Năm 2015 mới qua đi hơn nửa
năm, nhưng đã được đánh dấu bằng hàng loạt các động thái quốc tế – quân sự có yếu
tố biển. Đầu tiên là cuộc tập trận của Na Uy (5000 quân tập trận ở Hạt Finnmark
có biên giới với nước Nga,) và Tổng thống V. Putin sau một thời gian vắng mặt
khá bí ẩn, ông xuất hiện trở lại với lệnh cho Hạm đội Biển Bắc của nước này tập
trận với lực lượng rất lớn: 45.000 quân, 41 tàu nổi, 15 tàu ngầm và 110 máy bay
(trung tuần tháng Ba năm nay.) Đồng thời với lệnh tập trận, là lệnh của Tổng thống
Putin cho Hạm đội Biển Bắc bước vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Chúng ta có thể điểm qua từ đầu
năm: Hoạt động của 100 binh lính Hoa Kỳ sử dụng một khẩu đội tên lửa Patriot
cùng một lữ đoàn phòng không Ba Lan diễn tập trên lãnh thổ nước này, được coi
như một động thái hướng về nước Nga đang bị quy kết là liên quan đến tình hình
Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea. Quân đội Mỹ sẽ sớm gửi xe bọc thép Stryker,
đoàn xe sẽ theo lộ trình 1.100 dặm qua sáu quốc gia châu Âu: Estonia,
Lithuania, Ba Lan, Latvia và Cộng hòa Czech đến Vilseck, Đức (một phát ngôn
viên quân đội Mỹ tại Châu Âu nói với tờ báo của quân đội Mỹ “Sao và Vạch”.) Trong
một “lịch trình huấn luyện thường xuyên” nhằm thể hiện cam kết của NATO cho kế
hoạch “phòng thủ tập thể” ở Biển Đen, “Nhóm Hải quân thứ hai” của NATO sẽ thăm
Varna, Bulgaria và tham gia huấn luyện các lực lượng hải quân Bungari, Rumani
và Thổ Nhĩ Kỳ. và thăm Varna , Bulgaria… Không dừng lại ở đó, không quân Mỹ còn
di chuyển một tá máy bay tấn công A-10 Thunderbolt “tankbuster” tới một căn cứ
không quân ở Đức và quân đội Mỹ bố trí hàng trăm xe tăng và xe quân sự ở
Latvia, nơi sẽ có thêm 3.000 binh lính Hoa Kỳ đến từ Fort Stewart bang Georgia.
Thái độ của Phương Tây là quá rõ ràng, ví dụ như ngay trong tháng Giêng năm nay
NATO đã triển khai sáu “Trung tâm chỉ huy” trên lãnh thổ các nước thành viên
phía Đông của liên minh quân sự này – với lý lẽ cho rằng cần “đề phòng mối đe dọa
từ nước Nga.”
Có vẻ như nửa đầu năm 2015 là
thời gian mà chúng ta thấy lực lượng của NATO đã ngày càng tiến sát biên giới
nước Nga, dường như nước Nga đã “co lại” hơn bao giờ hết và phải chăng nó lại
trở nên yếu ớt, dễ bị bắt nạt như thời kỳ “nước Nga ốm yếu của Yeltsin” những
năm 1990 của thế kỷ trước?
Tổng thống Putin đã tuyên bố kế
hoạch của Nga cho đến cuối thập niên này, sẽ chi 21 nghìn tỷ Rub, (tương đương
228 tỷ Bảng Anh) để tái hiện đại hóa lực lượng vũ trang, trong đó lực lượng hải
quân sẽ được giành một vị trí xứng đáng. Hôm Chủ nhật 26 tháng Bảy, Tổng thống
Nga V. Putin đã chủ tọa một cuộc họp trên tàu khu trục “Đô đốc Gorshkov” đậu ở
Baltiysk (Ảnh 1). Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin đã báo cáo về sửa đổi “Học thuyết
biển” và ông Putin đã phê duyệt văn kiện này. Trong “Học thuyết biển” mới này,
đáng chú ý nhất là việc nước Nga xác định quan điểm rõ ràng “Các yếu tố quyết định
trong quan hệ với NATO vẫn là Liên bang Nga không thể chấp nhận kế hoạch NATO
triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của mình đến gần biên giới Nga.”
“Học thuyết biển” mới của Nga có một số nội
dung chủ yếu như sau:
-
Khẳng định nước Nga với vị trí địa lý và lịch sử
của nó, đã đang và sẽ luôn luôn là cường quốc biển. Lực lượng hàng hải Liên
Bang Nga sẽ bao gồm các lực lượng chiến đấu của Hải quân, đội tàu thương mại và
lực lượng biên phòng. “Học thuyết biển” mới xác định rõ chính sách Biển quốc
gia có tầm quan trọng trong sự phát triển của đất nước và giao nhiệm vụ cho tất
cả các cơ quan liên quan và mọi công dân của đất nước thực hiện chính sách này,
tạo môi trường, chế độ thuận lợi và dành các nguồn lực ưu tiên để thực hiện tốt
chính sách biển quốc gia.
-
Nước Nga bảo vệ quyền tài phán và các quyền lợi khác
của mình trên mặt biển, trên không phía trên mặt biển, trong lòng nước biển và
vùng đáy biển trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế như Công ước luật biển
1982 của Liên hiệp quốc, các hiệp ước song phương cũng như đa phương nước Nga
tham gia ký kết hoặc kế thừa.
-
Các hoạt động trên đại dương của nước Nga bao gồm
bảo vệ đội tàu thương mại, tàu mang cờ Nga, hoạt động của Hải quân ở các vùng
biển xa, bao gồm cả vùng biển Nam Cực… các hoạt động thủy sản, thăm dò đại
dương và đáy đại dương, bảo vệ môi trường.
-
Hiện đại hóa đội tàu của Liên Bang Nga, trong đó
có cả đội tàu thương mại và lực lượng chiến đấu của Hải quân, nâng cấp hạ tầng,
hậu cần hàng hải như hải cảng, viễn thông; trang thiết bị phụ trợ phục vụ hàng
hải.
-
Bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển, phát
triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững bảo vệ các giống động thực vật có
nguy cơ bị tiêu diệt; đặc biệt quan tâm đến hệ sinh thái cổ rất giá trị của biển
Azov và biển Caspian. Trên cơ sở phối hợp với Cơ quan đáy biển quốc tế, trong
quyền hạn của mình Liên Bang Nga tiến hành nghiên cứu, khai thác tài nguyên
khoáng sản đáy biển; các nghiên cứu ứng dụng năng lượng biển như điện thủy triều…
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, khảo sát, hoàn thiện bản đồ
đáy biển; tác động của biến đổi khí hậu lên đại dương thế giới, đẩy mạnh đầu tư
các hoạt động quan trắc khí hậu.
-
Xác định rõ ràng lĩnh vực các hoạt động dân sự với
hoạt động của Hải quân. Hải quân được coi là xương sống của hoạt động Hàng hải
Liên Bang Nga; gồm các hạm đội: Baltic, Biển Bắc, Thái Bình Dương và Biển Đen,
và hạm đội nhỏ biển Caspian. Hải quân thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo
vệ biên giới quốc gia trên biển, bảo vệ các vùng biển nội thủy, lãnh hải, vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trực tiếp thực hiện các thỏa thuận song
phương và đa phương giữa các quốc gia để thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng
tin trong khu vực biên giới, chia sẻ thông tin về di cư bất hợp pháp và buôn lậu
vũ khí, vật liệu nổ và các chất ma túy.
-
Các hướng chính của hoạt động Hải quân gồm có Đại
Tây Dương, Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương, biển Caspian và Ấn Độ Dương. Chính
sách biển quốc gia Liên bang Nga hướng về Đại Tây Dương nhằm đáp trả chính sách
bành trướng về phía đông của khối NATO trong thời gian vừa qua đe dọa tới an
ninh quốc gia của Nga. Gắn bó trực tiếp với Đại Tây Dương là Baltic do đó cũng
được dành quan tâm. Đối với biển Đen cần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động
của hạm đội Nga vẫn còn những liên quan tới lãnh thổ Ukraine. Biển Caspian là
vùng biển quan trọng của Nga về mục tiêu bảo tồn, cũng như các nguồn lợi thủy sản
và dầu khí. Kết nối chặt chẽ với Đại Tây Dương là Địa Trung Hải, cũng là một
vùng biển Nga cần duy trì sự hiện diện của mình.
-
Học thuyết cũng dành nhiều ưu tiên cho hướng biển
Bắc; xác định nó có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Đại Tây Dương; trong tương lai
là vùng biển tiền năng và quan trọng của Nga. Dành những nguồn lực xứng đáng
cho phát triển vùng biển rộng lớn này cũng như những vùng biển nhỏ hơn trong
nó: Bạch Hải, biển Barent…
-
Hướng Thái Bình Dương luôn luôn là hướng quan trọng
của Liên Bang Nga trong chính sách biển của mình, đặc biệt là trong phát triển
kinh tế Viễn Đông, là một phần của hoạt động thương mại từ trung tâm đất nước –
xuyên Siberia – quốc tế… Nga cần tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực
Châu Á – Thái Bình Dương để bảo vệ ổn định, an ninh khu vực, chống thảm họa môi
sinh, buôn lậu, cướp biển. “Một thành phần quan trọng của các chính sách hàng hải
quốc gia trong khu vực khu vực Thái Bình Dương là sự phát triển quan hệ hữu nghị
với Trung Quốc, cũng như sự phát triển của sự hợp tác tích cực với các quốc gia
khác trong khu vực.”
-
Nga tiếp tục duy trì một lực lượng Hải quân ở Ấn
Độ Dương và tiếp tục chiến lược nghiên cứu Nam Cực của mình.
Có thể nói với “Học thuyết biển”
mới này, Liên Bang Nga đã ban hành một chính sách rõ ràng về việc hướng ra đại
dương và lấy lại vị thế cường quốc biển của mình – nhưng trên cơ sở tôn trọng
luật pháp quốc tế và đặt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường
sinh thái biển và bảo vệ hòa bình là song song với nhau. Chúng ta cần nhìn nhận
rằng việc “Học thuyết này” vẫn dành một số nội dung nói về tiến trình “đông tiến”
của NATO, thì cũng là hợp lý vì nước Nga đang ở trong tình thế vẫn đang bị áp đặt
lệnh trừng phạt từ các nước Phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ, ảnh hưởng của nó
hoàn toàn không nhỏ đối với kinh tế - xã hội đất nước. Nếu như Phương Tây quy kết
cho Nga về trách nhiệm của nước này đối với tình hình chiến sự ở đông Ukraine;
thì Nga cũng có những lý lẽ của mình, kiên trì bác bỏ cả trên trường quốc tế lẫn
đối nội. Chúng ta sẽ không bàn về tính đúng sai của vấn đề; nhưng rõ ràng về
chiến lược quân sự và bảo vệ đất nước, thì Nga không để đứng yên, làm ngơ trước
những bước tiến liên tục như vậy từ NATO. Tăng cường đầu tư cho lực lượng vũ
trang, còn là một việc làm cần thiết để yên lòng dân nữa. Lâu nay nước Nga vẫn
đang bị coi là tụt hậu trong công nghệ quân sự, trong đó bao gồm cả kỹ thuật
quân sự hàng hải; không nhiều thì ít, lòng tự hào của dân Nga bị tổn thương… “Học
thuyết biển” mới, do đó cực kỳ cần thiết với nước Nga trong giai đoạn này.
Ngoài hướng Đại Tây Dương với
lý luận “đáp trả NATO,” thì nước Nga đã xác định Bắc Băng Dương là hướng quan
trọng không kém, không chỉ vì nó kết nối với Bắc Đại Tây Dương; mà đại dương
này bước bao quanh bởi các nước rất mạnh về cả kinh tế lẫn quân sự. Bằng nguyên
tắc phân chia truyền thống là nối Bắc Cực với hai điểm đầu mút của đất nước, nước
Nga với tư cách đất nước chiếm tới 11 múi giờ vắt từ Tây sang Đông, sẽ là nước
có được vùng biển lớn nhất trong đại dương này. Đây là đại dương được dự báo có
trữ lượng dầu khí chiếm tới 25% dầu khí toàn cầu; thì nguồn lợi của các nước
liên quan không hề nhỏ. Tuy nhiên đây cũng là đại dương do những khó khăn về
khí hậu, nên luôn luôn tồn tại những tranh chấp về biên giới. Hiện nay vùng trời
Bắc Cực cũng đang là vùng có nhiều đường bay thương mại được khai thác từ Tây bán cầu
sang Châu Âu, trong đó có cả bay sang Nga và một số nước Bắc Á…
Hạm đội Biển Bắc của Nga hiện
nay có trụ sở Bộ tư lệnh ở Severomorsk (vùng Murmansk.) Hạm đội này còn được
biên chế lực lượng tàu ngầm chiến lược của Nga, đồn trú ở căn cứ Gadzhiyevo (vịnh
Yagelnaya) bao gồm năm tàu ngầm K-114 Tula, các tàu K-407 Novomoskovsk, K-18
Karelia, K-117 Bryansk, K-51 Verkhoturie, K-84 Ekaterinburg. Ngoài ra có thể kể
thêm một chiếc K-114 Tula đang trong quá trình được nâng cấp. Tàu ngầm chỉ huy lớp 955 “Yuri Dolgorukiy,” cũng
neo đậu tại Gadzhiyevo. Ngược dòng lịch sử thì Liên Xô cũ là cường quốc về hàng
hải ở vùng biển Bắc Cực, với những con tàu phá băng nguyên tử tiên tiến của thế
giới; ngoài ra Liên Xô cũng đã từng phát triển và duy trì được lực lượng Không
quân Hải quân mạnh, có khả năng tác chiến rất tốt ở khu vực có khí hậu khắc
nghiệt này. Việc Liên Xô tan rã, không làm mất đi của nước Nga lợi thế địa
chính trị đối với các vùng biển như Baltic, Biển Bắc và Thái Bình Dương, các
căn cứ như Kalinigrad, Murmansk hay Vladivostok còn nguyên không suy suyển. Do
đó việc Nga lại dành nhiều quan tâm cho Biển Bắc, đơn giản chỉ là lấy lại thế mạnh
sẵn có, chứ không phải là một nhiệm vụ khó khăn “những bước chân đầu tiên.”
“Học thuyết biển” mới dành cho
hai hướng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương những chính sách hòa dịu hơn. Với Thái
Bình Dương, chính là vùng biển tiếp giáp với những vùng biển đang có tranh chấp
khu vực, như biển Hoa Đông, rồi biển Đông… Quan hệ của nước Nga đang khá tốt đẹp
với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc đồng thời quan hệ của Nga với
cường quốc kinh tế Nhật Bản đang dần ấm lại bất chấp lệnh trừng phạt của Phương
Tây… nếu như xác định một chính sách đối đầu, thì những vấn đề xung quanh quần
đảo Kuril lại nổi lên… Nga tốt hơn là đóng một vai trò trung gian trong khu vực;
nên “Học thuyết biển” mới xác định nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, ổn định ở hướng
này là rất thỏa đáng. “Mục tiêu lâu dài trong khu vực này: “làm giảm nguy cơ của
mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga, duy trì sự ổn định chiến lược trong
khu vực, phát triển các lực lượng (quân đội) và các căn cứ của Hạm đội Thái
Bình Dương, cũng như các lực lượng và trang thiết bị của Ủy ban an ninh quốc
gia Nga FSB; khắc phục sự cô lập kinh tế, yếu kém về cơ sở hạ tầng hàng hải còn
tồn tại…”
Với hướng Ấn Độ Dương cũng như
Địa Trung Hải, để duy trì lực lượng Hải quân của mình, Nga cần xây dựng được
quan hệ tốt đẹp với các nước xung quanh, mà quan trọng nhất chắc chắn là Ấn Độ…
Trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục có những hoạt động chung của Hải
quân hai nước và Hải quân Nga sẽ phải tiếp tục duy trì những căn cứ cũ hoặc đi
tìm thêm những căn cứ mới ở Châu Á – Thái Bình Dương.
Như vậy với “Học thuyết biển”
mới này, nước Nga muốn thoát ra khỏi tình thế bị bao vây, cô lập, hướng tới có
lại được một sức mạnh có tính toàn cầu và một định hướng chiến lược lâu dài. Nếu
như trước đây người ta nói rằng, sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm họa cho an
ninh toàn cầu, thì nếu như nước Nga làm được những gì cho hòa bình và ổn định
toàn cầu như trong “Học thuyết biển” mới này xác định, cũng sẽ là những đóng
góp rất lớn cho thế giới.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook
tại đây
No comments:
Post a Comment