Em Thái học dưới Nhi Bá một lớp,
trước cùng nhóm Kỹ năng sống, nhưng nay em chuyển sinh hoạt buổi chiều. Em rất
ngoan, lễ phép, lại chịu khó tự học… nhưng cũng khá là hay khóc.
Lần cả nhóm các bạn đi Đồ Sơn “trải
nghiệm du lịch bụi” bằng tàu hỏa và xe bus, Thái được mẹ gửi đến vì cô ấy bận.
Tối về Hà Nội, tất cả các bạn đều hoặc bố mẹ đi cùng mà đưa về, hoặc bố mẹ đến
đón đứng sẵn ở cửa ga, một mình Thái mẹ chưa kịp đến đón. Em hỏi ba của Nhi Bá
mà mắt đã long lanh chực khóc: “Ơ thế cháu là người cuối cùng được đón ạ?” Lúc
đó mới nhớ ra, bố mẹ em đã chia tay nhau. Hôm sau phải phê bình mẹ Thái ngay: “Cô
chú ý một chút, từ những chuyện nhỏ như thế thôi, đừng làm cho nó tủi thân. Việc
rèn con cứng rắn hơn, là việc lâu dài, còn những việc như hôm nay là việc nên
làm ngay.”
Dạo này Thái cũng lên nhập vào
nhóm bơi của Nhi Bá, bác dậy luôn một thể. Sau vụ “long lanh” thấy thương anh
chàng này quá, bác nhắn mẹ Thái buổi trưa đưa đến nhà cùng ngủ trưa với Nhi Bá,
rồi đến giờ bác chở cả hai ra bể cho tiện, mẹ Thái đỡ vội vàng. Nhớ buổi đầu
tiên, bác nói với Thái: “Con học bơi, cũng là học sự dũng cảm, kiên trì… rồi
Thái sẽ thấy, mình biết bơi rồi còn cái anh thanh niên đẹp đẽ khỏe như lực sỹ
kia, vẫn chưa biết bơi. Mình đã mạnh mẽ và khéo léo hơn, nhờ sự nỗ lực một thời
gian dài không nản chí. Và mình dần dần, không còn yếu đuối nữa. À hóa ra, sự mạnh
mẽ không nằm ở hình thức bên ngoài…”
“Trưa nay em Thái sẽ đến ngủ
trưa với con, rồi chiều ba sẽ chở cải hai ra bể bơi. Ba phải kể với con một
chuyện, là bố mẹ của em Thái không ở cùng với nhau, nên con chú ý, nếu em chủ động
kể về bố, thì con hẵng nói chuyện, nếu không thì thôi. Đừng tò mò về việc tại
sao lúc nào cũng chỉ thấy mỗi mặt của mẹ em, mà không bao giờ nhìn thấy bố em
đâu cả…” “Thế tại sao cô chú ấy lại không ở cùng với nhau nữa hả ba?” “Nhiều lý
do lắm con ạ, đơn giản chỉ là cô chú ấy không hợp nhau. Ví dụ nhé, nếu sống với
nhau nhưng cứ hay va chạm từ lời ăn tiếng nói, thì rất khó có thể vui vẻ được.
Mà như thế thì nên chia tay nhau, sẽ tốt hơn. Không phải nhà nào cũng học cách
hòa hợp được với nhau đâu con.” “Thế… chú ấy, bố em Thái ấy, như thế nào hả ba?”
“Ba không rõ được, nhưng đã là con người thì mỗi người đều có những suy nghĩ,
cách sống rất riêng. Ta không thể nói chú ấy là người xấu, hay cô mẹ em Thái là
người xấu. Hai người tốt cũng có thể không sống được với nhau. Em Thái như thế
đã là thiệt thòi, con thì may mắn hơn, vì thế ba con mình không nhiều thì ít,
bù đắp cho em: chơi với em này, ba dạy bơi cho em này… làm thế nào em ít buồn
hơn, rồi em chơi được thể thao, thì mạnh mẽ hơn… Sau này em sẽ hiểu em thiệt
thòi, nhưng biết cách đối mặt với thiệt thòi, vượt qua nỗi buồn mà tiến bộ.”
Nhi Bá rất ngoan, chơi với em
Thái rất thân ái, chia sẻ đồ chơi và Thái cũng hăm hở vác đồ chơi đến, hai bạn
chơi chung. Thái cũng hiền, thậm chí còn bị em bé Bá Ba Nhi Bôn bắt nạt…
Hôm kia nghe một chuyện buồn.
Cùng trong nhóm đi học bơi còn có anh Phát hơn Nhi Bá một lớp, nghĩa là hơn
Thái hẳn hai lớp, Phát bề ngoài ngoan, ít nói, nhưng có vẻ nghịch ngầm. Điều
không ngờ là Phát nói với Thái: “Thái mồ côi bố mấy năm nay rồi…”
Tối ba về hỏi lại Nhi Bá, đầu
tiên là con có biết nghĩa của từ “mồ côi” không? “Là có bố hoặc mẹ, hoặc cả bố
mẹ mất hết rồi ạ… Sao ba hỏi con thế?” “Ba rất buồn con ạ. Việc ba dặn con hôm
trước, là chơi với em Thái thì chú ý, hết sức chú ý về việc bố của em, thì nay
anh Phát nói với em là em mồ côi bố…” “Nhưng cô chú ấy không sống với nhau cơ
mà, có phải chú ấy mất rồi đâu?” “Đúng thế con ạ. Ông bà, ba mẹ luôn dạy con phải
nói sự thật, nhưng cũng dạy con rằng, biết sự thật thế rồi, nhưng rất nhiều điều
không nên nói toẹt vào mặt nhau như thế, nó gây tổn thương ghê lắm. Em Thái chắc
chắn sẽ rất buồn đấy… Nếu con chỉ cần nói toạc vào mặt em là “Bố mẹ em bỏ nhau!”
thì em đã đủ buồn rồi, đây lại nói một điều không đúng. Bố em còn sống, em
không mồ côi.”
Thật ra từ “mồ côi” có trong rất
nhiều chuyện cổ tích, một chú bé năm nay lên lớp Sáu, không thể không biết. Hỏi
lại để cho chắc thế thôi.
Nhi Bá vốn tính tình nhân hậu,
cũng buồn, thừ người ra. Ông bà dạy con, rồi đến ba mẹ cũng theo nếp mà dạy
con, yêu thương mọi người từ từng câu nói. Đời ba đã trả giá nhiều rồi về “miệng
lưỡi như dao,” và nay ba cũng cùng con học tiếp, rèn tiếp…
Chiều qua trong bể bơi, nhân
lúc sửa động tác chân bơi ếch cho anh Phát, bác hỏi: “Sao Phát nói em như thế?
Cháu có biết mồ côi là bố em đã chết rồi không? Đây bố em còn sống…” Phát được
cái bề ngoài xinh trai và rất ngoan, vâng dạ và gật gật. “Đừng làm cho em Thái
buồn nhé!” Lại vâng dạ, gật gật…
Hôm nay được biết, Phát không
chỉ một lần làm điều này với em Thái, mà đã là “số nhiều.” Với em Thái bây giờ
điều này là nỗi buồn, nỗi đau lớn nhất. Với bạn khác, đem nỗi buồn, nỗi đau lớn
nhất ra để mà trêu đùa; thật là một điều đáng sợ. Nếu không được nắn chỉnh ngay, thì vài năm nữa không biết trò này sẽ phát triển đến kiểu gì nữa.
Dạy con học giỏi là tốt, nhưng
dạy con biết nhân ái, yêu thương, tế nhị và có đạo đức quan trọng hơn rất nhiều.
No comments:
Post a Comment