Mua báo đọc cho đỡ buồn nhỉ... |
Trong bài này, tôi sẽ mở rộng ra cả những vấn đề
“loăng quăng” khác nữa của sách báo chứ không chỉ báo, và cả về những vấn đề về
văn hóa tinh thần nữa đồng thời lan man rộng ra không chỉ ở Chợ Vòm. Vẫn là cái
trò giật tít cho nó giật gân thôi, các bác thông cảm.
Trong chợ Vòm có mấy quầy báo, để phục vụ cho
bà con người Việt mình “bển”. Trong ảnh các bác sẽ thấy báo “bển” toàn cùng một
khổ A3 gập đôi, in một hoặc hai màu. Vì là chỉ phục vụ cho bà con đi chợ nên
báo gần như toàn chôm bài của các “báo mạng” trong nước, hầu hết toàn chôm các
bài lá cải, “xe cán chó”, “cướp giết hiếp…”. Một phần lớn nội dung được giành
cho các quảng cáo: nào là làm tóc, làm móng, nào là chữa răng, khám chữa bệnh
cho cộng đồng… và khá nhiều dịch vụ phiên dịch “nói chuyện với chính quyền”, những
dịch vụ “cò kè” liên quan đến visa, hộ chiếu, quyền cư trú… thôi thì đủ cả.
Ngoài những tờ báo “cộng đồng”
đó, trong chợ Vòm còn có nhiều cửa hàng dịch vụ điện thoại di động, mà chỗ “Nhà
Vàng” (hình như nó màu vàng thì phải) có mấy cái. Ngoài việc bán điện thoại và
sửa chữa, thì ở đó còn có các dịch vụ khác nữa như cài phần mềm tiếng Việt; rồi tải nhạc, phim… Hình ảnh thường thấy trong
chợ Vòm là các thanh niên Việt Nam ăn mặc cùng một kiểu quần bò, áo khoác gắn,
mũ lưỡi trai, cứ túm tụm lại với nhau là đứng buôn chuyện và rút điện thoại ra
để nghịch, để giao lưu…
Thú vị lắm, đi qua các cửa
hàng điện thoại thường có biển quảng cáo dịch vụ “tải phim, nhạc” vào điện thoại,
thậm chí có cả cái biển: “đã có Vàng Anh”.
Thấy xuất hiện khá nhiều đồ điện
tử Trung Quốc, ở đây ta sẽ quan tâm đến đầu VCD. Trong chợ có nhiều cửa hàng
bán đĩa VCD cho bà con: chủ yếu là các chương trình trong nước, hài, dân ca… đủ
cả. Có nhiều đĩa Thúy Nga hoặc các hãng hải ngoại khác. Bảo Liêm Vân Sơn, Hoài
Linh cũng có, giọng Xuân Hinh nỉ non khắp nơi. Người ta còn ghi (chắc qua “chảo”)
những chương trình truyền hình trong nước ra đĩa để bán lại cho bà con phần lớn
không có điều kiện xem. Tất nhiên, không thể thiếu những cái biển: “đã có Vàng
Anh” viết nghệch ngoạc trên tấm cáctông.
Tôi vốn là mọt sách, “ma sách
cũ” nên ở Mát, tôi vẫn không bỏ được tật đó. Sướng nhất là ở bển, cứ mò vào cầu
thang của chung cư nào cũng có thể mò được sách cũ. Sách cũ không dùng đến, người
ta bỏ dưới cầu thang để người khác thích thì mang về đọc, chứ không bán cho “đồng
nát”, cũng không vứt đi, như ở ta. Thế mà cứ lọ mọ, lọ mọ, kiếm được cả “Đội cận
vệ thanh niên”, rồi “Thép đã tôi” ở chân cầu thang đấy ạ.
Vỉa hè một đường gần Ácbát cũ
cũng có những hàng sách cũ, có những quyển chỉ có 10 rub, rẻ rề, về trợn mắt vừa
đọc vừa tra từ điển, khá mệt.
Sách cũ cũng có thể tìm thấy ở
cầu thang KTX. Chỗ đó thường có nhiều giáo trình và sách nghiên cứu, hầu hết là
của chuyên ngành khác của mình, không dùng được. Thỉnh thoảng cũng có thể vớ được
quyển hay hay. Hầu hết sách tôi mua được là trong hiệu sách của thư viện trường
MGU, đắt ra trò, ví dụ cuốn “Luật đất đai LB Nga” đến 350 rub, tầm 200 trang giấy
xốp xồm xộp, màu đen đen chứ không trắng.
Ở gần Metro Frunzenxkaia cũng
có mấy hiệu sách tôi thường lò mò đến lục lọi, sách mới, đẹp và khá rẻ. Cuốn
“Pie đại đế” của Alêchxây Tônxtôi bìa cứng đẹp thôi rồi, bán có 150 rub.
Ở Nga, hình ảnh thường gặp là
bất cứ chỗ nào, nhất là trên phương tiện giao thông công cộng, là một ai đó
đang đọc sách. Thậm chí trên toa tàu điện ngầm có đến 80% hành khách đang đọc
sách, chí ít cũng đọc sách điện tử trong điện thoại di động. Nghĩ đến Việt Nam
ta mà chạnh lòng… thời buổi này mấy ai yêu sách nữa các bác nhỉ? Học giả nào đã
phản ánh: người Việt Nam ta ngày nay khoe sang giàu bằng tủ rượu, chẳng ai khoe
tủ sách nữa rồi.
Ảnh trong bài được chụp bằng
điện thoại di động (O2 Orbit nên nó hơi mờ mờ ảo ảo, các bác thông cảm).
Khi post lại bài này lên đây, câu chuyện viết ra đã được đến 5 năm. Chợ Vòm đã bị đóng cửa, còn Vàng Anh, câu chuyện của cô bé đã chìm xuồng, nhường chỗ cho các loại "Bà Tưng hở hang dở hơi" và "Thủy Tiên kín đáo để Công Vinh ghi bàn".
No comments:
Post a Comment