Polar -2, chiếc bay cùng Polar-3 nhưng "thoát hiểm" |
9. “Polar 3”
Ngày 24 tháng Hai năm 1985, chiếc “Polar 3”, một
máy bay nghiên cứu của Viện Alfred Wegener, bị bắn rơi bởi quân du kích của Mặt
trận Polisario trên bầu trời Tây Sahara. Cả ba thành viên phi hành đoàn gồm
Herbert Hampel, phi công phụ Richard Möbius (cả hai người cùng 47 tuổi) và thợ
máy Josef Schmid (28 tuổi) thiệt mạng. “Polar 3” đang trên đường trở về từ Nam
Cực, cất cánh rời Dakar thủ đô của Senegal, để tới Arrecife thuộc quần đảo
Canary. Chiếc “Polar 2” bay trước nó 5 phút bay thì không hề hấn gì. Thi thể của
ba người được tìm thấy 5 ngày sau vụ bắn hạ.
Quân du kích
Polisario sau này thông báo rằng họ nhầm lẫn rằng đó là máy bay do thám của Morroco.
Một chiếc Shorts Skyvan 7Q-YMB |
10. Air
Malawi 7Q-YMB
Ngày 6 tháng
Mười một năm 1987, một chiếc Shorts Skyvan 7Q-YMB của Hãng hàng không “Air
Malawi” bị bắn rơi trong khi thực hiện một chuyến bay nội địa từ Blantyre,
Malawi đến Lilongwe. Chiếc máy bay đã bay qua bầu trời Mozambique, nơi cuộc nội
chiến Mozambique đang diễn ra. Nó bay bị bắn rơi gần thị trấn Ulongwe,
Mozambique. Tám hành khách và hai thành viên tổ lái trên khoang thiệt mạng.
11. Iran Air
Flight 655 (IR655)
Ngày 3 tháng
Bảy năm 1988, chiếc máy bay Airbus A-300B2 số hiệu chuyến bay 655 của Hãng hàng
không Iran Air (IR655) bị bắn rơi bởi tàu sân bay USS Vincennes trên đường bay
Bandar Abbas – Dubai, cướp đi mạng sống của 290 thường dân vô tội từ sáu quốc
gia trong đó có 66 trẻ em, trong số đó, 38 người không phải là người Iran (16
thành viên phi hành đoàn).
Sáng ngày hôm
đó IR655 còn ở sân bay Bandar Abbas miền nam Iran, chuẩn bị cho chặng còn lại
dài 150 dặm của họ trong Vịnh Ba Tư đến Dubai. Tuyến bay 655 là một tuyến thương
mại thường kỳ của Iran Air trên tuyến đường Tehran – Bandar Abbas – Dubai.
Minh họa đường bay của IR655 và vị trí rơi của nó trên eo biển Hormuz |
Đây là giai
đoạn Iran đang bị áp đặt lệnh cấm vận sau chiến tranh Iran – Iraq, do đó có sự
hiện diện của các tàu chiến Hoa Kỳ trong Vịnh Ba Tư: USS Vincennes, USS Sides và
USS Elmer Montgomery. Hạm trưởng USS Vincennes là Will Roger III, hôm đó đã bắn
hai quả tên lửa hạm đối không loại dẫn đường bằng rađa vào chiếc Airbus A300 của
Air Iran đang bay trên không phận Iran ở eo biển Hormuz làm cho nó rơi ngay lập
tức. Theo Hạm trưởng Rogers, tàu của họ đã bị tấn công bởi tám tàu chiến của
Iran, do đó USS Vincennes cần tự vệ. Nghiêm trọng hơn, USS Vincennes đã xác định
nhầm chiếc Airbus như một chiếc máy bay chiến đấu F-14 “Tomcat”. Vào thời điểm
đó IR655 đang lên cao và máy phát vô tuyến của nó đang hoạt động trên mã dân sự
(Chế độ III) hơn là mã quân sự (Chế độ II), như được ghi lại bằng hệ thống tác chiến Aegis trên tàu USS
Vincennes. Báo cáo của Tổ chức Hàng không dân sự thế giới ICAO cũng cho thấy,
chiếc USS Vincennes đã gửi tín hiệu đến cho chiếc “F-14 không tồn tại” bằng những
tín hiệu sai tần số. Các máy bay chiến đấu F-14 của Iran ở Bandar Abbas đều thiết
lập liên lạc ở “Chế độ II” để các tàu chiến và phi cơ Hoa Kỳ nhận biết được đó
là “máy bay chiến đấu” và hơn nữa, “của Iran”, và tất cả máy bay dân sự đều thiết
lập ở “Chế độ III”.
Trong ba
phút, chiếc USS Vincennes liên tục gửi các tín hiệu cảnh báo cả trên tần số
quân sự lẫn tần số dân sự nhưng rất yếu, đồng thời báo cáo một cách sai lầm rằng
chiếc máy bay vẫn đang tiến về phía tàu, trong khi trên thực tế là máy bay vẫn
đang lấy độ cao một cách bình thường. Lúc 10 giờ 24 phút, Hạm trưởng Rogers ra
lệnh bắn hai quả tên lửa hạm đối không loại SM-2ER. Chiếc IR655 vẫn đang tiếp tục
lên cao, bị trúng một hoặc cả hai quả ở độ cao khoảng 4.100 mét, bùng cháy và
rơi xuống Vịnh Ba Tư. Chiếc hộp đen của máy bay không thể được tìm thấy, nên
chúng ta không thể biết chính xác rằng, tại sao tổ lái lại phớt lờ những cảnh
báo của USS Vincennnes, hoặc đơn giản là họ không thể nghe thấy gì… Các sỹ quan
của USS Vincennes chỉ biết được sau một ngày, rằng họ đã bắn hạ một chiếc máy
bay hành khách.
"USS Vincennes" một lần phóng tên lửa diễn tập |
Chính phủ
Iran vẫn cáo buộc Hoa Kỳ, rằng những người có trách nhiệm trên tàu USS
Vincennes biết rất rõ đó là máy bay dân sự, IR655 cất cánh khỏi Bandar Abbas thường
ngày (đây là một sân bay cả dân sự cả quân sự) để tới Dubai, một tuyến bay
thương mại cũng hết sức thường xuyên. Hải quân Italia cũng như chiếc khu trục hạm
USS Sides (Hạm trưởng David Carlson) đều xác nhận rằng lúc đó chiếc Airbus đang
lấy độ cao, không hề bổ nhào để tấn công. Các tín hiệu cảnh báo từ USS
Vincennes được phát trên tần số quân sự 121.5 MHz, không phải là tần số điều
khiển bay dân sự và đồng thời chính tàu chiến Hoa Kỳ cũng đã xác định sai độ
cao và vị trí của chiếc Airbus. Do đó, tổ bay của chiếc IR655 nếu có biết, cũng
không thể “dịch” ra được những tín hiệu cảnh báo đó từ phía táu chiến Hoa Kỳ.
Thuyền trưởng USS Sides, David Carlson sau này nói rằng quyết định đó đã cho
thái độ thù địch tột độ của Hạm trưởng chiếc USS Vincennes, Will Roger III.
Ủy ban điều
tra được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Chuẩn đô đốc William M. Fogarty tại
Bahrain bắt đầu từ ngày 06 tháng Bảy, chỉ đến ngày 28 tháng Bảy đã hoàn tất báo
cáo và trao lại cho Hải quân Hoa Kỳ, và theo đánh giá của phía Iran thì báo cáo
đó đầy những chi tiết mang tính cá nhân và kỹ thuật; còn xung quanh quyết định
khai hỏa, lại là những yếu tố “kém bình tĩnh” và dựa trên những phán đoán cũng
rất cá nhân.
Song song với
việc chia buồn với gia đình các nạn nhân, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn cho rằng chiếc
Airbus bị bắn hạ là do thái độ thù địch của Iran đối với Hoa Kỳ. Vài sỹ quan Hải
quân của USS Vincennes đã được khen thưởng, chúng ta có thể liệt kê: sỹ quan Lustig,
Hạm trưởng Will Roger III… Phó Tổng thống George H.W. Bush (sau này là Tổng thống
Hoa Kỳ) tuyên bố một tháng sau sự kiện: “Tôi sẽ không bao giờ xin lỗi cho Hoa Kỳ,
không bao giờ hết. Tôi không quan tâm những sự kiện thực tế như thế nào."
Newsweek, ngày 15 tháng Tám năm 1988).
Sự kiện này
đã làm xấu quan hệ Hoa Kỳ - Iran trong một thời gian dài, thậm chí sáu tháng sau,
với vụ nổ máy bay PanAm 103, chính phủ Anh và Mỹ ban đầu đổ lỗi cho PFLP-GC, một
nhóm chiến binh Palestine được ủng hộ bởi Syria, với những giả định họ nhận được
sự hỗ trợ từ Iran để trả đũa vụ Airbus IR655, sau đó mới chuyển nghi ngờ sang
Libya.
Tháng Hai năm
1996, Hoa Kỳ đã đồng ý trả cho Iran 131,8 triệu đôla (61,8 triệu đôla là bồi
thường cho 248 người Iran thiệt mạng) trong nố lực giải quyết vụ việc và để ngừng
việc năm 1989 Iran khởi kiện Hoa Kỳ ra Tòa án Công lý quốc tế… Nhưng lời xin lỗi
thì vẫn chưa có.
Theo wiki và
Iran Chamber Society.
12. T&G
Aviation DC-7
Ngày 8 tháng
Mười hai năm 1988 một chiếc Douglas DC-7 của Tổ chức phát triển quốc tế Hoa Kỳ
bị bắn rơi ở Tây Sahara bởi du kích Mặt trận Polisario, làm 5 người chết. Chỉ
huy du kích nói rằng họ nhầm chiếc máy bay đó là chiếc Lockheed C-130 của
Morocco. Chiếc máy bay bị bắn đang làm nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu chống nạn
châu chấu.
13. Ba chiếc
máy bay của “Transair Georgia” bị bắn hạ chỉ trong tháng Chín năm 1993.
Cả ba chiếc đều
bị bắn bởi quân phiến loạn ở Sukhumi,
Abkhazia, Georgia. Ngày 21, một chiếc Tupolev Tu-134 bay từ Sochi, bị bắn bằng
tên lửa đất đối không khi đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay
Sukhumi-Babusheri. Chiếc máy bay rơi xuống Biển Đen, 5 nhân viên phi hành đoàn
và 22 hành khách thiệt mạng. Ngay hôm sau, (ngày 22), một chiếc Tupolev khác lần
này là Tu-154, mà sau này có tin cho rằng đó là lính Georgia, bị bắn khi đang
chuẩn bị tiếp đất hạ cánh xuống sân bay Sukhumi, nó rơi ngay trên đường hạ
cánh. 108 người trên tổng số 132 người trên tàu, thiệt mạng. Liên tiếp, ngày 23
tháng Chín, khi hành khách đang lên tàu thì máy bay trúng đạn cối và pháo của
quân phiến loạn, nó bùng cháy, hành khách kịp sơ tán nhưng một thành viên tổ
lái thiệt mạng.
14. Vụ ám sát
kép ở Rwanda năm 1994
Tổng thống Rwanda Juvénal Habyarimana năm 1980 |
Chiếc máy bay
Dassault Mistère Falcon 50 chở Tổng thống Rwanda Juvenal Habyarimana và tổng thống
Burundi Cyprien Ntaryamira bị bắn hạ khi nó chuẩn bị hạ cánh tại Kigali,
Rwanda, lúc khoảng 20 giờ (giờ địa phương) ngày 6 tháng Tư năm 1994, giết chết
cả hai vị tổng thống. Trên máy bay còn có các phụ tá của tổng thống Rwanda
Juvenal Habyarimana, toàn bộ phi hành đoàn người Pháp – tất cả đều thiệt mạng.
Vụ ám sát kép
này là tác nhân cho Cuộc diệt chủng Rwanda (800.000 (nhiều nguồn khác nói tới một
con số cao hơn, đến một triệu) người chỉ trong 100 ngày) và Chiến tranh Congo lần
thứ nhất. Chịu trách nhiệm về vụ ám sát, về lý thuyết mọi nghi ngờ quy cho quân
phiến loạn “Mặt trận Yêu nước Rwanda” (RPF) của người Tutsi hoặc Chính phủ liên
minh cực đoan người Hutu lúc đó đang đối đầu với RPF.
Câu hỏi ai bắn
rơi chiếc máy bay chở cựu Tổng thống Rwanda chưa được trả lời, vẫn còn là một
trong những bí ẩn lớn nhất của cuối thế kỷ 20. Năm 2006, một thẩm phán Pháp tên
là Jean Louis Bruguiere, đã cáo buộc các lãnh đạo phiến quân Tutsi theo chủ
nghĩa dân tộc phải chịu trách nhiệm về vụ này – vào thời điểm năm 1994 có ông
Paul Kagame. Ông Kagame năm 2006 là chủ tịch của Rwanda, đã rất tức giận và cắt
đứt quan hệ ngoại giao với Pháp.
Máy bay của Tổng thống Ruanda bị bắn là một chiếc Dassault Mistère Falcon 50 như thế này |
Thẩm phán
Bruguiere lại khởi động vụ này ở Pháp các phi công người Pháp cũng thiệt mạng
khi chiếc máy bay rơi.
Gần như ngay
lập tức với vụ ám sát, trên mặt đất, sĩ quan quân đội và lực lượng dân quân cực
đoan người Hutu bắt đầu trả thù những người Tutsi thiểu số và những người đối lập
khác của chính phủ. Nạn diệt chủng ở Rwanda đã bắt đầu. Những người Hutu cực
đoan đổ lỗi cho cuộc nổi loạn của người Tutsi (lãnh đạo bởi Paul Kagame có sự
tham gia của lính đánh thuê Bỉ) bắn rơi máy bay.
Trong khi đó,
nhiều người khác có cả các quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc có mặt trên mặt
đất nghi ngờ rằng những thành phần cực đoan người Hutu, hay lính đánh thuê làm
việc cho họ, có thể thực hiện các cuộc tấn công để ngăn chặn các cố Tổng thống
ký một thỏa thuận hòa bình với phiến quân Tutsi. Vào thời điểm đó, Cộng hòa
Pháp ủng hộ chính phủ Hutu.
Khi thẩm phán
Pháp đưa ra những cáo buộc, Linda Melvern, một chuyên gia Anh chuyên nghiên cứu
về nạn diệt chủng Rwanda, người đã thực hiện báo cáo điều tra có tên là “Âm mưu
giết người”, nói rằng cô rất ngạc nhiên trước tính rất thiếu thuyết phục của
các chứng cứ được sử dụng để buộc tội; vào thời điểm xảy ra vụ bắn máy bay, nước
Pháp có vai trò rất sâu sắc trong khu vực. Cô nói: “Vào thời điểm cuộc thảm sát
được lên kế hoạch, Chính phủ Pháp có đến 47 sĩ quan cao cấp trong quân đội
Hutu, chính họ là những người đã đóng vai trò rất lớn trong hành động diệt chủng
– và nếu như Chính phủ nào được biết về cuộc diệt chủng này tốt nhất, đó chính
là Chính phủ Pháp.” Cô nhận xét rằng những cáo buộc của ông thẩm phán Pháp đưa
ra chống lại Tổng thống Paul Kagame đã dính líu vào âm mưa ám sát người tiền
nhiệm của mình, dựa trên những chứng cứ rất nghèo nàn. Những chứng cứ liên quan
đến vũ khí được dùng để bắn rơi máy bay (tên lửa đất đối không) đã bị Quốc hội
Pháp bác bỏ. Chỉ cần liếc qua bản báo cáo dài 64 trang của ông thẩm phán, dường
như nó được xây dựng một cách vội vã trên cơ sở thông tin lấy trên website của
báo chí vậy. Tên của vài nhân vật chính, trong đó có hai người đã từng đứng đầu
Nhà nước, bị viết sai chính tả.
Theo thông
tín viên Mark Doyle, người đã gặp phỏng vấn Paul Kagame nhiều lần, từ khi ông
ta còn là thủ lĩnh của những người nổi loạn và cả sau này, khi ông ta đã là một
Tổng thống – thì Kagame vào thời điểm đó hoàn toàn đủ năng lực và phương tiện để
tổ chức vụ bắn hạ máy bay, ám sát hai ông Tổng thống. Còn một khi ông ta đã trở
thành Tổng thống, thì đương nhiên ông ta sẽ phủ nhận triệt để những cáo buộc
như thế, ông ta không thể có những hành động như vậy trong quá khứ được. Nhưng
ông ta không phải quá quan tâm đến uy tín quốc tế của mình – kể từ cuộc diệt chủng,
ông ta tỏ thái độ rõ ràng rằng không tôn trọng cộng đồng quốc tế mà phần lớn
trong số họ đã đứng (nhìn), trong khi hàng trăm nghìn người bị giết hại.
Bức ảnh của Weaver Kevin “Diệt chủng và nạn đói ở Rwanda năm 1994” |
Do đó, có thể
câu trả lời cho câu hỏi, “Ai bắn máy bay Mistère Falcon?” sẽ vẫn tiếp tục chỉ
là giả thuyết.
Về phần mình,
Chính phủ Rwanda (thời điểm 2006) cáo buộc Chính phủ Pháp đã đứng đằng sau âm
mưu. Hồi đó, trong khi cuộc thảm sát gây ra bởi những người Hutu cực đoan, còn
những người Tutsi đứng đầu là Paul Kagame phát động một cuộc chiến tranh chống
lại Chính phủ “được Pháp chống lưng.” Các sĩ quan chỉ huy trong lực lượng của
Kagame thời gian đó là những người đã từng bị trục xuất, được đào tạo tại đất
nước nói tiếng Anh Uganda. Do đó, khi giành được thắng lợi thì Chính phủ của
Paul Kagame đã quá nhanh chóng chuyển đất nước hướng sang sử dụng tiếng Anh,
thoát khỏi ảnh hưởng của Pháp. Do đó, người ta cho rằng dù có dính hay không
vào âm mưu ám sát – bắn máy bay thì người Pháp cũng chẳng thể dễ dàng tha thứ
cho ông ta.
Những ai phải
chịu trách nhiệm về vụ bắn rơi chiếc Mystere Falcon không phải là vào hạt bụi
mà đã vấn đề có tính lịch sử. Tội ác diệt chủng mới chỉ cách đây có 12 năm, vẫn
còn nguyên sự khủng khiếp trong ký ức của những người sống sót. Giết người hàng
loạt, một trong những kế hoạch diệt chùng nhanh nhất và "hiệu quả" nhất của thế kỷ XX đã được vạch trước kế hoạch.
Ms Melvern tổng
kết: “Vụ ám sát Juvenal Habyarimana dẫn đến việc loại bỏ các phe đối lập ủng hộ
dân chủ ở Rwanda Sau đó nó dẫn đến một cuộc diệt chủng, trong đó ước tính khoảng
một triệu người đã bị sát hại trong khoảng 100 ngày.” – “Tôi nghĩ rằng (mặc dù
cuốn sách của tôi cho thấy nạn diệt chủng đã được lên kế hoạch trước),
nhưng chính vụ ám sát này đã châm ngòi
cho cuộc diệt chủng.”
Paul Kagame khi đã là Tổng thống |
Trong thập kỷ
qua hậu quả chính trị nghiêm trọng của tội ác diệt chủng có thể thấy được trên
khắp Trung Phi: như hàng triệu người tị nạn chiến tranh từ Rwanda và hậu quả
chiến tranh lan rộng khắp khu vực.
Chúng ta có
thể sẽ không bao giờ biết được ai đã bắn hạ chiếc máy bay Mystere Falcon chở hai vị Tổn thống, nhưng đã
có thể biết được rằng, hành động thổi rụng nó ra khỏi bầu trời là một phần của
một chuỗi các sự kiện mà từ, đó hậu quả ảnh hưởng rộng lớn ra khắp châu Phi,
nay vẫn chưa thể khắc phục được.
Theo bái báo “Bí ẩn Rwanda vẫn là bí ẩn” của Mark
Doyle, BBC World Service, 29 November 2006.
15. “Lionair
Flight 602”
Ngày 29 tháng
Chín năm 1998, chiếc An-24 của hãng Hàng không Lionair (có trụ sở chính tại
Colombo, Sri Lanka) do cơ trưởng người Belarus Anatoli Matochko, phi công phụ Siarhei
Lysaivanov, hoa tiêu Sergei Kozlov, kỹ sư hàng không Siarhei Anapryienka và 3
nhân viên khác của phi hành đoàn; chở theo một số sỹ quan cao cấp Sri Lanka
trong tổng số 48 hành khác đã bị bắn rơi bởi lực lượng “Những con hổ giải phóng
Tamil”. Chiếc máy bay rơi xuống ngoài khơi bờ biển tây bắc của Sri Lanka. Không
ai sống sót.
Một chiếc Tupolev Tu-154M của hãng Siberia Airlines |
16. “Siberia
Airlines Flight 1812”
Chiếc máy bay
Tu-154 của hãng Hàng không “Siberia Airlines” số hiệu chuyến bay 1812 rời Tel
Aviv tới đích là thành phố Novosibirsk, Liên bang Nga. Khi nó đang bay ở độ cao
11.000 mét trên Biển Đen, Trung tâm kiểm soát mặt đất của Nga ở Sochi đột nhiên
mất liên lạc với chiếc máy bay. Ngay sau đó, các phi công của một máy bay
Armenia qua biển gần đó báo cáo nhìn thấy máy bay Nga nổ tung trước khi rơi xuống
biển vào khoảng 1:45 giờ Moscow (09:45 GMT) ngày 4 tháng Mười năm 2001.
12 thành viên
tổ bay, 66 hành khách trên tàu, không ai sống sót. Hầu hết các hành khách là
người Israel đang đi thăm họ hàng của họ ở Nga. Israel tuyên bố một ngày quốc
tang. Một đài tưởng niệm cho các nạn nhân cũng đã được xây dựng trong rừng Ben
Shemen ở Israel. Ukraine thừa nhận rằng nguyên nhân máy bay nổ và rơi là do
trúng một quả tên lửa đất đối không của họ, loại S-200 được phóng từ bán đảo
Crimée. Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma sau đó đã xin lỗi về sự việc, và
Ukraine đã bổi thường cho gia đình các nạn nhân (78 người tất cả) số tiền 15
triệu đôla (200.000 đôla mỗi người).
17. Máy bay
DHL bị bắn ở Baghdad năm 2003
Ngày 22 tháng
Mười một năm 2003, ngay sau khi cất cánh từ Baghdad, Iraq, một chiếc máy bay
Airbus A300 loại chở hàng của Hãng vận tải hàng không Châu Âu (European Air
Transport – một công ty con của Công ty Dịch vụ Phát chuyển nhanh Đức DHL) bị bắn
một quả tên lửa đất đối không vào cánh trái. Nó phát hỏa và đồng thời hư hại hệ
thống thủy lực, nhưng tổ lái đã tìm cách quay lại được và máy bay được cứu chữa
kịp thời, không có thương vong.
18. Vụ rơi
máy bay An-24 ở Balad năm 2007
Ngày 9 tháng
Giêng năm 2007, một chiếc Antonov An-26 bị rơi trong khi cố gắng hạ cánh xuống
căn cứ không quân Balad ở Iraq. Mặc dù các báo cáo sau này nói máy bay rơi do
thời tiết xấu, nhưng các nhân chứng thì lại cho rằng họ nhìn thấy nó bị bắn rơi
bởi tên lửa, và “Quân đội Hồi giáo ở Iraq” (IAI) bị quy trách nhiệm cho vụ này.
34 người trong số 35 hành khách dân sự trên tàu chết, chỉ duy nhất một người sống
sót nhưng bị thương rất nặng.
19. Chiếc
IL-76 của Hãng “Mogadishu TransAVIAexport Airlines” rơi năm 2007
Ngày 23 tháng
Ba năm 2007, một chiếc IL-76 của Hãng “Mogadishu TransAVIAexport Airlines” rơi ở
vùng ngoại ô Mogadishu, Somalia trong khuôn khổ cuộc chiến Mogadishu 2007. Các
nhân chứng, trong đó có phóng viên của Shabell (Hãng phát thanh) nhìn thấy máy
bay bị bắn rơi. Vì có 12 công dân – nạn nhân chết trên chuyến bay, Belarus đã
yêu cầu tổ chức một cuộc điều tra, nhưng phía Somalia thì tuyên bố, máy bay rơi
chỉ là do tai nạn.
20. Vụ máy
bay của Hàng không Malaysia MH-17
Về vụ này bà con còn rõ hơn "Người lang thang cuối cùng" nhiều...
_________________________
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
Bài đăng trên Vietnamnet (Tuần Việt Nam) ở đây
_________________________
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
Bài đăng trên Vietnamnet (Tuần Việt Nam) ở đây
Đọc lại "Những vụ máy bay dân dụng bị bắn (hoặc được cho là bị bắn) trong lịch sử hiện đại – phần 1"
Đọc lại "Những vụ máy bay dân dụng bị bắn (hoặc được cho là bị bắn) trong lịch sử hiện đại – phần 2"
Đọc tiếp phần cuối: "Chuyến bay cuối cùng của Albertina"
Đọc tiếp phần cuối: "Chuyến bay cuối cùng của Albertina"
No comments:
Post a Comment