Một status ngắn của “ông anh bạn
Phây” về việc đã hiểu tại sao Đạo Phật không phát triển được ở Phương Tây và tại
sao ở Việt Nam hiện nay Đạo Phật lại được chính quyền ủng hộ cho phát triển thế.
Ý là Đạo Phật ru ngủ dân chúng, làm cho họ biết chấp nhận những cái méo mó của
thể chế mà không phản kháng.
Một comment của bạn Phây khác
muốn hỏi các gạo cội Mác Lênin, rằng “trong thế kỷ XX ai là người chống Mác mạnh
nhất?” và chưa tìm được câu trả lời.
Mình ngoại đạo, không phải được
học chuyên ngành triết, lại càng ngày càng chán triết lý nho nhoe, nhưng cũng
thử lụn vụn mấy cái kiến thức sơ cấp cũ xì xem…
Bản chất mục đích tôn chỉ của
chủ nghĩa Mác – Lênin là cải tạo xã hội, đưa loài người tới thế giới đại đồng,
“làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu.” Bước phát triển thấp lè tè của quá
trình này là Chủ nghĩa Xã hội “làm theo năng lực hưởng theo lao động” mà chúng
ta còn chưa biết bao giờ xây dựng xong trên dải đất hình chữ S bên bờ biển Đông
này.
Nền tảng của chủ nghĩa Mác –
Lênin là “biện chứng duy vật” và đưa phương pháp này vào xem xét các hiện tượng
xã hội có tính lịch sử, để vạch ra con đường phát triển của xã hội và cố gắng
tác động vào tiến trình đó, đưa thế giới loài người đi theo con đường họ muốn.
Nói chung là không tệ. Gốc của “duy vật” lại là “vật chất có trước, ý thức có
sau, quyết định ý thức.” Điều này nhất là ông Ăng-ghen ông ấy đã chứng minh khá
rõ, là bộ não, chính là vật chất (đại khái mềm mềm trăng trắng như đậu phụ)
nhưng thế quái nào lại là cơ quan có hình thức phát triển cao về mặt tiến hóa,
nhờ nó mà con người biết tư duy. Ông ấy còn nhìn nhận hồi tiền sử, người
Nê-ăng-đéc-tan hay Crô-ma-nhông gì đó, với sự kết hợp giữa lao động và ngôn ngữ,
mà tiến hóa từ vượn đến người vượn rồi thành con người hiện đại. Nôm na thế.
Ngày xưa học triết chúng ta
thường gặp những đoạn trình bày, rằng khoa học của loài người ngày càng phát
triển nên càng ngày càng chứng minh những lý thuyết của chủ nghĩa Mác là đúng đắn.
Nhưng dần dần con người cũng lại ngày càng ngã ngửa ra rằng, không phải những
gì mình đã có trong tay, có thể giải thích được tất cả những điều trong vũ trụ.
Cái chưa biết của con người, nhiều như cát sông Hằng, mà cái con người biết, chỉ
như một nắm cát khô con người nắm trong tay mà thôi.
Con người bắt đầu hoang mang.
Họ choáng váng trước những hiện tượng, cháu nhi đồng ngồi nói vanh vách những
chuyện từ kiếp nảo kiếp nào; rồi lại cháu khác ngồi giảng Phật pháp làu làu mà
rõ ràng không có ai “nhồi nhét” vào đầu các cháu những kiến thức đó. Một người
sau tai nạn tự dưng nói một ngôn ngữ khác chưa bao giờ được học trong đời… Đến
tầm như thế, “biện chứng duy vật” không giải quyết được.
Nếu như học Phật pháp, thì sẽ
hiểu tất cả những chuyện như thế, hoàn toàn có thể xảy ra, vì Phật pháp chỉ ra
rằng con người có tiền kiếp và hậu kiếp, trên cõi Ta Bà này, thế giới này, con
người có đến và có đi. Và nếu hiểu là con người sau kiếp này sẽ lên Thiên Đường
hoặc xuống địa ngục, thì cái hiểu đó chật chội quá. Không nhất thiết phải có những
thế giới ở xa xôi lắc lơ đâu đó trong vũ trụ bao la. Chắc chắn sẽ có biết bao
chúng sinh đang sống quanh ta ngay đây thôi, nhưng không tiếp cận được nhau.
Đơn giản bởi vì họ đang sống trong một chiều không gian khác…
Những điều đó Phật chỉ cho hết,
nhưng con người đến thế kỷ XX mới loay hoay tiếp cận được tí ti với thành quả của
những con người vĩ đại như Einstein hay Stephen Hawking. Nhìn chung, con người
đang bước những bước chân của con rùa trên con đường dài dằng dặc như dải Ngân
Hà. Nhưng con người ngộng nghệnh, coi mình là nhất, là chúa tể. Con người ngày
ngày tàn phá thiên nhiên, hủy hoại chính môi trường sống của mình, làm cho số
phận của mình ngày càng trở nên thê thảm hơn.
Vậy Đạo Phật có yếm thế, “ru
ngủ” thật không?
Trên thực tế, có hai cách
chính để đấu tranh hay “làm Cách mạng.” Cách thứ nhất theo cách hiểu thông thường,
là tác động lên cái khách quan bằng hành động chủ quan của một ngay nhiều người.
Đây là cách truyền thống mà ngay cả Mác – Lênin cũng đã chỉ ra và đi theo. Cách
này tác động nhanh, mạnh mẽ… có thể mang lại hiệu quả tức thì, người trần mắt
thịt thì thích lắm. Nhẹ thì dùng lời nói đả kích, mạnh thì dùng chân tay, vũ
khí… đều “tác động lên người khác.” Thực tế, khi cá nhân này tác động lên cá
nhân khác, thì cùng lắm là làm cho người đó bực tức, nếu là rủa xả; hoặc làm
cho người ấy chết lăn quay, nếu là hành động bạo lực. Khi một tập đoàn người
này tác động lên một tập đoàn người khác, thì cũng chỉ có thể tiêu diệt tập
đoàn người kia để nắm chính quyền. Như thế, sẽ có người thắng, kẻ thua, rồi người
thắng ngồi trên ngai vàng quản lý xã hội, lại đi vào con đường tha hóa. Người
thua muốn giành lại phần thắng, lại tính kế bày mưu tạo xung đột. Như vậy cách
thứ nhất, tìm cách tác động lên cái khách quan từ hướng chủ quan, chỉ đưa con
người tới tha hóa. Mọi người đừng nghĩ rằng những xã hội phồn vinh như ở Hoa Kỳ
hay Thụy Điển, khi cái gọi là “tư bản” đang nắm quyền quản lý xã hội thì không
có sự tha hóa. Về mặt văn minh, con người càng ngày càng thụt lùi. Họ sa vào
“tham, sân, si, mạn, nghi…” càng ngày càng nặng hơn, đó chính là tha hóa.
Cách thứ hai, hiểu rõ mình là
con người sống trên thế giới đầy đau khổ này, hiểu rằng trước đây mình đã từ một
nơi nào đó đến, do những lý do nào đó mà rơi vào thế giới này để “giải quyết” nốt
một số việc như trả nợ, hay học tập để hiểu rõ hơn con đường mình sẽ đi sau kiếp
này… Cách này đòi hỏi con người phải “làm Cách mạng” trong chính bản thân mình,
và có thể tác động lên người khác, nhưng bằng các cách hơi khác đi một chút. Bằng
lời nói, con người có thể trợ duyên cho người khác cùng học tập rèn luyện với
mình, làm cho người khác hiểu hơn về thân phận và con đường đang đi. Bằng hành
động tốt đẹp, con người làm gương cho người khác. Đã có tấm gương như Bồ Tát
Thích Quảng Đức, hi sinh cái thân xác giả tạm để chống lại cái ác đang hoành
hành trong xã hội. Cũng đã có tấm gương của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, biết rõ
là sẽ phải hứng chịu những thị phi, búa rìu dư luận… nhưng vẫn hi sinh để mong hàn
gắn các tôn giáo lại với nhau và đưa con người đến gốc rễ, là sự yêu thương.
Thấu hiểu những bước chân con
rùa của loài người, Phật chỉ cho loài người con đường đi chậm rãi, nhưng vững
chắc. Phương pháp của cách thứ nhất, dùng bạo lực hay dùng cái ác để cải tạo xã
hội, chỉ đưa con người đi tới đau khổ thêm mà thôi.
Đến đây thì người bạn băn
khoăn hỏi “Ai chống Mác mạnh nhất?” có thể tìm được câu trả lời – đâu có cần ai
chống? Bản thân Mác đã sai lầm ngay từ đầu rồi, còn Lênin thì chọn phương pháp
bạo lực, mà bạo lực thì chỉ đưa con người đến đau khổ mà thôi. Không ai có quyền
đưa ra phán xét người khác rằng anh sai, tôi đúng, tôi phải tiêu diệt anh hoặc
anh phải thần phục tôi cả.
Và cũng đến đây, chúng ta đã
rõ – tại sao Đạo Phật không phát triển mạnh ở các nước Phương Tây, vì sinh ra
làm người ở các nước đó khác làm người ở Phương Đông. Ở Phương Tây ô tô ma tích
con người sẽ có cái tôi mạnh mẽ hơn, mặc dù tôn trọng cái tôi của người khác
hơn, nhưng cũng sống nhanh hơn, vật chất phồn vinh hơn… nhưng chắc gì đã hiểu
biết sâu sắc hơn?
Và cũng đến đây, chúng ta đã
rõ – thời của chính quyền ủng hộ sự phát triển của Đạo Phật ở Việt Nam, đây là
điều đáng mừng chứ đâu có gì đâu. Xuất phát từ chính “chưa biết bao giờ có Chủ
nghĩa Xã hội ở Việt Nam” – khủng hoảng tư tưởng, những điều Mác Lênin nói đã tỏ
ra sai lầm nghiêm trọng, chỉ có điều là chưa được thừa nhận ở tầm lãnh đạo đất
nước mà thôi. Chính lãnh đạo cũng hoang mang, cho đến các cán bộ trung, sơ cấp…
đều hoang mang. Và họ muốn quay lại với cái gốc do đó, tìm đến Đạo Phật. Mừng
quá đi chứ!
Nhưng ông anh bạn Phây căm tức
nhìn “Đạo Phật quốc doanh” đang ngày càng trở nên tha hóa – xin trình bày rằng
là, cái tha hóa là tha hóa của xã hội, chứ không phải của Đạo. Đạo luôn luôn là
Đạo, chứ không là gì khác. Những vị mặc cà sa nhưng lại lợi dụng cái mộ đạo một
cách chưa hiểu biết đầy đủ để trục lợi trước mắt về mặt vật chất – thì lại sa
vào chính những điều Phật răn nên tránh: “tham, sân, si, mạn, nghi…” ai cũng có
thể sai lầm. Không thể nhìn vào họ mà đổ lỗi cho Phật, làm như vậy thì u mê
quá. Phật ngoài là vị Phật xuất thân từ Thái Tử Tất Đạt Đa, còn là một “quả vị”
– là cái mà mỗi con người đều có trong mình, là hiểu biết sâu sắc về chính mình
và thế giới, là đức hạnh đầy đủ nhất – “giác hạnh viên mãn.” Thóa mạ Phật,
chính là thóa mạ chính mình vậy.
Kiến thức của con người như nắm
cát khô trong lòng bàn tay, càng cố nắm chặt, cát càng chảy khỏi tay, và nắm chặt
đến mức đau tay thì chẳng hay gì. Cái mà con người chưa biết, thì nhiều như cát
sông Hằng. Người mà biết, thì chỉ cần nhẹ nhàng bụm tay nhẹ nhàng là nắm được
nhiều cát hơn người nắm thật chặt, rơi hạt nào thì rơi, nó là thuận theo lẽ tự
nhiên. Còn người đã nắm được chút cát lại ngộng nghệnh cho rằng ta đây là hiểu
biết nhất rồi, giống như ném nắm cát đó ngược chiều gió, chỉ tổ rắc cát vào mắt
mình mà thôi.
À suýt quên, thế mới có câu “Hằng
hà sa số” – nhiều như cát sông Hằng…
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment