Gần đây dư luận đã mất quá nhiều
giấy mực và công sức bàn cãi trên các diễn đàn xuất phát từ những phát biểu của
Nga xung quanh lập trường của nước này về những tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt
là ở thời điểm “Vụ kiện Biển Đông” của Philippines ra Tòa Trọng tài Thường trực
(PCA) chuẩn bị đưa ra phán quyết.
Bắt đầu từ những phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov “phản đối quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông” và
“phản đối sự tham gia của bên thứ ba vào giải quyết tranh chấp Biển Đông” ngày
12/4 và 29/4. Tiếp đến là phát biểu "nhắc lại cho rõ" lập trường của
Nga ở Biển Đông của người đại diện chính thức Bộ ngoại giao Nga, bà Maria
Zakharova.
Những phát biểu như vậy trong
lúc tình hình Biển Đông “dậy sóng” chủ yếu bởi vì Trung Quốc leo thang quân sự
hóa, phiêu lưu bành trướng một cách ngang ngược. Trong khi một nước nhỏ như
Philippines lại đi đầu trong việc phá đường lưỡi bò phi pháp bằng con đường
pháp lý, vụ kiện Trung Quốc lên PCA chuẩn bị đi đến hồi kết, thì dư luận trong
các nước liên quan, kể cả ở Việt Nam không thể không “dậy sóng.”
Mới đây nhất, ngày 30/6 trên
trang Sputnik của Nga có bài báo của nhà báo Alexei Syunnerberg “Sự thật về lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông” phỏng vấn Đại sứ Nga tại Việt
Nam ngài Konstantin Vnukov, cố gắng làm rõ quan điểm của nước này.
Bài báo nhìn nhận lý do phải
"nói cho rõ" lần thứ 3 là vì: “Trước
thềm Tòa án Trọng tài quốc tế ở Hague ra phán quyết vụ kiện Biển Đông của
Philippines vào ngày 12 tháng 7, các phương tiện truyền thông của một số quốc
gia cố tình xuyên tạc quan điểm của Nga về vấn đề Biển Đông.”
Ông K.Vnukov khẳng định quan
điểm của Nga không phải là nước đôi mà giữ một lập trường rõ ràng về tranh chấp
Biển Đông, và tất nhiên ông tái khẳng định những gì mà các quan chức ngoại giao
nước này đã nói, kể cả ở cấp cao nhất.
Rõ ràng, lập trường của Nga về
những tranh chấp Biển Đông và phương án giải quyết chúng là nhất quán, chúng ta
hoàn toàn không nghi ngờ về điều đó:
(1) Phản đối quốc tế hóa giải
quyết tranh chấp Biển Đông; (2) Tất cả các vấn đề trong khu vực được giải
quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, thông qua cuộc đàm phán
giữa các nước có tranh chấp; (3) Chống lại sự tham gia vào nó của các
bên không có liên hệ trực tiếp đến cuộc tranh chấp; (4) Kêu gọi "các
bên" bình tĩnh, chống leo thang căng thẳng, chống quân sự hóa Biển Đông.
Để tránh bị coi là “suy diễn”
hay nặng hơn là “xuyên tạc” những phát ngôn của giới ngoại giao Nga, chúng ta sẽ
không đưa ra bình luận – vì thực tế việc đó thì đã có rất nhiều ý kiến đa chiều,
mà sẽ chọn phương án đặt một vài câu hỏi cho ngài Đại sứ K.Vnukov vậy.
Thứ nhất, phải hiểu như thế nào là “quốc tế hóa giải quyết tranh chấp?”
Tranh chấp ở Biển Đông đương
nhiên là tranh chấp quốc tế rất phức tạp, trong đó nổi bật nhất là tranh chấp
chủ quyền song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, tranh
chấp chủ quyền đa phương giữa 5 nước 6 bên với quần đảo Trường Sa (2 quần đảo
được Nhà nước Việt Nam thiết lập, thực thi chủ quyền một cách hợp pháp, hòa
bình, liên tục từ khi còn là đất vô chủ), tranh chấp ứng dụng và giải thích
UNCLOS 1982.
Chúng ta đều quá rõ, những
tranh chấp ở Biển Đông không chỉ tồn tại trong vài năm vừa qua, mà ít nhất vài
chục năm. Chúng ta không bao giờ quên những sự kiện ở Gạc Ma năm 1988, khi mà
Trung Quốc bất ngờ nổ súng chiếm đảo Gạc Ma, giết hại 64 người lính công binh
Việt Nam không có vũ khí trong tay. Trước đó nữa, năm 1974 Trung Quốc xâm lược
quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Từ đó, Trung Quốc liên tục đưa ra các yêu sách
có căn cứ từ… trên trời rơi xuống, như “cửu đoạn tuyến” tuyên bố chiếm trọn gần
hết cả Biển Đông.
Tất cả đều nằm trong chiến lược
kiểm soát và xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Từ gây tranh chấp và xung đột
lẻ tẻ, bắt buộc quốc gia liên quan cùng ngồi vào bàn đàm phán. Đương nhiên với
mục đích và dã tâm của mình, Trung Quốc không bao giờ nhượng bộ khi đàm phán,
vì dù sao thì xuất phát điểm của họ cũng đã là sự ngang ngược rồi. Cũng thời
gian thập kỷ 1990 Trung Quốc thường dùng chiến thuật “gác lại tranh chấp, cùng
nhau khai thác,” đặt tranh chấp vào thế bế tắc. Trên thực tế, Trung Quốc thường
xuyên và liên tục sử dụng những hành động phi pháp thực hiện chủ quyền và quyền
chủ quyền ở vùng biển tranh chấp, luôn luôn đẩy tình hình vào “chuyện đã rồi.”
Với cách hiểu “không quốc tế
hóa” có nghĩa là chỉ thông qua đàm phán (như những nhà ngoại giao Nga nói là
“ngoại giao và chính trị”) giữa Trung Quốc với các bên liên quan song phương hoặc
đa phương mà không có bất kỳ một biện pháp nào khác.
Tình trạng đó đã diễn ra vài
chục năm, chúng ta tự đặt câu hỏi rằng chưa bao giờ tranh chấp thông qua bàn
đàm phán có thể đi đến được một giải pháp, thì các bên đang có tranh chấp với
Trung Quốc, phải làm gì đây?
Còn với cách hiểu “đã là tranh
chấp giữa ít nhất hai quốc gia thì là vấn đề của quốc tế” thì không được phép
loại trừ phương pháp giải quyết tranh chấp là “quốc tế hóa” nghĩa là mời một
bên thứ ba, chính xác là một cơ quan tài phán có thẩm quyền quốc tế tham gia.
Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng vì nó sẽ đảm bảo được các nguyên tắc của pháp
luật quốc tế như nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia, nguyên tắc không dùng
vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Thực tế những nguyên tắc của
pháp luật quốc tế thường xuyên bị vi phạm khi tranh chấp giữa một bên là nước lớn,
mạnh và bên kia là nước nhỏ, yếu. Nếu chống “quốc tế hóa” trong trường hợp này,
khả năng bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế sẽ bị đe dọa nghiêm
trọng.
Thứ hai, chúng ta sẽ băn khoăn rằng những ai là “bên không có liên hệ
trực tiếp với cuộc tranh chấp?”
Nga nói rõ lập trường của
mình, là nước này không phải là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông,
nhưng bảo vệ lợi ích của mình ở vùng này. Chúng ta hoàn toàn đồng ý với quan điểm
như vậy, Nga có quyền đứng ngoài các tranh chấp Biển Đông, nhưng Nga đang muốn
ngăn chủ thể “không có liên hệ trực tiếp” nào ở đây? Hoa Kỳ? Nhật Bản? Châu Âu
hay Úc Châu? Vậy thì vai trò của Tòa trọng tài quốc tế ở Hague sẽ như thế nào –
có bị Nga liệt vào là một “bên không liên quan hay không?”
Mặt khác, Nga thừa nhận vai
trò nền tảng của UNCLOS 1982 trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trong
UNCLOS 1982 có các nội dung quy định về giải quyết tranh chấp ứng dụng, giải
thích Công ước thông qua cơ quan tài phán quốc tế như Phụ lục VII, Phụ lục
VIII.
Như vậy, cơ quan tài phán quốc
tế xử lý tranh chấp áp dụng, giải thích Công ước là giải pháp hòa bình, hợp
pháp, là quyền lợi mặc nhiên của các thành viên UNCLOS 1982. Nga không phủ nhận
điều này thì tại sao lại nói, đàm phán là “lối thoát duy nhất?”
Người Việt Nam rất quan tâm điều
này và mong muốn được nghe lời giải thích của Nga cho rõ hơn, bởi giải quyết
tranh chấp về ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 hay các hành động vi phạm UNCLOS
1982 thông qua cơ quan tài phán không những là giải pháp hòa bình, văn minh, hợp
pháp mà còn là quyền lợi cơ bản, sát sườn của Việt Nam.
Ví dụ cụ thể như vụ Trung Quốc
cắm giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014,
trước đó là cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, mời thầu dầu khí trong vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam...
Thứ ba, vì sao các phát biểu của quan chức ngoại giao Nga cho đến nay,
nhắc lại nhiều lần về “biện pháp giải quyết tranh chấp là chính trị, ngoại
giao” và hoàn toàn, chưa bao giờ nhắc đến biện pháp pháp lý?
Bởi lẽ những phát biểu của Nga
đều được đưa ra trong thời điểm ngay trước thềm PCA ra phán quyết vụ kiện của
Philippines, còn Trung Quốc ra sức vận động lôi kéo một số nước theo họ chống lại
thẩm quyền và phán quyết hợp pháp của PCA.
Mặt khác, Biển Đông không chỉ
có tranh chấp giữa các bên yêu sách, mà còn là nơi có lợi ích và diễn ra cạnh
tranh giữa các siêu cường, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và bây giờ dường như có cả
Nga.
Trong khi sự tham gia tích cực,
xây dựng của bên thứ 3 có vai trò vô cùng quan trọng trong các sự vụ quốc tế. Bản
thân Nga cũng thường xuyên chứng minh điều này.
Ví dụ như vai trò của Nga cũng
như cạnh tranh Nga - Mỹ trong khủng hoảng Ukraine, Syria, chống IS, hạt nhân
Iran, hạt nhân Bắc Triều Tiên. “Liên hệ trực tiếp” giữa Nga, Mỹ với các sự vụ
này có khác gì “liên hệ trực tiếp” giữa Mỹ, Trung Quốc, ASEAN... đối với Biển
Đông?
Có những vấn đề cần phải có
can thiệp của Liên Hợp Quốc. Thậm chí có những vấn đề các nước lớn như Nga - Mỹ
sử dụng vũ lực để giải quyết, bởi không thể đối thoại và cũng không thể “kiện,”
ví dụ như chống khủng bố IS.
Trên Biển Đông, Trung Quốc
ngang ngược không thể đàm phán nổi, nay nếu việc nhờ bên thứ 3 là cơ quan tài
phán quốc tế, và có thể là cả Liên Hợp Quốc can thiệp nữa mà không được thì chắc
chỉ còn nước chuẩn bị cho phương án xấu nhất - đánh nhau.
Điều này Nga không mong muốn,
vậy thì giải pháp nhờ bên trung gian như cơ quan tài phán có thẩm quyền và Liên
Hợp Quốc là quá hợp lý, hợp tình và hợp pháp, Nga có phản đối không? Cụ thể hơn
nữa, Nga có phản đối vụ kiện của Philippines, thẩm quyền và phán quyết của PCA
hay không?
Vậy thì với những phát biểu
đó, vụ kiện của Philippines ra Toà trọng tài quốc tế (PCA) có căn cứ không, có
vai trò như thế nào trong quan hệ quốc tế ở khu vực Biển Đông và cả trên trường
quốc tế? Phải chăng nếu chỉ có “biện pháp chính trị và ngoại giao” thì biện
pháp pháp lý là vô giá trị?
Cuối cùng, thứ tư; chúng ta băn khoăn rằng tại sao những vụ tranh
chấp Biển Đông do Trung Quốc gây ra đã diễn ra vài chục năm nay; nhất là vụ kiện
của Philippines lên Tòa trọng tài quốc tế (PCA) được nộp đơn vào đầu năm 2013
và trước đó chắc chắn là đã có những trao qua đổi lại song phương giữa hai bên,
thậm chí có thể có vài vòng đàm phán không đạt kết quả. Như vậy sự kiện bắt đầu
ít nhất 3 năm rưỡi, nhưng tại sao giờ này, trước thềm PCA ra phán quyết, thì
các quan chức ngoại giao Nga lại liên tiếp “tung” ra các tuyên bố như vậy? Phải
nhìn nhận thẳng thắn, những tuyên bố này chắc chắn không có lợi cho các nước nhỏ
có liên quan trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp với Trung Quốc. Chỉ
Trung Quốc là có lợi.
Hóa ra, Ngài đại sứ “giải
thích rõ hơn” mặc dù rất nhất quán với những phát ngôn trước đây của quan chức
ngoại giao Nga, nhưng lại… tiếp tục mù mờ và lại tiềm tàng gây tranh cãi. Những
người Việt Nam với tư cách là công dân của một nước có liên quan trực tiếp
trong khu vực, sẽ phải hiểu thế nào đây?
Bài trên Giáo dục Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment