Hừm, biết nói thế nào nhỉ - thực
sự chẳng có cái chán nào bằng cái chán khi mà bạn phải làm một bài văn mà chẳng
có hứng thú gì, hoặc phải đọc một bài văn mà người viết ra cũng không có một
chút cảm xúc nào hết.
Cô con gái gần hết lớp Hai
cũng đã gặp vấn đề như vậy – chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ hai, cô giáo đề nghị về
làm mấy đề cho sẵn, mang đến cô sửa đi sửa lại đôi ba lần rồi về học thuộc, khi
nào đi thi thì cứ thế mà… chép ra. Cách này còn đỡ, còn thì mấy chục năm rồi,
các học trò của chúng ta cứ việc học thuộc lòng văn mẫu, chép giống y thì cũng
phải được 7, 8 điểm chứ chẳng chơi.
Thực sự, cách dạy văn ở nhà
trường Việt Nam là bắt học trò phải trở thành nhà phê bình văn học kiêm vẹt học
thuộc lòng văn mẫu, trong khi đó chính vì cái “tư duy văn mẫu” đã giết chết cảm
thụ văn học, các cảm xúc của thày cô giáo biến mất, nhường chỗ cho những “cảm
xúc” cứng đơ của ai đó bắt buộc họ phải có để nhồi lại cho học sinh.
Và thế là sự nghiệp “giải cứu
văn học” bắt đầu. Nhóm các bạn 11, 12, 13 tuổi kéo nhau đến nhà mình mỗi tuần một
buổi trong hè, để “luyên thuyên” với nhau về những truyện ngắn của Paustovky, của
Alphonse Daudet… chứ gọi là học “cảm thụ văn học” đúng là để cho “sang mồm…,”
hì hì…
Tuần này các bạn đọc câu chuyện
về một anh chàng chăn cừu xứ Provence, vùng núi Alps nước Pháp – truyện ngắn “Những
vì sao” (“Les Étoiles” của Alphonse Daudet.)
“Các cháu ạ, nhẽ ra câu chuyện
này bác định nói với bạn Bôn Ba Nhi Bá, chứ không phải nói chung với một nhóm
các bạn như thế này – nay được nói với các cháu cả nam, cả nữ, thật là điều tốt
quá… Các cháu từ năm kia đã học về giáo dục giới tính, mà bác nhớ bạn Nhi Bá về
nhà còn mắt tròn, mắt dẹt thán phục: “Có cái con, y như con nòng nọc mà bơi rất
giỏi…” đố các cháu là con gì nào?”
Các bạn cười phá lên, bạn Thư
An thì còn bẽn lẽn – làm anh chàng Nhi Bá phải thì thào: “Là con tinh trùng đấy…”
Thư An: “Cháu cũng thấy giống
con nòng nọc thật… hì hì hì”
“Đó – cái chuyện mà suốt mấy
chục năm người ta ngại ngần không nói, thời bác không được học, thì bây giờ các
bạn nhỏ được học, tốt quá còn gì. Có những điều chắc chắn phải đến với chúng
ta, càng né tránh, càng khó xoay xở và xử lý các vấn đề mà nó mang theo, còn được
học trước, tìm hiểu trước về nó, thì cuộc đời học sinh đi học của các cháu sẽ
là một quãng đời tươi đẹp và hạnh phúc. Như vấn đề tình yêu học sinh chẳng hạn –
anh bạn Nhi Bá này hắn yêu rồi đấy.”
Nhi Bá ngoác mồm cười: “Đâu,
nhưng bây giờ con thôi rồi.”
“Thì thôi rồi, chứ sao” – mình
cười. “Sang năm học mới có khi con lại thích bạn khác. Bây giờ mới chỉ ở mức
thích thôi, ai đi học mà chẳng thích một bạn khác giới nào đó.” Mình nói tiếp với
tất cả các bạn:
“Như bác, cả cuộc đời đi học
năm nào bác cũng thích một bạn gái.”
Hôm nay chỉ có 4 bạn thôi, mà ồn
ào cả lên. Thư An nhanh nhảu:
“Lớp cháu có 14 bạn trai mà tất
cả đều là 14 thằng dở hơi…”
Còn chị Thái Khanh thì kể, lớp
em cháu có đến hai mấy thằng… và tất cả đều tò mò cùng hỏi: “Thế chúng nó có dở
hơi không?” Ha ha ha…
Biết đâu, mười năm nữa các cô,
các cậu lại yêu phải một trong mấy chục thằng bé, con bé dở hơi đó đấy. Thời học
sinh là thời thú vị và hạnh phúc – khi mà ta thích cái mà người khác cho là dở
hơi và thằng dở hơi khác thì cho rằng những gì nghiêm túc ta đang có, là ngớ ngẩn
nhất đời.
“Năm học lớp Hai là năm bác hạnh
phúc nhất, được ngồi cạnh một cô bạn xinh nhất lớp – cô Thắm ấy, Nhi Bá nhớ có
lần đến chỗ cô ấy làm chơi không?”
Nhi Bá cười: “Có nhớ ạ.” Các bạn
lại tò mò:
“Thế cô ấy có xinh không?”
Nhi Bá vẫn cười cười: “Xinh lắm!”
“Cô ấy xinh và trẻ lắm các
cháu ạ. Hồi đó bác ngồi cạnh làm “đôi bạn cùng tiến” làm bài tập cùng nhau,
cùng nhặt nhạnh điểm 10 cùng nhau. Bác còn được cầm tay và áp má cô ấy nữa, hì
hì, thích cực ấy. Do đó bác là đối tượng ghen tức của tất cả các bạn trai trong
lớp. Nhưng hồi đó bác rất tự tin về vị thế của mình.”
“Ngồi cạnh phải không bác? Hay
học giỏi được điểm 10?”
“Không hẳn thế, mà do nhiều yếu
tố khác nữa, như ở lớp có bạn còn mặc quần thủng đít đi học, bạn thì đi chân đất,
bạn thì đi dép trái, có bạn thì nhem nhuốc và thò lò mũi. Không phải do nhà
giàu hay nghèo, khu đó các bạn hầu hết nhà giàu, mà do được chú ý quan tâm của
bố mẹ. Đấy, nhiều khi người ta chiến thắng trong tình yêu không phải do nhà
giàu hay nghèo, mà chỉ do biết… chăm sóc cho tình yêu, trong trường hợp của bác
là chăm tắm và không đi đất đến trường…”
Tất cả các bạn cười phá lên.
Chị Thái Khanh cười nói thêm: “Còn cần phải biết xức nước thơm X-men” he he he…
Anh chàng chăn cừu cũng thế,
câu chuyện của anh ấy không nhất thiết phải có được một “happy ending” vì không
có được sự môn đăng hộ đối như Thư An nói. Chuyện đó không quan trọng…
Anh chăn cừu là một thanh niên
rất khỏe mạnh, nghề của anh là một nghề của sự phóng khoáng, nhưng cô đơn. Anh
phải có sức khỏe để lùa cừu, để đuổi sói… Anh sống phóng khoáng với núi rừng,
nhưng lâu lâu anh mới được gặp mọi người. Anh sống bằng thực phẩm do ông bà chủ
trại gửi đến, nhưng về tình cảm, anh sống bằng tình yêu của mình dành cho cô chủ,
con gái của ông bà chủ trại.
Anh ấy như tất cả những người
trẻ tuổi mới bắt đầu yêu, yêu mà chẳng bao giờ dám nhận là mình yêu. Mỗi khi
anh ấy hỏi thăm người mang thực phẩm tiếp tế lên về tình hình nông trại, là hỏi
về ông chủ, bà chủ… nhưng thực ra, người mà anh cần hỏi thăm chính là cô chủ nhỏ,
cô tiểu thư mà anh coi như một thiên thần.
Bác kể cho các bạn nghe về núi
rừng, nơi bác đã sống và làm việc trong nhiều năm. Ở đó có những cơn lũ dữ về bất
chợt, mà chỉ nhanh chậm mươi mười lăm phút thôi, chúng ta đã có thể bịt kẹt lại
trong vài ngày. Một cơn lũ như thế đã tặng cho chàng chăn cừu của chúng ta một
món quà bất ngờ và vô giá: một đêm tuyệt đẹp bên cô tiểu thư, và quan trọng là,
đó là người mà chàng yêu tha thiết.
Các cháu để ý xem, bác đã nói
chàng chăn cừu là thanh niên, nên rất khỏe mạnh. Do khỏe mạnh, anh ấy sẽ thừa sức
lực, đặc biệt là “phần con” bên trong anh ấy, anh ấy hoàn toàn có thể chiếm đoạt
được thể xác của cô chủ.
Nhưng chàng chăn cừu lại coi
đó mà một món quà quý giá, như một con cừu non trong sáng và thánh thiện mà
trách nhiệm của chàng phải bảo vệ. Chàng chăm sóc cô gái bằng những gì tốt nhất
mà mình có, nhưng do quá sợ núi rừng về đêm, mà cô đã ra ngồi cạnh chàng bên đống
lửa.
Và chàng đã kể cho cô tiểu thư
bé bỏng nghe câu chuyện tình yêu của các vì sao – như Việt Nam ta cũng có câu
chuyện tình yêu của ai nhỉ…
“Của Ngưu Lang và Chức Nữ ạ…”
Đúng rồi, của Ngưu Lang và Chức
Nữ, hai người một năm mới gặp nhau một lần và khóc cả tháng Bảy âm lịch mưa
ngâu. Bác phải nói với các bạn một điều rằng, trong tất cả những câu chuyện
tình yêu từ tuổi học trò, qua thời tuổi trẻ, hầu hết, hoặc nói cách khác là rất
ít câu chuyện dẫn đến hôn nhân. Nhưng nếu thời tuổi trẻ người ta biết giữ gìn,
trân trọng, bảo vệ sự trong sáng, thì sau này, qua hàng chục năm, người ta nhớ
lại vẫn trân trọng được những điều tốt đẹp ấy và vẫn còn muốn gặp lại nhau, chẳng
phải để yêu đương gì nhau đâu, mà để nhớ lại “đã có một thời như thế, đẹp đẽ lắm,
và trong sáng cao cả lắm.” Còn nếu thời trẻ mà làm đen tối những quan hệ đó đi
thì sau này chẳng muốn nhớ lại, chẳng muốn gặp lại nhau đâu.
Chàng chăn cừu đã để cho “phần
người” bên trong mình thắng thế - vì anh cảm nhận được sự quý giá của món quà
anh được tặng. Anh thừa sức dùng sức mạnh của mình để chiếm đoạt cô gái, nhưng
anh không làm – vì nếu anh làm thế thì làm gì có câu chuyện hay như thế này cho
chúng ta đọc?
Bác nói với hai bạn gái, rằng
mẹ các bạn chắc hẳn cũng phải lo lắng rất nhiều, và sẽ phải dặn dò các bạn rất
nhiều để gìn giữ sự trong sáng trong những quan hệ tình yêu suốt thời tuổi trẻ.
Vừa tuần trước đi họp phụ huynh cho Nhi Bá, bố một bạn gái và cũng là bạn của
bác đã phát biểu, khi vấn đề được đặt ra là nhiều gia đình không dám cho các bạn
đi chơi cùng lớp qua đêm: “Nhà tôi có con gái tôi phải giữ!”
Điều đó đúng, nhưng chưa đủ.
Bác có con trai lớn, bác cũng muốn dặn bạn ấy rằng, sự trong sáng, thánh thiện
của tình yêu còn phải thuộc về trách nhiệm bảo vệ của các bạn trai nữa. Các
cháu thử tưởng tượng xem, nếu cứ một bên chị em thì phòng thủ, còn mấy anh
chàng của chúng ta thì cứ nhăm nhăm tấn công, phòng thủ mãi được không?
Điều quan trọng là phải biết bảo
vệ sự trong sáng và thánh thiện đó cho tương lai, cho những gì tốt đẹp mà sau
này, sau vài chục năm các con, các cháu sẽ sống với nó. Còn nếu giờ phút này,
thỏa mãn sự sung sướng chốc lát của thân xác, để “phần con” bên trong thắng thế
“phần người” thì sau vài chục năm nữa, sẽ hối tiếc…
Chỉ khi có tuổi rồi, người ta
mới hiểu có rất nhiều điều đáng quý mà tuổi trẻ không nhận ra, và không biết
gìn giữ…
Chàng chăn cừu chỉ cho cô tiểu
thư một ngôi sao mà anh cho là đẹp nhất – ngôi sao của những người chăn cừu: Sao
Mục đồng. Anh cảm ơn số phận đã trao cho anh món quà quý giá nhất mà chính anh
cũng không ngờ tới, đó là một ngôi sao đã sà xuống, đậu xuống bờ vai khỏe mạnh
của anh, dù thực ra đó chỉ là một cái tựa đầu của cô gái đã mệt, ngủ thiếp đi.
Nhưng cô gái đã đặt lòng tin của mình đúng chỗ, đặt vào tâm hồn của một chàng
trai vững chãi và đầy phẩm giá.
Thế các con nhé, hãy bảo vệ,
gìn giữ phẩm giá của mình, để đến khi chúng ta chào mọi người để ra đi mãi mãi,
mọi người có thể nói về chúng ta, rằng chúng ta đã sống một cuộc đời cao đẹp. Nếu
như mỗi người chúng ta được ví với một vì sao, thì hãy làm thế nào để mình luôn
luôn là ngôi sao sáng, chứ đừng lu mờ.
Còn với bác, những cặp mắt của
các con cũng sẽ là những vì sao nhấp nhánh, nhấp nhánh… sẽ sáng mãi nếu người lớn
biết cách dẫn đường cho chúng.
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment