính phủ, các chế độ chính sách hỗ trợ của các
nhà hảo tâm, nếu ở Việt Nam, chắc gì anh đã kiếm được một suất nằm ván ăn xin ở
cửa chùa mùa lễ hội?”. (FạHm TùGn).
Chiều qua, mình khi chờ đèn đỏ
rút tờ 20 nghìn cho một người phụ nữ trẻ liệt, có đứa con nhỏ nằm ở vỉa hè, chỉ
một đô-la thôi, và mình nghĩ mãi về sự khác nhau của các số phận. Nick đi làm
diễn giả, đương nhiên, kiếm được nhiều tiền và có khi còn hơn nhiều người lành
lặn. Chẳng cần tìm hiểu về anh ta, nhưng cứ thử tưởng tượng cuộc sống của anh
ta từ bé xíu đến giờ, khó khăn đến như thế nào, gần như lúc nào cũng cần sự
chăm sóc đặc biệt. Bạn cứ thử không dùng chân dùng tay mà ăn xem, chả trông như
con chó ấy à?
Nếu Nick sinh ra trong một gia
đình nghèo mà ở Úc hay một nước phát triển nào khác, thì chắc vẫn được xã hội
chăm sóc. Nhưng nếu mà Nick sinh ra trong một gia đình nghèo ở Việt Nam thôi,
có mà bị vứt ra đường và chỉ có nước… chết.
Rõ ràng trong trường hợp này, Đức
Phật vẫn tỏ ra đúng đắn. “Nghiệp” của Nick còn nhẹ chán, nên anh ta đã thành
công, như Saint-Exupéry – là “Nick đã để lại được một vết xước con con trên cái
lưng cong của trái đất”.
Mặc khác của “vấn đề Nick”
mình ngẫm nghĩ là như thế.
Một anh thanh niên khỏe mạnh đẩy bà cụ đi bán hàng trên phố Trấn Vũ |
Bốn
Người ta nói “cây tầm gửi” là
một loại cây sống bám vào cái cây khỏe hơn, to hơn, nó dựa vào để vươn lên đón
mặt trời, và vươn những cái rễ của nó cắm vào thân cây to, lấy dinh dưỡng của
cây to. Động vật cũng có những loài sống bám, ký sinh như thế. Gần đây hay có cảnh
một người tàn tật ngồi trên ghế bánh xe, có một thanh niên đẩy đi, hoặc xin tiền,
hoặc bán những đồ lặt vặt, vừa bán, vừa xin. Mình đã gặp không chỉ một lần. Có
lần gặp ở quán cà-phê bên hông Nhà hát lớn Hà Nội, một anh bạn còn khỏe mạnh
hơn mình, và một anh bạn liệt cả chân lẫn tay đi xin tiền. Mình hỏi anh bạn khỏe
mạnh: “Em mạnh khỏe thế, sao không đi làm?” “Bạn em cần giúp đỡ” “À, em giúp bạn
em đi xin hả, vậy thì em có được công lao động không?”. Cậu ta không đáp. “Anh
có làm từ thiện, nhưng trường hợp của em anh khó nghĩ. Không cho bạn em thì anh
áy náy, nhưng em thì lại đang sống bám vào bạn em thì đúng hơn”. Họ đẩy nhau
đi, không cần mình cho cái gì nữa, vì không có mình, họ xin người khác, đầy người
“không hâm, và không cần nghĩ ngợi” khi cho tiền như mình.
Họ đang làm khó cho những người
đang theo tinh thần của Phật – từ bi và trí tuệ. Theo một hệ quy chiếu nào đó,
thì dường như, người khỏe đang sống bám vào người yếu, còn người yếu lại là “công
cụ lao động” hay “công cụ kiếm sống” của cả hai.
Năm.
Lại quay lại với anh chàng
Nick, anh ta sang và buổi nói chuyện của anh ta gây cơn sốt vé, và mấy bác phe
vé được dịp bán giá chợ đen lên đến, nghe đâu là 500 nghìn đồng. Nhận xét về
chuyện này, có người bảo: “Giới trẻ đúng là dễ cuồng theo bầy đàn, không sốt
thì bọn phe vé sao sống được?”.
Theo hệ quy chiếu cũ của xã hội
ta, bọn phe vé đó là một dạng ăn bám xã hội. Nhưng họ cũng là những con người,
vì rất nhiều lý do (lại theo các hệ quy chiếu khác nhau mà có các lý do tốt, xấu…
ta không sa đà đánh giá ở đây nhé) mà họ phải kiếm tiền bằng nhiều cách: phe vé
bóng đá, các buổi biểu diễn, và bây giờ, “ăn mày cửa anh Nick”.
Nghĩ kỹ ra, Nick sang cũng tốt,
cùng với các bạn trẻ “phát cuồng”, Nick tạo nên cơ hội kiếm tiền cho một số người,
và trong số đó, có nhiều người cần những số tiền đó cho những việc có ích: đầy
thêm nồi cơm, mua thuốc cho con… “có ích, có lợi cho nhân dân”. Chẳng có gì là
xấu. Một cách phân chia lại thu nhập xã hội, Nhà nước và xã hội không làm hết
được, thì Nick làm nốt.
“Cụ” Thích ca vẫn tỏ ra là đúng. Phải đi làm nghề
“phe vé”, “nghiệp” cũng đã là nặng rồi, chỉ trích nhau làm gì.
No comments:
Post a Comment