Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, June 18, 2015

Khi cả Sultan lẫn Sa hoàng bị soán ngôi


(Trong bài này mình tạm chơi chữ “Sultan” chỉ Vua Hồi giáo, thực tế nghe đến Sultan người ta dễ liên tưởng tới Vua Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bây giờ là Oman hơn.)

Trong báo cáo tuần trước của công ty năng lượng BP đã chỉ ra rằng trong năm 2014, Hoa Kỳ đã vượt Saudi Arabia và Nga để trở thành nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới. Thực tế việc này đã được nhận ra từ năm ngoái với những sự kiện giá giầu thô thế giới giảm mạnh, cùng với việc dư luận chú ý nhiều đến quan hệ Nga – Phương Tây mà giá dầu thô cùng khí đốt, luôn là một trong những nội dung được bàn luận rất nhiều…

Năm 1956, nhà địa vật lý M. King Hubbert đã đề ra một lý thuyết về sự “đạt đỉnh” trong sản xuất dầu khí của Hoa Kỳ - rằng nước này sẽ đạt sản lượng dầu khí cao nhất vào khoảng năm 1970. Lý thuyết này đã được thực tiễn chứng minh là đúng, năm 1970 sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ đạt 10 triệu thùng một ngày, giảm nhẹ rồi tăng nhẹ trở lại vào năm 1980 cùng với sự phát hiện khu vực dầu khí vịnh Prudhoe ở Alaska, sau đó tiếp tục giảm xuống đến mức 5 triệu thùng một ngày vào năm 2006. Cùng trong thời gian này, lượng tiêu thụ dầu của Hoa Kỳ cũng tăng đều đặn đạt mức 20 triệu thùng một ngày vào năm 2007, tất nhiên là song hành với đà tăng của lượng dầu nhập khẩu.

Chúng ta nghe nhiều đến “Cuộc Cách mạng dầu đá phiến của Hoa Kỳ” trên thực tế sản xuất dầu đá phiến của nước này gắn với sự phát triển của công nghệ chiết xuất dầu từ đá đã làm tăng sản lượng dầu trong nước từ năm 2006 như các khu vực Bakken ở Bắc Dakota hay Eagle Ford tại Texas (2006 cũng là năm sản lượng dầu của Hoa Kỳ đạt 6,5 triệu thùng một ngày). Sản lượng dầu của Hoa Kỳ tăng đều đặn 750 nghìn thùng một ngày chỉ tính riêng trong năm 2012. Tháng 4/2014, Hoa Kỳ sản xuất 8,4 triệu thùng dầu một ngày, mức cao nhất kể từ 27 năm qua từ dầu Texas và Bắc Dakota. Sản xuất dầu Texas đạt hơn 3 triệu thùng mỗi ngày, lần đầu tiên kể từ cuối năm 1970, tăng hơn gấp đôi sản xuất trong ba năm qua; sản lượng của Bắc Dakota đạt 1 triệu thùng mỗi ngày, lần đầu tiên trong lịch sử và đạt mức gần gấp ba lần sản lượng trong ba năm gần đây. Về khí tự nhiên, tháng 1/2013, sản lượng khí tự nhiên của Hoa Kỳ là 64,9 tỷ feet khối, tương đương nhu cầu tiêu thụ trong nước. Giai đoạn này cũng là giai đoạn kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng chậm và như người ta nói, “nước Mỹ trên bốn bánh xe,” là đất nước của xe hơi đã bước vào một tư duy mới với công nghệ  xe hơi tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên cũng làm người ta hướng nhiều sang việc phát triển “tiêu thụ năng lượng xanh” hay tận dụng chính việc trái đất nóng lên để có các nguồn năng lượng khác, dần giảm nhu cầu năng lượng hóa thạch. Khi một nền kinh tế xã hội tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới thay đổi định hướng tư duy năng lượng, nó sẽ ảnh hưởng đến sản xuất dầu khí toàn cầu.

Nhìn qua chính sách năng lượng Hoa Kỳ, chúng ta có thể khái quát một số điểm chính: thứ nhất, nếu như trước đây Hoa Kỳ luôn sản xuất khai thác dầu mỏ một cách “cầm chừng,” để dành cả phần “nạc” (những khu vực dễ khai thác, giá thành thấp) lẫn phần “xương” (dầu đá phiến) như một nguồn dự trữ quốc gia thì nay bằng sự phát triển vượt bậc về công nghệ, nước này đã biết cách xử lý phần “xương” một cách dễ dàng hơn. Thứ hai, cùng với xu hướng toàn cầu trong tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang các nguồn năng lượng khác thân thiện hơn với môi trường. Thứ ba, là thay đổi bản đồ cung cầu năng lượng toàn cầu, đưa thị trường tiêu thụ năng lượng Châu Mỹ trở nên độc lập, ít phụ thuộc hơn vào nguồn Trung Đông và hơn nữa, nước Mỹ trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ và khí tự nhiên “tầm cỡ,” không chỉ là nhà nhập khẩu có hạng nữa (nhập khẩu dầu mỏ của Hoa Kỳ trong năm 2015 được dự đoán sẽ giảm 22% so với năm trước và sẽ là mức thấp nhất trong vòng 45 năm qua.)

Như trên đã nói, từ năm ngoái người ta đã dự đoán Hoa Kỳ sẽ vượt Saudi Arabia để trở thành những sản xuất dầu khí lớn nhất toàn cầu (IEA [1] – một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Paris đã từng dự báo thời điểm này là 2020, trên thực tế, nó đã diễn ra sớm hơn khá nhiều), đúng vào thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ Nga – Phương Tây trở nên xấu chưa từng có, nên nhiều khi việc nước này tăng sản lượng dầu khí hay bị gắn với một “âm mưu” hạ gục nước Nga trên mặt trận năng lượng hóa thạch. Trên thực tế, những gì đang diễn ra ảnh hưởng đến nhiều nước sản xuất dầu khí chứ không riêng gì Nga: Saudi Arabia, Venesuela, Malaysia, và cả Việt Nam chúng ta. Một ví dụ rõ nhất: Canada là hàng xóm, nước sản xuất dầu chủ yếu cho thị trường nội địa Hoa Kỳ; ngay trong năm 2013 người ta đã báo cáo nguồn thu của tỉnh Alberta sẽ giảm 6 tỉ đôla Mỹ nghĩa là tương đương ngân sách giành cho giáo dục của cả năm.   

Ngai vàng của Sultan và Sa hoàng lung lay dữ dội

Việc dư luận hướng nhiều về cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ Nga – Phương Tây và gắn nó với giá dầu mỏ, không phải không có lý do. Đầu năm 2014 giá dầu thế giới vẫn ở mức cao, chủ yếu do tình hình nội bộ của một số nước xuất khẩu dầu như Libya hay thất thoát dầu ở Nigeria… giá dầu Brent giao dịch tại London đạt mức cao nhất là 115 đô-la Mỹ một thùng ngày 19/6/2014. Việc Hoa Kỳ tăng sản lượng dầu đã giúp giữ cân bằng mức giá, và đến nay thì giá dầu Tây Texas vẫn luôn thấp hơn giá dầu Brent từ 7 đến 10 đô-la Mỹ. Nếu Hoa Kỳ tăng sản lượng, Saudia Arabia và cả các nước OPEC không thể giảm sản lượng vì sẽ mất thị phần, đây chính là yếu tố chính dẫn tới việc giá dầu thô thế giới “rơi” thê thảm trong nửa cuối năm 2014.

Các phân tích nghiêng nhiều về giá dầu, nhưng trên thị trường khí tự nhiên của thế giới thì chính Hoa Kỳ và Nga mới là hai “tay chơi” chính, trên thị trường này họ bỏ xa đối thủ về mặt dầu thô là Saudi Arabia. Ngay trong năm 2013, Mỹ đã lần đầu tiên kể từ năm 1982 vượt Nga (thời điểm đó là Liên Xô cũ) trong sản xuất khí tự nhiên, cũng theo báo cáo của IEA. Sản lượng của Nga sẽ tăng nhẹ, nhưng sản lượng của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng mạnh vào vài năm tới đây. Thị trường của Nga bị ảnh hưởng mạnh bởi cạnh tranh tăng cũng như sức tiêu thụ toàn cầu giảm.

Sản lượng dầu thô trung bình của Nga vẫn là khoảng 10,8 triệu thùng một ngày (Saudi Arabia là 11,7 triệu thùng), cao hơn Hoa Kỳ khoảng 900.000 thùng một ngày, nhưng đường đồ thị thì lại đi theo hai hướng khác nhau – vì với Nga sản lượng đó là giảm từ mức 3 triệu thùng một ngày của vài năm trước đây, IEA nhận định. Người ta hi vọng đường biểu diễn sản lượng dầu mỏ của Nga sẽ “đi ngang” trong vài năm tới, còn khí đốt vẫn có thể tăng trưởng hàng năm được 3%. Với Saudi Arabia, đất nước ngồi trên túi dầu của thế giới “thò xuống là có dầu,” với dân số già một phần năm so với Nga mà công nghệ khai thác thì tiên tiến hơn nhiều, thì việc vị Sultan này có mất ngôi xuất khẩu dầu mỏ chăng nữa, chẳng có vấn đề gì lớn. Nhưng với “Sa hoàng” Nga thì khác. Đánh giá về vị thế của Nga trước những thay đổi về thị trường dầu khí toàn cầu, bà Tatiana Mitrova, Viện hàn lâm Nghiên cứu Khoa học Năng lượng Nga hơn 40% ngân sách của Nga từ dầu mỏ và khí đốt, do đó từ năm 2013 Viện này đã dự báo tình hình khó khăn của Nga bắt đầu từ năm 2015 với sự thâm hụt ngân sách nghiêm trọng: xuất khẩu dầu mỏ của Nga có thể giám xuống mức 25% đến 30% sau năm 2015, làm giảm tổng sản phẩm quốc nội hơn 100 tỷ đô-la Mỹ.

Nửa cuối năm 2014 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, “vũ khí dầu mỏ và khí đốt” thường được Nga sử dụng hữu hiệu để o ép Châu Âu và đặc biệt là Ukraine, gần như trở nên vô dụng. Châu Âu vốn là thị trường truyến thống mua khí đốt của Nga, cũng đã dần chuyển hướng trong cả nguồn cung lẫn cách thức sử dụng năng lượng, và trở nên “nhờn đòn khí đốt” của Nga. Bản đồ năng lượng thế giới không chỉ được vẽ lại ở tầm các tay chơi cỡ bự như Hoa Kỳ hay Châu Âu. Trong năm 2014, Turkmenistan đã cắt giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga từ mức 11 tỷ mét khối xuống mức 4 tỷ mét khối. Đất nước Trung Á có trữ lượng khí đốt đứng thứ tư thế giới này đã tái khởi động dự án “Đường ống ước mơ” với sự hậu thuẫn của Liên minh Châu Âu để có thể bán khí đốt sang Châu Âu từ năm 2019. Đường ống này dài 300km dưới biển Caspian (một biển kín chung của các nước Nga, Kazakhstan, Turkmenistan, Iran và Azerbaijan), dự án lúc đầu bị vấp phải sự phản đối của Nga và Iran vì lý do hệ sinh thái mỏng manh dễ tổn thương của biển Caspian. Với quyết tâm cao độ của Turkmenistan cũng như EU, thì những lý do của Nga cũng như của Iran, dường như không còn là trở ngại. Dự kiến, đường ống này có thể cung cấp cho Châu Âu từ 10 đến 30 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Nước này hiện nay cũng là nước cung cấp lượng khí đốt lớn cho Trung Quốc qua nhánh C của Đường ống Khí đốt Trung Á – Trung Quốc (vào Trung Quốc ở Tân Cương và chạy về tận miền duyên hải phía đông nước này.)

"Đường ống ước mơ"
Nước Nga cũng không chịu ngồi yên – để tiếp tục chơi ván cờ, Gazprom đã thay dự án đường ống “Dòng chảy Phương Nam” bị hủy bỏ bằng “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (vốn đều là những dự án một mũi tên hạ hai mục tiêu bỏ qua con đường Ukraine và vẫn bán được khí đốt sang Châu Âu.) Ngoài ra Hợp đồng khí đốt “khủng” với Trung Quốc cũng là môt phương án đa dạng hóa thị trường tiêu thụ của Nga. Trong tương quan với “Đường ống ước mơ” thì “Dòng chảy Phương Nam” sẽ có một người cạnh tranh bán hàng khó có thể xem thường, và nếu không có những “cú hích” đáng kể từ phía Chính phủ thì Nga sẽ chắc chắn rơi vào tình thế “trở tay không kịp” khi thị trường toàn cầu thay đổi.

Không nằm ngoài dự đoán, nước Nga nhanh chóng rơi vào tình thế khó khăn vì mọi kế hoạch ngân sách đều tính toán dựa trên giá dầu mỏ 110 đô-la Mỹ một thùng. Chúng ta cũng sẽ tự đặt câu hỏi rằng tại sao từ khi Liên Xô tan rã đến nay đã được hơn hai thập kỷ, hơn một thập kỷ cầm quyền của Tổng thống Putin nước Nga có kinh tế tăng trưởng mạnh nhờ giá dầu mỏ lên cao, đã không có những sự đầu tư xứng đáng vào công nghệ. Ngay cả hạ tầng của ngành dầu khí đang là xương sống của nền kinh tế cũng đã lỗi thời và lạc hậu, phần lớn có từ thời Xô-viết… điều đó làm cho thứ hàng hóa chính này của Nga có sức cạnh tranh rất yếu so với dầu dễ khai thác của Saudi Arabia hoặc công nghệ khí hóa lỏng ngày càng tiên tiến của Hoa Kỳ nay được chở sang bán cho Châu Âu…

Mấu chốt của vấn đề là chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên của sức sáng tạo phục vụ cuộc sống. Nước Nga vốn được kế thừa một nền khoa học và công nghệ không hề “thua em kém chị” của Liên Xô cũ, nhưng chủ yếu sức sáng tạo của nó bị đóng trong cái khung cứng nhắc của những nhiệm vụ chính trị, trong khi đáng nhẽ ra nó phải có được khả năng công nghiệp hóa và thương mại hóa cao, phục vụ trực tiếp cho đời sống và xã hội. Vài thập kỷ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nước Nhật không cần những ước vọng tên lửa vượt đại châu hay sản xuất phi cơ, hàng không mẫu hạm… nhưng toàn thế giới đang phải dùng máy ảnh kỹ thuật số của họ. Chúng ta cũng chứng kiến một nước không cần chạy theo tàu vũ trụ nhưng chinh phục thế giới bằng những chiếc xe hơi tuyệt vời mà giá rất cạnh tranh của Hàn Quốc. Chúng ta cũng chứng kiến một Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới và ngày càng tìm cách “leo lên vai những người khổng lồ” về khoa học và công nghệ, trở thành một thế lực mới tầm toàn cầu.

Với tiềm năng vô cùng phong phú về tài nguyên thiên nhiên thì việc Nga bị đẩy ra khỏi tốp những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất dầu khí cũng còn lâu – nhưng rõ ràng trước những gì đang diễn ra, nước Nga cần xem lại cách thức “vượt lên dẫn đầu” lâu nay của mình.


Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment