Một. … làm nạn nhân.
Thời thanh niên mình thích đi xe máy to, thể
thao “phân phối nhớn” lắm, phóng tít mù ngoài đường. Có lần phóng trên cầu
Thăng Long, hồi đó vẫn cho xe máy đi lên trên cầu trên, chả nhớ chẹt vào cái
gì, ngã quay cu lơ ra đường. Xe to nặng đến hơn 200 cân đè vào chân, nằm yên
không cựa quậy gì được. Nằm dưới mặt đường nhìn thế giới thấy hoàn toàn khác lạ.
Những chiếc bánh xe ô tô quay ầm ầm sát mặt mình. Mọi thứ, cái gì cũng cao to lắm,
còn cái cầu thì cứ rung lên đùng đùng, rất kinh dị. Cảm giác đó bây giờ vẫn
còn, nên mỗi lần nhìn thấy người nằm dưới mặt đường, lại thấy gai gai, tim cứ nặng
trình trịch vì nhớ đến cái cảm giác ngày xưa. Từ đó không bao giờ muốn phóng
nhanh nữa.
Hai. … làm người ngoài cuộc.
Người Việt Nam ta có ưu điểm rất quan tâm đến
người khác. Ngoài đường mà xảy ra tai nạn giao thông là y như rằng, bà con xúm
đông xúm đỏ. Một số kẻ may mắn chiếm được chỗ ngồi “khán đài A” là những trụ bê
tông của rào phân cách, ngồi xem một cách thỏa mãn. Các khán giả chen chúc,
suýt xoa, mồm há hốc ra xem, mặt mũi, ánh mắt lộ rõ một vẻ hiếu kỳ, tò mò xen lẫn
kinh hoàng. Họ SỢ, nhưng vẫn xem. Xem để thỏa mãn hiếu kỳ một phần, họ còn có
quà về cho những người quen cũng cùng sở thích với họ, và họ còn gặm nhấm cái
sung sướng ấy đến cả tuần nữa.
Rõ ràng họ không mấy thương cảm với nạn nhân
đang nằm dưới đường kia, máu me bê bết chảy ướt đường, người nằm bất động, người
còn giãy giụa với những cử động cuối cùng.
Hầu như không một ai cố gắng cứu giúp nạn nhân.
Ba. … làm xe ôm.
Có lần sửa nhà, mò xuống Thuốc Bắc mua mấy thứ,
không có lại lọ mọ xuống Chợ Giời mua thêm những đồ khác nữa. Đi qua phố Lê
Thái Tổ, trước cửa Bar Hồ Gươm Xanh, tự dưng thấy có đám đông, cũng xúm đông
xúm đỏ. Mình mặc quần soóc, áo phông nhàu nát, mũ bảo hiểm xộc xệch trên con
Dream Thái 18 tuổi đời, đành dừng lại vì tắc hết một bên đường.
Mình giở giọng chợ búa, gào lên: “Thôi đi đê,
tai nạn chứ có cái gì mà xem!”. Ngay lập tức, cái đám đông kia quay ra nhìn với
những ánh mắt mang hình viên đạn. Lúc này nhìn kỹ, toàn thanh niên, họ không có
những vẻ mặt “hiếu kỳ, tò mò xen lẫn kinh hoàng” như thường thấy ở những vụ tai
nạn giao thông thông thường, mà là cuồng tín. Khi họ lục tục nhường chỗ cho các
phương tiện đi qua, “lão xe ôm” hoảng hồn nhìn vào, vì thay vào chỗ của nạn
nhân tai nạn, là một cha trong bộ đồ trắng, đầu to tóc nhuộm sợi nâu sợi vàng, hai mắt một mắt
nhìn ra nhà Thủy Tọa, một mắt nhìn phố Hàng Khay. Anh ta là
anh chàng Đàm Vĩnh Hưng, không giãy giụa mạnh mẽ như mọi khi trên sân khấu, mà
đĩnh đạc mỉm cười, ban phát những cái nhìn trìu mến cho đám đông cuồng tín.
Mình đi nhưng vẫn kịp nghe một câu chửi với
theo: “Mẹ, thằng cha xe ôm vô văn hóa!”.
Ừ đúng, vô văn hóa thật ấy chứ. Đàm Vĩnh Hưng
mà lại coi như là ông nạn nhân tai nạn giao thông giãy giụa nào. Trong chuyện
này, xung quanh ổng có một huyện nạn nhân thì đúng hơn chứ!
P.S. Đáng nhẽ giật tít: “Một lần gặp Đàm Vĩnh
Hưng”, nhưng sợ lộ chuyện, mất tính giật gân của câu chuyện, he he.
No comments:
Post a Comment