Cuối tháng 11/2015, chỉ sau
khi chiến dịch không kích của Nga được tiến hành ở Syria khoảng 2 tháng, diễn
ra một sự kiện rất đáng chú ý: một chiếc F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ
máy bay cường kích SU-24 của Nga. Tổng thống Nga V.Putin đã gọi hành động này của
Thổ Nhĩ Kỳ là “đâm dao đằng sau lưng” – vào thời điểm đó chiến dịch của Nga vẫn
đang là “chống khủng bố,” với mục tiêu chính là Nhà nước Hồi giáo tự xưng
(ISIS.)
Lúc đó người ta đã đặt ngay
câu hỏi, rằng tại sao Thổ Nhĩ Kỳ là nước thành viên NATO, cũng là liên minh
quân sự đang dẫn đầu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, hơn nữa lại là
nước có quan hệ khăng khít với Nga, đặc biệt là về kinh tế, mà lại có hành động
khó hiểu như vậy. Sau những phân tích thông tin vụ việc, người ta còn cho rằng
đây là hành động có chủ đích, được chuẩn bị từ trước. Giới quan tâm, kể cả những
người Việt Nam vẫn thường dành nhiều tình cảm cho nước Nga và Putin, cũng khó
kiềm chế được tình cảm của mình, đồng ý với khái niệm “nhát dao đâm sau lưng”
và nhanh chóng coi Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù đáng ghét của hòa bình.
Nhưng câu chuyện không hẳn như
vậy – là do Thổ Nhĩ Kỳ bực dọc vì nhận thấy rằng ngoài tấn công ISIS, Nga “còn” không kích cả những
nhóm quân nổi dậy đối lập với Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, trong
đó có phiến quân người Kurd thân Thổ Nhĩ Kỳ, mà “khu vực cát cứ” của họ ở vùng
biên giới chung Syria – Thổ.
Một câu chuyện khác cũng tương
tự – đó là chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ và một số nước thành viên NATO khác
như Anh, Pháp đang tiến hành ở khu vực này – ngoài chống IS trên lãnh thổ Iraq
và Syria, nhưng cũng lại ngầm hỗ trợ các lực lượng đối lập và nếu cần, tấn công
vào lực lượng thân Chính phủ al-Assad. Những cuộc tấn công của Hoa Kỳ đã được
tiến hành trước Nga cả năm, và ngày càng gia tăng cả về số lượng vụ lẫn lượng
bom đạn.
Song hành với tất cả các chiến
dịch này của các thế lực quân sự lớn trên thế giới, là cáo buộc của các tổ chức
vì nhân quyền, liên tục đưa ra những thông tin thiệt hại nhân mạng của dân thường,
gần như ngay sau mỗi vụ không kích – không bên nào là không bị báo cáo.
Đất nước Syria bị chia năm xẻ
bảy trong cuộc nội chiến đến nay đã bước sang năm thứ bảy (tính từ tháng
3/2011) và bản đồ thể hiện chiến sự luôn luôn thay đổi, giành đi giật lại từng
tỉnh, từng khu vực… lúc thì tây nam, lúc thì đông đất nước Syria trở thành mục
tiêu chính của các lực lượng tham chiến.
Cùng với đà gia tăng của các
cuộc không kích, đến đầu năm 2017 giới phân tích bình luận nhận xét, ISIS đã bắt
đầu yếu đi, để lại cơ hội cho các lực lượng đối lập, nhất là quân Chính phủ của
Tổng thống al-Assad. Tuy nhiên, mặc dù có sự hỗ trợ hữu hiệu của quân Nga cả từ
trên không lẫn trên mặt đất, lực lượng của Chính phủ al-Assad cũng không đủ tiềm
lực để đi đến thắng lợi cuối cùng – cứ giành được khu vực này thì lại mất đi
khu vực khác.
Đầu tháng 4/2017, ngay sau khi
ngồi vào ghế Tổng thống Hoa Kỳ được ít lâu, ông Donald Trump đã ra lệnh bắn tên
lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự của Syria vì lý do quân đội Chính phủ al-Assad
sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân thường. Gạt qua một bên những tranh cãi về
năng lực phòng không của “liên quân” Nga – Syria, hay thiệt hại thực của vụ
không kích, chúng ta thấy trước mắt đây là một thông điệp rõ ràng của Hoa Kỳ:
chưa biết cuộc nội chiến Syria sẽ kết thúc ra sao, cũng chưa thể nói cuộc chiến
chống khủng bố, đại diện là ISIS sẽ như thế nào – nhưng chắc chắn Hoa Kỳ vẫn giữ
nguyên cái nhìn lâu nay về Bashar al-Assad, về những cáo buộc của Phương Tây đối
với vị Tổng thống này.
Điển hình gần đây nhất là vào
ngày 18/5/2017, Hoa Kỳ tấn công tiêu diệt một đoàn xe quân sự của lực lượng đồng
minh với quân Chính phủ al-Assad, khi đoàn xe này phớt lờ các cảnh báo của liên
quân Anh – Mỹ, cố tiến về phía một căn cứ dã chiến của Anh – Mỹ được thiết lập ở
al-Tanf gần biên giới Syria – Jordanie.
Sự kiện này làm chúng ta nhớ đến
vụ không kích ngày 7/12/2015 của Liên quân vào một vị trí của Quân đội Chính phủ
Bashar al-Assad gây nên nhiều tranh cãi.
Đánh giá về những sự kiện kiểu
này, giới bình luận quốc tế ngắn gọn một câu: “Cuộc chơi vẫn tiếp tục.” Điều đó
cũng có nghĩa, nội chiến Syria và cuộc chiến chống khủng bố bằng phương pháp
chiến tranh, còn kéo dài không biết đến bao giờ dừng.
Gần như trong cùng một khoảng
thời gian, diễn ra vụ tấn công khủng bố ở Manchester nước Anh (tối 22/5) và mới
đây nhất là vụ tấn công ở Cầu London (3/6.) Cả hai cuộc tấn công đều mang màu sắc
của sự hận thù chất chứa, được thực hiện bởi những người vừa là nạn nhân của những
sự hỗn loạn từ các quốc gia Hồi giáo.
Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng
bố được Hoa Kỳ tiến hành từ sau vụ tấn công 11/9 đã thay đổi qua nhiều giai đoạn
– có theo kiểu chiến tranh truyền thống kết hợp không kích và tình báo, như cuộc
chiến chống Taliban ở Afghanistan, có theo kiểu phân tích tình báo để tiến hành
tập kích bằng lực lượng đặc nhiệm dùng “trực thăng vận” như vụ tấn công tiêu diệt
Osama Bin Laden (2011) và gần đây là chiến tranh chống lại một… quốc gia khủng
bố, là Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS.
Cuộc chiến sẽ không thể dừng lại,
hay nói chính xác, sẽ không có điểm kết thúc – vì chủ nghĩa khủng bố đặc thù là
các cuộc tấn công đơn lẻ nhằm vào những người thường dân vô tội. Như người Việt
Nam có câu, không thể “dùng dao mổ trâu để giết con chim sẻ” – rõ ràng là từ
năm 2001 đến nay nạn khủng bố chẳng hề bị tiêu diệt, mà còn diễn ra mỗi ngày một
ác liệt, đẫm máu hơn.
Nguồn gốc của chủ nghĩa khủng
bố là lòng hận thù của chủ nghĩa cực đoan và nghèo đói – mà lòng hận thù lại bị
hướng về hố sâu ngăn cách giàu nghèo, từ những người nghèo lại bị nhiễm tư tưởng
của một số Tôn giáo cực đoan, họ căm thù và coi chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân
của sự bất công trong xã hội. Các cuộc xung đột sắc tộc, chiến tranh, hỗn loạn
xã hội đã hoàn tất quá trình, đẩy rất nhiều con người đáng thương vào vòng tay
mở rộng sẵn sàng chờ đón của chủ nghĩa khủng bố.
Tháng 11/2015, xảy ra vụ tấn
công Paris. Nước Mỹ cũng không ngoại lệ, thường xuyên là mục tiêu bị đe dọa của
các cuộc tấn công khủng bố. Những nước nghèo hơn như Philippines hay Indonesia
vì có hiện diện của yếu tố Hồi giáo cực đoan, cũng có thể là mục tiêu tấn công
nhưng với tần suất ít hơn nhiều.
Bằng những tuyên bố, cũng như
can dự của mình bằng quân sự vào nội chiến Syria, nước Nga cũng tự đặt mình vào
“giai đoạn mới của khủng bố chống thế giới văn minh” – mà vốn dĩ nước này cũng
đã có những “câu chuyện đẫm máu” trong quá khứ mà thủ phạm của chúng đều bị quy
cho khủng bố…
Chiến tranh, nội chiến, loạn lạc…
càng kéo dài, dòng người tị nạn đổ sang các nước phương Tây càng đông đảo, và
nguy cơ của khủng bố sẽ lại càng tăng cao. Con đường chông gai của nhân loại đi
tìm sự bình yên, do đó không có điểm kết thúc, mà nếu cứ tiếp tục như thế này
thì con đường đó sẽ kéo dài vô tận.
Cũng như vậy, con đường tìm lối
thoát cho sự nghiệp diệt trừ chủ nghĩa khủng bố của loài người, không biết đến
bao giờ mới thấy được “ánh sáng cuối đường hầm.”
Bài trên “Sức khỏe và Đời sống”
tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment