Hồi học cấp II đi học thêm trong khu tập thể Đại
học Bách Khoa Hà Nội, có học cùng một anh bạn tên là Ninh, bố anh bạn ấy tên là
Cầu, nên gọi là Ninh “Cầu”. Da trắng, môi đỏ hồng, người thâm thấp, hơi béo và
đầu thì lại khá to. Mái tóc mỏng mềm như tơ và ngả màu vàng chắc là do đi nắng
nhiều. Ninh khá nghịch, nhưng chưa có biểu hiện gì bất thường cho lắm, vì hồi
đó còn trẻ con cả, mới 12, 13 tuổi, biết gì đâu.
Bẵng đi một thời gian, đến khi học cấp III có lần
đi học thêm (vẫn học thêm ở trong cái khu Bách Khoa trứ danh đó), có lần gặp
anh bạn Ninh này – nay đã học trường Thăng Long. Thái độ khác hẳn, ra dáng một
tay đầu gấu non choẹt. Cậu ta cố tình tỏ ra không nhận ra bạn cũ, thậm chí để
đáp lại nụ cười cậu ta dùng một thái độ hăm dọa. Thì thôi vậy!
Lại bẵng đi một thời gian nữa, đã qua giai đoạn
cấp III đến giai đoạn Đại học hoặc sau Đại học gì đó, có lần phải đến Tòa án
thành phố Hà Nội không nhớ về việc gì – gặp một phiên xử sân Tòa đông nghịt
khăn tang trắng. Một đám đông hô hét, ôm một bức ảnh người trong ảnh trông quen
quen… ngờ ngợ, rồi hỏi lại, đúng là Ninh. Cậu ta bắt nạt hành hạ một em học cấp
III ghê quá, uất ức, chú kia dùng dao, đâm cho một nhát, chết. Chuyện đến giờ
cũng đã hơn hai chục năm rồi chứ còn gì.
Luật “nhân quả” đã tỏ ra có tác dụng tương đối
nhanh. Cái cách sống của Ninh, tự trang bị cái ác thì lại gặp ác. Hoàn toàn
bình thường và dễ hiểu.
Nhưng cái hình ảnh một gia đình họ hàng bạn bè,
chít khăn trắng, bê ảnh đến Tòa, càng ngày càng không hiếm. Nhiều vụ án, không
phải là “nhân quả” đến với nạn nhân nó rõ ràng như Ninh. Nhiều vụ nạn nhân sống
tốt, vui vẻ trong sáng đến mức không ai dám tin là có thể gặp phải cái kết cục
đau xót đến thế. Những trường hợp như vậy mà cố giải thích theo Phật pháp, về
nhân quả, nghiệp báo… thì có khi lại là không khôn ngoan, thậm chí có thể vấp
phải những phản ứng tiêu cực của người nhà nạn nhân. “Cháu nó ngoan ngoãn là thế,
sao bảo nghiệp cháu nặng, nhân quả của cháu thế nọ thế kia được…” Cái nhân quả,
nghiệp báo… người trần mắt thịt chúng ta thường không dễ mà nhìn thấy được. Nhiều
khi sống tốt, “làm lành tránh ác” ngay trong kiếp này thôi, chưa đủ.
Cái mà mình băn khoăn chính là việc “rước” cái ảnh
kia đến Tòa hô hét, khóc lóc. Nó không hề đem lại một sự bình yên, mà chính là
việc cổ vũ cho tâm lý mong muốn trả thù, dù nhiều khi chỉ là thầm lặng thôi.
Tâm lý mong “ác giả ác báo” vẫn còn rất nặng và không dễ gì bỏ qua với hầu hết
mọi người. Tha thứ, điều không dễ nhưng ai cũng cần phải học, vì làm được điều
đó, chính như tưới nước cam lộ làm sống lại cây nhân sâm mà Tôn Ngộ Không đã
phá tan hoang.
Ngày 28 tháng Sáu 2013, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, mẹ đẻ nạn nhân Nguyễn Đình Sỹ (SN 1984, trú tại tổ 4, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) xin giảm tội cho các bị cáo Nguyễn Thành Công (SN 1991, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và Hoàng Liên Sơn (SN 1989 ở huyện Lục Yên, Yên Bái). "Con tôi mất không lấy lại được, tôi thương mẹ của Công. Bà ấy mới mất chồng, nay con lại ngồi tù suốt đời thì tội nghiệp, xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho các cháu”, bà Hà nói.
Ngày 12 tháng Bảy năm 2013, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với Nguyễn Anh Vũ (SN 1984, trú ở phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) theo các tội “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Hủy hoại tài sản”. Nạn nhân trong vụ án là bà Bùi Thị Vân (SN 1950), trú ở xã Giao An, Giao Thủy, Nam Định, chủ quán nước chè vỉa hè trên phố Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân. Trước khi phiên tòa bước vào phần nghị bàn hình phạt, đại diện hợp pháp của nạn nhân cũng đã đứng lên bày tỏ thái độ đối với bị cáo. Song khác với suy nghĩ của không ít người dự tòa và cũng khác hẳn với diễn biến ngay trước đó, người con trai của bà Vân đã thay mặt cho cả gia đình đứng lên xin tòa xem xét “tha chết” cho hung thủ. Con trai bị hại nghẹn ngào: “Dù sao thì mẹ tôi cũng không bao giờ sống lại được nữa”. Cũng chính vì đề nghị bất ngờ này từ phía gia đình bị hại nên sau 1 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào sáng 15-7 tới.
Với mình, có lẽ một hình ảnh không thể quên là
một người mẹ nạn nhân, không khăn trắng, không mang ảnh, không khóc, lặng lẽ ngồi
một góc trong Tòa. Cuối phiên Tòa, bà xin tha tội chết cho bị cáo… một vụ án
nào không nhớ. Một người đàn bà lam lũ nhưng có tâm của một vị Bồ Tát
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment