Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, June 2, 2015

Xin đừng lấy mất nghỉ hè của con

Cứ mỗi một mùa hè về, các gia đình lại quay cuồng lên với việc phải “đối phó” với mùa hè của con cái – nào là chúng nó làm gì cho thật bổ ích trong cái thời gian nghỉ hè, nào là kế hoạch học thêm học nếm, sinh hoạt ngoại khóa, câu lạc bộ… và không hề hiếm những gia đình, làm “biến mất” kỳ nghỉ hè của các cháu.

Thời của bố mẹ các cháu – tức là người viết bài này và hầu hết những người làm cha mẹ có con trong độ tuổi đi học hiện nay, được nghỉ hè ba tháng và cũng sinh hoạt câu lạc bộ, cũng đi bơi, cũng về quê – nhưng đúng là những ngày chơi, những ngày hội... Nhưng ngay từ hồi đó đã có những thắc mắc rằng tại sao chúng ta phải đi học thêm hè ở trường (khoảng 3 buổi một tuần) trong khi đó khi đọc sách thiếu nhi nước ngoài, thấy các bạn bên đó được nghỉ hoàn toàn và chỉ quay lại trường vào ngày Khai giảng. Đọc “Vichia Maleev ở nhà và ở trường” (N. Nosov, nhà văn Xô-viết) thì thấy đúng như vậy – cô giáo chỉ giao bài tập làm hè cho các bạn, và cũng như bất cứ đâu, học sinh vẫn cứ là học sinh, có bạn làm hết bài tập và có bạn làm một phần hoặc không làm… Mục đích là để cho các cháu không quên kiến thức trong năm học và vào năm học mới đỡ chuệch choạc, cũng như tạo thói quen học tập, đó là điều tốt và cần thiết. Nhưng thời của chúng ta, đã bắt đầu có hiện tượng đi học thêm và được các thày cô của các bộ môn chính, dạy trước chương trình học của năm sau và hết hè, thì môn đó đã “đi” được hết chương trình của học kỳ một và sẽ có dư thời gian để “luyện thêm” những bài nâng cao. Điều này thể hiện rất rõ ở những lò luyện thi đại học khu vực xung quanh các trường đại học danh tiếng của thủ đô, nếu theo các “lò” thì hết năm lớp 11 đã học hết chương trình của lớp 12 rồi, để cả năm lớp 12 chỉ dùng để “luyện công phu” chuẩn bị cho kỳ thi Đại học.

Bây giờ thì các con của chúng ta, chỉ có hai tháng nghỉ hè với nhiều trường dân lập và ba tháng nghỉ hè có học thêm của nhiều trường công lập – có lẽ duy nhất trên thế giới có kỳ nghỉ hè bị xà xẻo đi như thế. Khi thắc mắc, chúng ta được giải thích là để cho nhịp điệu học hành của các con trong năm học không quá vội, vì bây giờ chúng ta có nhiều ngày nghỉ lễ quá, chẳng nhẽ bố mẹ được nghỉ, mà con lại không được nghỉ cùng… còn chương trình học theo quy định thì nặng quá.

Nếu như không phải đi học thêm hè và chỉ gặp lại các bạn sau mấy tháng, thì chắc hẳn tất cả đều thấy bỡ ngỡ, bạn quen mà lạ - các bạn gầy đi, nước da rám nắng, rắn rỏi và các bạn đều “nhổ giò” cao vọt hẳn lên. Đó chính là vì mùa hè là mùa tăng trưởng mà các bạn lại được nghỉ ngơi, chơi nhiều, được tiếp xúc nắng gió nhiều. Chính vì thế mà toàn thế giới người ta cho trẻ con nghỉ hè, chứ không có riêng gì nước nào, và người ta cho nghỉ hẳn ba tháng, là đã tính chán những đặc điểm tâm sinh lý của tuổi học sinh rồi chứ chắc chắn không phải là một quyết định bồng bột. Ấy thế mà, sau mấy chục năm từng bước xà xẻo kỳ nghỉ hè của học sinh, chúng ta vẫn đối mặt với vấn đề giáo dục của chúng ta tụt hậu – điều rõ ràng ai cũng nhìn thấy rằng tăng khối lượng kiến thức nhồi cho các cháu, hoàn toàn không có kết quả tích cực. Biết là vậy – nhưng vẫn phải chấp nhận thực trạng đó, vì ai cũng vậy.

Có những bà mẹ sôi lên ầm ầm vì thấy bạn học của con có điểm số cao hơn, tìm hiểu bằng được xem bạn ấy được đi học thêm ở đâu để cho con cũng đi học thêm và bước vào cuộc chạy đua điểm số. Lại không thiếu những gia đình lấp kín thời gian biểu của con ngoài học chính học thêm, lại những ngoại khóa kiểu “got talent” như học đàn, học vẽ, học võ, học hùng biện làm lãnh đạo trẻ… Xã hội chúng ta thiếu hẳn đi một hoạt động thống kê xem, trong số bao nhiêu cháu hôm nay đang nện tay lên phím dương cầm ấy, có bao nhiêu cháu đi theo con đường của Đặng Thái Sơn và bao nhiêu cháu dừng không học nữa thì đến hàng chục năm sau không bao giờ đụng đến đàn trở lại. Cũng xin nói rằng, trong số các cháu đó, không thiếu các cháu tự nói lên ý kiến rằng “thích học đàn học vẽ” và đương nhiên được thày cô dạy đàn, dạy vẽ khen là “có năng khiếu,” thậm chí đi thi đấu có giải. Phải thừa nhận rằng không có cái gì học được là không có ích, nhưng rất nhiều “tài năng” học được cuối cùng chỉ dùng để thể hiện một chút khi cháu tìm hiểu người bạn đời tương lai (đem lại “thi vị cho cuộc sống”) và đến thế là chấm hết. Chính chúng ta từ ngày xưa đã không được học cách tư duy kẻ bảng, một bên là những điều lợi, một bên là những thiệt hại và cân nhắc thật kỹ xem, cái định làm có thực sự cần thiết hay không. Vì lẽ đó mà ngày nay quá nhiều ông bố bà mẹ, đưa con đến với nghệ thuật nhưng cũng đồng nghĩa với sự cưỡng bức và là cực hình cho con mình. Họ vẫn thường đưa ra những lý do là “con chơi tốt, đủ để thi nhạc viện” nhưng chắc chỉ một hai năm sau, họ sẽ cay đắng nhận ra rằng, con không chọn con đường vào nhạc viện, và nhận ra tiếp rằng, hóa ra mình ép con đi tập luyện vì một cái mốt hay theo phong trào mà thôi. Với những suy nghĩ “tham lam” kiểu như vậy, nhiều gia đình đã tranh thủ nghỉ hè, lấp đầy thời gian biểu của con bằng một loạt những “văn học nghệ thuật” và đối lập với kiểu này, là kiểu các cháu nghỉ hè hoàn toàn trong máy điều hòa không khí của một số gia đình…

Chúng ta đang có rất nhiều suy nghĩ ngược với thế giới.

Nếu bạn đi tắm biển, tờ mờ sáng sẽ thấy bãi biển đông nghịt người Việt Nam, và đến khi mặt trời lên thì bãi biển… toàn là Tây – đến chiều muộn thì người Việt Nam lại ùn ùn kéo ra... Có ông khách người nước ngoài thắc mắc, rằng sao người Việt Nam hay thế, ra biển ngoài nước muối và cát, thì còn có mặt trời là cực kỳ quan trọng. Không phải chúng tao ở xứ thiếu mặt trời sang đây chúng tao thèm, còn chúng mày ở xứ suốt ngày thiêu đốt chúng mày sợ… không phải. Mặt trời ở biển – nó là cái nắng khác cái nắng bêtông hóa ở thành phố của chúng mày lắm đấy. Sợ ung thư da đã có kem chống nắng… Nghe lời ông ta, năm con trai tôi 2 tuổi, cho cháu tắm nắng ở biển suốt cả tuần và về nhà, tiếp tục đi bơi toàn giờ rất nắng vào buổi chiều, và chỉ có hơn một tháng hè, cháu cao thêm 7 xăngtimét, chỉ vì được chơi ngoài trời. Người Việt Nam đã yếu lại còn thích… cớm nắng.

Người viết bài này biết một gia đình rất nghiêm với con, tối nào cũng 9 rưỡi tối là lên giường đi ngủ, nhưng đến hè thì quỹ thời gian thoải mái, nên cho các cháu thức khuya cũng thoải mái nốt. Lại một tư duy ngược đời nữa – trong năm học bài vở nhiều, các cháu phải thức khuya thì đến hè, nên cho các cháu ngủ sớm và dậy sớm, chơi các trò chơi ngoài trời, hoạt động thể chất… Như đã viết, mùa hè là mùa tăng trưởng của trẻ, lại đi ngủ sớm đến lúc 10 giờ tối hoocmôn tăng trưởng nó tiết ra, cơ thể trẻ đã cao lại càng cao. Cho các cháu thức khuya, ngủ dậy muộn là đã tước đi của các cháu một cơ hội “mùa hè tăng trưởng” mất rồi.

Mùa hè còn là mùa của hầu như không còn áp lực sách vở, do đó ngoài việc duy trì học bài hè, còn có một cách học rất tốt nữa là cho con đọc sách, thật may là bây giờ nhiều gia đình đã chú ý hơn đến sách, chứ có giai đoạn thì nghĩ đến sách mà buồn vì thân phận bị rẻ rúng của chúng. Mặc dù thế, người Việt vẫn đang có tỷ lệ đọc sách thuộc hạng thấp trên thế giới.


Chỉ mấy hôm trước, khi nói chuyện với ông bạn thân có con sàn sàn cuối cấp một, rằng hè này tăng cường cho chơi các trò chơi ngoài trời tập thể các bé với nhau, định hẹn mấy ông bố bà mẹ nữa ấn định vào ngày thứ Bảy, thì ông bạn băn khoăn, rằng cái nhóm học Tiếng Anh mà họ tất cả học trong năm học hai buổi một tuần, nay các phụ huynh định tận dụng nghỉ hè tăng lên bốn buổi một tuần. Tất nhiên mỗi gia đình một quan điểm, nhưng không phải cháu nào “tăng tải” cũng là tốt, cũng phải có cháu cần giảm tải. Riêng với gia đình tôi, con học tiếng Anh cả năm ở trung tâm, nhưng cứ đến hè là nghỉ một khóa vì quan niệm rằng cháu không cần tăng khối lượng kiến thức ngay trong hè, mà nếu tăng thời lượng học thì khả năng các hoạt động quý giá khác của mùa hè bị ảnh hưởng là rất cao. Cậu ta vẫn có nhiệm vụ học tiếng Anh ở nhà, mỗi hôm một ít, làm vài bài tập, nghe vài bài nghe trong CD… ngoài ra còn học tiếng Anh bằng xem phim, hay các trò chơi trong máy tính nữa. Ngoại ngữ là học dần thấm lâu, kể cả tự học cũng tốt chứ có phải là “nhồi vịt”  ào ạt một chốc một nhát được đâu.

“Ở bầu thì tròn…” thôi thì trước mắt xã hội nhà trường chưa “giảm tải” được ngay, thì tâm lý của bố mẹ nên giảm tải trước đã, hoạt động ngoại khóa là cần thiết, rất cần thiết, nhưng xin cân nhắc đừng “tăng tải” cho các cháu vào mùa hè, để các cháu còn nghỉ ngơi mà còn lớn. Xin đừng tước đi của con một mùa hè…

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment