Như mình đã kể, Bôn Ba Nhi Bá
muốn giành được chuyên hiệu “Thể vận” nên ngày nào cũng đi xe đạp đến trại hè tiếng Anh, 5 kilômét một ngày. Lâu không đi xe đạp, mấy hôm đầu cậu đạp loạng
choạng, rồi dần dần vững chãi, cậu ta phóng phăm phăm, nhanh dần rồi thậm chí đạp
vun vút, vun vút…
“Đi xe đạp là nên đạp đều
chân, vừa phải, vừa sức, không nhanh không chậm thì mình mới đảm bảo đến được
đích, nhất là khi đi đường dài. Nếu mình không biết phân phối sức lực mà dùng hết
sức vào chặng đầu tiên, thì những chặng cuối con sẽ không còn sức. Sau này khi
con đi xe máy hay ô tô cũng vậy, đi đường trường không hẳn là phóng thật nhanh
một đoạn rồi lại đi chậm một đoạn… đi đều đều, đủ nhanh để đảm bảo thời gian, đủ
chậm để giữ an toàn, thì mới đi được xa và đến được đích…”
“Điều quan trọng là phải đến
được đích an toàn con ạ.”
Chiều nào anh Khang cũng sang
nhà, rồi ba chở cả hai bạn ra bể bơi, dạy bơi cho cả hai. Kể ra cũng không đúng
luật lắm đâu, vì cả hai bạn đều đã là thiếu niên cả rồi còn gì. Đến đèn đỏ, thấy
đèn xanh chỉ còn vài giây, mình chủ động dừng lại vì trời nắng, chiều kia đã có
nhiều người nôn nóng vù ga mà đi rồi. Khang ngồi sau cùng, thắc mắc ngay: “Tại
sao bác không đi qua? Đèn xanh còn những ba giây cơ mà?” Rồi tiếp tục phàn nàn
“Đáng nhẽ ra là bác cứ đi, đi qua được…” Mình không nói gì, để cho Nhi Bá tham
gia câu chuyện. “Nhi Bá ơi, con thử giải thích cho anh Khang xem tại sao ba lại
không cố đi qua nhỉ?”
“Cái này ba nói cho con nghe rồi,
nhiều người chiều kia đi qua sớm quá, ba mà cố đi qua thì nguy hiểm quá, mà ba
thì đang đèo ba người trên xe. Sáng nay ba còn nhắc con, “điều quan trọng là đến
được đích an toàn!” nữa…” Không cần phải bổ sung gì thêm, mình im lặng, tiếp tục
lái xe đi.
Buổi bơi kết thúc đúng lúc có
trận mưa to. Tắm xong, Khang nhìn ra ngoài thấy mây đen cuồn cuộn, rồi mưa ào
ào trút xuống sầm sập, cậu ta cuống quít và khá hoảng hốt khi thấy bố con nhà
Nhi Bá đang điềm nhiên đứng nhìn trời mưa. Cậu ta lạc cả giọng, gần như hét lên:
“Bác ơi, bác ơi, mình phải về
ngay thôi! Mưa to rồi!” “Mưa to thì sao hả cháu?” “Mưa to thì sẽ ướt!” “Thế mưa
to đến thế này mà đi về bằng xe máy, mặc áo mưa, vẫn ướt hết cả người. Đó là
chưa nói đến việc bác quên không mang áo mưa nữa. Nếu mà như vậy thì cuống lên
để làm gì?” Cậu ta chìa tay: “Thế thì đưa điện thoại cho cháu, cháu phải gọi điện
cho bố cháu?” “Để làm gì?” “Để bố cháu đến đón.” “Thứ nhất, bác đi bơi không
mang điện thoại. Thứ hai, nếu cháu có gọi được cho bố cháu, bố cháu đi 5, 6 cây
số trong mưa to đến đây đón cháu rất khổ, mà đến nơi được có khi mưa tạnh rồi.
Vậy thì cháu gọi để làm gì?” Cậu ta đứng bần thần…
Cầu được ước thấy, mưa ngớt dần
rồi tạnh hẳn chỉ sau khoảng 10 phút ầm ầm như trút nước. Ba bác cháu lại nhong
nhong con ngựa sắt, đi về. Cái ngã ba giao giữa hai đường lớn đông hạng nhất
thành phố có khác, đèn đỏ phải đứng chờ đến 100 giây còn đèn xanh chỉ được đi
có 24 giây… Ba bác cháu đến nơi đúng đèn đỏ, xe dừng hẳn lại khi đồng hồ bắt đầu
đếm ngược từ con số 90… 89… 88…
Khang ngồi sau cùng, tiếp tục
than vãn “Chán thế nhỉ, thế là lại phải chờ đến 90 giây… lâu quá… bao giờ mới về
đến nhà đây…” Mình tập trung lái xe giữa “con sông” xe máy ô tô, nên chẳng nói
gì. Đến khi xe chạy bon bon, mình hỏi Nhi Bá: “Mọi khi ba con mình chờ đèn đỏ
như thế nào nhỉ Nhi Bá nhỉ?” “Ba con mình chờ quen rồi, chẳng sao cả ba nhỉ…”
“Đúng rồi, Nhi Bá. Bác nói cho
Khang nghe nhé, nếu bác cháu mình đi đến đèn đỏ, ta sẽ phải chờ 90 giây và những
người chiều kia, đi đến đúng lúc và đi ngay không phải chờ. Cũng sẽ có những
lúc chúng ta đi đến đúng lúc đèn xanh, thì chiều kia, người ta lại phải chờ… cứ
thế, không bao giờ có phương án nào cho cả hai chiều cùng đi mà không phải chờ,
trừ khi hỏng đèn xanh đèn đỏ, và nếu như vậy thì ở những chỗ như thế này, tắc
đường ngay, cực kỳ hỗn loạn. Bác và em Nhi Bá đã quen với cách suy nghĩ đó rồi,
lúc gặp đèn xanh thì đi, đèn đỏ thì dừng lại… không có vấn đề gì phải sốt ruột
và càng không cần phải than vãn. Ngày hôm nay bác nhận thấy Khang có suy nghĩ rất
không ổn định…” Dừng môt chút, mình nửa đùa nửa thật nói tiếp “Hay là từ bây giờ
bác và Nhi Bá sẽ đặt cho Khang một nick-name là “Khang bình tĩnh” và cho Khang
thêm ba lần mất bình tĩnh nữa, đến lần thứ tư sẽ chính thức gọi là “Khang hoảng
loạn” nhé?” Cậu ta ngồi đằng sau, choe chóe cái mồm “Dạ thôi ạ, thôi ạ…”
Từ hôm đó trở đi, trước thái độ
“lì lợm” của bố con nhà Nhi Bá, Khang cũng dần dần bớt “hoảng loạn” hơn.
Tham gia thảo luận trên Facebook
tại đây
No comments:
Post a Comment