Anh Khang hơn
Bôn Ba Nhi Bá hai tuổi, vừa gần nhà lại vừa sinh hoạt chung ở Hướng Đạo Sinh.
Khang có đặc điểm cực kỳ hay khóc…
Hầu hết tất cả
những lần Khang khóc, đều khóc trước mặt các em bé hơn. Khang khóc vì mấy lần
chơi những trò chơi tập thể, cá nhân Khang đã cố gắng hết sức và chiến thắng,
nhưng các em trong đội thì cực ba chi khươn, chẳng đứa nào có ý thức chiến thắng
cả, nên cả đội thua trận. Chỉ thế thôi, Khang khóc, nước mắt lã chã, thật thảm
thương.
Ba ra nói
chuyện với mẹ anh Khang, cô ấy kể anh ấy chỉ dám chơi những trò chơi với bố mẹ,
mà khả năng của bố mẹ thì không bằng, như cờ vua chẳng hạn vì anh ấy được đi học
đánh cờ; còn những trò có thể thua như cá ngựa thì thôi, không chơi. Anh ấy sợ
thua.
Chuyện anh.
“Con chơi cá
ngựa với mẹ và em thua bao nhiêu lần, chẳng làm sao, thế mà tại sao anh Khang
anh ấy cứ phải khóc vậy nhỉ…” Bôn Ba Nhi Bá ngồi sau xe máy của ba, tự hỏi. “Ba
ơi, tại sao hả ba?” “Ba không rõ, nhiều lý do lắm con ạ. Có thể là anh ấy thường
được nhường ở nhà, con một mà. Ông bà bố mẹ và bác đều quá chiều, anh ấy luôn
được coi là số một trong gia đình. Điều đó làm anh ấy khó chấp nhận được việc
có lúc nào đó, sẽ có người hơn mình. Con và các bạn chơi trò chơi, thì được
thua cũng chỉ là vui thôi, sau này khi con lớn, thì việc thắng thua với phần lớn
mọi người trở nên quan trọng hơn rất nhiều. Có những người không chấp nhận được
thua cuộc mà đi đến những hành động nông nổi, như tự sát chẳng hạn…”
Bôn Ba Nhi Bá
suy nghĩ rất lung…
“Vậy thì làm
thế nào để khỏi thua cuộc hả ba?” “Không nên đặt vấn đề thắng thua con ạ, vì có
người thắng phải có người thua, ta có thể thua để người khác thắng và ngược lại.
Tốt nhất là mình cứ nỗ lực hết sức và làm tốt công việc của mình, sống tốt là
được. Ba nói tiếp này, một lý do khóc của anh Khang là anh ấy yếu đuối, dù là
khi đối mặt với thua cuộc hay khó khăn – lúc ba dạy bơi cho anh ấy chẳng hạn,
luôn luôn đưa ra lý do rằng không thể làm được, nhưng đến lúc thực hiện thì vẫn
thực hiện một việc gì đó…” “Con ít khóc ba nhỉ?” “Đúng rồi con ạ, con mặc dù rất
hiền, như ba nhận thấy là thương người, nhưng con ít khóc. Từ lúc con còn nhỏ,
mỗi khi con khóc không rõ lý do, ba mẹ thường cho con khóc thoải mái, đó là một
cách “xả stress” cho trẻ con. Con khóc một lúc rồi thôi, mọi thứ lại bình thường.
Đặc biệt những lúc con khóc để đòi một cái gì đó, dù có lý hay vô lý, ba mẹ đều
không đáp ứng ngay lúc đó và cũng không dỗ để con nín. Chính vì thế mà con hiểu,
khóc để yêu cầu, không giải quyết được vấn đề gì cả. Bởi vì lúc các con còn nhỏ,
trong gia đình, khóc có thể ép buộc được cha mẹ làm một điều gì đó, nhưng sau
này lớn lên, ra đời đi làm, con định khóc với ai để họ sợ?”
Trẻ con bao
giờ cũng vậy, khi chúng nó làm một việc mà có hiệu quả, nó sẽ làm mãi. Có cháu
hay khóc, cháu khác lại dỗi, hoặc dùng bạo lực như đánh, đấm… Chúng rất khôn, lần
đầu làm được lần sau diễn tiếp, bố mẹ mà không tỉnh táo để biến thành cố tật
thì sau này có mà sửa ốm chưa chắc đã được. “Con hư tại bố mẹ, cháu hư tại ông
bà.”
Chuyện em.
Dạo này em
gái Bá Ba Nhi Bôn hay khóc hẳn lên, hơi tí thì khóc. Ba mẹ đoán là em bé chuẩn
bị ra trường – chỉ vài hôm nữa thôi, em sẽ chia tay lớp Mầm non em đã gắn bó bốn
năm đằng đẵng, từ khi em còn bé xíu, ba bế em đến trường và ở lại học cùng em cả
một ngày. Hôm nay em còn thổ lộ, “con sợ đến ngày thứ Bảy này quá… con không muốn
chia tay bạn Bê, bạn Mướp, bạn Minh Giang, bạn Hạnh Chi…” Thứ Bảy này là buổi
biểu diễn của em, rồi em bé bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời. Một trong
những giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời em, sắp qua đi mất rồi.
Lâu nay em đã
tự tắm, nhưng cái vòi nước thì thường do người lớn dùng, để ở trên cao, em phải
nhờ người kéo cho nó trượt thấp xuống mới dùng được. Chiều hôm qua, anh Bôn Ba
Nhi Bá vào thay quần áo, ba dặn con thay xong thì kéo xuống cho em tắm nhé, anh
vâng dạ. Em vào ngồi trên bồn cầu “trút bầu tâm sự” rồi nhìn thấy cái vòi nước
vẫn còn trên cao, em không tự rửa được nên gọi ra ngoài: “Con ị xong rồi ạ!” –
không phải để gọi người vào rửa, mà gọi người vào lấy cho cái vòi nước. Anh Bôn
Ba Nhi Bá đứng ngoài hét vống vào: “Thì chùi rồi rửa lấy chứ còn gì…” thế là em
òa lên khóc.
Ba vào thấy
em khóc, bảo thôi em đứng dậy tiện tay ba chùi cho, rồi cầm vòi phun nước cho
mà rửa. Em vẫn thút thít, thút thít… Rửa xong, ba bảo: “Con không lấy được vòi
nước chứ gì, cái anh Bôn Ba Nhi Bá này đúng là vô tích sự, ba dặn rồi, thay quần
áo xong lấy vòi xuống cho em, thế mà quên. Con tự tắm đi, bây giờ ba vào ba sẽ
“xử lý” anh Nhi Bá!”
Lúc sau em bé
mang cái đầu tóc ướt đi vào phòng, thấy ba nửa đùa nửa thật giả vờ mắng anh Nhi
Bá: “Vô tích sự quá, đã quên lấy vòi cho em lại còn quát bắt em tự giải quyết…”
Ba ba con nhăn nhở cười với nhau, thế là vui vẻ cả…
Nhưng vẫn không
dỗ con gái đang khóc lấy được một câu.
Con gái ạ, thế
là bốn năm Nhà trẻ và Mầm non của con sắp hết rồi, con cứ khóc đi, vì cũng chỉ
vài tuần nữa con sẽ có lớp mới, rồi con sẽ lại gắn bó và yêu quý các bạn mới của
con, cứ như thế đến mãi sau này… Ba chỉ mong các con đi học ở lớp nào cũng yêu
quý bạn bè như thế, cứ như thế, con nhé!
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment