Những người thợ mỏ |
Một. Bộ Lego 400 quan Thụy Sỹ.
Tình cờ thế nào, một người bạn
gửi cho đường link bài viết của một cô đưa hai con trai sang định cư ở Thụy Sỹ.
Câu chuyện cô kể lại về xung đột giữa hai mẹ con có nguyên nhân một bộ Lego…
Dẫn con vào siêu thị, biết
ngay thể nào nó cũng đòi bộ Lego đó, và nó đòi thật. Bộ Lego to và đẹp, nhưng
“giá” cũng đẹp luôn – 400 quan Thụy Sỹ, “quy ra thóc,” à ra “đồng Việt Nam” khoảng
9 triệu 350 nghìn. Ái chà chà… Và đương nhiên cô ấy không đồng ý, còn con cô ấy
thì phản ứng khá là căng.
“Con biết ngay mà, mẹ lúc nào
cũng chỉ nghĩ đến tiền thôi!”
Thật may, cô ấy cuối cùng cũng
nghĩ ra phương án giải quyết vấn đề với con trai.
“Con cứ thử nghĩ xem con có biết,
để có được 400 franc ấy mẹ phải đi giúp việc bao nhiêu buổi không, và nếu gửi về
giúp cho bà nó sẽ có ích như thế nào… Nếu con có thể tìm được lý do nào đó để
không đồng ý với những điều đó thì mẹ sẽ mua cho con ngay lập tức.”
Cậu con trai đã xúc động trước
cách đặt vấn đề của mẹ và mâu thuẫn giữa hai mẹ con được giải quyết.
Chỉ tiếc rằng câu chuyện đó được
post lên Facebook, đã bị ẩn đi nên mình không copy lại được, chỉ kể lại được
theo trí nhớ đại loại vậy thôi.
Nhưng băn khoăn thì vẫn cứ còn
mãi cho đến tận ngày hôm nay. Không biết có nên kể cho con trai nghe về câu
chuyện đó hay không – con mình cũng chỉ con hơn cô ấy một, hai tuổi thôi, và cuối
cùng thì mình cũng kể, đây là những gì diễn ra sau khi câu chuyện được kể xong.
“Tại sao bạn ấy lại làm như vậy
nhỉ? Kêu lên những điều đó với mẹ…”
“Ba không biết, chuyện của nhà
người khác chúng ta khó mà phán xét được. Có lần ba kể cho con nghe rồi, là từ
nhỏ ba chỉ sống với bà nội con, còn ông nội thì công tác ở rất xa, tất cả việc
nuôi dạy ba một mình bà nội con làm hết. Lương giáo viên nghèo không đủ sống,
bà đan len, thêu áo len… để kiếm thêm tiền. Ba thương bà nội lắm, nên không bao
giờ dám xin xỏ cái gì, ai cho cái gì biết cái ấy thôi. Mỗi lần được đi chơi dã
ngoại, bà nội con đều cho tiền mua quà, nhưng thường thì ba không tiêu, hoặc
không tiêu hết mang về trả lại cho bà nội con. Mà mua quà, ba cũng không mua
cho ba, mà ba mua cho… bà nội con thôi. Bây giờ ba nhận thấy điều đó cũng có ở
con, con đi chơi chỉ mua quà cho em bé của con, rồi trả lại tiền thừa cho người
lớn…”
Từ nhỏ, các con mình đã không
bao giờ đòi hỏi, vì chúng biết càng đòi hỏi, mè nheo vòi vĩnh, càng không được.
Nhưng ngược lại, chúng lại rất được chiều – ba mẹ chúng luôn luôn cố gắng nắm bắt
được “tâm tư nguyện vọng” của các con để tới dịp thì sẽ tặng các con món quà
đó. Lại phải “ngược lại” thêm lần nữa, qua rất, rất nhiều lần “va chạm” kiểu
“mưa dầm thấm lâu” cố gắng để cho các bạn nhỏ hiểu được giá trị của món quà
không nằm ở giá tiền, mà là sự quan tâm và yêu thương của cha mẹ dành cho
chúng. Ngay từ khi chúng còn rất bé, chúng đã có thể tự đặt được giới hạn cho bản
thân mình, rất thích những thứ đồ chơi “to, khủng” nhưng cũng hiểu rằng đó là
thứ không nên chọn.
Chúng tự tìm ra cách chơi,
ghép những bộ đồ chơi cũ lại thành những trò chơi mới là một trong những cách
“tự làm mới” của chúng.
“Đúng ba nhỉ, con cũng thích
những bộ nhiều tiền nhưng con không đòi…”
“Con cũng có lần bị ba mắng chỉ
vì một cốc kem rồi còn gì. Ba cho hai anh em đi ăn kem, nhưng con lại chọn một
cốc kem đắt bằng ba cốc kem của em – mà một cốc kem của em đã bằng một bát phở
rồi. Con còn đã biết có những bạn nghèo không bao giờ có thể mơ đến một cốc kem
đắt như thế, mà chỉ được ăn những cái kem rất chán, mà cũng năm thì mười họa mới
được ăn thôi.”
“Vâng con nhớ mà. Thế cái bạn
ba vừa kể, đòi bộ Lego đó đắt lắm ba nhỉ?”
“Đắt lắm, nhưng câu chuyện
không nằm ở chỗ đó. Câu chuyện nằm ở chỗ là những gì mà ông bà, ba mẹ cố gắng
xây dựng cho các con, đó là lối sống biết suy nghĩ, có tác dụng. Các con biết
giới hạn, các con không đòi hỏi, vòi vĩnh… mà biết tự cố gắng, phấn đấu… và ba
mẹ cũng không bao giờ quên rằng các con là trẻ con, cần có quà, có đồ chơi mới.
Các con không đòi hỏi, vòi vĩnh… thì giữa ba mẹ và các con cũng sẽ tránh được
xung đột. Cái cô trong câu chuyện ba kể đã xử lý xung đột rất tốt, nhưng như ở
nhà ta thì lại khác, tránh xung đột ngay từ đầu chứ không để nó xảy ra rồi mới
đi chữa cháy.”
Khoảng lặng giữa hai bài hát…
“Ba nghĩ rằng, kể cả ba có là
tỉ phú chăng nữa, cũng không bao giờ ba mua cho con những món đồ chơi như thế.
Tiền phải được dùng cho những việc có ích, và tiêu pha ngoài việc trong khả
năng của chúng ta, còn phải dựa trên tiêu chuẩn chung của những người xung
quanh nữa. Một món đồ chơi như thế, đủ nuôi một gia đình trong một tháng, con
thấy ghê gớm không? Tiêu pha quá nhiều những việc như thế, là phung phí, rất
không nên con ạ.”
Cứ suy nghĩ kiểu này, hèn nào
mình chẳng bao giờ giàu được, nghèo mãi vẫn hoàn nghèo…
Hai. Một ngày công lao động
giá trị bao nhiêu?
Cuối năm sát Tết, nhà bận ơi
là bận vì lôi ra sửa chữa, nhẽ ra công trình xong sớm nhưng do không đủ thợ
làm, bị chậm tiến độ. Cả nhà phải xông vào làm – ông bà, ba mẹ… không nề hà. Ba
của Nhi Bá, Nhi Bôn cũng lắp điện, thi công hệ thống cấp nước cùng chú thợ “cứ
như ai!” Còn một việc nữa là đánh gỉ, sơn lại cái hàng rào sắt đã cũ.
Mình lấy cái máy mài cầm tay
ra, lắp vào đó một cái chổi đánh gỉ và gọi Nhi Bá.
“Con đã thi xong rồi, được nghỉ
học kỳ mấy ngày thì có thể tham gia lao động cùng cả nhà. Việc này đơn giản
thôi: con dùng máy, đánh sạch gỉ sắt trên cái hàng rào đi, rồi dùng sơn chống gỉ
sơn vào. Khi nào sơn khô ta sẽ sơn màu, thế là xong. Việc này nhẽ ra các chú thợ
sẽ làm, nhưng các chú vội quá, thì ta sẽ tự làm. Ba sẽ hướng dẫn con các quy tắc
về an toàn lao động.”
Thế là một ngày làm “giai cấp
công nhân” của Bôn Ba Nhi Bá bắt đầu. Cậu ta mặc bộ quần áo bảo hộ lao động cũ
của ba cậu ta – lớn nhanh thế, sắp vừa rồi, chỉ còn dài rộng chút thôi, đội mũ,
đeo kính, đeo găng và bịt mặt cẩn thận.
“Xoẹt, xoẹt…” chiếc chổi đánh
gỉ cọ vào hàng rào sắt, làm tóe ra những cái chổi lửa sáng chói. Thỉnh thoảng,
nó nảy lên, có lần nó còn cọ vào tay Nhi Bá một cái nhưng do có áo bảo hộ và
găng tay, nên chưa có vấn đề gì quá nghiêm trọng xảy ra.
Thỉnh thoảng, xuống hỏi thăm cậu
ta, thay ca cho con trai một lúc. Như một bác công nhân thứ thiệt, Nhi Bá ngồi
xuống hòn gạch cũ và ngắm nghía thành quả lao động, trong lúc ba cậu ta thì tiếp
tục “xoèn xoẹt, xoèn xoẹt…”
“Hồi ba bằng đúng tuổi con bây
giờ, một mình ba cạo gỉ và sơn lại cửa sổ của cả nhà đấy. Hồi đó không có máy,
ba phải dùng một con dao đặc biệt hình tam giác, có đầu nhọn để cạo bằng tay.
Sau đó ba cũng dùng sơn chống gỉ quét một lớp, và cuối cùng thì quét hai lớp
sơn màu. Buổi sáng ba đi học, chiều về học bài xong là kỳ cạch làm. Con bây giờ
đi học cả ngày, chẳng có điều kiện mà làm mấy nữa, chứ lao động như thế này vui
lắm.”
“Con dùng máy như này, có được
gọi là áp dụng công nghệ không ba?”
“Có, nhưng hơi hơi thôi, hì
hì. Bây giờ thì máy sẵn, nên việc sử dụng những máy cầm tay như thế này vẫn được
coi là thủ công, còn thời ba thì là thủ công hoàn toàn. Tuy nhiên những việc kiểu
này, tập làm và bắt tay vào làm vẫn là cần thiết con ạ.”
“Tại sao thế hả ba?”
“Hiện nay con ước mơ trở thành
nhà công nghệ phải không nào? Thứ nhất, việc sơn hàng rào từ thời ba đến thời
con, mới chỉ phát triển từ cạo gỉ bằng tay lên dùng máy thôi, bây giờ con làm một
giờ bằng ngày xưa ba làm cả ngày, nhưng sơn thì vẫn nên dùng tay, dùng sơn phun
không hiệu quả khi sơn những vật nhỏ như chấn song sắt, sơn sẽ bay lung tung.
Thứ hai, đây là việc con tập làm quen với máy móc, mà sau này một người thợ cơ
khí chắc chắn sẽ phải làm.”
“Nhưng con muốn làm nhà công
nghệ, phát minh chứ có phải làm thợ cơ khí đâu!”
“Nhà phát minh bao giờ cũng phải
có người thợ lành nghề đi theo hỗ trợ, biến ý tưởng của ông ấy thành hiện thực,
từ đó họ chạy thử, hoàn thiện thì mới cho ra được phát minh hoàn hảo chứ. Nếu
nhà phát minh, nhà công nghệ lại có đôi bàn tay khéo léo tự biến những ý tưởng
của mình thành hiện thực thì tuyệt vời nữa. Ông Lộc, cậu ruột của ba, ông trẻ của
con tuy không phải là nhà phát minh, nhưng là nhà công nghệ tuyệt vời, là một
người như vậy. Ngoài đầu óc cực kỳ thông minh, ông còn có đôi bàn tay hết sức
khéo léo của một thợ cơ khí. Ông làm ra những cỗ máy tuyệt vời con ạ. Trên thế
giới cũng có rất nhiều những nhà phát minh nhưng đồng thời lại là những người
thợ lành nghề, hoặc có rất nhiều người thợ lành nghề có đầu óc của nhà phát
minh.”
Lao động và rèn luyện thói
quen lao động, không bao giờ thừa, bao giờ cũng có ích.
Càng làm càng quen tay, Bôn Ba
Nhi Bá đánh gỉ xong cái hàng rào, rồi hì hục quét sơn, cậu ta làm từ trưa đến tận
tối mịt, phần còn lại sáng hôm sau ba cậu ta giải quyết nốt.
“Thế là con đã hoàn thành một
nửa ngày lao động, tính ngày công lao động tương đương với các chú thợ làm việc
đơn giản đang làm ở nhà mình, con được tính công 150 nghìn đồng. Ba mẹ sẽ cất
đi cho con, bao giờ con thích cái gì con có thể mua bằng tiền đó.”
Ngày 1/6, Nhi Bá ngoài quà tặng
của ba mẹ, còn muốn mua một thứ nữa mà cậu ra rất thích. Với số tiền dành dụm
được từ nhiều “nguồn” khác nhau, nhưng đều rất… chân chính, đặc biệt là số tiền
150 nghìn công đánh gỉ sơn hàng rào, Nhi Bá đã tự mua được món quà đầu tiên cho
mình.
“Như trong câu chuyện của mẹ
con cô trên đây, con sẽ tính ra được là con phải lao động hơn 30 ngày như thế –
hơn một tháng lương, mà rõ ràng là con thấy khá nặng nhọc và vất vả mới mua được
bộ Lego, cô ấy ở nước ngoài chắc công xá cao hơn, nhưng không đỡ vất vả hơn bao
nhiêu đâu. Con đã thấy giá trị của một ngày công như thế nào chưa – nó là những
vết xước của chổi đánh gỉ, là cả vết bầm tím khi con nhỡ tay để cái hàng rào nặng
nó đè vào cổ tay… Như thế con mới thấy giá trị của đồng tiền chân chính cha mẹ
kiếm được bằng lao động nó quý giá như thế nào. Kể cả bây giờ ba làm việc thông
qua việc nghiên cứu, trông có vẻ nhàn nhã như thế thôi, chứ thực ra vất vả lắm
đấy, lao động trí óc mệt không kém lao động chân tay đâu con.”
Nghỉ hè, con không nhất thiết
phải đi xin việc để “trải nghiệm” vì trong gia đình không thiếu gì việc để làm,
nhưng những việc bình thường chúng ta vẫn làm, như quét nhà, lau nhà, rửa bát…
là việc đương nhiên, chẳng ai đi đòi trả công cho những việc đó cả. Đó là những
việc phục vụ bản thân mình, mình rửa bát cho cả nhà thì lại có người khác giặt
quần áo cho mình… Con sẽ chỉ được trả công ở những việc, nhẽ ra phải thuê người
khác, nhưng con tự làm được, con sẽ xứng đáng với đồng tiền công đó…
Bài học đó con trai, hãy cầm lấy
dụng cụ đi, và học làm người thợ lành nghề đã rồi hãy nghĩ đến chuyện phát
minh, chúng ta sẽ không thể thành công nếu chúng ta không đi qua những bước nhỏ
nhặt nhất của con đường.
Và hãy cùng bắt tay làm ra những
việc có giá trị cho cuộc sống, lúc đó chúng ta mới có thể quý trọng được mọi sản
phẩm của con người xung quanh mình, nâng niu, trân trọng chúng, và chỉ khi ta
lao động ta mới có thể thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa.
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment