Ngay trước thời điểm Tòa Trọng
tài quốc tế (PCA) chuẩn bị ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc
đã áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS 1982 ở Biển Đông vào ngày 12/7
tới, Biển Đông lại dậy sóng cả về nghĩa đen.
Những hành động có thể nói là
quyết liệt của Indonesia bắn vào tàu cá của Trung Quốc trước hết làm giới cầm
quyền Trung Quốc hết sức giận dữ, Bắc Kinh gửi công hàm phản đối mạnh mẽ đến
Jakarta. Dư luận trong nước cũng sôi sục, họ coi đó là một “cái tát của nước nhỏ
vào mặt nước lớn.”
Tư tưởng phổ biến trong nước về vị thế nước lớn
Đây không phải là cách hành xử
hiếm gặp của “cư dân mạng” Trung Quốc mà trong một số năm gần đây, thái độ này
đã trở thành phổ biến. Người viết từ khoảng 15 năm trước đi học ở Trung Quốc
cho đến nay nhiều lần quay lại, chứng kiến có một “làn sóng” mới trong tuyên
truyền nhận thức giới trẻ Trung Quốc về vị thế mới của đất nước. Truyền hình từ
trung ương đến các tỉnh, liên miên phát phim về thời kỳ chống Nhật, và song
song với đó là thái độ thù địch với người Nhật, đất nước Nhật Bản không hề giảm
sút mà ngày một tăng lên.
Để đối phó với những vấn đề đối
nội (kinh tế phát triển chậm lại, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, môi trường bị
tàn phá…), một mặt Trung Quốc dùng chiến lược “gây rối” ra bên ngoài, trước hết
chưa vươn xa được ra “vùng nước xanh” thì quậy phá ở những vùng biển ở gần như
Đông Hải (với Nhật Bản là chủ yếu, ví dụ như liên quan đến tranh chấp quần đảo
Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hay Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải.
Trên các vùng biển đã kể trên,
Trung Quốc có những hoạt động cả về mặt chủ quyền (công bố yêu sách đường lưỡi
bò, chiếm đảo, tu bổ tôn tạo các “đá” lúc nổi lúc chìm…) và cả quyền chủ quyền
(tiến hành các hoạt động chấp pháp nhưng phi pháp ở khu vực thuộc chủ quyền nước
khác) và đặc biệt là khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản… trên vùng biển thuộc
vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.
Về tư tưởng, họ tiếp tục nhồi
nhét vào đầu nhân dân, đặc biệt là giới trẻ cái gọi là “Tư duy từ vị thế nước lớn”
và khơi dậy lòng yêu nước gần như mù quáng.
Vấn đề là Trung Quốc đang vi
phạm một loạt những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Trong công pháp quốc
tế, quan hệ giữa các quốc gia, chủ thể cơ bản của pháp luật quốc tế là bình đẳng,
không bị bất cứ một quốc gia nào khác chèn ép khi tham gia giải quyết các vấn đề
có liên quan. Các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền của nhau, tôn trọng
sự toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập của mỗi quốc gia khác.
Hành động của Trung Quốc ở Biển
Đông, đã là thường xuyên và trở nên mang tính truyền thống, đó là đưa ra yêu
sách về lãnh hải, tiến hành các hoạt động thực tế, gây ra tranh chấp rồi lại
lôi nước có liên quan vào bàn đàm phán… Đương nhiên việc đàm phán từ vị thế của
Trung Quốc là của một đối tác ngang ngược chứ không biết điều, do đó thường thì
đàm phán không bao giờ đi đến đâu cả. Thập kỷ trước, “gác lại tranh chấp, cùng
nhau khai thác” là mục tiêu thắng lợi của Trung Quốc; nhưng ngày nay thì phải
là chiếm hữu thực tế.
Chính vì vậy mà họ đã vi phạm
nguyên tắc thứ hai của pháp luật quốc tế là “không dùng vũ lực và đe dọa dùng
vũ lực trong quan hệ quốc tế.” Ở Biển Đông, với số lượng đông đảo các tàu chấp
pháp như Hải cảnh, kiểm ngư… sẵn sàng từ nhẹ là phun vòi rồng đến đâm hỏng tàu,
đánh đắm và thậm chí xả súng bắn giết ngư dân… Những hành động như thế này không
phải là gì khác, mà chính là đang dùng vũ lực trong khu vực rồi.
Vậy tại sao Trung Quốc lại
truyên truyền giáo dục để cả một thế hệ có nhận thức sai lầm như vậy – về lâu về
dài đây là một điều rất có hại; vì đó là việc nuôi dưỡng sự hận thù, coi thường
những thực thể cùng chung sống trong cùng một không gian sinh tồn? Một ngày nào
đó sự hận thù và coi thường đó sẽ quay lại trở thành nhân tố gây bất ổn xã hội.
Không có nước nào là lớn hay nhỏ trong quan hệ quốc tế
Để đáp lại những hành xử của
Trung Quốc, Philippines chọn phương án khởi kiện ra Tòa trọng tài quốc tế. Nếu
theo dõi nội dung vụ kiện sẽ thấy nước này đã lên kế hoạch và nội dung khởi kiện
rất khôn ngoan và nhiều khả năng phán quyết của Tòa sẽ có lợi cho Philippines
mà bất lợi cho Trung Quốc.
Yêu cầu quan trọng nhất của
Philippines là đề nghị Tòa tuyên bố “đường lưỡi bò” (’cửu đoạn tuyến”) mà Trung
Quốc vẫn đưa ra yêu sách ôm trọn cả quần đảo Trường Sa, nghĩa là chiếm gần hết
Biển Đông là không có căn cứ pháp lý.
Hiện nay cái “đường lưỡi bò”
đó mới chỉ là yêu sách, mà đã là yêu sách thì nước nào cũng có thể đưa ra, miễn
là đủ độ “ngang ngược,” như Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Biển Đông là một
khu vực phức tạp, đặc biệt vùng quần đảo Trường Sa vốn có nhiều đảo, nhiều “đá”
lúc nổi lúc chìm… mà không phải quốc gia nào cũng có thể quản lý được một thời
gian liên tục. Chính vì vậy mà đây là vùng tiềm tàng tranh chấp đặc biệt với một
ông láng giềng như Trung Quốc.
Nhưng cũng chính vì cái “đường
lưỡi bò” này mới chỉ là yêu sách, mà một nước “tưởng như nhỏ” (nhưng đâu có nhỏ,
kể cả về diện tích lẫn dân số) như Indonesia đã “dám” có những hành động mạnh mẽ
để bảo vệ quyền lợi của mình. Cứ gọi đó là “cái tát” cũng được, chuyện không hề
nhỏ trong bối cảnh vụ kiện của Philippines đang đi đến hồi quyết định.
Hành động của Indonesia cho thấy,
mặc dù Trung Quốc đang là đối tác kinh tế lớn của nước này (với số vốn đầu tư rất
lớn: quý 1 năm nay Trung Quốc lần đầu tiên trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào nước
này (tính theo quý;) hiện nay số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia đang
là 464,6 triệu đôla Mỹ, đứng thứ tư trong danh sách và mục tiêu của nước này sẽ
thu hút 30 tỷ đôla Mỹ đầu tư của Trung Quốc trong năm nay) nhưng không vì thế
mà Indonesia “run tay” trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền chủ quyền
của mình.
Đây chính là minh chứng rõ nhất
cho nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia, không có nước
nào có thể tự coi mình là lớn mà hành xử ngang ngược; cũng không nên tự coi
mình là nhỏ mà tự đưa mình vào vị thế chư hầu, nhu nhược.
Bài trên “Sức khỏe & Đời sống”
tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment