Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, July 15, 2016

Đừng bắt con học để thỏa mãn niềm vui và sỹ diện của cha mẹ

Cứ đến cuối năm học, lên mạng xã hội là cứ chóng mặt lên vì đủ thể loại giấy khen, bằng khen… được các vị phụ huynh (phần nhiều là các bà mẹ) tung lên, và kèm theo đương nhiên là những lời khen, lời tung hô “có cánh” làm cho bố mẹ nở hết cả mặt mũi.

Trộm nghĩ, không biết các con của chúng ta đang học cho chúng, hay học cho bố mẹ chúng đây?

Ngày hôm nay đi họp phụ huynh, tôi mới biết con gái út vừa kết thúc lớp Một với kết quả là “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” với tất cả điểm Toán 10, Tiếng Việt (đọc, viết) đều 10, tiếng Anh cũng… 10 nốt. Trao đổi với cô giáo cũng như cảm nhận của bố mẹ với con, chúng tôi chưa bao giờ cho rằng cháu là thần đồng hay thiên tài gì đó. Mọi thứ với gia đình tôi là bình thường, vì có thể sang năm, sang năm nữa cháu sẽ không đạt được như vậy nữa.

Câu chuyện của cháu hết sức đơn giản, cháu là người được rèn thói quen học hành nghiêm túc, ngăn nắp, nghiêm cẩn. Điều này cháu được thừa hưởng ở mẹ thói quen ngăn nắp, khác với anh của cháu luôn hấp tấp, hậu đậu và hay sai sót (giống bố chăng?) Cô giáo cũng nhận xét, con gái của chúng tôi không có gì nổi bật: không đàn ca sáo nhị, không múa hát MC, cũng không học thêm học nếm gì ở ngoài…

Và tôi rất bất ngờ khi được biết rất nhiều gia đình, ngay từ khi con còn rất nhỏ, đã “đầu tư” đi học quá nhiều thứ, từ vài ca ngoại ngữ một tuần đến phụ đạo cho các môn chính khóa (thậm chí các cháu học ở những trường dân lập không có yêu cầu phụ đạo.)

Ngồi trong buổi họp phụ huynh tôi nhớ lại cách đây một năm, cháu phải trải qua một kỳ kiểm tra sàng lọc đầu vào của một trường tiểu học dân lập có tiếng của Hà Nội, và cháu… thi trượt với đúng nghĩa của từ này. Nói ra thì đúng là “xấu tính” nhưng tôi cũng có một chút, mong cháu thi trượt. Nếu cháu không đạt, cháu sẽ đi học ở một trường công đúng tuyến, như mọi người gọi là “trường làng.” Môi trường ở đó sẽ có ít những gia đình thành đạt về vật chất hơn, “bình dân” hơn và cũng ít những hiện tượng bon chen thành tích hơn.

Bất ngờ là cháu lại được “đỗ vớt” – nhà trường có chính sách tuyển các cháu đã có anh chị học ở trường, và do cháu có anh trai lên lớp Năm, cháu “được” nhận vào học. Ngày đi nộp hồ sơ cho cháu, chứng kiến bà giáo già chánh văn phòng trường ngồi tiếp hàng chục cuộc điện thoại mà vừa ngao ngán, lại vừa tâm đắc với giải thích của bà.

“Dạ chào chị. Vâng, văn phòng trường Đ. đây ạ. Dạ không, kỳ kiểm tra này không có chính sách phúc tra chị ạ. Vì do số lượng đơn quá nhiều vượt quá khả năng của trường, nên chúng tôi phải tổ chức sàng lọc. Kiểm tra như vậy, con chị không được tuyển không có nghĩa là cháu học kém hơn các bạn khác, và các bạn được tuyển cũng không có nghĩa là học giỏi hơn con chị. Cháu đi học trường khác vẫn có thể học giỏi được như bình thường chị ạ, chị cứ yên tâm là như thế. Xin nhắc lại là cuộc kiểm tra này không nói lên điều gì cả.”

Tôi nghe bà giáo nói, thấy thật thuyết phục nhưng dù nghe một bên nói như vậy, cũng có thể cảm nhận được sự thất vọng rất lớn ở đầu dây bên kia.

Nhưng nghe như vậy thì chúng ta cũng hiểu rằng, trường của các con, không hẳn là một cái gì đó quá ghê gớm, ngay từ lúc tuyển chọn đầu vào cho lớp Một. Cháu được tuyển với kết quả xuất sắc, hay “bị” trượt, hoàn toàn không ảnh hưởng đến quá trình học tập của cháu, hay nói cách khác chẳng nói lên điều gì cả.

Nhưng vẫn có những ông bố bà mẹ khoe rằng “con thi vào lớp Một trường Đ. xuất sắc, không phải nhờ vả xin xỏ gì ai.” Còn tôi thì lại mừng vì khi con đi kiểm tra về, hỏi con thi như thế nào, thì cô bé rất thẳng thắn trả lời: Câu này, câu này, câu này… còn làm được, dễ. Nhưng câu này, câu này… còn chưa học, chưa ai dạy con cả, con không làm được. Con nói với cô giáo hỏi con ấy, là những cái đó con chưa học, nên con không làm, không trả lời.

Cái “được” của tôi, là con gái dám sống thật với bản thân, thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào “sự thật phũ phàng.” Và kỳ thực, cháu thi trượt!

Và suốt năm học, cháu học như chơi, mỗi ngày chắc chỉ nhiều nhất nửa giờ đồng hồ. Bí quyết duy nhất của cháu, là cẩn thận, không sai sót, không phạm lỗi, biết kiểm tra để sửa chữa… ngoài lúc học bài, cháu làm đủ các thứ cháu say mê, như vẽ vời, xem hoạt hình, chơi búp bê, đồ hàng… Hôm nay họp phụ huynh nghe về một trường hợp cháu trai giống hệt con gái tôi: vào lớp Một không được học trước cái gì hết, nhưng luôn bình tĩnh, cẩn thận… và kết quả của cháu cũng xuất sắc như thế.

Nhớ đợt chuẩn bị thi hết học kỳ 1, nhiều bà mẹ trẻ chia sẻ trên mạng nỗi sợ hãi, ám ảnh con thi trượt… học kỳ. “Mẹ con em học đến 12 giờ đêm chưa xong bài bác ạ…” Và họ còn hoảng hơn khi biết con gái tôi vẫn chỉ học có nửa giờ và đã đi ngủ từ lâu rồi. Đành phải động viên là “Cô yên tâm, nguyên tắc học là khó nhất, xong đến kiểm tra và thi là dễ nhất ở tất cả các cấp học. Cho thi thật khó “giết” các cháu làm gì?” Lúc đó họ mới… hồi tỉnh.

Điều tôi cảm thấy tốt hơn cho các con chúng ta, là các cháu có cách ứng xử bình tĩnh, tự tin, hòa đồng và thân thiện, biết yêu mọi người và môi trường sống, thái độ trách nhiệm với mọi thứ xung quanh… chứ không phải là cần một kết quả học tập xuất sắc.


Con đường của các cháu đi sau này sẽ rất đa dạng, không nhất thiết phải đúng như bố mẹ vạch sẵn; vì suy cho cùng bố mẹ chúng ta không đi hộ chúng ta con đường đời thì không có lý do gì lại định đi hộ các con chúng ta cả.

Và điều quan trọng, là ai cũng chỉ có mười mấy năm ngồi trên ghế nhà trường, hãy làm thế nào để con cái chúng ta hạnh phúc với quãng đời đó, đừng để những kỳ vọng nọ kia của bố mẹ biến cuộc sống của con đầy những áp lực triền miên.

Chia sẻ niềm vui vì thành tích của con là điều tốt, nhưng hãy thận trọng vì những tung hô, xưng tụng… như một thứ ma túy. Rồi chúng ta sẽ quen, “đã là con anh A, chị B là phải học giỏi, là phải đỗ trường này, học bổng trường khác…” và không như thế thì không được, cháu không được phép đi chệch khỏi quỹ đạo của bố mẹ vạch sẵn.

Hãy để cho các con học vì tương lai và sống cuộc đời của chính các cháu, chứ không phải học chỉ vì sự thỏa mãn niềm vui và sỹ diện của cha mẹ. 

Bài trên Giáo dục Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment