Ngày giỗ bà nội, ba mẹ và hai
bạn chở nhau sang nhà ông nội thắp hương, làm giỗ. Cả nhà chú của Nhi Bá cũng vậy,
chú và cô chở theo em Bob, em bé trai rất xinh xắn, đẹp trai giống bố và giống
cả bác của nó nữa, hì hì…
Anh em nhà Nhi Bá, Nhi Bôn rất
yêu em Bob. Mỗi lần được sang nhà em chơi hoặc em sang chơi, là cứ nhộn nhạo cả
lên. Ba và chú đang bầy biện bàn thờ bà nội chuẩn bị thắp hương, thì Nhi Bá cứ
ngó lên ngó xuống, hóa ra cậu đã quan tâm đến trên tay của chú có thêm mấy hình
xăm mới. Cậu ta nhịn không nổi, hỏi: “Chú ơi, xăm là tốt hay không tốt hả chú?”
He he, chú là chưa “có võ” khi
nói chuyện với cái anh chàng hay lý sự này – định sa đà vào lý sự lại với nó, bắt
đầu trình bày từ khâu “trồng dâu nuôi tằm” đến “con tằm nhả ra tơ…” Nó thì nó cứ
hỏi tập trung vào vấn đề: Tốt – hay không tốt? Thế là chú lại lý luận với nó,
nhì nhà nhì nhằng… Rồi nó còn dám kết luận: “Không tốt, vì có thể ảnh hưởng đến
em bé!” Chú thì “Chẳng có gì là không tốt cả!!!” – hì hì, chú em, với anh chàng
này là phải nói chuyện… triết học. Ba đứng ngoài cuộc, buồn cười quá nhưng cứ
phải cố nhịn, chen vào: “Việc này Nhi Bá hỏi lâu rồi cơ mà, con quên rồi. Thôi
bây giờ tập trung vào thắp hương, rồi đi ăn cơm, lúc khác ba nhắc lại cho con…”
Hôm sau đi học, trên đường đưa
Nhi Bá ra xe, ba nhắc lại với anh chàng, chuyện đã nói cách đây nửa năm rồi… thế
này nhé, ngày xưa người Việt cổ có tục xăm mình – vì nước ta ở vùng nhiều sông
ngòi, hồ ao… người ta sống nghề chài lưới, săn bắt cá, mò ngọc trai… và nhiều
nơi tự coi mình là con của Giao long, thường lặn xuống nước và nghĩ là sẽ phải
đối mặt với nhiều thuồng luồng thủy quái.
Ba đọc cho Nhi Bá nghe một đoạn
trong “Lĩnh Nam Chích Quái” (Truyện họ Hồng Bàng) “Lúc ấy, dân sống ở ven rừng,
xuống nước thường bị giống giao long làm hại, bèn nói với vua. Vua nói rằng:
“Giống sơn man và giống thủy tộc khác nhau, nên xâm phạm lẫn nhau”. Bèn khiến
người đời lấy mực xăm vào mình theo hình loài thủy tộc. Từ đó, dân không bị họa
giao long làm hại nữa. Tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đó.”
Thời ba bé bằng con bây giờ,
người có hình xăm chủ yếu là các chú bộ đội mới trải qua cuộc chiến tranh khủng
khiếp của dân tộc, họ bước vào cuộc chiến mà chưa chắc có về được hay không và
giữa các trận đánh, có thời gian họ xăm lên mình cho nhau. Hình xăm thường là
khẩu súng AK-47, những câu nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người yêu, và ba đã đọc nhiều
câu nhớ Hà Nội. Con thử tưởng tượng, những người trai trẻ, chỉ hơn con có tám
chín, mười tuổi thôi, họ đang tuổi ăn, học hành, yêu nhau… nhưng họ phải đi
đánh trận. Và thế là trên người họ có những hình xăm.
Có những người khác nữa hay có
hình xăm, đó là những người đã trải quan thời gian tù tội. Trong tù thì có quá
nhiều thời gian rỗi rãi, nên họ cũng có thể xăm cho nhau. Những hình xăm trên
người họ cũng có những nội dung khác, thường là về cuộc đời giông bão của họ,
những cuộc thanh toán giang hồ, những câu thù hận cuộc đời xô đẩy họ đến bước
đường cùng… và không thiếu những câu quyết từ bỏ con đường lầm lạc mà làm lại
cuộc đời.
Chính vì thế mà từ thời ba còn
nhỏ đến gần đây, xã hội giữ cái nhìn không mấy thiện cảm với những người có
hình xăm – vì các chú bộ đội về thì không xăm nhiều, nhưng những người ra tù
thì xăm nhiều lắm, và nhiều người trong số họ chưa hoàn lương được, vẫn tiếp tục
con đường đó. Lại chục năm trở lại đây, cách xăm mình có khác – thiết bị tốt
hơn, hiện đại hơn, và trình độ cũng cao hơn, nên hình xăm đẹp hơn nhiều. Do đó,
bây giờ người ta xăm mình có tính chất trang trí, và rất đẹp. Không chỉ con
trai, mà bây giờ con gái cũng xăm nữa, đẹp lắm, chứ không xấu xí thô thiển như
những người tù xăm cho nhau đâu con à.
“Thế nghĩa là, bây giờ xăm
mình là tốt hay xấu hả ba?” “Cái gì cũng có hai mặt của nó. Như ba đã nói, thời
của ba thì phần lớn những người có hình xăm nhiều, nhằng nhịt là những tay
giang hồ, hành những nghề không tốt nên xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm với
họ. Còn mặt không tốt của việc xăm, là vệ sinh. Gần những tất cả những việc đụng
đến cơ thể, trừ nhỏ xíu như đứt tay hay cảm mạo, còn thì phải đến các cơ sở y tế.
Xăm mình cũng có khả năng lây nhiễm những bệnh nguy hiểm…” “À bệnh AIDS phải
không ba?” “Đúng đấy con ạ, những bệnh đó nguy hiểm lắm, có thể kể thêm như bệnh
viêm gan B nữa, nên có xăm cũng phải chọn được chỗ nào mà người ta có ý thức giữ
vệ sinh cho khách hàng. Ba kể cho con nghe một điều này nữa, là có thời kỳ những
người nhập cảnh vào nước Đức, cứ có hình xăm trên cơ thể là bị từ chối. Không
phải họ kỳ thị xăm mình, vì người Đức tự do, có mà xăm nhiều hơn ta. Hồi đó có “phong
trào” người Việt Nam kéo nhau sang các nước Châu Âu kiếm sống, mà rất nhiều
trong số đó là những người thuộc diện thứ hai, diện giang hồ ba nói trên đây,
kéo nhau sang đó làm những việc không tốt, loạn cả xã hội của họ lên. Thế là họ
sàng lọc ngay bằng cách là cứ hình xăm, họ gạt ra. Lại nữa, hiện nay có nhiều
công việc ngay Nhà nước mình quy định không tuyển dụng người có hình xăm, ba
không nhớ chính xác lắm nhưng đó là những nghề công an, bộ đội, ngoại giao thì
phải… đó xăm không còn là việc xấu, nhưng đã xác định xăm lên người, thì sẽ phải
có những thiệt thòi như thế và chấp nhận điều đó.”
“Có dịch vụ xăm mình, thì có dịch
vụ xóa hình xăm.” “Xóa được hả ba?” “Xóa được, nhưng rất đắt, đến bệnh viện và
họ tính tiền bằng xăng-ti-mét vuông. Xăm hết mấy trăm nghìn nhưng xóa mất mấy
chục triệu và không bao giờ hết sạch được cả, lại rất đau
nữa. Đó cũng là lý do tại sao ba thấy xăm lên người thì đẹp, như ba xem
phim, ảnh… những chú diễn viên đẹp trai, lại có hình xăm đẹp ở bắp vai chẳng hạn,
rất hấp dẫn và nam tính. Nhưng ba không thích những cái gì không thay đổi được,
hoặc có thay đổi được nhưng khó khăn như phải đi xóa xăm như thế. Hơn nữa, ba vốn
là người không quá chuộng hình thức, là nhìn người khác thấy đẹp vậy thôi, chứ
ba không quan tâm đến những chuyện mang tính chất trang trí đó cho lắm. Con thấy
không, ba làm việc, đọc sách, nghe nhạc, chơi thể thao… đã hết thời gian rồi
còn gì.”
Việc con nói với chú, là do
con rất ngoan, quan tâm đến em Bob… và con cho rằng em “bị ảnh hưởng,” do là
con nghĩ việc xăm lên người là không tốt, thì mới có chuyện “ảnh hưởng” chứ,
còn nếu mà cho rằng việc đó hoàn toàn không xấu thì có gì mà lo… Nhi Bá cười, rất
ngoan. Anh chàng này bắt đầu có chính kiến, ra trò rồi đấy.
À mà con này, người Trung Quốc
gọi Tổ quốc của họ là “Quốc,” người Anh gọi đất nước của họ là “land” (đất,)
người Nga là “zemlia” cũng là đất. Có mỗi Việt Nam mình gọi nơi dân tộc sinh sống
là “nước” – hay chưa? Con cháu rồng tiên, sống xung quanh toàn là nước lênh
láng, mới xăm mình vẩy rồng, giao long… và mới có những truyền thuyết “Sơn
Tinh, Thủy Tinh…”
Tham gia thảo luận trên Facebook
tại đây
No comments:
Post a Comment