Quê bà ngoại
mình trước là Hà Tây, nay biến thành Hà Nội rồi. Một làng rất đẹp, đường làng
ngõ xóm gạch hóa từ thời kháng chiến chống Pháp, các nhà nhà nào đất cũng rộng –
nên rất sạch sẽ, thoáng đãng. Người lớn kể lại thời kháng chiến, làng thuộc
vùng giáp ranh, lại nhiều nhà buôn bán không thuần nông, nên khá giả. Chính vì
thế mà vùng này người ta “chừa” lại, làm cơ sở cho cả hai bên… làng còn nguyên
vẹn và đẹp đẽ là thế.
Ngay đầu con
dốc đê thoải xuống vào làng, là một cái đầm – con đường gạch chính của làng chạy
sát mé đầm một đoạn đến vài trăm mét rồi mới tách chạy vào chính giữa làng cho
đến tít tận cánh đồng ở cuối làng, còn tiếp tục rẽ nhanh một con đường gạch nhỏ
hơn chạy đến tận cuối đầm. Gạch để làm đường làng, xây cổng làng… đều được những
ông con rể của làng mua mà góp – như ông ngoại mình hồi cưới vợ cũng phải đóng
cho làng đến mấy xe gạch. Cũng ngay đầu làng là một ngôi đình, cũng cây đa, rồi
sau đình rất nhiều mít… thành một đám um tùm, mà ngay giữa trưa hè nắng nhất cứ
đi ra đình là thấy mát. Mỗi lần về đến quê, đứng trên đê mà nhìn vào làng, đã
thấy có một cảm giác khó tả, sung sướng vì được về một nơi cảnh đẹp và mình yêu
quý, cứ lịm lịm đi ở trong người.
Từ tuổi thiếu
niên đến thanh niên, về quê là hay ra tắm ngoài đầm. Con trai, thường tắm ở
ngay đầu làng, chỗ cái cầu thang gạch đi xuống, mà bà con hay giặt giũ. Bơi một
mạch ra xa là nước đã trong, nghịch chán rồi lên mặc áo và để nguyên cái quần
đùi ướt, đi về… cái đầm dài đến bốn năm trăm mét, nên bơi về phía cuối khoảng
già nửa, là chỗ của một nhà thờ nhỏ (làng có nhiều người theo Công giáo), nhiều
cây cối um tùm và lại có một cái thang gạch dẫn xuống đầm nữa. Ở đây còn có một
nhà tắm lộ thiên, được xây gạch. Nhà tắm có cửa quay về phía một cây to um tùm
nên dù không có cánh cửa, nó khá khuất. Nữ thiếu niên, thanh niên của làng tắm ở
mé đằng này. Thỉnh thoảng, mình bơi ra mé đằng này, vô tình nhìn thấy trong cửa
nhà tắm một vài đường cong trên bắp chân, trên đùi… của cô nào đó mà trong người
rạo rực hết cả lên… những buổi chiều tà ánh nắng đã vàng đậm, đặc lại trên mặt
đầm nước trong xanh, cây cối cũng xanh mướt đã bắt đầu ngả tím… thật đầy cảm
xúc.
Đi tắm đầm,
các bác đều dặn tắm xa xa chỗ cuối đầm cho sạch, vì ở cuối người ta trồng sen.
Chỗ trồng sen toàn bùn, không sâu, nhưng vì để trồng sen nên bùn đó là đất ruộng
đập tơi, trộn đủ các thứ rơm rạ để ải và bón phân chuồng (trâu, bò, cả phân người
nữa), nên chẳng ai dở hơi ra đó mà tắm cả. Mò vào đó muỗi bọ cũng nhiều nữa, có
mà ngứa hết cả người. Chỉ những người ra hái sen thì dùng cái thuyền con con
chèo ra thôi…
Vì thế ô-tô-ma-tích mình hiểu, không ai vào chỗ trồng sen mà tắm.
Năm ngoái vào
mùa sen, “một ông em” ham mê chụp ảnh viết trên Facebook “Lại đến mùa sen, bội
thực những tấm ảnh chụp các cô cùng sen hở cả đầu ti ra…” năm nay thì chú khác
viết “hay đi chụp “hạt sen” cái nhỉ…”
Rồi có bài
báo chém “Khi nhũ hoa đè nát quốc hoa”… mình không dám viết bài này ngay lúc đó
sợ bị hiểu lầm vào hùa ném đá. Trong một bài trước đây mình viết, thật lòng xem
thấy rất nhiều ảnh đẹp, ít nhất là về kỹ thuật, và chắc là toàn các nhiếp ảnh
gia đầu tư thiết bị giá trị, đắt tiền cả. Bài đó mình viết để bảo vệ nhu cầu chụp
ảnh nơi đầm sen mùa nở hoa của những người phụ nữ bình thường. Nay ta bàn đến “nghệ
thuật có sắp đặt” tí nhé… Có một điều mà mình băn khoăn – ví dụ như một bộ ảnh chụp
mẫu khỏa thân trong đầm sen… chính đây là đề tài bị chém của “Khi nhũ hoa đè
nát quốc hoa” đây. Nếu xuống ngâm nước như cô đó mà cửi quần áo ra thế - thì chỉ
có đi tắm thôi, chứ nào có làm gì khác. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một mỹ nữ
trong ngọc trắng ngà như thế, lội xuống chỗ trồng sen để tắm, bùn sẽ ngập từ đầu
gối đến những chỗ sâu hơn ngập đến thắt lưng… ộp oạp, ộp oạp bước dò dẫm, rồi oẳm,
nước ngập đến cổ… một thứ nước bị khuấy lên mùi thối thum thủm của phân bò, của
rễ sen thân sen củ sen của bao mùa đã thối rữa… rồi cái thân ngọc ngà ấy sẽ bị
tấn công bởi biết bao hạng ký sinh tầm thường như đỉa, muỗi, bọ… không những thế,
tắm ở chỗ đó còn tiềm tàng khả năng bị nhiễm khuẩn mà mắc những “bệnh phụ “lữ””
rất cao… úi giời ôi, nghe mà khiếp!
Ghi nhận sự
hi sinh vì nghệ thuật của “những tấm thân ngọc ngà”.
Vì thế việc
đưa ra ý tưởng giàn xếp bối cảnh cô gái ngọc ngà đi lội bùn đã bắt đầu không ổn,
lại còn cửi trần ra “trầm mình” sâu xuống nước chỗ trồng sen, lại càng không ổn
về mặt “khoa học lịch sử nông thôn”. Hơn thế nữa, ảnh chụp tràn trề ánh sáng, đẹp
về kỹ thuật nhưng lại không ổn về mặt thời gian, chẳng ai giữa trưa đi tắm như
thế cả, các cụ bảo “tắm giữa trưa quan gia đi tuần, dễ bị ốm chết”; lại ra nơi
công cộng mà tắm thanh thiên bạch nhật, thì chỉ có là có vấn đề về… tâm lý. Chọn
chiều mát, muộn muộn mà tắm chứ!
Chắc là “nghệ
thuật đích thực” thì không giành cho hạng người hay hoạnh họe, “ní nuận” như
mình.
(Ảnh trong
bài chỉ có tính chất minh họa)
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment