Mấy năm nay, các công ty,
trung tâm hoạt động tập trung vào tổ chức các hoạt động bổ sung kỹ năng sống
cho trẻ em, học sinh… mọc lên như nấm sau mưa. Nói nhiều là nói vậy thôi, chứ
chắc chắn cũng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu đang cực lớn của xã hội ta nói
chung.
Về số lượng thì rất nhiều như
thế – nhưng về chất lượng thì cũng đủ loại và có lẽ đối với phụ huynh thì, chẳng
biết đằng nào mà lần, chính vì vậy mà cũng gây khó cho các bậc làm cha mẹ mong
muốn bổ sung cho con cái mình những gì khiếm khuyết mà nhà trường chưa làm được.
Đó là câu chuyện của nhu cầu bổ
sung “kỹ năng sống” – tuy nhiên “kỹ năng sống” như thế nào, gồm những gì… thì
không phải ai cũng chú ý tìm hiểu. Từ trước đến nay, chúng ta đã bàn nhiều về
chuyện một bộ phận không nhỏ các bậc cha mẹ, chỉ chú tâm đến việc nhồi nhét cho
con học thật nhiều, với thành tích, học bạ xuất sắc mà không để ý rằng đang
nuôi dạy những con “gà công nghiệp” thì nay đã lại xuất hiện chiều hướng ngược
lại.
Tôi để ý thấy có những bậc phụ
huynh – không chỉ các mẹ mà nhiều các bố, từ việc chạy hết trung tâm này đến
công ty khác cho con theo các chương trình kỹ năng sống đến việc say mê tự tìm
kiếm từ nguồn… “giáo sư Gu-gờ” để áp dụng cho con. Cảm giác rằng, các cháu
tương lai sẽ trở thành một thực thể rất khó tả: vừa là Mozart, vừa là Levitan,
tiềm tàng năng lực của Steve Jobs kiêm MC Phan Anh nhưng lại vẫn có những tố chất
của Christiano Ronaldo.
Đóng góp phần không nhỏ vào
mong muốn mãnh liệt đó, là mạng xã hội. Cứ mỗi một giải thưởng, post lên với tình
cảm thiết tha “Mong đợi bấy lâu của cha mẹ, cố lên con nhé, niềm hi vọng của cả
nhà” là những bình luận xuýt xoa: “Con mẹ A bố B có khác, đúng là thiên tài!”
“Đẻ con thế mới sướng chị ơi…”
Có khi chính các cháu chẳng cần
những cái đó, mà là bố mẹ cần những lời xưng tụng ảo – còn các nhân vật chính
thì lại đang rơi vào một mớ hỗn độn, không rõ con đường của mình sau này sẽ như
thế nào. Thực tế, trên thế giới vẫn có những tài năng đặc biệt, như Tổng thống
Nga Putin vừa là chiến sĩ tình báo tài ba, vừa là tổng thống cứng rắn và đầy
quyền lực, nhưng lại có đai đen Judo và hoàn toàn có thể cầm lái được máy bay
chiến đấu. Mới đây xuất hiện trên mạng một video ông chơi piano, mà có lẽ người
am hiểu sẽ biết mức của ông chỉ là “đồ rê mi” thôi, nhưng thế lại là việc hết sức
bình thường – nếu ông chơi như Đặng Thái Sơn mới là bất bình thường.
Học để thưởng thức âm nhạc
khác với học để trở thành Đặng Thái Sơn – nhưng bố mẹ thuộc về thế hệ thiệt
thòi, nên muốn con mình có đủ những thứ mình sẽ không bao giờ có được. Tiếc là
các cháu chỉ có mười mấy năm với gia đình thôi, mà trong thời gian 24 giờ một
ngày thì các cháu còn phải học hành, ăn ngủ và… đi chơi, giao du bè bạn.
Đến đây, chúng ta cần bàn đến
một góc độ: liệu các vị cha mẹ, đã hiểu thế nào là “kỹ năng sống” chưa? Rất nhiều
người đặt ra được câu hỏi, rằng “tại sao con nhà Tây họ học ít hơn con nhà ta,
mà đến khi làm việc chúng nó giỏi hơn?” và tìm được câu trả lời ở… thiếu “kỹ
năng sống.” Nhưng cụ thể “kỹ năng sống” như thế nào, thì còn nhiều điều phải
bàn.
Không phải là người có chuyên
môn về giáo dục, tôi cũng không thể đưa ra một câu trả lời theo cách hệ thống
hóa khoa học, nhưng từ góc độ cá nhân tôi hiểu và xin hình dung thế này:
Thứ nhất, trong “kỹ năng sống”
có các kỹ năng về sinh tồn. Hiện nay các phụ huynh đã ý thức được rất rõ về sự
cần thiết của đào tạo kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống sót, và không chỉ các con,
mà còn cả các cha mẹ chúng còn đang rất thiếu. Từ việc học bơi đến thoát hiểm
khỏi các tòa nhà đang cháy… đến thế kỷ 21 chúng ta mới bắt đầu được học và hoàn
toàn bỡ ngỡ. Đó là chưa kể, đất nước chúng ta nằm trong khu vực có thể bị ảnh
hưởng bởi các thiên tai nặng nề như bão, sóng thần, động đất… Tất cả những nguy
cơ đó chưa thực sự được đánh giá đúng đắn.
Thứ hai, kỹ năng sống phải dạy
cho các con có khả năng biết cách đặt vấn đề, đánh giá vấn đề, xử lý và kết
thúc nó. Chúng ta nhận thấy giáo dục các nước tiên tiến, đề cao phát triển cá
nhân – đồng thời đào tạo ra những cá nhân có tư duy sáng tạo. Nhưng khi đặt
chính những cá nhân được đề cao đó với nhau thì bất ngờ, chính họ lại cho thấy
khả năng làm việc nhóm, phối hợp với nhau rất tốt. Trong khi đó chúng ta không
làm được vậy vì cả hai khía cạnh đều yếu, cả sáng tạo cá nhân lẫn tinh thần tập
thể. Do đó trẻ em của chúng ta khả năng xử lý vấn đề kém hơn hẳn.
Đó là câu chuyện của việc dạy
phương pháp tư duy sáng tạo và kỹ năng làm việc nhóm – khi mà nhà trường Việt
Nam không làm được thì chắc chắn chúng ta phải bổ sung cho các con bằng các
chương trình đào tạo kỹ năng sống. Về khía cạnh này, ở Việt Nam chúng ta hiện
nay đang thịnh hành các hoạt động bổ sung kiến thức mà nhà trường chắc chắn còn
lâu mới dạy được, như lịch sử, địa lý, các môn khoa học như vật lý thiên văn…
Nhưng đồng thời lại có xu hướng, hoặc bố mẹ “cuồng” mà bắt con tham gia hết cái
này đến cái khác, hoặc bố mẹ không biết cách hướng dẫn con hướng vào chỉ một
vài đam mê mà con thực sự có khả năng, để sau này đam mê phát triển thành sự
nghiệp. Chạy theo hết cái này đến cái khác, có khi lại chẳng đạt được cái gì cả.
Thứ ba, đó là các kỹ năng xã hội
– hay khả năng hòa nhập, hòa đồng vào xã hội. Hiện nay, do ý thức được về một
xã hội có quá nhiều các mối nguy, đe dọa nên các gia đình lại “co về, thủ thế”,
trang bị cho con cái đủ các phương tiện để chúng tránh xa các nguy cơ, thực tế
là bủa vây chúng bằng đủ các rào cản. Thực ra chúng ta quên rằng, việc ăn ở vệ
sinh đương nhiên là cần thiết, nhưng uống vắc-xin phòng bệnh cũng cần thiết
không kém. Con cái chúng ta phải được hòa đồng với xã hội – trong xã hội có
không biết bao nhiêu người đủ mọi sắc thái, và đều có những điều hay nên học,
có những điều khiếm khuyết nên tránh. Chỉ có đưa chúng hòa nhập xã hội, thì mới
có thể dạy chúng tránh được những hiểm họa ngày ngày rình rập. “Nuôi nhốt,” chúng
ta sẽ cho ra những con người dễ bị nhiễm bệnh.
Có một cách sai lầm khác, là dạy
con rằng ngoài xã hội đầy những kẻ thù, và trẻ con của chúng ta cứ hằm hằm đề
phòng – đây cũng là một cách giáo dục đẩy con vào vòng nguy hiểm và tai họa.
Khi chúng (con của chúng ta) nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, thì kẻ thù cũng sẽ dễ
dàng tìm thấy chúng.
Trên thực tế, tất cả những cái
gọi là giáo dục “kỹ năng sống” đó, nếu chú ý chúng ta sẽ tìm thấy chúng có mặt
xung quanh mà không phải đi tìm đâu xa – như hầu hết các kỹ năng để phục vụ cuộc
sống hàng ngày của trẻ, có thể đạt được thông qua lao động. Lại cũng không nhất
thiết phải kiếm được một việc làm thêm trong hè – có phải chỗ làm nào cũng dám
sử dụng lao động trẻ em đâu, và thực ra việc đó trong thời đại của mạng xã hội,
nó rất dễ đi đến chỗ chỉ mang tính hình thức thuần túy, chỉ để bố mẹ khoe. Gì
chứ ở trong gia đình thôi, việc làm không có thiếu, chẳng nên đi làm thêm kiếm
tiền trong khi ở nhà không rửa được cái bát, không cầm được cái chổi quét nhà.
Không hướng dẫn con lao động, chúng ta bỏ lỡ một cơ hội rất lớn trong rèn “kỹ
năng sống” trong khi bỏ tiền ra trả cho những thứ chất lượng chưa đảm bảo.
Đồng thời nhiều khi, chúng ta
nhầm lẫn một điều rất quan trọng với kỹ năng sống: “Hè này em cho cháu học bơi,
vừa là học sống sót, vừa cho khỏe người…” và học bơi xong thì có khi cháu bỏ
luôn, chẳng có thêm một hoạt động thể chất nào hết. Hoạt động thể chất, để có sức
khỏe, đó là việc cần làm thường xuyên, xuyên suốt trong cả thời kỳ con cái được
cha mẹ chăm sóc. Có thể chúng chán, chưa ham… thì bố mẹ cần động viên, và chính
mình cũng nên làm gương cho chúng. Cũng có thể chúng sẽ không trở thành
Christiano Ronaldo, nhưng sức khỏe là thứ sẽ theo chúng suốt cả cuộc đời, và nếu
không có sức khỏe thì cũng chẳng làm việc gì được, nữa là sáng tạo với trở
thành thiên tài. Người như Stephen Hawking ngồi trên xe lăn mà vẫn sáng tạo hiếm
lắm, con chúng ta còn phải nghĩ đến việc, con cái chúng ta có thể chỉ là một
người công nhân bình thường đã…
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
No comments:
Post a Comment