Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, June 26, 2017

Nhất quỷ nhì ma

“Các con bây giờ ít có điều kiện chơi nhong nhong ngoài đường, và cũng ít nghịch ngợm những trò phá phách như thời của ba ngày xưa… nhưng có những khía cạnh thì thời nào cũng vậy, chưa bao giờ thay đổi.” Mình nói khi hai ba con đang đứng ở vỉa hè, chờ đón ô tô đưa em bé Bá Ba Nhi Bôn về thì nhìn thấy hai nhóm học sinh trung học cơ sở (cấp hai) chỉ khoảng hơn Bôn Ba Nhi Bá một hai lớp là cùng thôi.

“Nhóm” thứ nhất là hai cô bé, đi cái xe máy điện lao thẳng vào đường ngược chiều để sang đường bên kia, trông thái độ rất sành sỏi một cách cố tình – ra vẻ ta đây người lớn, “sành điệu” với điệu bộ lượn lách. Hai cô bé ơi ới cái mồm, gọi một nhóm thứ hai gồm 5 chú bé, chắc học cùng lớp – đang đi bộ ở bên đường bên kia. Nghe bạn gọi, các chú ngay lập tức phóng qua đường, trèo qua dải phân cách cứng bằng bê-tông, và lao sang hè bên này – trong khi chính chỗ các chú bé trèo qua chỉ cách lối sang đường khoảng hơn một chục mét.

Cả hai nhóm đều mặc áo trắng đồng phục của trường THCS gần đó.

Chờ nhóm các chú bé đi qua trước mặt, mình gọi lại hỏi.

“Tại sao có chỗ sang đường, mà các cháu lại trèo qua?”

Chú bé trông có vẻ “đại ca” nhất trong hội, thái độ lấc cấc, câng câng trả lời:

“Đâu, cháu có trèo qua đâu!”

“Chính mắt bác nhìn thấy, các cháu trèo qua ngay trước mặt bác mà, tại sao cháu lại cãi như thế!”

Nghe chừng có vẻ ái ngại, một chú khác nhỏ người hơn, nhưng lại có vẻ chững chạc hơn xen vào:

“Vâng, chúng cháu sai rồi ạ. Chúng cháu xin lỗi bác.”

“Các cháu không có lỗi với bác, mà các cháu có lỗi với bố mẹ ở nhà. Nhỡ nhảy xuống đường gặp tai nạn, bố mẹ các cháu mới là người khổ.”

Các chú bé bỏ đi, vẻ không vui – không khéo đang nghĩ rằng có lão hâm làm hỏng cuộc đi chơi vui vẻ của họ.

“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò…” mình nói nhỏ, thực sự trong lòng cũng thấy buồn buồn.

“Là sao hả ba?” – chứng kiến từ đầu, Nhi Bá bây giờ mới lên tiếng.

“Là quỷ, nghịch nhất, ma nghịch thứ hai, thứ ba là học trò. Nhưng quỷ và ma thì có ai thấy đâu, thành ra học trò là nghịch nhất.” Mình trả lời.

“Ngày xưa ba có nghịch không?”

“Ba nghịch vừa vừa thôi. Ba chăm đọc sách, đặc biệt là những sách về khoa học, như “Vật lý vui” rồi ba làm các thí nghiệm. Ba cũng nghịch cả thuốc pháo, làm mìn, rồi đủ các trò… nhưng những trò nghịch dại, không có tí thông minh nào trong đó thì hầu như không chơi. Con biết không, nghịch kiểu học trò có nhiều kiểu nghịch lắm – nhẹ như trêu chọc bạn bè, đem tên ông tên bà, tên bố tên mẹ nhau ra giễu… đến đặt biệt hiệu cho nhau nữa. Chẳng hạn, thời ba bằng con, có một chú học cùng tên là Lã M Kh. Các bạn của ba đặt biệt hiệu cho chú ấy là… Lã Con.”

“Tại sao lại là Lã Con ạ?”

“Vì các chú ấy gọi bố chú Kh. là… Lã Bố. Lã Bố, hay Lã Phụng Tiên là một nhân vật trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Bố chú Kh. đã là Lã Bố, thì chú Kh. đương nhiên là… Lã Con rồi.”

Nhi Bá không nhịn được cười, cười hi hí khoái trá.

“Nghịch thì có nhiều kiểu nghịch – con bây giờ giống ba ngày trước, ít nghịch ngợm. Nhưng tuổi học trò còn có nhiều cái dại dột, như kiểu thích thể hiện như các anh chị vừa nãy. Điều ba thấy khá buồn, và muốn nói với con là: không những đã làm điều dại dột, nhưng thái độ của mấy anh chàng khá trắng trợn, trâng tráo chối bay chối biến, kể cả việc rõ mười mươi. Đó là thái độ thiếu giáo dục, vô trách nhiệm và thiếu cả lòng tự trọng nữa con ạ. Mình làm thì mình dám chịu trách nhiệm, quan trọng là bản thân biết, chứ đâu có phải lúc nào cũng phải cần chứng cứ, bắt tận tay, day tận trán đâu con…”

Chiếc xe buýt của trường em bé Bá Ba Nhi Bôn đã về…


Có lần đi đường, khi tất cả dừng đèn đỏ thì một thanh niên ăn diện, đi xe máy to đẹp, liều lĩnh lao qua làm cho một chị chiều kia đang lưu thông bình thường theo đèn xanh, vì luống cuống mà ngã xe, nhẹ thôi.

Mình cố bắt kịp cậu ta, đi song song và nói: “Anh nhờ em một chút!” để cậu ta đi chậm lại. Hai người đi nói chuyện mấy câu, như hai người bạn.

“Em vượt đèn đỏ, làm một chị bị ngã đấy!”

“Đâu đâu, vượt ở đâu, bao giờ…???” Cậu ta trừng mắt, sừng sộ.

“Em nói thế làm gì, bao nhiêu người chứng kiến em vượt, chứng kiến chị kia ngã xe, nhưng nhẹ và đi tiếp rồi. Là anh nói nhắc em vậy để em có thái độ trách nhiệm hơn với xã hội, chứ đâu có định đuổi theo bắt đền em đâu…” Mình thực sự buồn khi phải nói với cậu ta như vậy. Chắc là cảm nhận được suy nghĩ đó của mình, cậu ta đổi thái độ:

“Em xin lỗi anh…”

“Em đâu có làm gì anh mà xin lỗi anh chứ… Thôi đi nhé.”

Chuyện vượt đèn đỏ có thể làm chúng ta buồn một, nhưng thái độ trâng tráo, phủi trách nhiệm một cách trắng trợn có thể làm cho chúng ta buồn mười. Đến bây giờ chúng ta mới hiểu, rằng những cái “nhân” của nền giáo dục đầy khiếm khuyết mấy chục năm, đã đến ngày trổ “quả.” Tiếc là rất rất nhiều thanh niên như vậy lại đang làm những ông bố, bà mẹ của ngày hôm nay, và họ lại dạy con y hệt như vậy: tranh cạnh, và sẵn sàng phủi trách nhiệm.

Cứ như vậy thì làm sao đất nước chúng ta hóa rồng, hóa hổ được đây?


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment