Tiết mục xiếc dẫm chân trần
lên thủy tinh vỡ mình đã được đọc giải thích trong cuốn “Vật lý vui” của nhà
khoa học Nga Perelman từ hồi còn nhỏ. Chuyện một Trung tâm về kỹ năng sống ở Hà
Nội lần này tổ chức cho mấy trăm cháu đi “biểu diễn xiếc” đã gây nên tranh cãi
trên những diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội suốt mấy hôm nay cũng làm cho mình
có một vài suy nghĩ.
Trước hết cần phải nói về cơ sở
khoa học hay giải thích từ khía cạnh vật lý – việc đi chân trần trên thủy tinh
vỡ nếu đúng cách, không bao giờ bị đứt chân cả. Đó là “nếu đúng cách” nghĩa là
các mảnh thủy tinh đều đặn về kích thước, được sắp xếp dàn đều nhau không có mảnh
nào nhô cao lên, sao cho trọng lượng của cơ thể tác dụng lên bề mặt thủy tinh
được dàn đều… xin phép không bàn quá sâu về việc này. Trên thực tế, những tiết
mục xiếc người ta dùng cả thủy tinh sắc nhọn, còn có thể đi mà không sao, nữa
là thủy tinh trong chương trình đào tạo kỹ năng sống gây tranh cãi ở Hà Nội vừa
qua, các mảnh vỡ là loại dày, đã được mài cho hết cạnh sắc, thì hầu như không
còn khả năng gây nguy hiểm. Nó giống như chúng ta đè thẳng, vuông góc ngón tay
lên cạnh sắc của con dao, phải dùng một lực rất lớn thì may ra mới đứt tay,
nhưng nếu cứa thì chỉ cần nhẹ một cái là đứt ngay lập tức.
Tất nhiên, lo ngại từ phía các
phụ huynh, thì vẫn còn. Tất nhiên tranh cãi thì sẽ chia làm hai “phe” chính,
phe ủng hộ và phe phản đối. Từ phía những người tổ chức, mình xin trích một số
ý như “Chúng mình muốn học sinh hiểu rằng, bài học rút ra là học sinh không dám
thử nghiệm, sợ đi đầu, học sinh sẽ bị lùi lại đằng sau. Nếu học sinh vượt qua
được bài tập trải nghiệm đi trên thủy tinh thì sẽ vượt qua được những thử thách
lớn hơn.” “Các em học sinh khi bước vào lớp 6 chưa hề quen nhau, do vậy, thông
qua bài trải nghiệm, chúng mình mong muốn học sinh thay đổi suy nghĩ, giúp các
em có thêm động lực trước khi bước vào năm học mới. Đặc biệt, còn giúp cho học
sinh luôn kiên trì, giữ vững mục tiêu, không bao giờ bỏ cuộc; biết yêu thương bố
mẹ, quý trọng những gì mình đang có” “Các em học sinh lớp 5 chuyển cấp lên lớp
6 học chắc chắn có nhiều bỡ ngỡ, chưa có sự đoàn kết. Do vậy, thông qua các hoạt
động trên, trường muốn các em học sinh gắn kết, đoàn kết cùng nhau vươn lên
trong học tập. Thêm nữa, các em vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân, rèn được
tính tự tin”… và đáng chú ý là, “tiết mục” này được tiến hành trên cơ sở tự
nguyện, cháu nào thích thì “diễn,” không thích thì đứng ngoài.
Băn khoăn của mình là, nếu như
là để “dám thử nghiệm, dám đi đầu, có động lực, dám thay đổi suy nghĩ, kiên
trì, giữ vững mục tiêu, đoàn kết, vượt qua nỗi sợ hãi và tự tin…” nhưng lại có
yếu tố “tự nguyện” nghĩa là không thích thì không tham gia cũng được, có vẻ như
điều đó sẽ đồng nghĩa với cháu đó “không dám thử nghiệm, không dám đi đầu, không
có động lực, không dám thay đổi suy nghĩ, không kiên trì, không giữ vững mục
tiêu, không đoàn kết, không vượt qua được nỗi sợ hãi và không tự tin…” Đã có ai
đánh giá và đo lường được tác động về tâm lý đến các cháu không “dám” đi trên
thủy tinh ngày hôm đó, và nhất là các cháu là số ít, vì theo các bài báo thì
“đa số các cháu dám thực hiện?”
Sẽ là rất bổ ích nếu như trải
nghiệm này gắn với một bài học vật lý, học sinh sẽ hiểu về cơ chế vật lý của hiện
tượng, nó có cơ sở khoa học của nó, và nếu em nào “dám” thử nghiệm sẽ thấy rõ,
chuyện này không có gì là thần bí như những người làm xiếc ngày xưa gây cho
khán giả cả, mà ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, nếu đưa vào như một nội
dung của giáo dục kỹ năng sống nay kỹ năng mềm gì đó, thì đưa cái gì và như thế
nào, hướng dẫn học sinh nhìn nhận vấn đề ra sao… lại là cả một câu chuyện dài. Trong
số các ông bố bà mẹ chúng ta đang có con thuộc độ tuổi này, chắc chắn có người
nhớ hồi nhỏ có trò chơi đi trên đỉnh tường. Mình có mấy anh bạn táo tợn, bạo dạn
hơn, trèo lên và đi thoăn thoắt trên đỉnh một bức tường rào, rồi nhìn các bạn
còn lại, trong đó có mình một cách khinh khi: “Hèn thế, không dám làm à?” Có lần
mình trả lời một anh bạn trong số “táo tợn” đó: “Những trò đó là nguy hiểm
không cần thiết, tớ không sợ độ cao, vẫn trèo lên gác thượng những tòa nhà rất
cao để thả diều. Nếu để rèn sự khéo léo, có thể xếp vài hàng gạch để đi lên
trên, cũng được.” Bây giờ nhìn lại rất nhiều cám dỗ của cuộc đời, mình đều đủ
dũng cảm vượt qua, còn hầu hết những anh bạn đó, người tù tội, người nghiện ngập…
Rõ ràng, “táo tợn” hoàn toàn không phải là “dũng cảm.” Dũng cảm còn là phải biết
suy tính, không cần thiết phải tự mình đi tìm rắc rối.
Quay lại với “tiết mục” dẫm mảnh
chai, ngoài việc làm rõ được cơ sở khoa học vật lý của nó – nếu con mình cũng ở
trong số đó, mình sẽ không ngăn cản cháu tham gia, nhưng mình sẽ cố gắng làm
cho con thật hiểu rằng, nếu con lựa chọn không đi lên thủy tinh, điều đó hoàn
toàn không nói lên rằng con là người thiếu dũng cảm, hay không tự tin… con có
thể tự suy nghĩ, nếu con đủ tự tin để đối mặt với khó khăn, hay dũng cảm đi một
mình, trong bóng tối… thì đi trên thủy tinh với con, là có còn cần thiết hay
không. Chắc chắn với cách nhìn nhận của gia đình mình, đây cũng lại sẽ là một cơ
hội để trao đổi với con, trước mắt là về việc nhìn nhận làm một việc có cần thiết
hay không cần thiết, nếu không cần, không làm, đó cũng là dũng cảm.
Mình có cảm giác rằng, trước
đây và cả bây giờ nền giáo dục quốc dân của chúng ta thiếu hẳn đi mảng kỹ năng
sống, kỹ năng mềm… thì nay, mảng này được xã hội hóa và người ta đang ồ ạt du
nhập đủ các thứ, và nhiều khả năng là rất nhiều những “thứ” đó là cực kỳ thiếu
chọn lọc và không cần thiết. Điều đó cũng cho thấy một thiếu sót từ phía những
ông bố bà mẹ chúng ta, là quan tâm đến con bằng cách thay vì tự mình hướng dẫn
con, thì phó mặc cho nhà trường và nay có thêm các công ty, các trung tâm… mà
không cần biết phương pháp và nội dung đào tạo của họ ra sao…
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook
tại đây
No comments:
Post a Comment