Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, June 16, 2015

Mắt to mắt bé


Pi là con chú Tùng, mình đã giới thiệu trong chuyện “Cái can nhựa” rồi, nên không nói lại nữa. Đợt này hội các phụ huynh có con sinh hoạt Hướng Đạo Sinh tổ chức cho các bạn đi Đồ Sơn một ngày với hành trình trải nghiệm tàu hỏa, xe bus để biết được cái sự di chuyển bình dân, tránh lên xe xuống ngựa cứ phải đưa đón tận cửa, điều hoà máy lạnh.

Chú Tùng đi công tác vắng chưa về kịp nhưng vẫn muốn cho Pi đi cùng, do đó chú gửi Pi đi theo cùng đoàn các bạn và ba của Bôn Ba Nhi Bá, Bá Ba Nhi Bôn đảm nhiệm việc trông Pi kiêm cứu hộ bãi biển cho đoàn lít nhít này luôn. Cuộc đi chơi vui hết sức, các bạn phấn khích kinh khủng, đến mức khi đi taxi từ Đồ Sơn về Ga Hải Phòng còn nhao nhao ầm ĩ trên xe, bác lái xe cũng không chịu nổi. Lên tàu, đùa tiếp, nhộn nhạo và thân ái, thật là thú vị.

Nhưng có một sự cố - Pi chỉ mặt em bé Bá Ba Nhi Bôn nói và cười to: “Ơ ơ Nhi Bôn một mắt to, một mắt bé kìa!” – cô bé phụng phịu, về nhà vẫn không yên tâm nói đi nói lại vài lần với ba… “Anh Pi bảo con một mắt to, một mắt bé ba ạ…” Số là Nhi Bôn sinh ra đã bị sụp một bên mí mắt, nên cặp mắt một mí (gien đằng nội, chẳng chạy đi đâu được) đáng nhẽ rất xinh như một cô gái Nhựt Bổn, thì nay chỉ còn xinh có một bên thôi. Điều đáng ngại hơn là bạn ấy bị che đồng tử, nên để lâu sẽ có khả năng bị nhược thị. Mẹ Nhi Bôn nhờ bạn học cùng đại học là bác sỹ nhãn khoa, làm một tiểu phẫu treo mí mắt lên để em “nhìn tạm” sau này em sẽ đi làm phẫu thuật thẩm mĩ sau. Em xinh hẳn lên, nhưng thực ra, mắt bên đó lại hơi to hơn bên kia một chút.

Chuyện anh.

Ba nói chuyện riêng với anh Bôn Ba Nhi Bá, rằng con đã chứng kiến nhiều người khuyết tật và ba thường hướng con đến việc có lòng yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ họ. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ - như ở các nước phát triển Âu Mỹ có khi việc đề nghị giúp đỡ người khuyết tật rất khó, vì họ có ý thức cái tôi rất cao, đề nghị giúp đỡ nhiều khi họ coi là bị xúc phạm. “Người ta muốn được coi là người bình thường, không khuyết tật con ạ. Do đó trước mắt, con cần học một điều là nếu thấy người khuyết tật, đừng tỏ ra chú ý vào họ một cách lộ liễu và tò mò. Nếu con thấy lạ, thì để dành đấy hỏi lại ba, mẹ hay ông bà… để hiểu hơn về khuyết tật đó nhé.” “Vâng, vẫn nói chuyện với họ bình thường ba nhỉ… ơ thế ở nước ngoài thì không giúp đỡ người khuyết tật à?” “Có chứ, giúp đỡ bình thường chứ, nhưng mình còn phải học cách đề nghị như thế nào mà họ vui vẻ chấp nhận giúp đỡ. Bây giờ nói về bài học của em Nhi Bôn với bạn Pi, là Pi chưa được chú Tùng nhắc cần chú ý những trường hợp như vậy. Em con là con gái, hồi nhỏ em con bị nhiều người chú ý đến cái mí sụp của mình và bàn luận ngay trước mắt em, chắc chắn nó sẽ đi vào suy nghĩ của em con. Và em băn khoăn về ngoại hình của mình. Từ khi em treo mí mắt, em hết cái băn khoăn đó vì thực ra, em gái con khá xinh xắn, nên em tự tin hẳn lên. Đây là bài học cho con, không chỉ khuyết tật mà nhiều khi, những khiếm khuyết về hình thức của người khác, đặc biệt là phụ nữ, thì không nên chú ý, lại càng không nên nói toẹt vào mặt người ta như vậy. Điều đó chính là sự tế nhị đấy…” “Thế nói như Pi có hư không?” “Không con ạ, ai cũng phải học những điều đó, khi chưa được học thì phạm lỗi là bình thường, nhưng khi được học rồi mà vẫn làm thì tệ lắm đấy. Ba sẽ nhắc chú Tùng hướng dẫn Pi như ba hướng dẫn con, vậy thôi…”

Chuyện em.

Cô bé Nhi Bôn không yên tâm mãi về cặp mắt bên to bên bé của mình. Ba nhìn thẳng vào mắt em và nói, “Con nhìn vào mắt ba đi xem nào! Có thấy mắt ba một mắt to, một mắt bé không?” Cô bé nhìn kỹ và thấy đúng thế thật, cười và chỉ: “Đây mắt này to hơn mắt này một tí!” “Đúng thế con ạ, không có ai là có hai mắt, hai tai, hai tay hai chân giống y như nhau cả, mà bao giờ cũng hơi khác một tí. Do đó chuyện hai mắt không to bằng nhau cũng bình thường lắm nhé!” Cô bé cười rất yêu…

Mình mắt hơi hiếng hiếng, chủ yếu do tật bẩm sinh loạn thị nhẹ nên cứ cố nghiêng nghiêng để nhìn, lại đúng hai mắt một bên to, một bên bé thật. Hồi bé cũng hay bị trêu, còn đi trêu người khác thì trùm sò. Nghĩ lại thật tiếc, mình chẳng có ai dạy hay hướng dẫn như mình đang hướng dẫn con bây giờ.

Đến lúc đi tắm cô bé Nhi Bôn gọi: “Ba ơi con gội đầu xong rồi, ba vào xả nước cho con!” (hắn ta đã tự tắm nhưng thường vẫn phải nhờ xả nước cho sạch xà phòng sau gáy) – vào thấy cô bé đang đứng ngắm cặp mắt của mình trong gương, tay vò đầu đầy xà phòng. Mình xả nước cho cô bé và bảo: “Mẹ con ấy mà, nhiều người mới gặp bảo là không xinh, nhưng gặp lâu rồi thì phát hiện ra là rất duyên và đáng yêu, lại sống tốt nên nhiều người yêu quý. Đấy con thấy không, có cần phải xinh lắm đâu… Con phải cố gắng duyên và được nhiều người yêu quý như mẹ nhé!” “Vâng, mẹ có nốt ruồi chỗ này ba nhỉ?” – cô bé chỉ lên má… “Nhưng mẹ đáng yêu…” rồi cô bé lại cười…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment