Đèo Gió, Bắc Kạn Chiều cuối năm 2013 Nikon D800, AF-S 16-35 f/4G |
Nửa năm nay không lên núi, nhớ
núi quá. Tuần trước nhìn tấm ảnh một người bạn post lên Facebook, con đường nho
nhỏ đi vào xóm, ngôi nhà dưới chân quả núi thâm thấp với cái cây đa cổ thụ, thấy
xốn xang.
Nhớ những chiều cuối năm vẫn
đi “Tết” anh em cán bộ vùng cao, chào hỏi chúc nhau ăn một cái Tết vui vẻ để ra
Giêng lại gặp nhau. Cuối năm trên vùng cao không được ồn ào náo nhiệt như thành
phố, người dân từ từ chuẩn bị, có những món như thịt muối cho vào chum thì còn
làm trước Tết đến mấy tháng.
Người đánh cá trên thuyền độc mộc Hồ Ba Bể, 2006 Nikon F100, Kodak ProImage |
Đi từ huyện này sang huyện
khác, con đường cứ ngoằn ngoèo lúc lên, lúc xuống… hai bên cây cối, chỗ thì
taluy âm đột nhiên trống trắng hẳn ra mở cho ta một tầm mắt rộng lớn xuống cái
thung lũng, những ô ruộng đang mùa bừa ải, chỗ thì ánh lên màu nước, chỗ thì ngầu
bùn… những nếp nhà nổi lên trên một gò đất ở giữa đồng, bao giờ cũng rất giống
một cái ốc đảo, mái rạ ló ra giữa một màu xanh cây lá.
Miền Bắc mình có một mùa lạnh
rất cảm xúc, mà các bạn trong Nam cứ đến cuối năm đông đến, hoặc đầu năm xuân về;
lại ra hưởng cái lạnh xứ Bắc. Đây đó vẫn gặp các bạn đi chơi, mang theo giọng
nói phương Nam ấm áp, như chia sẻ cho miền Bắc chút nắng. Giữa trưa nắng vùng
núi bừng lên, các bạn thấy nóng như ở nhà, đó, miền núi đó, bốn mùa trong một
ngày. Chỉ tí nữa thôi, người ta thường tả “khi mặt trời gác núi,” ánh nắng cuối
ngày sẽ tô hồng lên một đường ven trên dãy núi có đỉnh cao nhất Phia Bjooc kia,
những cây cỏ trên đó cũng sáng lên rồi dần sẫm lại, nhường chỗ cho một mầu tím
kỳ ảo, rồi chuyển sang tối đen. Mỗi buổi tối ra cửa sổ, nhìn lên rặng núi thấy
nó cao to, kỳ bí một cách lạ thường trong bóng tối, chứ không còn vẻ thân thuộc
của ban ngày nữa.
Một ông già người Tày đi lấy củi Bắc Kạn 2006 Nikon F100, Kodak ProImage |
Lục tìm xem còn đồ “mồi” hay
chai rượu nào không, tay xách đồ, tay cầm đèn pin mò từ trung tâm thị trấn đi
vào xóm, đến nhà ông bác quen người dân tộc, chỉ đi tìm một câu chuyện tối
khuya. Nhà đồng bào bây giờ không còn đi ngủ sớm như trước, vì còn ngồi xem
tivi, hôm thì xem đĩa DVD Thúy Nga Paris hoặc Quang Linh… Ông chủ nhà lọ mọ bước
xuống bậc sàn – nhà sàn người Tày thường có cái hàng hiên cùng cốt với mặt sàn,
rồi từ đó giật thấp thêm một cấp thành cái ô vuông, lại giật thêm một cấp nữa một
ô vuông nhỏ hơn, trong đó lót tấm đá to khuân ngoài suối về, xung quanh cái “hố”
đó cũng xếp đá, và họ đốt lửa trong đó. Cao hơn mặt sàn ở phía sau, là một hành
lang cao, giống như một cái phản, hay cái bục, chạy hết mặt sau ngôi nhà. Nếu
vào mùa hè, cửa phía sau sẽ được mở thì ngồi đó thật thú vị, vì thường là nó
nhìn ra sau đồi. Hai bên chái nhà là các buồng riêng… Ông chủ nhà bước xuống,
thổi lửa. Như ở xuôi, lửa cháy bé tí không lên ngọn quê ta gọi là “đống rấm” đấy
– người ta vẫn giữ lửa cả đêm bằng cách đó, dù bây giờ bật lửa ga bán đầy. Ông
lấy ít thịt khô, mình nướng con mực, rồi ngồi chuyện trò đến tận khuya. Rủ ông ấy
uống rượu nghe chuyện săn chuyện bắn là chính, chứ mình uống được bao nhiêu
đâu.
Chỉ những năm 1980 thôi, đi xe
khách từ Thái Nguyên lên thị xã Bắc Kạn mất 8 tiếng đồng hồ, rồi lại bắt xe đi
tiếp mất khoảng tương đương như thế mới về đến chỗ nhà ông ấy bây giờ. Trâu bò,
lợn còn nuôi dưới gầm sàn, phải quây kín không thì hổ mò vào bắt. Sáng hôm sau
phải tổ chức truy đuổi may ra còn lôi lại được nửa con trâu nó chưa kịp ăn hết.
Con hổ bé con con thế, chỉ khoảng 1 tạ chứ mấy, mà đến khoẻ, nó vác được con
trâu nặng gấp 3 lần nó…
Năm nào cũng hẹn lên ăn Tết Đắp Nọi (Tết của người Tày ăn vào 30 tháng Giêng) mà chẳng năm nào lên được.
Cuối năm đi thăm bản người
Thái, thấy nhớ núi, nhớ “đống rấm” của ông già người Tày quá…
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment