Thế là lại đến một mùa Vu Lan,
mùa người ta thường gọi là “xá tội vong nhân,” hay dân gian thì gọi tháng Bảy
Âm lịch là “tháng cô hồn.” Một buổi sáng ra chỗ xe bus trường đón, bạn Bôn Ba
Nhi Bá tròn mắt, chỉ cho ba cậu ta và thốt lên:
“Ba ơi, có tờ một trăm đô-la
rơi dưới đất kìa!” Ba cậu ta phì cười. “Con lại gần, nhìn thật kỹ xem nó như thế
nào nào!” Cậu ta đi đến nơi, cúi xuống ngó và nói: “Trông như thật!” “Thế không
phải là thật hả con?” “Không ba ạ! Tại sao lại có cái tờ đô-la như thế ba nhỉ?”
À, đó là tờ đô-la giả, gọi là
“vàng mã” người ta in ra để đến ngày giỗ, ngày Rằm, Mùng Một, hay tháng Bảy Âm
lịch “xá tội vong nhân,” mọi người mua về, thắp hương, cúng lễ rồi đem đốt đi.
Người ta cho rằng, đốt những thứ đó thì người được cúng, tức là người chết rồi ấy
mà, sẽ nhận được tiền đó để tiêu pha ở dưới… Âm Phủ. Đây là tờ đô-la thì người
ta không in, chứ tờ tiền theo kiểu ngày xưa, người ta còn in “Địa Phủ Ngân
Hàng” – ngân hàng là nơi phát hành ra tiền ấy mà; buồn cười lắm con ạ. Ngoài tiền
vàng mã, người ta còn làm cả đồ vàng mã nữa: quần áo đầy đủ - ra chợ mua con sẽ
thấy người bán hỏi: “Bác mua bộ cụ ông hay bộ cụ bà?” Bộ cụ ông, là bộ com-lê
có cả mũ phớt và ba-toong (gậy chống), có bộ có cả tẩu hút thuốc. Bộ cụ bà, áo
dài, có cả vòng đeo cổ đeo tay vàng chóe, có cả bộ đồ ăn trầu nữa… rất thú vị.
Anh họ của ba, làm kiểm lâm, bị cảm sau khi uống rượu chết đột tử, người nhà
mua đủ thứ để đốt theo, trong đó có cả… súng lục. Ý là để bác ấy, lúc sống được
trang bị súng để công tác, nay xuống Âm Phủ có súng để công tác tiếp. Ngoài cửa
hàng người ta còn bán cả nhà cửa, xe máy “ét-hát”, ô tô… thậm chí cả người giúp
việc nữa. Tất cả làm bằng giấy hết. Việc cúng xong, rồi đem những đồ đó đi đốt,
thì gọi là “hóa vàng” con ạ.
“Tại sao người ta lại làm đầy
đủ các thứ như thế hả ba?” “Vì người ta thường nói câu “Trần sao, âm vậy!”, trần
là trần thế, chỗ chúng ta đang sống. Âm là cõi âm, hay âm phủ… chỗ của những
người chết.” “Có thật thế không hả ba?” “Thực ra, với hầu hết những người bình
thường như chúng ta, làm sao mà nhìn thấy những cảnh đó (như Âm phủ) được hả
con? Cứ coi như là có thật đi, thì Âm phủ là chỗ của Diêm Vương cai quản, người
mà chết lộn cổ xuống đó thì theo truyền thuyết, Diêm Vương hạch tội cho ốm người,
nào, chú trả lời tui xem, trên trần thế, chú từng này lần nói dối, từng này lần
ăn trộm, từng này lần chửi người khác… Đấy, con thử nghĩ, đã phải chịu tội rồi
thì thời gian đâu ra mà tiêu tiền, ở nhà lầu, phóng xe máy “ét-hát” hay ngồi
Lexus, lại còn có cả người hầu người hạ nữa… súng lục mang xuống đó bắn ai? Lại
có người bao biện, bảo là đã phải chịu tội, nên gửi tiền xuống để “lo lót” cho
quỷ sứ, đao phủ thi hành án cho nhẹ tay – tội càng chồng lên tội, xuống đến Âm
phủ rồi còn tính chuyện phạm thêm tội… đút lót, đưa hối lộ. Còn nếu như người
đã mất rồi, lại được ở một chỗ nào đó khác tốt đẹp…” “Thiên Đường ấy hả ba?” “Đại
loại vậy, chúng ta không biết rõ nên cần giả định là một chỗ nào đó khác tốt đẹp
hơn, thì chắc gì chỗ đó đã dùng tiền để tiêu? Và nếu chỗ đó tốt đẹp hơn chỗ
chúng ta, thì đáng nhẽ ra họ ở “trên đó” phải đốt tiền cho chúng ta tiêu chứ,
sao chờ chúng ta đốt cho họ? Đó là những chuyện mê tín.” “Thế người chết rồi
thì đi đâu hả ba?” “Câu hỏi này khó trả lời cho con vào thời điểm này, vì nếu
ba tả cho con là những người đã chết sống trong những cõi đẹp đẽ như Thiên
Đàng, hay sa vào những cõi đau khổ như Địa ngục thì đều mang màu sắc huyền bí,
dễ bị cho là mê tín dị đoan. Cũng không ai có thể khẳng định được ngay lập tức,
rằng sau khi chết đi thì kiếp sống của con người sẽ chấm dứt… ý nghĩa của ngày
lễ Vu Lan để tưởng nhớ cha mẹ, ông bà đã mất; của “Xá tội vong nhân” là cầu
nguyện cho những linh hồn của những người bị sa vào chốn đau khổ như Địa ngục
được nhanh thoát khỏi đó – đó là truyền thuyết kể lại vậy, nhưng đã thành truyền
thống tốt đẹp của dân tộc thì ta cứ giữ và trân trọng, còn những yếu tố mê tín
như đốt vàng mã, thì nên bỏ. Đốt vàng mã tốn kém, lãng phí và hại cả môi trường
nữa con ạ.”
“Thế thì bây giờ không đốt
vàng mã nữa hả ba?” “Đúng rồi con, chúng ta mua hoa, mua quả, thắp hương tưởng
nhớ người đã mất, như ông bà, ba mẹ vẫn đang làm, nhớ đến công ơn cha mẹ sinh
mình ra trên cuộc đời này, và làm thật nhiều việc thiện là cách báo đáp công ơn
tốt nhất con ạ…”
Con trai rất ngoan, các suy
nghĩ của con nhìn cuộc đời rất trong sáng và yêu quý mọi người, yêu quý cuộc đời…
Ba chắc chắn con sẽ không làm điều xấu và ngày càng làm được nhiều việc tốt.
Các cụ, ông bà của con dù đã mất, nhưng chắc chắn sẽ vui khi nhìn ba con mình,
cùng làm thật nhiều việc tốt, và trước mắt, cứ là suy nghĩ tốt cái đã.
(Ảnh trong bài do Người lang thang cuối cùng chụp bằng máy ảnh phim)
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment