Nhà có khách.
Vừa là người nhà, vừa là khách – tức là con cái trong nhà lập gia đình ở xa,
nhưng chưa bao giờ cắt hộ khẩu đi cả. Thậm chí lập gia đình với người nước
ngoài, không nhập quốc tịch nước ngoài mà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, nghĩa là
nhà vẫn ở số bao nhiêu đó, phố gì đó, Quận T (trước đây là quận Đ), Hà Nội.
Thế là bác người
nhà dẫn về một ông chồng người nước ngoài cùng hai đứa con cũng người nước
ngoài nốt. Vừa về đến nhà được một hôm, thì ông bí thư đảng ủy của cụm dân cư
nhắn nhe, phải đi đăng ký tạm trú. Mình bảo, dở hơi, toàn người nhà, người ta về
nhà người ta, tạm tạm cái giề? Bức xúc mà nói thế thôi, chứ thực ra bác ấy đi học nước ngoài là người
ta đã ô-tô-ma-tích cắt ngay từ lâu rồi. Câu chuyện nở như ngô rang ra đến chuyện “hộ khẩu”…
Hóa ra nhiều
người chẳng biết cụ thể như thế nào là “hộ khẩu” – nếu lên Gu-gờ mà sớt ra với
cụm từ khóa “chế độ hộ khẩu”, vào đường link dẫn đến trang “Yahoo Answer” sẽ thấy
một bài trả lời dài là “Hộ khẩu là một phương thức quản lý nhân khẩu của chính
quyền. Trong phương thức này, đơn vị quản lý xã hội là hộ gia đình, tập thể do
một chủ hộ chịu trách nhiệm. Sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp. Khi sinh ra,
con được nhập theo hộ khẩu của cha mẹ. Hộ khẩu có liên quan đến các quyền lợi
khác như: phân chia ruộng đất, nhà ở, lương thực, thực phẩm, việc làm, giấy tờ,
tiêu chuẩn điện nước, trường học... Khi thay đổi chỗ ở, người dân phải thực hiện
thủ tục thay đổi hộ khẩu. Với người dân nhập cư vào thành phố, việc thay đổi hộ
khẩu này còn được gọi là nhập hộ khẩu. Hệ thống hộ khẩu hiện nay chỉ tồn tại ở
các nước: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.”
Nhưng ngay ở
dưới có một câu bình luận ngắn gọn: “nước nào cũng có chứng minh nhân dân, hộ
khẩu hết”. Vậy “hộ khẩu” ở đâu ra và cách nhìn nhận nó cần như thế nào mới đúng
với một xã hội dân sự?
Về lịch sử mà
nói, chế độ hộ khẩu ra đời đã được khá lâu – một “sáng tác” của Thương Ưởng,
nhà luật trị kiêm cải cách thời nhà Tần bên Trung Quốc, ông này đưa ra ý tưởng
quản lý dân cư theo hộ gia đình, thế là chế độ này ra đời và tồn tại cho đến
ngày nay. Cái mà ông ta nghĩ ra thời đó có thể là cải cách và phát minh vĩ đại
thì nay đã trở thành cái gông đeo vào cổ bà con, đặc biệt là bà con Việt Nam.
Bác người nhà
bảo, ở bên kia cũng có hộ khẩu. Nghĩa là mình ở đâu cũng phải báo cáo là mình ở
đấy, không được sai, trẻ con đi học cũng phải theo phường… nghĩa là câu bình luận
“nước nào cũng có chứng minh nhân dân, hộ khẩu hết” có vẻ đúng - ấy, tưởng dzậy
mà hổng phải dzậy à nha! Mình hỏi, thế bên đó mua nhà như thế nào? – Thì cứ mua
thôi, mua xong thì làm giấy tờ sở hữu. Xong thì làm thế nào nhập hộ khẩu? Thì cứ
mang giấy tờ nhà đi cho công an xem, báo cho họ là mình ở đó, viết vào tờ khai
có mấy liên đó, họ xác nhận đóng dấu đóng má vào, đưa cho mình một liên cầm về
là xong…
Đó, sự khác
biệt là ở chỗ đó. Ở ta, mua xong cái nhà, thì phải đi nhập hộ khẩu vào đó.
Nhưng nếu chưa có “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì bạn sẽ rất
khó để nhập được hộ khẩu. vì đã làm gì có “nhà hợp pháp”, nhưng nếu đi xin cấp “sổ
đỏ” lại chưa có “hộ khẩu”. Nhìn chung câu chuyện con gà – quả trứng cứ lằng nhà
lằng nhằng và cuối cùng người ta giải quyết vấn đề bằng quen biết, với một cách
bí hiểm nào đó nhờ công an nhập được hộ khẩu, rồi sau đó thì làm “sổ đỏ”, hoặc
theo quy trình ngược lại, tùy…
Ở hầu hết các
nước (càng tự do tiến bộ càng như thế) nếu bạn mua một căn nhà, bạn có quyền cư
trú ở đó một cách tự nhiên (quyền tự do cư trú theo vị trí địa lý cũng có trong
Hiến pháp Việt Nam nhé), còn việc bạn mua điện của công ty cung cấp điện, mua
nước của công ty cấp nước… thì là quan hệ hợp đồng. Ở ta, cũng là quan hệ hợp đồng,
nhưng nếu bạn không có hộ khẩu ở cái nhà bạn đã mua, kể cả trường hợp bạn đã có
“sổ đỏ” thì hãy đợi đấy! Gần đây ngành điện có cải tiến hơn, chắc là do sự phát
triển bùng nổ của các dự án bất động sản cao tầng chăng, người ta mua căn hộ là
được cấp “sổ đỏ” mà không cần hộ khẩu, vẫn ký được hợp đồng mua điện… Nhưng
chưa hết – nếu trong nhà có hai hộ gia đỉnh, mà ít nhất một trong hai hộ đó
không có hộ khẩu ở đó, thì đừng hòng được “tách hợp đồng mua điện” thành hai hợp
đồng riêng lẻ để được hưởng cách tính giá điện rẻ hơn…
Nếu hộ khẩu của
bạn ở Quận Ba Đình mà lại mua nhà ở Hà Đông, bạn cứ việc để nguyên hộ khẩu ở
đó. Mỗi lần cần ra Ủy ban Phường xin xác nhận một cái gì đó, thì lại lóc cóc cầm
sổ hộ khẩu lên Ba Đình xin dấu… còn con cái bạn dù có học ngay gần nhà thì vẫn
là đi học “trái tuyến”.
Đừng tưởng là
bạn làm như thế, chính quyền điạ phương họ không biết – họ biết cả đấy – nhất
là tay cánh sát khu vực. Bây giờ thì với sự phát triển của xã hội, anh ta sẽ giả
vờ làm ngơ trước việc bạn vắng mặt hàng năm trời, nhưng nếu chỉ cần có vấn đề
gì đó phát sinh, ngay lập tức anh ta nhớ ra bạn, và nếu vô phúc bạn có việc cần
phải nhờ anh ta giúp đỡ, giải quyết, anh ta sẽ hành bạn tới bến.
Do đó, “chế độ
hộ khẩu” cần được hiểu, là Việt Nam ta giống thế giới là đều muốn quản lý dân
cư. Điểm khác là với thế giới thì thích ở đâu thì ở, quản lý là nhiệm vụ của cơ
quan Nhà nước, công dân có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan Nhà nước để thực hiện
quyền công dân của mình… còn ở Việt Nam ta thì nếu bạn không được anh công an
khu vực ủng hộ mà gia ơn làm cho quyển sổ hộ khẩu, thì bạn không có được quyền
cư trú đầy đủ ở cái nhà bạn làm chủ… Cứ như là anh ấy cho bạn ở, bạn mới được ở
ấy.
Bây giờ còn đỡ
nhiều về thủ tục hộ khẩu đấy – ví dụ như việc chuyển hộ khẩu từ quận này sang
quận khác đã đơn giản hơn nhiều, đem giấy tờ đến quận “cắt đi” làm thủ tục “cắt
treo”, rồi vẫn bộ giấy tờ đó, có thêm một tờ xác nhận lằng nhằng “cắt treo” gì
đó của quận “cắt đi”; đưa đến quận “chuyển đến”, người ta thấy ổn thì cho nhập
và tự người ta thông báo về quận “cắt đi” là này, tao cho nó nhập vào đây rồi
nhé, mày “cắt hẳn” nó đi…
Trước thì khốn
khổ, cắt đi là cắt luôn, nhỡ đằng kia có chuyện gì, thì đố mà cho bố trẻ quay về
được… alê là phong bì đâu, đưa đây…
Thương Ưởng
(商鞅 - Shāng Yāng)
(khoảng 390 TCN – 338 TCN),
còn gọi là Vệ Ưởng (衛鞅)
hay Công Tôn Ưởng (公孫鞅)
– "thủ
phạm" của nỗi thống khổ
mang tên “hộ khẩu”.
Tượng ở Trung Quốc.
|
Hồi mình ở
Trung Quốc, thấy họ vẫn giữ chế độ hộ khẩu, nhưng tầm cách đây chục năm đã bắt
đầu triển khai quản lý hình thức thẻ cá nhân bằng chứng minh thư điện tử, đi
đâu ở chỉ cần đem hợp đồng thuê nhà hợp pháp hoặc giấy mua bán nhà đến báo cáo
trình diện ở đồn công an sở tại là đủ, quẹt một cái là xong, vi tính hóa ác ra
phết. Nếu bạn chưa có “sổ đỏ” (chứng nhận sở hữu nhà chính thức), họ sẽ ghi lại
là bạn ở tạm (một dạng tạm trú), và bạn có nghĩa vụ phải quay lại thông báo khi
có quyền sở hữu chính thức căn nhà bạn mua… đơn giản vậy thôi. Bạn có thể không
làm các thủ tục đó, như thế đơn giản là bạn sẽ từ chối các quyền lợi liên quan nếu
có… cơ quan quản lý đơn thuần chỉ làm đúng chức năng quản lý xem ai đến ở và ai
đi không ở nữa trên địa bàn của họ.
Ở Trung Quốc
dùng điện, dùng gas, dùng internet bằng cách trả tiền trước, bạn đóng tiền như
ta mua thẻ cào điện thoại, thì sẽ được dùng các dịch vụ đó, hết lại nạp tiền… bảy
tám năm nay đã thế, chắc bây giờ thì cảnh vác bình gas đi thay cho khách hiếm lắm
rồi. Dùng trước trả tiền sau như Việt Nam ta chắc càng không còn nữa.
Ở Nga cũng
tương tự Trung Quốc, nhưng vẫn có cái giấy chứng nhận cư trú. Và anh công an
khu vực thì phải được ăn tiền mới cấp cho bạn cái giấy đó. Đồng thời do không
còn chế độ hộ khẩu, mà ở Nga cũng đã có cách nhìn nhận mới về việc quy về cá
nhân chịu trách nhiệm. Thế mới có chuyện anh Sécgây Mikhailốp đi ra sân bay
Đômôđêđôvơ bay sang Việt Nam chơi, ra đến nơi thấy người ta bảo anh bị cấm xuất
cảnh do chưa đóng tiền gas ở nhà… công ty bán gas người ta báo thế!
Chẳng biết thực
tế thế nào, thấy trên wiki bẩu là “Ở Nhật Bản, người dân dùng phiếu cư dân nhiều
hơn sổ hộ tịch”.
Còn bây giờ
ta vẫn cứ nên hòa nhã với “anh hộ khẩu” mà mong có một ngày, “em bái bai anh hộ
khẩu!” thì thật là sướng hơn lên tiên!
P.S. "Anh công an hộ khẩu" ở đây là chung cho cả anh cánh sát khu vực ở cấp phường lẫn các bác quản lý hành chính về nhân khẩu ở quận.
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
Chém thế thôi, thực tế bác người nhà đi học nước ngoài thì ô-tô-ma-tích người ta cắt hộ khẩu rồi, một "ông anh" góp ý thế. Đơn giản là cái cớ để lôi chuyên ra nói...
ReplyDelete